Wednesday, January 4, 2017

LỢN CẶP NÁCH

Tôi có đến Sapa mấy năm trước và đã ăn thử lợn cặp nách nướng. Lúc đó chỉ là ăn cho biết chứ con lơn cặp nách như thế nào thì hoàn toàn chưa biết cho đến khi lên bản người hướng dẫn chỉ mấy con lợn nhỏ xíu nói đó là lợn cặp nách thì tôi mới thấy nó giống như những con lợn rừng con.


Mấy xâu thịt nướng rất thơm, ăn thì thấy dai dai chứ không mền như heo thường mà tôi có cảm nhận là giống như món heo rừng ở Úc. Tôi nghĩ có thể là một loại heo "chai" vì đôi khi trong một lứa heo có một vài con nuôi hoài không lớn mà vẫn èo ọt thì gọi là "heo chai", nên làm thịt, thịt ít mỡ và dai dai. Dân nhậu thì chắc thích loại này nhất, nhất là heo rừng xào lăng để nhậu vì đó là một món rất bắt mồi.

Có một bài nói về món lợn cặp nách mời các bạn đọc. (LKH)


LỢN CẶP NÁCH

Một giống heo đặc sản ở Sapa, Lào Cai. Thịt rất ngon không có nhiều mở, gần giống như heo rừng nhưng thịt mềm và thơm. Bài viết sau đây sẽ giải thích:

“Lợn cắp nách” là gì?

Mấy năm gần đây, trong đời sống ngôn ngữ nói riêng và đời sống xã hội nói chung ở các tỉnh Tây Bắc, chúng ta thấy xuất hiện cụm từ cố định “lợn cắp nách”. Đây là cụm từ không có dị bản, đơn nghĩa và hoàn toàn theo nghĩa đen.




Tìm hiểu được biết “lợn cắp nách” là loại lợn mà trọng lượng thường trên dưới 1 yến, đồng bào các dân tộc vùng cao trong lúc mang lợn đi bán (có thể đựng trong rọ hoặc chỉ buộc chân), thường cắp vào nách. Đây là giống lợn dân thuần chủng, nuôi theo hình thức thả rông và tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thức ăn công nghiệp nào. Thậm chí, cá biệt có những con nuôi hàng năm trời nhưng do thả rông hoang dã nên trọng lượng vẫn chỉ đủ... cắp nách. Chính vì thế những con lợn này thịt chắc, thơm, nhiều nạc và đặc biệt an toàn về vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, tại nhiều nhà hàng và các chợ ở miền núi, những món ăn chế từ loại “lợn cắp nách” đang được nhiều thực khách tin dùng.




Người ta bảo cuộc sống sinh ra ngôn ngữ và trong trường hợp này, “bản quyền sáng tạo” thuộc về đại chúng, về dân gian. Trong vốn thành ngữ tiếng Việt, ta từng biết các câu “gà lọt giậu”, “chó sáu bát”... ; ý nói con gà to tầm chui lọt bờ giậu và con chó thịt đựng vừa đủ sáu bát, lúc ấy thịt ăn ngon nhất. Cụm từ “lợn cắp nách” mặc nhiên trở thành thành ngữ với tất cả những dấu hiệu nhận biết đặc trưng, gồm ba thanh trắc (như “chó sáu bát”), đứng độc lập, biểu thị một nội dung cụ thể và hoàn chỉnh.




Theo: Báo Điện Biên Phủ