Trong Phật giáo, quan niệm “tướng do tâm sinh” là muốn mọi người hiểu rằng “vật trông thấy chưa thật là vật” (khả kiến chi vật, thực vi phi vật – 可见之物,实为非物), “vạn sự hư vô tồn tại do tâm chướng, tâm người phàm tục toàn là giam ngục” (vạn sự giai không, thực vi tâm chướng; tục nhân chi tâm, xử xử giai ngục -物事皆空,实为心瘴,俗人之心,处处皆狱). Ở đây, “tướng” là giả tướng, hư tướng, ảo tướng, không phải chân tướng, thực tướng, vì thế nhắn nhủ mọi người không nên câu nệ vào “tướng” để bị khổ vì vật dục của thế gian, muốn đi đến bến bờ hạnh phúc thì phải biết thoát ra.
“Tướng” trong tướng thuật thường là chỉ tướng mạo, là tướng mạo tổng thể, “tướng do tâm sinh” có nghĩa tâm như thế nào thì biểu hiện ra tướng mạo bên ngoài cũng như thế, có thể thông qua diện mạo bên ngoài để biết tâm lý và hành vi của một người.
Trong “Tứ khố toàn thư” [1] có ghi: “Tướng chưa hẳn là tướng, hãy nghe âm thanh trước, âm thanh chưa hẳn là âm thanh, hãy quan sát hành vi trước, hành vi chưa hẳn là hành vi, hãy xem cái tâm đằng sau đó” (vị tướng nhân chi tướng, tiên thính nhân chi thanh, vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành, vị sát nhân chi hành, tiên khán nhân chi tâm -未相人之相,先听人之声,未听人之声,先察人之行,未察人之行先观人之心). Ý ở đây cũng là nhấn mạnh “tâm” quyết định diện mạo của một người, sự thay đổi của diện mạo bên ngoài cũng là bởi sự thay đổi của “tâm” mà ra.
Câu chuyện về Bùi Độ (裴度) và Bùi Chương (裴章) là ví dụ tiêu biểu:
Bùi Độ, thời nhà Đường, có gia cảnh khốn khó. Một hôm vô tình đi đường gặp Thiền sư Nhất Hạnh. Thiền sư vừa nhìn diện mạo của Bùi Độ thấy ánh mắt vô hồn, có vân đến miệng, loại tướng của kẻ ăn xin đầu đường xó chợ, dễ bị đói mà chết. Thiền sư khuyên Bùi Độ hãy nỗ lực tu tâm dưỡng tính.
Vài hôm sau, Bùi Độ lên chùa Hương Sơn nhặt được đai ngọc của một thiếu phụ, đã trả lại cho cô ta, cứu được mạng thân phụ người này. Vài hôm sau, Bùi Độ lại gặp Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư thấy thần mắt yên bình trong trẻo của Bùi Độ, tướng mặt như hoàn toàn thay đổi, liền nói sau này Bùi Độ sẽ làm quan đại thần trong triều. Lúc đó Bùi Độ cho rằng Thiền sư đang đùa giỡn mình.
Thiền sư Nhất Hạnh nói: “Thân cao bảy xích không bằng khuôn mặt bảy tấc, khuôn mặt bảy tấc không bằng mũi ba tấc, mũi ba tấc không bằng tâm đoan chính”. Thiền sư khen ngợi Bùi Độ đã biết làm việc thiện.
Quả nhiên, sau này Bùi Độ trở thành trọng thần qua bốn triều đại Hiến, Mục, Kính, Văn, [2] là một “thừa tướng toàn tài”, địa vị và danh tiếng đương thời thuộc loại “công lớn trong nước, danh vang ngoài nước” (huân cao Trung Hạ, thanh bá ngoại di – 勋高中夏,声播外夷). Sử sách gọi ông là người “Đức độ vẹn toàn qua bốn triều đại”, “uy danh đức độ sánh với Quách Phần Dương (郭汾阳)”. Năm người con của Bùi Độ sau này cũng đều vinh quang lừng lẫy, đạt nhiều thành tựu.
Một người khác là Bùi Chương, người Hà Đông tỉnh Sơn Tây, có cha là bạn thân của thần tăng Pháp sư Đàm Chiếu. Pháp sư là người tinh thông tướng thuật, ông thấy Bùi Chương có thiên đình đầy đặn, địa các tròn trịa, sự nghiệp công danh sau này nhất định có thành tựu.
Năm 20 tuổi, Bùi Chương lấy vợ là Lý Thị, năm sau đã đến làm quan ở Thái Nguyên, để vợ ở nhà. Vài năm sau, khi Bùi Chương gặp lại Pháp sư Đàm Chiếu, Pháp sư vô cùng ngạc nhiên khi thấy tướng mạo Bùi Chương không còn được như xưa: thiên đình lõm vào, địa các nhọn ra, lòng bàn tay có vùng khí đen, Pháp sư nói Bùi Chương e rằng sẽ gặp điều không may, phải cẩn thận đề phòng, còn hỏi Bùi Chương đã làm chuyện gì thất đức.
Bùi Chương ngẫm lại những việc mình làm trong những năm qua, chỉ có chuyện thông dâm với một dân nữ là trái đạo lý, ngoài ra không làm gì khác bất lương. Pháp sư Đàm Chiếu nghe kể thì thở dài: “Cậu vốn có tiền đồ sáng sủa, sao lại không biết quý trọng, tư thông với vợ người như thế là đã tự hủy phúc đức của mình, thật quá đáng tiếc!”
Không lâu sau, Bùi Chương quả nhiên gặp đại họa. Trong lúc đang tắm thì bị hành thích, con dao đâm trúng vào bụng, chết đến ngũ tạng lòi cả ra.
Người xưa có câu ngạn ngữ: “Có tâm nhưng vô tướng, tướng sẽ nhờ tâm mà sinh ra; có tướng nhưng vô tâm, tướng sẽ bị tâm tiêu hủy” (hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt). Câu này có ý:
Tướng mạo của một người sẽ thay đổi theo tâm niệm thiện ác của người đó.
Về mặt khoa học, Trung y cổ đại, sinh lý học hiện đại và tâm lý học đã phân tích đạo lý “tướng do tâm sinh” rất đơn giản. Tướng mạo của một người là sự kết hợp giữa “hình” và “thần”. Ngoại hình là thuộc phần sinh lý, thần thái bao gồm yếu tố sinh lý nhưng lại quyết định bởi quá trình tu dưỡng (thuộc hậu thiên). Nhất cử nhất động từng ý từng niệm thể hiện trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người, qua năm tháng đều ngưng tụ trên gương mặt của họ, gọi là “những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài” (hữu chư nội tất hình chư ngoại). Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu tâm bình hòa yên tĩnh, lòng thanh thản bao dung, quang minh chính đại, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, thân thể sẽ khỏe mạnh, nét mặt nhờ đó bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác nhìn vào cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà việc giao tiếp thân thiện, vui vẻ.
Như vậy, trong mối quan hệ giữa “tướng” và “tâm” thì “tướng” là biểu hiện bên ngoài, “tâm” là hoạt động bên trong; “tướng” là cái bị biến ảo, thuộc trạng thái bị động, là phản ứng bên ngoài của “tâm”; có “tâm” thế nào thì sẽ có “tướng” như thế, “tướng” tùy theo “tâm” mà thay đổi, gọi là “cảnh thay đổi theo tâm” (cảnh tùy tâm chuyển), “tướng biến hóa theo tâm” (tướng tùy tâm thiên).
Như vậy, “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm”. Nếu một người không làm chủ được tâm của mình, luôn bị động do ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài, gọi là “tâm động theo cảnh” (tâm tùy cảnh thiên). Nếu có thể khiến tâm ổn định, nghĩa là thoát khỏi ảnh hưởng do sự thay đổi của hoàn cảnh bên ngoài, vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho rằng: “Thế gian vạn vật đều biến tướng, tâm bất động vạn vật bất động, tâm bất biến vạn vật bất biến” (thế gian vạn vật giai thị hoá tướng, tâm bất động, vạn vật giai bất động, tâm bất động, vạn vật giai bất biến).
Từ đó cho thấy, dù là hoàn cảnh hay tướng mạo đều do “tâm” quyết định, “tướng” là một mặt gương của “tâm”. Vậy làm người cần có “tâm” như thế nào?
Tuân Tử cho rằng: “Tướng hình không bằng tướng tâm, luận tâm không bằng luận đức”. Trong cuốn sách tướng thuật ảnh hưởng nhất thời cổ đại “Thái thanh thần giám” (太清神鉴) bàn về đức như sau:
“Lấy đức làm đầu, biểu hiện trong hành động” (vi đức chi tiên, vi hành chi biểu), “Đức có trước hình, hình có sau đức” (đức tại hình tiên, hình cư đức hậu), “Bỏ ác theo thiện, trừ nạn tránh hung” (khứ ứa tùng Thiện, tiêu tai tị hung).
Theo Re Zhui (若水)
Đoàn Thanh biên dịch
[1] Bộ bách khoa lớn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, được vua Càn Long nhà Thanh giao cho 361 học giả, đứng đầu là Kỉ Quân và Lục Tích Hùng, biên soạn trong khoảng thời gian từ 1773 đến1782.
[2]: Bốn triều đại nhà Đường gồm: Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông.