Friday, June 30, 2017

NGUYỄN BẢO SINH, NHÀ THƠ DÂN GIAN



Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!



NGUYỄN BẢO SINH, NHÀ THƠ DÂN GIAN 

Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!). Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật:


Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:

- Lớn lên thì chó nuôi mày!

Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con. Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.


Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!

Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.

Khi yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!

Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!

Mê là mê theo cách mê của người
Ngộ là mê theo cách mê của mình.



Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!

Lối nghĩ dân gian nôm na (nôm na là cha mách qué) dựa trên những nghịch lý oái oăm trong cuộc sống. Phát hiện ra những nghịch lý ấy, hiểu được nó khiến người ta nhiều khi lâm vào tình trạng dở khóc dở cười:

Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con
Con ta không phải của ta vì nó không phải của nó.
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!
Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
Yêu em anh cũng nghiệp dư
Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!

Trong thơ của Nguyễn Bảo Sinh có yếu tố Phật giáo (mới chỉ là yếu tố Phật giáo chứ chưa phải là tư tưởng Phật giáo). Yếu tố thiền đôi lúc đã xóa đi những ranh giới thị phi trong cuộc đời gây nên những hiệu quả bất ngờ khá độc đáo:

Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đang chăm sóc nghĩa trang chó mèo. 

Không phải tự nhiên mà Nguyễn Bảo Sinh đặt tên cho những bài thơ truyền khẩu của mình là huyền thi. Điều ấy có phần nào đúng. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ thơ của Nguyễn Bảo Sinh chưa phải thơ thiền. Nếu là thiền thực thì trong nội dung thơ đương nhiên sẽ hết ý nghĩa sâu sắc hoặc không sâu sắc (sâu sắc cũng vô nghĩa lý mà không sâu sắc cũng vô nghĩa lý). Thơ của Nguyễn Bảo Sinh mới chỉ mang yếu tố thiền, đang tiến tới thiền. Đấy là thiền giả chứ chưa thiền thật. Sự thú vị của Nguyễn Bảo Sinh là ở đấy. Đấy cũng là nét đặc biệt của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Tính không chuyên nghiệp nửa đời nửa đoạn của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống và số phận nửa giăng nửa đèn của chính những người sáng tạo ra nó. Sự ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau, huyễn vào nhau. Trên thực tế, đã có nhiều người coi thường, coi khinh thơ của Nguyễn Bảo Sinh là không ra gì, vớ vẩn, nửa đời nửa đạo, nửa nạc nửa mỡ. ở những bạn đọc tuân theo nguyên tắc bất nhị thì sự phản ứng của họ cũng rất dễ hiểu. Họ không biết rằng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian hình thành ở chính sự nhập nhằng vớ vẩn đó. Tỉ như ở trò kéo co: mấy người nắm lấy sợi dây chia ra hai phe, buông dây cười xòa sẽ là trò đùa nhưng trong trường hợp hoàn cảnh nào đấy sẽ là được thua, sẽ là sinh tử, là tranh chấp đầu rơi máu chảy. 


Trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian ai cũng chơi được, xú xí, xí xóa cũng được nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa nó cũng được. Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Khi có một bàn tay chuyên nghiệp dúng vào, thôi xao cho nó thì nó sẽ có một ý nghĩa khác đi nhiều.

Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:


Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta đánh trận Điện Biên lẫy lừng.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh sẽ làm pháp sư trong đại lễ cầu siêu cho thú cưng

Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra

Con thuyền dịch đít sang ngang
Trông ra thấy một cái làng xa xa.

Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lý đời sống) có phần nào rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế... Không phải tự dưng đã có trường phái thơ Bút Tre: sự châm biếm, tiếng cười là thứ rất dễ lây. Chính sự huyền thi (bãi miễn thơ) đã làm hại Nguyễn Bảo Sinh nhưng có lẽ chính sự hại ấy cũng không quan trọng gì đối với ông. Tôi nghĩ ông không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.

Tôi khá bất ngờ và lý thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi U.67 vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu:

Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu, có thế thôi...

Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống.

Quang cảnh chùa Tề Đồng Vật Ngã của Nguyễn Bảo Sinh
Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ. Rất tiếc tôi chưa có được nhân duyên gặp gỡ và đọc thơ họ. Nhưng cũng chẳng sao vì thực ra điều ấy với họ, với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Nhiều khi gặp gỡ lại là hệ lụy, thậm chí chắc chắn sẽ là hệ lụy, đúng như Nguyễn Bảo Sinh từng viết:

Yêu sao giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm với hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan.

Tôi viết bài này vì tình cảm quý mến của tôi với Nguyễn Bảo Sinh, vì nhân duyên gặp gỡ của tôi với ông thoắt cái thế mà đã 15 năm trời hết một đời Kiều lưu lạc, khi ấy tóc tôi còn xanh, chưa có một sợi bạc nào.

NGUYỄN HUY THIỆP
29/4/2003

CHỮ THỜI



Chào các bạn,

Câu truyện về Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Vũ Đế rồi vào thiếu thất ngồi nhìn vách 9 năm cho mình ấn tượng rất mạnh.

Lương Vũ Đế trọng đạo Phật và đã cho xây trong nước nhiều chùa chiền, bảo tháp. Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua, đến gặp Vũ Đế, và nhà vua hỏi nhà sư Ấn Độ: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”

– “Tại sao không công đức.”

– “Bởi vì những việc vua làm là nhân ‘hữu lậu’, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”

– “Vậy công đức chân thật là gì?”

Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”

Lương Vũ Đế

Vua lại hỏi: “Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?”

– “Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.”

– “Ai đang đối diện với trẫm đây?”

– “Tôi không biết.”

Lương Vũ Đế chẳng hiểu gì, Bồ Đề Đạt Ma cho là chưa đến lúc truyền đạo, nên lên thiếu thất bên cạnh Thiếu Lâm Tự ngồi nhìn vách 9 năm.

Vũ Đế chỉ biết làm các việc bên ngoài, nhưng việc chính là tâm thanh tịnh rỗng lặng thì Vũ Đế chẳng hiểu gì cả. Vua mà còn ngớ ngẩn như vậy, nói chi là dân. Cho nên hiểu được tinh yếu của Thiền không phải là dễ.

Nhưng điều quan trọng ở đây là thái độ thức thời của Bồ Đề Đạt Ma. Biết vua không hiểu được thì chẳng tốn thời giờ giảng giải. Người chưa đến lúc hiểu thì có giảng cũng vô ích. Nói nhiều người ta lại càng thêm bực. Chỉ nói vài câu ngắn trong đối thoại, đó là giảng giải rõ rồi. Người không hiểu được thì đành để thời gian giúp người hiểu một ngày nào đó.

Và vua xây chùa, chép kinh, giúp tăng mà chẳng hiểu gì cả, thì dân hiểu được gì? Vậy thì ngồi nhìn vách tường là thượng sách, đợi khi cơ duyên đến thì sẽ gặp học trò. Và cơ duyên đó đến khi Huệ Khả đến xin được nhận là đồ đệ.

Bồ Đề Đạt Ma

Theo truyền thuyết thì Huệ Khả đến Thiếu Lâm tự năm 40 tuổi xin gặp Bồ Đề Đạt Ma. Ban đầu Bồ Đề Đạt Ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Để chứng minh quyết tâm của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ Đề Đạt Ma và sau đó được nhận là môn đệ.

Tắc thứ 41 trong Vô môn quan có ghi lại cuộc đàm thoại đầu tiên giữa Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả.

Bồ Đề Đạt Ma ngồi nhìn vách tường. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói:

“Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”

Đạt Ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”

Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”

Đạt Ma đáp: “Ta đã an tâm cho con.”

Huệ Khả Đại Sư

Điều gì ở đời cũng có cơ duyên như thế. Mọi sự đều có thời gian của nó. Chúng ta không cần nóng lòng gì cả. Tình yêu, hôn nhân, học trò, kinh doanh, chính trị… Mọi sự đều có chữ thời. Cứ ngồi thong thả câu cá như Khương Tử Nha, rồi chuyện gì phải đến sẽ đến.

Chúc các bạn luôn thong thả.
Trần Đình Hoành


MONYWA VÀ CHƯ TƯỢNG PHẬT ĐỒ SỘ

Myanmar hay còn gọi là Burma, một đất nước mới mở cửa với thế giới sau một thời gian dài bị cấm vận, cô lập bởi Mỹ. Chính sự cô lập đó khiến Myanmar trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch nhất tại Đông Nam Á. Con người Myanmar rất thân thiện và hiền hòa, với khoảng 80% dân số theo đạo Phật, cùng nhánh Theravada với đạo Phật ở Lào và Thái Lan.
Bây giờ mời các bạn đọc một bài giới thiệu về:


MONYWA VÀ CHƯ TƯỢNG PHẬT ĐỒ SỘ.
Ít được du khách nước ngoài kể cả những người Việt mộ đạo biết đến, Monywa được nhiều người bản địa ca ngợi. Nên tôi lò dò tìm đến. Rồi ngỡ ngàng, không chỉ vì mỗi pho tượng Phật cao nhất thế giới hoành tráng đã bị tụt một hạng bởi tượng bên Tàu tiếm đoạt…
Vẫn im ắng hiền hòa cho đến những năm gần đây, khi cửa khẩu với Ấn nới lỏng, hàng hóa đường thủy đường sông về Mandalay đều ngang qua, Monywa bắt đầu sầm uất hơn. Nằm ở miền trung Miến, bên bờ đông dòng Chidwin xanh ngắt, làng nhỏ Monywa được sử sách nhắc đến từ 1758, trong cuộc chinh phục Manipura của quốc vương Alaungpaya (1714-1760), một trong ba vị vua lừng lẫy nhất xứ Miến. Tuy nhiên, ở dãy núi Pon Daung Pon Nya cách phố thị 25km, hóa thạch người tiền sử được tìm thấy từ 30 triệu năm trước, gần như cùng thời với di chỉ tìm thấy ở Ai Cập.


Trên đường chở tôi đến tượng Phật cao thứ hai thế giới, chú em xe ôm Nyau chợt rẽ ngang đường, khi tôi mới thấy bảng hướng dẫn chỉ đi thẳng, ghi rằng còn cách 10km. Chú lúng búng, tôi chỉ nghe được “đẹp lắm, đẹp lắm…” thì đã thấy một cụm đền đài quá lạ vì kiến trúc tầng tầng lớp lớp vuông vắn lạ lẫm và những sắc màu quá rực rỡ. Té ra, Nyau muốn giới thiệu ngôi chùa Thanboddhay, một cách tự nguyện dù tôi không biết, yêu cầu trước đó. “Vì chùa này đẹp, rất đẹp nên em muốn giới thiệu với anh” – như sau đó chú bẽn lẽn chia sẻ với vốn ngoại ngữ rất cố gắng của mình.
Nằm cách phố thị 20km, được tự tay xây dựng bởi cao tăng Monyin, ngôi chùa Thanboddhay (tên khác Mohnyin Thambuddhei) khởi công xây dựng ngày 20.7.1939, hoàn thiện vào 2.3.1952, trên nền một ngôi chùa cổ từ thế kỷ 14. Ngôi chùa được ví von là Tiểu Borobudur này làm kinh ngạc những ai đã từng hay chưa đến viếng ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới ở Indonesia.


Giông giống ở kiến trúc vuông vắn, nhiều tầng lớp nhưng khác hẳn Borobudur uy nghi đá đen trầm mặc, Thanboddhay rực rỡ các sắc màu. Nhìn từ xa chùa giống như cung điện lung linh nhiều sắc màu chứ không chỉ vàng chói đặc trưng của chùa Miến. Cũng khác với hầu hết chùa Miến, đứng gác ở cổng chùa không phải là các sư tử Chinthes đặc trưng mà là hai chú bạch tượng to đùng nhưng thanh thoát. Vuông chằn chặn, mỗi cạnh 50,6m, đây là ngôi chùa vuông độc đáo duy nhất trên xứ Miến. Ở Borobudur, dọc theo mỗi tầng vuông là nhiều những pho tượng Phật, còn ở đây là những bảo tháp nhỏ nhiều màu chạm trổ phù điêu tinh xảo. Có đến 864 bảo tháp nhỏ nhắn rực sắc nằm bao quanh bảo tháp bằng vàng ròng lóng lánh cao đến 40m nằm giữa – mô phỏng hình tượng của núi thiêng Meru, trung tâm của vũ trụ theo lý thuyết nhà Phật, cũng như ở Borobudur.


Bước qua cửa chánh điện, du khách như ngỡ mình lạc bước vào “nhà gương Phật”, vì xung quanh toàn là các tượng Phật nhỏ. Không chỉ che kín tất cả các bức tường mà ôm quanh cả các cột kèo, nên nếu chưa quen mắt, nhất là vừa từ ngoài nắng vào sẽ ngỡ như là gương phản chiếu qua lại. Nhìn đã hoang mang vậy, nhưng đọc thấy con số lại càng sốc. Có hơn nửa triệu, mà có tài liệu chi tiết là 582.257 tượng Phật lớn nhỏ trong chùa Thanboddhay. Mê mẩn ngó nghiêng, tìm đọc, chụp hình Thanboddhay… tôi chỉ buộc phải rời đi sau khi Nyau hối thúc mấy bận và mấy lần cảm ơn cậu đã đưa tôi đến một kỳ quan giữa làng quê nghèo.


Và từ rất xa trên đường, tôi đã thấy pho tượng Laykyun Setkyar sừng sững giữa đất trời, cao 130m, trên đồi cao thoáng đãng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là cũng từ rất xa tôi đã nhìn thấy một pho tượng Phật nằm to lớn không kém ngay bên dưới. Té ra pho tượng Phật nhập Niết bàn, dài đến 95m, cao 18m trong cụm kiến trúc Laykyn Setyar này cũng từng là pho tượng Phật nằm dài nhất thế giới trước đây – giờ đã ở vị trí thứ ba! Nằm trong làng Khatakan Taung, cụm kiến trúc trong chùa Bhodi Tataung (tên đầy đủ của 2 pho tượng này là Mahar Bodhi Tataung Laykyun Setkyar), được cao tăng U Narada xây dựng từ những năm cuối thế kỷ trước.


Bodhi Tataung – “1.000 cây bồ đề” là dự định ban đầu của vị cao tăng U Narada, khi ông bắt đầu trồng 27 cây nhỏ năm 1961 và đặt những pho tượng Phật bên dưới gốc cây. Cuối cùng, ông đã trồng hơn 9.000 cây bồ đề và đặt hơn 10.000 tượng Phật quanh làng Khatakan Taung. Sau đó, ông bắt tay xây pho tượng nằm, xong năm 1991. Rồi năm 1996 ông xây pho tượng đứng, hoàn thành năm 2008, hai năm sau ngày ông viên tịch. Có 32 tầng bên trong tượng rỗng. theo thứ tự đó là cảnh tượng các tầng địa ngục ghê rợn để răn đe người đời tránh việc ác, nuôi lòng thiện.


Tôi rất ấn tượng vì những gì miền quê nghèo, những người dân lam lũ ngay cả khi đi viếng chùa kia… đã làm được. Thắp nén nhang cuối chia tay, tôi khấn nguyện cho quê hương mình, và cho cả Monywa vừa đến đã thấy thân tình.
Trần Thái Hoãn
(Sưu tầm trên mạng)

CÒN GẶP NHAU


Giữa lúc nhiều nhà thơ đua nhau làm mới thơ, “lạ hóa” thơ, nào hậu hiện đại, nào tân hình thức… thì mấy câu thơ rất đỗi đời thường như một sự buột miệng, một tiếng thở dài, như một lời tự nhủ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có vẻ như…lạc điệu mà bỗng xuất hiện hàng loạt trên lịch, trên thiếp xuân, trên Agenda và cả thư pháp các loại với đủ mọi chất liệu đá cát , giấy , lụa … không khỏi làm cho ta phải ngạc nhiên ! Có chút gì đó trái ngoe trong thi phú buổi này chăng ?

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui 
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi 
Lợi danh như bóng mây chìm nổi 
Chỉ có tình thương để lại đời 
(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Và cứ thế, “ Còn gặp nhau…” “ Còn gặp nhau…” lặp đi lặp lạ , những lời tuồn tuột tự đáy lòng, có vẻ gì đó như một giật mình, thảng thốt, bùi ngùi trong buổi hàn huyên giữa nhữn bạn bè gần xa. Thơ như nói, như chằng hề có chút đẻo gọt dụng công -tạm gọi là “thơ nói” cũng có từ xưa xa :


Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao …
( Nguyễn Bĩnh Khiêm )

Làm sao mà những câu “thơ nói” đó rung động lòng người, khiến người ta giật mình đánh thót, mà ngộ, ai cũng nhớ, cũng thuộc, và mỗi khi có dịp thì lẩm nhẩm còn gặp nhau, còn gặp nhau

Thì ra giữa thời buổi trái đất chỉ còn là một hòn bi xanh, một “thế giới phẳng” nhỏ xíu trong lòng bàn tay, mọi chuyện trên trời dưới biển gì cũng mồn một trước mắt, truyền thông đa phương tiện tràn ngập đến không còn chút thong dong, người người vẫn thấy nhau, vẫn “thơn thớt nói cười” với nhau mà hình như chẳng bao giờ gặp nhau !


Rồi hình như người ta bổng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận được cái mong manh của đất trời của thiên hà trong ngàn tỷ thiên hà trôi dạt của kiếp người sương khói trong bối cảnh lạ lùng chiến tranh, dịch bệnh bão lũ, sóng thần, động đất …triền miên !

Rồi hình như người ta bỗng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận sờ sờ trước mắt cơn đại hồng thủysẽ ập tới vì trái đất nóng lên, con người đua nhau hủy diệt thiên nhiên, môi trường sống của mìn , để rồi đâu đâu cũng thấy “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối / hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng" (Thế Lữ ) với dừa giả, cau giả, hoa giả, núi giả, đồi giả …!

Thú vị là những câu thơ dung dị của Hỷ Khương được nhiều người thuộc lòng, buột miệng nói ra …đến nỗi người viết thiệp cũng viết, in lịch cũng in, đục đá cũng đục … mà chẳng cần biết tác giả là ai.Tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành những câu ca dao như : “Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuốngvườn cà hái nụ tầm xuân …” bởi thế hệ nào mà chẳng có người kêu lên “còn gặp nhau…” ?


Có lẽ Tôn Nữ Kỷ Khương mang cái gien của phụ thân, cụ Ưng Bình Thúc Giã. Những câu hò “Chiều chiều trước bến Vân Lâu / ai ngồi ai câu / ai sầu ai thảm / ai thương ai cảm/ai nhớ ai mong …thuyền ai thấp thoáng bên sông / đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non …” nhiều người vẫn thuộc mà vẫn tưởng là một khúc hát dân gian, chẳng nhớ tác giả là ai ! Cụ Ưng Bình cũng đã viết nên những câu thơ tưởng chừng như câu nói bình nhật :

Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi !

Đề nói về một thuở làm quan của mình . Hay :

Biết đủ dầu không chi cũng đủ 
Nên lui đã có dịp thì lui ..
Lúc ung dung trở gót.


Do đâu mà có những câu thơ của nhiều ngàn năm trước trong Kinh Thi vẫn còn làm cho lòng ta xao động ? Ấy bởi vì nói từ cõi lòng , “thốn tâm thiên cổ”, nên dù được viết dưới bất cứ dạng nào thì cái hồn của thơ vẫn là cái cảm xúc chân tình. Chu Hy, ngàn năm trước, viết tựa Kinh Thi đã nói : Thơ tại sao mà làm ra ? ( Thi hà nhi chi tác dã ? ) Để rồi trả lời : vì nó là tiếng kêu của cõi lòng !

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui !…
BS. ĐỖ HỒNG NGỌC



Thursday, June 29, 2017

VUA TỰ ĐỨC VỚI NỖI NIỀM "VẠN NIÊN ĐẠI CÁT"

Trong chuyến về VN lần đầu tiên năm 1993, tôi có đi qua nhiều tỉnh miền trung và ra Huế. Từ Đà Nẵng vượt đèo Hải Vân trong buổi sáng sớm, cảnh đẹp tuyệt vời nhưng cũng đầy nguy hiểm vì con đường ngoằn ngoèo quanh co cheo leo vách núi, rồi đến Huế và thăm Huế theo những chút ít nghe hoặc đọc về Huế, tôi kêu anh lái xe chở đến sông Hương, coi cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, nhất định vào Thành Nội, lăng Khải Định, thôn Vĩ Dạ, ga xe lữa Huế, chùa Thiên Mụ...(toàn là những nơi trong sách vở hoặc thơ ca nghe được) nhưng hoàn toàn không có ấn tượng nào về lăng Tự Đức,


Hôm nay, đọc qua bài viêt này, giới thiệu về lăng Tự Đức với nhiều chi tiết thú vị mà tới bây giờ tôi mới biết, có lẽ sẽ ra thăm Huế để viếng lăng ông. Ai chưa biết thì theo tôi. (LKH)

VUA TỰ ĐỨC VỚI NỖI NIỀM "VẠN NIÊN ĐẠI CÁT"
Sau nhiều biến động thời cuộc, vua Tự Đức bèn sai các quan dịch lý phong thủy dò tìm một cuộc đất “vạn niên đại cát” xây lăng sẵn.
“Vạn niên đại cát” với nước nguồn thủy ngọc
Vua Tự Đức sinh giữa mùa thu, ngày 25/8 năm Kỷ Sửu (22/9/1829), thể chất vốn yếu ớt, lại hay ốm đau từ nhỏ, lớn lên không thể có con được, nhà vua buồn bã nghĩ đến lẽ tử sinh của đời người như chính vua nêu trong phần mở đầu của một bài ký dài, đại ý:
- Mây bay trên trời không có hình tướng cố định nhưng tồn tại mãi. Còn những thứ có tướng trạng rõ ràng, to lớn như mặt trời mặt trăng, cứng chắc như núi cao rừng thẳm, hoặc vàng đá đất đai, song tất cả đều phải chịu cảnh sáng – tối, tròn – khuyết, lành – vỡ, huống chi con người “sống nay chết mai” chẳng biết khi nào.
Sống thì mỗi người mỗi khác nhưng chết thì đều giống nhau ở chỗ tấm thân mục rữa, nên cần chôn cất tươm tất, vừa khác với loài vật ở chỗ có lễ, lại vừa do cái tình mà nên như thế.


Hãy ngẫm lại từ xưa các vị hoàng đế sau thời đăng quang đã sai đóng trước quan tài cho mình. Rồi cứ mỗi năm một lần đem quan tài ấy ra sơn mới lại, tự nhắc nhở mình trong 100 năm của đời người thì có 1 năm “đã chết” – đã trôi qua mất. Nay ta không thể trái lệ xưa của các tiên vương được.
Vả lại những người cường tráng sức khỏe dồi dào còn phải lo lúc qua đời đột ngột, huống là ta thể trạng vốn không khỏe khoắn gì mà lại dám hờ hững xem thường chuyện ấy sao?
Vì lẽ đó, Tự Đức muốn xây lăng mộ cho mình và tìm được một nơi có mạch nước tự nhiên từ trong lòng đất chảy ra (hữu thủy tự địa trung lưu xuất). Nước chảy khoan thai, từ tốn, êm đềm, nhỏ nhẹ, tránh được điều tối kỵ theo thuật “sơn thủy pháp” mà cụ Tả Ao cảnh báo: núi gồ ghề chứa ác khí là không tốt – nước chảy bộc phát rộn ràng thành tiếng kêu như khóc là rất xấu (Sơn tha nga, ác khí, bất cát – Thủy bộc lộ, khấp khốc, tối hung). Màu nước nơi đó lại trong xanh như thủy ngọc, ứng với phép địa lý: nước chảy dạt dào mà trong suốt (thủy dương dương nhi triều cực thanh). Chảy như vậy ngày đêm chẳng lúc nào ngừng (nhật dạ bất đình) có thể ví như một “thủy khẩu” đưa nước từ trên bờ đá đổ xuống khoảng ruộng trũng nằm trên địa bàn làng Dương Xuân Thượng (sau thuộc xã Thủy Xuân – TP. Huế).
Dựa vào thế tự nhiên sẵn có ấy, các nhà địa lý và ứng dụng phong thủy cho đào sâu xuống thành một cái hồ giữ nước rất rộng, xem tựa như chỗ “thủy tụ”. Đào đến nửa chừng bỗng đâu có nhiều đàn cá đến quần tụ sinh sống, chưa cần tay người thả nuôi, vua cho là một trong các điềm lành của “thủy hồ” nên sai tiếp tục đào sâu hơn.


Hồ được tạo dáng khác với mực thước vuông hoặc tròn thường thấy ở các công trình trước đó, mà phá thể trông tựa như hình trái tim với các cuống tim và động mạch chủ từ phía bên phải đang vươn về phía bên trái để ôm lấy khu lăng mộ xây bằng gạch đá trên bờ. Nhìn bao quát, mặt nước không bị đóng khung thẳng tắp theo các cạnh hình chữ nhật của các hồ thường thấy, mà chảy uốn khúc khiến người ta liên tưởng đến dạng “thủy lưu” theo phép địa lý: “nước chảy uốn khúc quanh co mà đến là chỗ đất quý” (thủy quý kỳ khuất khúc nhi chi).
Đào xong, vua Tự Đức đặt tên là hồ Lưu Khiêm, bên hồ dựng hai nhà mát Sung Khiêm và Dũ Khiêm, đắp hòn đảo lớn Tịnh Khiêm giữa hồ, bắc ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm, Do Khiêm và trồng sen hồng trong hồ. Trên bờ, ở khu lăng mộ cho xây các công trình để đời như: Minh Khiêm đường được xem là nhà hát xưa nhất Việt Nam tồn tại khá nguyên vẹn đến nay, Hòa Khiêm điện như một bảo tàng cung đình chứa đồ ngự dụng cùng một số tác phẩm tạo hình mỹ thuật thời Nguyễn.
Ngoài khu vực lăng, long mạch được các núi đưa từ xa đến gần địa cuộc, mỗi ngọn núi được đặt tên riêng như Long Khiêm, Dần Khiêm, Lao Khiêm, Đạo Khiêm, Cư Khiêm, Lý Khiêm. Ngọn núi nằm phía bên phải có mở một cửa thông thoáng gọi Khiêm Cung môn. Nằm phía sau để làm chỗ tạm dừng chân nghỉ ngơi những lúc du ngoạn gọi Lương Khiêm. Nhà để các đồ dùng của vua khi đi dạo ghé qua, nằm về phía Tây gọi Ôn Khiêm.


Lại có bốn nhà khác để các quan cũng như thợ thầy trú ngụ gọi Công Khiêm, Cung Khiêm, Lễ Khiêm, Pháp Khiêm. Lại lập bốn viện để phi tần mỹ nữ tháp tùng theo nhà vua có nơi ăn ngủ gọi Tùng Khiêm, Dụng Khiêm, Y Khiêm, Trì Khiêm.
Dựng một căn lầu ở vị trí cao để có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật quanh vùng gọi Ích Khiêm. Lại có nơi để hương khói cho các cung nữ đã qua đời gọi Chí Khiêm. ..
Gần 50 chữ “Khiêm” cho một cuộc đất
Trên cuộc đất rộng khoảng 12 hecta của lăng Tự Đức có gần 50 công trình kiến trúc và tạo dáng phong thủy bao gồm mấy chục tòa nhà lớn nhỏ hợp thành một hệ thống cung điện và khu lăng mộ đều được đặt tên có chữ “Khiêm”, vì sao vậy?
Chuyện liên quan đến những chuyển biến của thời thế xảy đến khi nhà vua lên ngôi được khoảng hơn 10 năm như: Đà Nẵng bị thực dân Pháp tấn công (năm 1858), đánh chiếm Gia Định (1859), lấn tới các tỉnh Nam Kỳ (1862).
Ông mệt mỏi và cho bắt tay xây lăng tháng 10.1864, dự tính trong 6 năm sẽ xong và giao biện lý Nguyễn Văn Chất, thống chế Lê Văn Xa cùng trông coi. Cả hai vị ấy muốn rút gọn thời gian xây lăng khoảng 3 năm là xong.


Vì gấp gáp như thế, nên 3.000 lính thợ ở công trường Vạn niên bị thúc bách, dẫn đến cuộc nổi dậy do Đoàn Trưng và Đoàn Trực lãnh đạo, tiến đánh hoàng cung nhưng bị chặn đứng và dập tắt (1866).
Vua Tự Đức thoát hiểm, song uy tín của triều đình vốn bị mất mát nhiều sau những tổn thất trước thực dân Pháp thì bấy giờ lại xuống thấp hơn nữa. Vua thừa nhận:“Quân nổi loạn đã tìm cách lôi kéo dân binh dám xâm phạm tới cửa ngõ hoàng cung, ấy là do ta không có tài, không có đức, nên mới bị trời trách và người oán, vì thế ta phải khiêm thôi” và đổi tên công trình trên đất “Vạn niên đại cát” là Khiêm cung (sau gọi Khiêm lăng) cũng như các kiến trúc trực thuộc của lăng đều lấy chữ“Khiêm” để đặt tên với giải thích của vua, hàm nghĩa: “Khiêm” là khiêm nhường, kính cẩn, có địa vị cao hơn kẻ khác mà không lấy đó làm điều, chỉ muốn tự đặt mình khiêm tốn ở dưới vị thế của người mà thôi.
Khiêm lăng hoàn tất tháng 8/1867, ngày nay đã cùng các lăng vua Nguyễn khác trở thành một phần sống động trong quần thể di tích Huế thuộc Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Địa cuộc phong thủy và yếu tố nhân văn ở những nơi ấy được các tác giả nước ngoài như Henri Guibier nhận xét: “Các lăng tẩm ở Huế thường nép mình dưới các bóng cây cổ thụ, hoặc được bao quanh bởi sắc hoa và màu cỏ mượt trên các đồi núi xa xa, tất cả đã trở thành chứng tích không những thuộc quá khứ mà còn tác động đến hiện tại, chứa đựng trong đó sức mạnh siêu nhiên và bí ẩn từng ảnh hưởng sâu đậm đến con người và cảnh vật nơi đây” (BAVH 1916).


Nhà văn học giả Phạm Quỳnh khi đến thăm lăng các vua Nguyễn đã viết: “Không những mấy nơi đó là những thắng tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa” (Tạp chí Nam Phong số 10, tháng 4.1918).
Đến cuối thế kỷ 20, nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow đã phát biểu: “Giữa lòng Huế, Thành Nội lịch sử là mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía Nam, các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, rải ra dọc hai bờ sông Hương. Là tác phẩm của những người dân lao động và những thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa; và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của khách tham quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm; và lăng Tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng” (bản dịch của văn phòng Việt Nam cạnh UNESCO).


Đúng vậy, lăng Tự Đức mang “hồn êm thơ mộng” như chính tâm hồn đa cảm của nhà vua, vốn là tác giả của hơn 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ chữ Nôm với bài “Khóc Bằng phi” nổi tiếng trong đó có hai câu: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” sau này còn âm hưởng trong ca từ của tình ca vượt thời gian như “đập gương xưa tìm bóng” (Gửi gió cho mây ngàn bay) và thống thiết ở hai câu cuối: “Mối tình muốn dứt càng thêm bận. Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi” nhắc nhớ một Nỗi lòng: “Yêu ai yêu cả một đời”.
Thơ văn của ông không chỉ thể hiện nỗi buồn và bi kịch của một hoàng đế đương quyền bị sa sút, mà còn của một nhà văn hóa, một trí thức thất vọng trước mọi dự tính và mưu sự không thành. Ông nhận lỗi của mình qua các bài như: Sầu ngâm nhị thủ, Muộn tác nhị thủ, Bệnh nhị thủ, Tự vấn, Hư sinh…
Ngày nay, văn hóa tâm linh và nhu cầu tìm hiểu phong thủy khiến chúng tôi đứng trước sơ đồ lăng Tự Đức không khỏi suy ngẫm đến những chỉ dẫn của cụ Tả Ao với lời bàn của nhà nghiên cứu dịch lý và phong thủy học Cao Trung sau đây:
“Nơi nước tụ trước huyệt thì chỗ ấy gọi là Minh Đường… điều đáng kỵ là mùa thu mà Minh Đường cạn nước… Thực ra thì nước chảy theo chiều Tây Bắc, Đông Nam nên huyệt quay về hướng Tây Bắc, đã thu được tất cả thủy từ cao xa về lòng rồi. Tuy nhiên phương Đông Nam thiệt có thủy tụ, nhưng nếu sâu quá cũng đáng kỵ, mà thông thoáng rộng lớn, chảy xuôi cũng đáng kỵ”.


Cũng cần nhắc lại, trong bài Khiêm cung ký dài gần 5.000 chữ do vua Tự Đức viết và sai khắc vào tấm bia đá nặng khoảng 20 tấn dựng ở Bi đình của lăng có đề cập đến hồ Lưu Khiêm mùa Hè không cạn, mùa thu không tràn bờ, do nước được dẫn thông ra bên ngoài bằng các ống cống nằm dưới những con đường lót đá thanh.
Bọc quanh khu vực lăng có vòng la thành được xây chạy dài thuận theo thế núi ở đó. Lại có thêm vòng “la thành tự nhiên” khác gồm những ngọn núi nhấp nhô tựa hồ như rồng lượn xa xa để che chắn bảo vệ cho lăng Khiêm. Vua Tự Đức qua đời ở tuổi 54, sau 35 năm ở ngôi (1848 – 1883) với nhiều nỗi sầu muộn chưa tan…
Theo: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam

HỌC NHI BẤT TƯ TẮC VÕNG, TƯ NHI BẤT HỌC TẮC ĐÃI



Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi 
(Vi Chính)

學而不思則罔,思而不學則殆
(为政)

Học mà không suy tư tất sẽ sai lầm, suy tư mà không học tất sẽ bế tắc. 

Nếu làm một cuộc điều tra trong bạn trẻ về loại sách mà họ thích đọc thì kết quả sẽ cho thấy họ thích đọc loại sách nào? Đang trong thời buổi thực dụng, ai cũng muốn ''khai quyển hữu ích'', chúng ta càng nên đặt ra câu hỏi: Đâu là ích lợi của sách?



Đọc sách là phương thức tốt nhất để tiếp thu tri thức, nhưng ''Tận tín thư bất như vô thư” (Tin hết ở sách thà không có sách còn hơn), mặt khác, nếu đọc sách mà nói lướt qua là biết hết, hoặc đọc ngấu nghiến không chịu suy nghĩ, tiếp thu phiến diện, đại lược, biết một mà chẳng biết hai, nhiều khi nhầm lẫn, như thế thật là tai hại. Đó không phải là lỗi của sách.



Đồ ăn thức uống phải qua quá trình tiêu hóa rồi cơ thể mới hấp thu, tri thức cũng như vậy: Kiến thức là kết quả của quá trình phân loại, chỉnh lý, qui nạp. Những thao tác trên là do công sức của cá nhân quyết định, có người hiểu rõ được vấn đề là do dụng tâm suy nghĩ, dùng kinh nghiệm để tra cứu, hiệu quả tự nhiên lớn. Còn như chỉnh lý khảo sát sơ sài, kiến thức thu vào ngưng kết ở não, như thế càng đọc càng gây tai hại.



Phương pháp đọc sách là: ''Bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành" (Học rộng, hỏi kỹ, thận trọng suy nghĩ, biện luận sáng suốt, thực hành cần mẫn). Đây là một châm ngôn toàn mỹ, bạn hãy theo đúng trình tự đó và không được bỏ qua một bước nào.

“Hoài nghi và thắc mắc đó là bước khởi đầu của tư duy”. 


Theo: Bách Khoa Tri Thức

SỰ TÍCH HOA QUỲNH


"Yêu nhau như cánh hoa quỳnh
Cánh hoa chỉ nở một mình trong đêm"


SỰ TÍCH HOA QUỲNH

Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, vào thời nhà Tùy (Dương Quảng 605 – 617) ở Dương Châu, Trung Quốc, hoàng đế Tùy Dạng Đế là một hôn quân vô đạo, ăn chơi trác táng, phung phí. Vào một đêm, vua nằm mơ thấy một cây trổ hoa đẹp… Cùng lúc ấy, ở Lạc Dương thành, vào giữa canh ba, tại một ngôi chùa cổ kính, bất thình lình ngoài cửa chùa ánh sáng rực lên như lửa cháy, hương thơm lạ lùng, như sao trên trời sa xuống, làm dân chúng tò mò đến xem. Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên cây bông lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi nơi, lan xa ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh.



Điềm báo mộng của vua được ứng với tin đồn đãi, nên Vua yết bảng bố cáo: “Vua trọng thưởng cho ai vẽ được tranh hoa Quỳnh cho vua”. Có một họa sĩ dâng lên vua bức họa như ý. Nhìn đóa hoa Quỳnh trong tranh rất sống động, đẹp như thật. Vua liền quyết định đến Dương Châu để thưởng ngoạn hoa Quỳnh.


Chuyến đi này cần có đủ mặt bá quan văn võ triều thần hộ giá, do để thuận tiện việc di chuyển đến đó xem hoa, vua ban lệnh đào một kênh nhân tạo, để đến Dương Châụ. Khiến bao dân chúng phải lao động vất vả, hàng ngàn con người phải bỏ mình lại để phục vụ cho sở thích của tên hôn quân. Kênh rộng và sâu đủ cho thuyền rồng di chuyển. Lệ liễu được trồng cách đều nhau 10 mét một cây hai bên bờ kênh. Kênh đào xong, một buổi lễ khánh thành được cử hành trọng thể, đoàn thuyền giương buồm gấm khởi hành… cả nghìn cung nữ xiêm y rực rỡ, mặt hoa da phấn… thuyền rồng được buộc bằng các dải lụa dùng để kéo đị. Hoàng Đế ngồi trên mui rồng uống rượu nghe đàn hát ca sang ngắm cảnh Giang Nam và đàn cung nữ tuyệt thế giai nhân. Vua thấy nàng nào thích ý cho vời vào hầu ngaỵ


Chuyến tuần du của vị Hoàng đế vô cùng xa xỉ, hao tốn công quỹ triều đình. Đây là một trong những nguyên nhân làm đất nước đến đói nghèo, loạn lạc khắp nơi, làm nhà Tùy đến sụp đổ, dựng nên cơ nghiệp nhà Đường. Trong đám quan quân hộ giá, có cha con Lý Uyên. Thời gian 90 ngày , đoàn xa giá đến đất Dương Châụ Thuyền vừa cặp bến, Lý Thế Dân, con của Lý Uyên phương danh là cùng bằng hữu rủ nhau lén lút đi xem hoa ngay trong đêm, sợ sáng hôm sau triều thần cùng đi đông vầy lớp trẻ khó chen chân lọt vào vườn hoạ . Cánh hoa cong trắng nõn, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng, hương hoa ngọt ngàọ Dưới ánh trăng vằng vặc hoa đẹp tuyệt vời! Xem xong, một cơn mưa to rụng hết.


Sáng hôm sau, Hoàng đế đến xem hoa thì chỉ còn thấy trơ trọi cánh hoa úa rũ, tan tác!… Vua tức giận, tiếc công nghìn dặm không được xem hoa, ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi! Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở về đêm cho những ai có lòng lân ái: “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.

(Sưu tầm trên mạng)

NHƯ KHÓI TỰA MỘNG

Chúng ta thường cảm khái chuyện quá khứ, như mây như khói bềnh bồng, tựa giấc mộng mê và thường nói: "Chuyện xưa như sương khói", "Cuộc đời tựa giấc mộng".


Nhưng "chuyện xưa như sương khói" từ đâu đến? "Cuộc đời tựa giấc mộng" từ đâu ra? Khi chúng ta than thở "Chuyện xưa như sương khói", thì chính lúc đó có làn khói nhẹ liên tục bềnh bồng bay ra từ lửa lò trước mặt chúng ta; khi chúng ta cảm thán "Cuộc đời tựa giấc mộng", thì bản thân chúng ta vẫn có thể đang ở trong mộng.


Vì vậy, khi chúng ta ngửa đầu cảm thán chuyện xưa như sương khói thì chẳng bằng cúi đầu chăm lo lửa lò trước mặt, nắm chắc ánh sáng và sức nóng hiện tại. Khi chúng ta lưu luyến kê đầu bên gối mong muốn tìm lại giấc mộng đêm qua, thì chi bằng tỉnh dậy, nắm bắt ngày hôm nay tươi đẹp.


(Sưu tầm trên mạng)


Wednesday, June 28, 2017

CHIỀU HẠ VÀNG


Lâu lắm rồi ta mới nghe lại lời bài hát về tuổi học trò sâu lắng và hay đến thế. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi em đi đâu” (Phượng hồng, Đỗ Trung Quân). Hay đến độ ta như trở về thuở cắp sách đến trường tự bao giờ? Những cánh phượng đầy sân trường như ru buồn những phút chia xa. Ta chưa biết gọi tên đấy là gì, chỉ là những thổn thức, những bâng khuâng và những hạnh phúc mỗi khi nghĩ về em. Có những rung động tinh khôi rơi vào kí ức, có những vương vấn còn lại trong hoài niệm, có những giọt nước mắt rơi về nuối tiếc… Chỉ còn ánh buồn khi “Chiều hạ vàng” ghé qua!

Ta cứ ngỡ như Nguyễn Bá Nghiêm đang nói hộ mình một cách rất thật. Không đợi nhạc sĩ phải nói buồn, nói nhớ nhiều lần, ta vẫn cảm nhận một nỗi buồn sâu thẳm trong giọng hát rất trầm, rất trải đời của Bảo Yến.


“Em hát đi ru mây hạ về
Hạ trắng lang thang miên man tình buồn
Dòng sông này lá hát trên cây
Mây trôi trôi như ru nỗi nhớ”


Thấp thoáng hạ vàng phía trước khung cửa sổ. Ta lặng nhìn mây lang thang trên bầu trời để nhắc nhớ một thuở yêu em. Nỗi nhớ giăng mắc trong tim. Mây cứ bay bay, sông cứ trôi trôi, có bao giờ dừng lại để một kẻ dại khờ đang hối hả đuổi ở phía sau? Ta không muốn đổi những triết lý tình yêu bằng một cuộc tình buồn khi ai đó bảo “nỗi buồn giúp ta sống sâu sắc hơn”.


“Em hát đi lênh đênh giọt buồn
Hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về
Dòng sông này nhớ mãi em ca
Nhìn hạ về cây lá rưng buồn”


Hạ buồn, cây lá buồn, màu mắt em cũng buồn. Dòng sông hay dòng nhớ cứ mãi vỗ về triền miên trong ta? Trong khoảnh khắc, ta nhận ra nỗi nhớ em nào có dịu êm? Có phải ở một thời điểm nào đó, yêu thương cũng rơi vào quên lãng? Ta và em lạc bước trong đời để lại nhiều nuối tiếc. Mà nuối tiếc thì cũng giống như nỗi đau người ta luôn giấu lòng để tự huyễn hoặc bản thân.


“Em hát đi ru giấc ngủ chiều nay
Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi
Chiều hạ về như áng mây trôi
Lá trên cây không còn nắng mơ màng”


Xa rồi màu nắng mơ màng của một chiều mưa bất chợt! Những mùa hạ trôi qua trong lênh đênh và âm thầm. Dường như để khép lại những mơ mộng, những yêu thương và cả dở dang.


“Ta lắng nghe ngu ngơ hạ về
Hạ trắng bơ vơ ru em lời buồn
Chiều mây vàng như tiếng em ca
Mây lang thang trong nắng hanh vàng”


Ta đang lắng nghe hạ về. Hình như rất khẽ nhưng cũng rất mơ màng. Mơ tiếng em ca, mơ để lòng xao xuyến! Chẳng còn tiếng ve ầm ĩ quen thuộc dưới những gốc phượng già. Tiếng đàn của ta cũng dần tan vào đêm vắng…

Hạ lại về đó em! Như một lời ru vọng về từ kí ức. Mây vẫn trôi. Nắng chiều vẫn vàng tinh tươm. Dòng nhớ vẫn miên man chảy trong cuộc đời bao la. Chỉ có cây lá và mưa rưng buồn. Nếu cuộc đời là một chuyến xe, ta xin ngược về thuở hoa niên để nghe tiếng em ca…


Ngọc Nho - DH10C



BÀI THƠ TẶNG VỢ



BÀI THƠ TẶNG VỢ
Tác giả: Hồ Dzếnh

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh), sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội.

(Sưu tầm trên mạng)



CON CÁ GIÁ 300,000 ĐÔ

Với sự chính xác tuyệt đối, viên bác sỹ phẫu thuật đưa con dao mổ vào phía trên tròng mắt và lấy ra một lớp cơ mỡ bất thường. Việc nâng mắt bình thường sắp hoàn chỉnh thì đột nhiên bệnh nhân tỉnh lại, nghẹt thở và nhảy lạch bạch trên bàn. Những người chứng kiến nín thở. Biết thời gian là tối quan trọng, viên bác sỹ chụp bệnh nhân bằng hai tay, chạy thật nhanh băng qua sân khấu và thả cô ta vào bể nước. Cô ta tỉnh lại.


Bỡi vì cô ta là một con cá.

Vâng, việc nâng mắt cá thực sự xảy ra. Tương tự như việc sửa vây và đuôi. Nơi thực hiện là phố buôn bán ở Jakarta, Indonesia, nơi một triển lãm thú cưng đang được tiến hành. Về bệnh nhân, cô sống sót, đôi mắt sụp xuống trước đây của cô giồ sáng sủa và linh động.

Một điều tốt nữa, là vì con cá này không phải là một con cá vàng bình thường, mà là một con cá rồng Á châu, cư dân bể cá đắt đỏ nhất của thế giới, được đồn đại là bán tới 300.000 đô một con.

Ở Trung Hoa, cá này được gọi là lóng yú, cá rồng, vì thân dài của nó được bọc bằng những vảy lớn, tròn và sáng loáng như những đồng tiền. Khi trưởng thành, loài cá săn mồi cổ xưa này đạt đến chiều dài bằng một thanh kiếm samurai, cỡ hai đến ba feet, và có màu đỏ, vàng hay xanh lá cây. Một cặp râu từ cằm nhô ra, và nửa sau gợn sóng giống như những con rồng giấy trong cuộc diễu hành năm mới Trung Hoa. Sự giống nhau này làm sản sinh ra niềm tin con cá này mang lại vận may và thịnh vượng – rằng thậm chí nó sẽ tự vẫn bằng cách nhảy qua khỏi bể nuôi, hy sinh mạng sống của nó để cứu mạng chủ nhân.

Được bảo vệ bỡi Luật bảo vệ các loài nguy cấp, cá rồng Á châu không thể được mang vào Mỹ hợp pháp như một thú nuôi, mặc dù thị trường chợ đen nở rộ từ New York tới Los Angeles. Hồi đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, một chủ nhà băng ở Wall Street đã tuyệt vọng trong nước mắt khi nhà chức trách tịch thu con cá cưng bất hợp pháp mà ông ta không thể cưỡng lại vẻ hấp dẫn của nó.


Cá rồng aka – Asian arowana – trưởng thành, dài tới 3 feet.

Gần đây hơn, năm 2012, một người buôn lậu loài cas1 này đã bị tạm giam tại Trung tâm giam giữ Brooklin, nhà tù liên bang nơi từng giam trùm gia đình tội phạm Gambino, John Gotti Jr., và thành viên al Qaeda, Najibullah Zazi, người vạch kế hoạch âm mưu làm nổ tung hệ thống tàu điện ngầm New York.

Tuy nhiên, ở hải ngoại, loài cá này là mặt hàng thèm khát công khai ở thị trường xa xỉ hợp pháp. Hoàn toàn bị xóa sổ trong tự nhiên, cá rồng Á châu được cho đẻ trong các trại nuôi an ninh cao ở Đông Nam Á và được gắn chip theo dõi. Đa số các cơ sở này có tường lưới , tháp canh và chó tuần tra vòng ngoài vào ban đêm để bảo vệ chống lại những tên cướp cá.

Singapore, nơi một thời được xem là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới, từng xảy ra bốn vụ trộm cá rồng trong một tuần. Một tên trộm đánh bất tỉnh một cụ bà trong khi tẩu thoát mang theo con cá quý của bà trong xô nước.


Ở Malaysia, 5 con cá rồng bị đánh cắp từ nhà của một phụ nữ được tường thuật là có giá trị cao hơn tất cả tài sản khác của bà cộng lại. Ngoài ra, trong một hành động bạo lực gây rúng động, một chủ cữa hàng cá cảnh 31 tuổi đã bị đâm chết và cắt cổ – chỉ vì những con cá của anh ta.

Dù có những hành động tội phạm ngầm, bức tranh lớn hơn của ngành cá rồng có vẻ ít giống buôn bán ma túy, mà giống cảnh mua bán tranh nghệ thuật náo nhiệt của Manhattan, với những mức giá phá mọi kỷ lục, những tay mua nặc danh, những vật phẩm bị đánh cắp, những nhà buôn ghê tởm và những vụ giả mạo tinh vi.



Vào năm 2009, 10 con cá rồng bạch tạng hiếm được vận chuyển với sự hộ tống của cảnh sát để đến Hội thi cá rồng quốc tế ở Singapore – tương đương với Hội thi chó Westminster – nơi những cảnh vệ có vũ khí đứng canh chừng để ngăn cản bất kỳ kẻ nào có khả năng ném chất độc vào các bể cá.

Người nuôi loài cá đột biến ma quái này, doanh nhân Malasia tên Alan Teo, nói rằng một nhà lãnh đạo có tiếng của đảng cộng sản Trung Hoa vừa mua một con với giá 300.000 đô. Ông nói một con nữa được bán cho ông trùm casino Las Vegas, yêu cầu chuyển cá tới Canada, nơi, không giống như ở Mỹ , loài này là hợp pháp. Con thứ ba thuộc về một trùm tư bản ngành nhựa Đài Loan, người kiếm được gia tài nhờ sản xuất bàn chải đánh răng.

“Vài người nghĩ chỉ là lời đồn, nhưng đó là sự thật”, ông Teo nói về câu chuyện không chắc xảy ra của mình, trong khi đưa hai tay lên để mô tả họ đã run rẩy như thế nào vào ngày ông mang một con cá rồng bạch tạng thả vào bể nuôi trong lâu đài của lãnh chúa Johor – người có tiếng độc ác là đã giết chết người vác gậy đánh golf dám cười thầm khi ông ta đánh hỏng một gậy.

Việc chứng minh ai trả cái gì cho con cá nào cũng giống như chứng thực giá cả bị thổi phồng mà những người buôn tranh nghệ thuật tường thuật – không thể được.

“Công bằng mà nói, không phải tất cả các con cá rồng đều có giá cao như thế”, “Kenny Cá Rồng”, tay buôn lập dị Singapore thuộc Trung tâm thế giới cá cảnh Á châu hào nhoáng, thừa nhận.

Tay triệu phú hút thuốc liên tục có tiếng trong việc đưa các hình ảnh nude phía sau các vật nuôi thủy sinh, tên thật là Kenny Yap, là chủ tịch điều hành của trang trại cá cảnh ăn nên làm ra đến nỗi nó được liệt kê trên sàn chứng khóan chính của Singapore. Báo chí nước này từng phong cho ông ta là một trong những người độc thân thích hợp nhất để lấy làm chồng, và đề nghị ông ta tổ chức một chương trình thực tế của Donald Trump, “ The Apprentice”.

Một con Sapphire Golden Arowana đang bơi trong bể cá của chủ nhân ở Kuala Lumpur.
Như Yap giải thích, đa số cá rồng được bán ở khoảng sáu tháng tuổi khi chúng dài xấp xỉ cây bút chì và thường có giá 1.000 đến 2.000 đô một con.

“Người ta muốn nuôi chúng từ nhỏ để tạo ra một mối quan hệ nào đó”, ông nói, giải thích thêm là cá này có thể sống đến vài thập kỷ – không ai biết chính xác bao lâu, mặc dù khi nuôi cảnh chúng thường chết trước khi trưởng thành.

Trước đây, Yap nói với báo chí rằng một con cá rồng có thể được huấn luyện như chó và mèo để “ở cạnh chủ nhân khi ông ta không vui” (Đừng bận tâm nó bị giới hạn trong bể cá). Điều hài hước trong mối quan hệ này là con cá có khuynh hướng nóng nảy và có hành vi “như một đứa trẻ hư”.

Willie Si, còn có tên là “Bác sỹ Arowana” , cha đẻ của ngành phẫu thuật cá rồng, đồng ý. Là một thợ sửa xe hơi Singapore, Si đặt một bản quảng cáo tìm kiếm “cá rồng có khiếm khuyết và hư hỏng” vào đầu thập kỷ 90 và bắt tay vào việc chữa trị , cắt đuôi chúng bằng kéo để giống những bông hoa cúc. Cuối cùng, ông ta tiên phong trong việc sử dụng các dụng cụ bằng kim cương để loại bỏ nấm phát triển trong mắt cá.

Những ác ý khi phẫu thuật hỏng cuối cùng khiến Si đóng cữa hàng và hạn chế tư vấn qua điện thoại. Khi khách hàng điện hỏi sao cá họ không ăn, ông bảo họ nghĩ lại xem họ có nói gì khiến cá buồn lòng không.

“Đừng lo”, Si nói. “Hãy nói chuyện với cá. Hãy nói bạn đã mắc sai lầm. Ngày sau sẽ OK thôi.”

Có lẽ bạn trông đợi một loài sinh vật rất được ưa chuộng bỡi những người thích phong thủy- và được đánh giá cao bỡi yakuza, những thành viên thuộc tổ chức tội phạm có tổ chức của Nhật Bản – có ý nghĩa thần thoại sâu sắc trong văn hóa Á châu. Không phải như vậy. Chỉ trước đây ít thập kỷ, cá này là loài cá bình thường mà những người địa phương ăn trong các bữa cơm của họ.

Con Platinum Arowana này giá 50.000 đô
Chỉ khi nơi sinh sống trong các rừng già ẩm thấp biến mất, và lệnh cấm buôn bán quốc tế dường như làm tăng nhận thức quý hiếm, loài cá này mới chuyển thành biểu tượng giàu sang và mặt hàng xa xỉ khoảng 1980. Hiện nay ý tưởng ăn cá rồng là vô cùng lố bịch đối với nhiều người.

Tuy nhiên, vẫn có lời đồn về những tay tỷ phú Trung Hoa trả số tiền lớn để ăn loài cá nguy cấp này. Phụ giúp điều tra việc này, một nhà báo ở Guangzhou không thể giữ được nét mặt bình thản khi gọi một con tại một nhà hàng hải sản.

“Nó giống như gọi ăn một món gì không thể ăn được – giống như một miếng sắt vậy”, tay thanh niên trẻ cười cười giải thích, món khoái khẩu của anh ta là thịt chó.

Bỡi Emily Voigt, New York Post

Theo: Biển Và Người

Link tham khảo thêm: