Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên hé lộ về “người tình” trong bản các tình ca
Lần đầu tiên, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã chia sẻ về những mong ước, tình cảm, sự yêu mến… của ông dành cho hai giọng ca Tuấn Ngọc, Lệ Thu. Ông cũng hé lộ về “người tình” trong các bản tình ca do ông sáng tác.
Nhiều năm nay, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã chọn cuộc sống “ẩn dật” như một “ẩn sỹ” ở Mỹ. Ông không không tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật. Ông cũng rất hiếm khi xuất hiện, chính vì vậy các thông tin về ông khá ít ỏi.
Ký hoạ nhạc sỹ Ngô Thuỵ Miên. Ảnh: NVCC |
Khi tổ chức đêm nhạc vinh danh nhạc phẩm của ông tại Hà Nội, ban tổ chức chương trình “Vàng son một thuở” mà đại diện là nhạc sĩ Nguyễn Quang đã liên lạc với nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên để xin ý kiến của ông. Vị nhạc sĩ tài hoa đã rất hạnh phúc khi tại Việt Nam đã có một đêm nhạc vinh danh nhạc phẩm của mình với những nghệ sĩ mà ông cũng vô cùng yêu quý.
Lần đầu tiên, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã chia sẻ về những mong ước, tình cảm, sự yêu mến… của ông dành cho Tuấn Ngọc, Lệ Thu về tình yêu. Để chuẩn bị cho đêm nhạc, Tuấn Ngọc và Lệ Thu cũng đã về nước sớm để tập chương trình nhằm đảm bảo đêm nhạc trọn vẹn nhất đến với khán giả.
Nguyên văn bức thư nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên của cho nhạc sỹ Nguyễn Quang.
“Gửi cháu Nguyễn Quang.
Trước hết chú rất vui khi cháu đã cố gắng tổ chức được chương trình nhạc của chú ở Hà Nội và lại có 2 ca sĩ mà chú yêu mến nhất: Lệ Thu và Tuấn Ngọc. Chị Lệ Thu đã là người bạn đồng hành văn nghệ với chú từ khi chú còn ở trong nước và nhiều năm sau này khi ra hải ngoại. Chị đã là một trong các ca sĩ đóng góp rất lớn vào việc tạo dựng tên tuổi của Ngô Thụy Miên.
Danh ca Lệ Thu và Tuấn Ngọc tập hát cho đêm nhạc Ngô Thuỵ Miên. |
Ngoài ra còn 4 ca sĩ trẻ, mà chú phải cám ơn, vì họ là tương lai của nền tân nhạc chúng ta. Chú rất hạnh phúc khi họ trình bày những ca khúc của một tác giả đến từ một góc trời rất xa, một thập niên rất cũ.
Quan trọng nhất, chú trân trọng cám ơn tất cả quý khán thính giả đã yêu mến tình ca Ngô Thuỵ Miên và đến với đêm nhạc “Riêng một góc trời”. Cuối cùng chú cám ơn Quang và các bạn trong ban nhạc. Chương trình thành công hay không đều phải nhờ vào tài hoà âm phối trí, và điều khiển ban nhạc, sân khấu của cháu.
Nói về “Em” trong tình ca Ngô Thuỵ Miên thì không chỉ là những bóng hình người tình đã đi qua hay đang chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống hiện tại với chú. Em, những ngày tháng còn ở Sài Gòn đúng là thế, như trong “Mùa Thu cho em”, “Niệm khúc cuối”, “Giáng ngọc”... Khi ra hải ngoại thì “Em”, dù vẫn là bóng hình người tình của “Bản tình ca cho em”, “Dốc mơ”, “Riêng một góc trời”... nhưng “Em” cũng chính là Sài Gòn, là nơi chốn chú đã trưởng thành với bao kỷ niệm của một đời như trong “Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn, Biết Bao Giờ Trở Lại... Người tình chợt đến chợt đi, nhưng Sài Gòn sẽ còn mãi trong trái tim chú.
Cá nhân chú vẫn yêu thích mấy ca khúc đặc biệt mà chú đã hoàn tất nhạc trước khi đặt lời, bốn ca khúc này mang chút âm hưởng nhạc cổ điển Tây Phương: “Mắt biếc”, “Từ giọng hát em”, “Dốc mơ” và “Miên khúc”.
Ngoài ra, hai ca khúc chú nghĩ đã được nhắc đến nhiều nhất, đã chuyển đạt được gần như tất cả những điều chú muốn chia xẻ với người về tình yêu đó là “Niệm khúc cuối” và “Riêng một góc trời”.
“Niệm khúc cuối” là ca khúc trong sáng lãng mạn viết từ năm 1971, có thể nói bài hát này đã được thu thanh, thu hình nhiều nhất trong các tác phẩm của chú. “Tình ơi! Dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em”. Đó là điều duy nhất chú muốn nói về tình yêu. Hãy cho, hãy chấp nhận và hãy tha thứ để tình yêu vĩnh viễn mãi là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Bài thứ hai chú viết ở hải ngoại năm 1996, “Riêng một góc trời”: “Đời như sương khói, mơ hồ trong bóng tối. Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời”. Chú nghĩ bài hát đã là một người bạn đồng hành tuyệt vời cho những tâm hồn đã yêu, đang yêu và mãi còn yêu.
Cám ơn cháu có nhã ý mời cô Hà. Cô chú mấy năm nay đã không tham dự, cũng như xuất hiện trong các chương trình văn nghệ. Hy vọng những năm tháng sắp tới, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.
Chú thân chúc chương trình nhạc “Riêng một góc trời” thành công như ý muốn.
Thân mến!
Chú Ngô Thụy Miên".
Hà Tùng Long
No comments:
Post a Comment