"Truông nhà Hồ và phá Tam Giang" là 2 địa danh lịch sủ trong dân gian VN. Có một bài ca "Chiều trên phá Tam Giang" của Trần Thiện Thanh cho mình biết đây là một địa danh có thật nên tìm hiều thêm. Tôi có đọc qua những tài liệu về 2 địa danh này nhưng chung chung vẫn nghĩ là di tích lịch sử.
Hôm nay đọc được bài viết của anh Bulukhin Nguyễn, tôi rất thỏa mãn vì nó đáp ứng được những điều kiện văn học, lịch sủ và địa lý. Chắc chắn các bạn có biết hay nghe qua 2 cái tên này nhưng hiểu biết về nó có nhiều không thì không biết. Ai nếu chưa biết thì xin đọc bài sau đây. (LKH)
THƯƠNG ANH EM CŨNG MUỐN VÔ....
Con gái Ngọc Tú và một số bạn ở ngân hàng Ngoại thương đề nghị Bu giải thích bốn câu ca dao:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm
Có phải là hò đối đáp không ? vì nêú là hò đối đáp thì tại sao trong cùng một thời điểm mà truông nhà Hồ và phá Tam Giang lại có ý nghĩa phủ định lẫn nhau ? Truông là gì? nội tán là gì ?
Bu trả lời và xin được các Blogger bổ sung thêm, vì không dám qủa quyết là mình nói đúng.
Trước hết xin nói rằng 4 câu các bạn hỏi có trong sách "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan in lần thứ 7 năm 1971. Tôi hồ nghi tính xác thực của nó vì vào năm cuối cùng của thế kỷ 19 học giả Ngô Giáp Đậu viết sách "Hoàng Việt long hưng chí" có dẫn 4 câu ấy như sau:
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Tôi nghĩ "thương anh em cũng muốn vô" như Ngô Giấp Đậu viết có lý hơn, vì thời đó thanh niên đàng ngoài vào đàng trong nhiều hơn là thanh niên đàng trong ra đàng ngoài. Một số đi theo chúa Nguyễn tính kế vạn đại dung thân, số khác đi theo đoàn quân chúa Trịnh vào chinh phạt chúa Nguyễn. Người vợ xa chồng muốn vô thăm nhưng hễ ra khỏi nhà là sợ, huống chi phải vượt qua truông nhà Hồ với phá Tam giang là những nơi nguy hiểm. "Lệnh nghiêm" có lý hơn "cấm nghiêm" vì quan nội tán chỉ thị mọi việc đều bằng lệnh. Và một lệnh có thể cấm nhiều thứ.
Theo truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế thì ngày xưa người ở phía bắc Hồ Xá muốn vào Huế có thể đi theo một trong hai đường. Đường bộ phải qua truông nhà Hồ (1) đường thuỷ phải qua phá Tam Giang (2). Nhưng cả hai đường đó dều là mối đe doạ đối với mọi người. Truông nhà Hồ là sào huyệt của một băng cướp, người đi qua đó bị chúng bắt nộp tiền mãi lộ, có khi bị cướp của giết người. Còn phá Tam Giang là nơi gặp gỡ của ba con sông để cùng đổ ra biển, thường có sóng to gió lớn làm lật thuyền bè qua lại. Bởi thế trong dân gian mới có câu ca:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Thời ấy chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) muốn được an dân bèn sai quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725)(3) dẹp cướp ở truông nhà Hồ và chế ngự sóng gió ở phá Tam Giang. Quan nội tán tổ chức một đoàn xe chở lúa đi qua truông và cố tình cho bọn cướp bắt cả người lẫn xe dẫn về sào huyệt. Trên xe, một người lính bí mật rải lúa xuống mặt đường. Đội quân truy cướp cứ lần theo vết lúa mà bao vây diệt cả bọn. Với phá Tam Giang quan nội tán huy động quân dân lặn xuống đào sâu ba cửa sông, mở rộng lối phá thông ra biển. Nước ba con sông đổ về thoát nhanh, mặt nước phá Tam Giang thu nhỏ lại, làm giảm độ sâu dẫn đến giảm sóng. Sợ dân chưa tin vào biện pháp trị thuỷ đó, quan cho loan truyền trong dân chúng rằng quan nội tán sẽ dùng súng thần công tiêu diệt thần sóng. Mọi người sợ thần sóng không bị diệt sẽ nổi giận gây hoạ khôn lường. Nhưng đến ngày giờ đã định quan nội tán cho nổ ba loạt súng thần công, lửa chớp, khói bay mù mịt cả một vùng, dân chúng hoảng sợ nằm rạp sát đất. Đến khi định thần được thì thấy máu đỏ loang mặt phá và yên chí là thần sóng đã bị tiêu diệt. Thực ra quan nội tán đã cho người phục sẵn dưới nước, khi nghe súng nổ thì xả phẩm hồng ra. Quả nhiên từ đó phá Tam Giang không còn sóng dữ và cạn dần nên dân chúng còn gọi là phá Hạc Hải (4). Nổi lo qua truông nhà Hồ và phá Tam giang không còn nữa, dân gian mới thêm vào bốn câu trên hai câu:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Để trấn an khách phía bắc Hồ Xá vô Huế và ghi tạc công lao của quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng.
Như vậy, 4 câu ca dao:
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truôngnhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Không phải là hò đối đáp tức thời mà hai câu trước và hai câu sau được dân gian sáng tác cách nhau một thời gian khá xa.
----------------
(1) Truông nhà Hồ: Theo từ điển tiếng Việt: Truông là vùng đất hoang, rộng, có nhiều cây cỏ. Ông Vũ Ngọc Phan trong "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" viết : "Truông là rừng, truông nhà Hồ là Hồ Xá Lâm, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị". Sách "Địa danh Việt Nam" của ông Đinh Xuân Vịnh có thống kê số truông ở Việt Nam: truông Bát, truông Trẩy (Hà Tĩnh), truông Bổn, truông Khấp, truông Mèn, truông Sắt, truông Thành (Nghệ An), truông Mây (Bình Định), truông Nhà Hồ (Quảng Trị). Như vây truông là một từ của miền Trung, nhưng bảo nó là rừng như ông Phan cũng chưa thật đúng, vì ở miền Trung còn vô số rừng chứ không chỉ có 9 rừng (truông) như đã kể trên. Và ai đã từng đi qua truông Bát ở Hà Tĩnh thì hẳn thấy truông là một vùng đất được kẹp giữa hai dãy núi, có rừng cây, có đèo, suối, dân cư thưa thớt, và trên dãi dất hẹp ấy có đường đi nối các vùng ngoài phạm vi truông đó. Cụm từ "Hồ Xá Lâm" mà ông Phan viết được hiểu là "rừng - nơi người họ Hồ ở" ngày nay ta gọi tắt là Hồ Xá . Nhà Hồ khi nắm quyền (1400-1407) có di dân đàng ngoài vào ở và đặt quân đồn trú tại đây. Xá là nơi ở, như ta vẫn nói ký túc xá.
(2) Phá Tam Giang: Phá là vùng nước mặn có dãi đất ngăn cách với biển, thông ra biển bằng một dòng nước hẹp. Tam Giang là ba con sông lớn của Thừa Thiên Huế: sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương. Ba sông này đổ vào phá, phá thông ra biển bằng cửa Thuận An. Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, hình thành cách nay khoảng 2000 năm, là hệ thống đầm phá thuộc loại lớn của thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Phá có chiều dài 68 km, rộng 2-3,5 km, diện tích mặt nước 22.000 ha.
(3) Nguyễn Khoa Đăng: sinh 1691, là cháu bốn đời ông Nguyễn Đình Thân quê ở Hải Dương. Ông Thân theo Nguyễn Hoàng vào nam nhập tịch ở huyện Hương Trà thuộc Thừa Thiên Huế, đổi họ thành Nguyễn Khoa. Năm 1722 Nguyễn Khoa Đăng được thăng hàm nội tán kiêm Án sát sứ, coi hết các việc quân quốc, định lại điều lệ. Quan nội tán là người thanh liêm chính trực bị một số nịnh thần ghen ghét và lập mưu giết chết khi ông mới 35 tuổi (1725)
(4) Hạc Hải: Hạc là cạn, hải là biển. Hạc Hải là biển cạn, tên gọi khác của phá Tam Giang sau khi nó cạn dần (huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình cũng có một phá tên là Hạc Hải)
Bulukhin Nguyễn
No comments:
Post a Comment