“Vua nhạc sến” Vinh Sử - yêu miệt mài cả trong âm nhạc lẫn ngoài đời
Trai nhà nghèo
Vinh Sử tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại quận 4, Sài Gòn. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền caosu cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó gia đình tìm về miền đất hứa Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi đầu ông mới đi học lớp năm (lớp một bây giờ), ông là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học.
Học hết lớp nhất (khoảng 15 tuổi) thì Vinh Sử bỏ học vì mê nhạc. Âm nhạc như đã có sẵn trong máu của ông từ kiếp nào. Vừa học nhạc, ông vừa mua sách hướng dẫn sáng tác nhạc để học cách sáng tác. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập sáng tác, những tác phẩm của ông nói về sự chia ly, những mất mát của tình yêu đôi lứa. Hình như trong tất cả nhạc phẩm nói về tình yêu của ông chỉ có những nhớ nhung, đau thương, mỗi người một ngả, yêu và không được yêu...
Các bản nhạc Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... đã được ông sáng tác từ trong những ngày đầu tập tành làm nhạc sĩ. Để có tiền làm quen với giới “bầu sô”, những người chuyên “lăngxê” nhạc sĩ, ca sĩ trong các chương trình đại nhạc hội, Vinh Sử đã cạy tủ lấy tiền cha mẹ. Bị phát hiện, cha mẹ ông cấm cửa không cho về nhà. Từ đây, ông bắt đầu cuộc đời “nhạc sĩ lang thang”.
Cô đơn và nghèo túng, có những lúc ông muốn quay về, nhưng nghĩ đến số tiền mà cha mẹ nhọc nhằn dành dụm bị ông lấy tiêu xài hoang phí, ông cảm thấy xấu hổ nên nhất quyết khi nào thành danh, giúp đỡ được cha mẹ thì mới trở lại nhà. Ông một mình lang thang, làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ, khuân vác để kiếm tiền sinh sống qua ngày. Rất nhiều đêm, ông ngủ ngoài bãi đậu xe xích lô ở bến Vân Đồn.
Từ đi bộ, lên thẳng xe hơi
Ông mướn căn gác trọ tồi tàn trong một con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản. Ban ngày ông đi làm phụ hồ, khuân vác, đạp xíchlô..., đêm về trên căn gác trọ nghèo nàn, ông say mê với những cung bậc bổng trầm của cây đàn guitare. Cho đến một hôm, ông bầu sô Duy Ngọc - người chuyên dàn dựng những những chương trình đại nhạc hội tầm cỡ thời bấy giờ - đã đi tìm Vinh Sử. Số là, trong một lần đi đám cưới ở quận 4, Duy Ngọc tình cờ nghe những giọng ca “cây nhà lá vườn” hát những bài hát “nghèo” của Vinh Sử. Duy Ngọc nghe sao mà hay và lạ, rồi ông hỏi thăm “nhà” của Vinh Sử…
Một tuần sau, trong chương trình đại nhạc hội tầm cỡ do Duy Ngọc tổ chức tại rạp Quốc Thanh, khán giả đã nghe đôi song ca tài danh Thanh Tuyền – Chế Linh hát các nhạc phẩm: Nhẫn cỏ cho em, Nhành cây trứng cá, Gái nhà nghèo... Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, khắp các hàng ghế đồng loạt vang lên những tiếng “bis, bis”... Ngay sau đó, các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản ở Sài Gòn tìm đến Vinh Sử để thương lượng. Rồi khắp cả Sài Gòn, Chợ Lớn người ta thấy băng nhạc cassette “Vinh Sử - Nhẫn cỏ cho em” và hằng hà sa số bản nhạc rời: Nhẫn cỏ cho em, Hai bàn tay trắng, Gái nhà nghèo… được bày bán, từ trong quán nhạc tới sạp sách báo ngoài vỉa hè… Đâu đâu, người ta cũng thấy băng, đĩa, nhạc của Vinh Sử.
Chính cuộc sống khốn cùng trong những tháng ngày gian khổ và nỗi cơ cực triền miên, bị người yêu phụ bạc đã làm cho nhạc của Vinh Sử phần nhiều mang đậm chất cay đắng tình đời. Nhạc của ông là nhạc bình dân, nhạc của người nghèo. Từ thành thị tới thôn quê, từ bến xe đến bến tàu, chỗ nào có giới bình dân, chỗ nào có người nghèo là chỗ đó có nhạc của Vinh Sử. Những bản nhạc rất thích hợp cho lớp thanh niên nghèo thời ấy.
Thanh niên sang giàu hồi đó không nhiều, còn thanh niên đi làm thợ hồ, cu ly, xíchlô, bagác... thì nhiều vô kể. Họ có thể nhịn ly càphê để mua một bản nhạc Vinh Sử, về hát ngân nga. Bài Nhẫn cỏ cho em có số phát hành chính thức là 400 ngàn bản (chưa kể in lậu) đã làm cho ông từ đi bộ lên sắm thẳng xe hơi đời mới, bỏ qua giai đoạn đi xe đạp, xe gắn máy.
Ông cũng viết nhiều về những cuộc tình đơn phương, nói lên tâm trạng của chàng trai vì nghèo mà không dám tỏ tình, đành lặng lẽ yêu một mình, rồi âm thầm chuốc lấy khổ đau. Hầu hết những bản nhạc yêu đương dang dở ấy lại đi sâu vào lòng người. Từ giới bình dân đến trí thức, mọi người đều biết nhạc của ông. Ở tận cùng vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh tới chốn thị thành phồn hoa đô hội, đâu đâu người ta cũng nghe nhạc của ông, hát nhạc của ông.
Hầu hết các bản nhạc của Vinh Sử được viết bằng âm giai thứ, nên lúc nào cũng buồn buồn. Ông thành công không những ở các điệu Habanera, Boléro, Balade…, những điệu nhạc bình dân vốn bị coi là “rẻ tiền” mà còn vượt trội trong dòng nhạc slow, như bản Đêm lang thang. Bản nhạc này được Vinh Sử sáng tác theo điệu slow, âm giai chính la thứ mà ca sĩ Chế Linh với giọng ca buồn não nuột, đã hát rất thành công.
Nhất dạ đế vương sinh... phá sản
Vinh Sử từng nói, mỗi bài nhạc của ông là kỷ niệm với một người tình. Ông không nhớ chính xác mình đã viết bao nhiêu bài hát, chỉ biết đã xuất bản được 2 tập với khoảng 200 bài. Điều đó có nghĩa ông cũng từng có hàng trăm người tình. Ngay ca khúc đầu tiên giúp Vinh Sử nổi tiếng cũng là kỷ niệm về một người con gái mà ông say mê, đó là bài Nhẫn cỏ cho em - một trong những sáng tác tiêu biểu của Vinh Sử. Ông viết bài này khi mới 17 tuổi và chính bài hát này đã đưa ông bước thẳng lên vinh quang của sự nghiệp sáng tác, khi mà các nhà xuất bản tranh mua tác quyền ca khúc của ông với giá cao ngất ngưởng, giúp ông mua được xe hơi.
Ông nhớ lại ngày đó, con gái con trai thương nhau mà chẳng dám cầm tay nhau, chẳng dám nói với nhau một câu tình tự, chỉ dám xưng tên ngại ngùng... Hai người thường rủ nhau đi chơi nhưng chẳng bao giờ ông dũng cảm dám nói một lời thương yêu với nàng. Một lần, ông hẹn nàng ra công viên, nhưng mãi cũng không thể nào nói được nên lời. Đến khi chuẩn bị về thì ông quýnh quáng bứt cọng cỏ cho đỡ bối rối và kết cỏ thành cái nhẫn trùm qua ngón tay nàng, không nói gì. Nàng nhận nhẫn rồi cười rất đáng yêu. Sau này, bắt đầu sáng tác, ông hồi tưởng lại câu chuyện tình làm xao xuyến trái tim mình và viết Nhẫn cỏ trao em:
“Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương
Tặng em theo sính lễ huy hoàng...
Người ta mua em gấm lụa
Còn anh trao em nhẫn cỏ
Thì em phải bận tâm gì”.
Bài Đêm lang thang ông dành cho một phụ nữ người Hoa rất đẹp làm chủ nhà hàng. Hai người đã từng đi chơi với nhau nhiều lần, tình yêu cũng đã nhen lửa. Nhưng một lần, nàng nhìn thấy ông chở một cô ca sĩ phía sau xe thế là nàng lập tức chia tay. Ông buồn quá, hàng ngày cứ đi đến nhà hàng của nàng ăn uống để nhìn mặt nàng, nàng thấy ông là lập tức đi tuốt lên lầu, không thèm nhìn. Ông rời nhà hàng đi về mà lòng cứ nhớ nhớ thương thương, trằn trọc không ngủ được, dậy đi loanh quanh ngoài phố... Ông viết Đêm lang thang chính là cho những đêm mong ngóng được nhìn người yêu như thế: Bước lang thang qua từng vỉa hè/ Biết đi đâu đêm dài bơ vơ…
Thời huy hoàng đến với ông như một giấc mơ. Hợp đồng được ký với các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản nhạc thời bấy giờ đã đem lại cho ông những món tiền kếch sù. Có tiền quá dễ, ông xài tiền như nước, hàng đêm ngật ngưỡng trong men say. Ông thường lui tới những nhà hàng sang trọng, ăn những cao lương mỹ vị, nốc toàn whisky… Chưa dừng lại ở những cuộc vui chơi bạt mạng ấy, ông còn tìm đến những chốn ăn chơi cực kỳ sa đọa trong các nhà hàng sang trọng ở Chợ Lớn.
Ông thích làm “vua một đêm” (nhất dạ đế vương) với áo mão cân đai, chễm chệ trên ngai vàng lộng lẫy, phè phỡn nằm trên long sàng cho cung tần đấm bóp. Thức ăn toàn sơn hào hải vị, rượu uống ngon nhất thế gian. Kề bên có hoàng hậu, cung phi đẹp như tiên nga giáng thế, dưới trướng có cận vệ, quân hầu… Một đêm làm vua tiêu tốn hàng chục cây vàng. Lúc ấy, Vinh Sử không thể nào nghĩ tới sẽ có lúc ông sống nghèo khổ, cô độc, bị bệnh tật hành hạ như ngày hôm nay!
Theo: Những scandal tình ái trong giới nghệ sĩ Sài Gòn