Anh thương em rồi sao anh chẳng nói
Để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn !
...
Lá vẫn xanh tươi màu
Xin ai đừng để lá trầu vàng ...
(Lời bài hát: Hoa cau vườn trầu)
Trong chương trình "Thần tượng tương lai - Tập 13" có bé Khánh An hát bài "Hoa Cau Vườn Trầu", bài hát này tôi mới nghe lần đầu nhưng rất cảm động như một bài ca dao mà tôi tìm được trong bài post sau đây:
Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.
TRẦU CAU NƠI QUÊ HƯƠNG
Chúng ta đều biết, xưa kia trầu cau là hai loại cây được trồng khắp nơi trên quê hương đất nước để lấy lá, lấy trái dùng hằng ngày. Từ vua quan cho chí thứ dân, từ đàn ông cho chí đàn bà, ai ai cũng thích nhai trầu; nhiều người còn nghiện là đằng khác, nhất là các bà già bình dân, nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, do đó mới có khẩu ngữ "bà già trầu".
Ðặc biệt cây cau chẳng những được dân gian quí hóa bảo nhau trồng ở sân trước nhà - chuối sau cau trước - mà ngay ở Hoàng thành, vào đời Minh Mạng (1820 - 1840), cây cau còn được chọn khắc trên đỉnh đồng, có tên Anh Ðỉnh, đỉnh thứ tư trong cửu đỉnh, được đặt trước sân Thế Miếu.
Với chúng ta, hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút (nhiều khi cao hơn 10 mét), có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay, có hình trái tim duyên dáng nơi góc vườn của nội, của ngoại... đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của bầy con xa xứ.
Hoa cau thì mọc thành một chùm lớn, phân nhánh, có mo bọc ngoài. Khi hoa kết trái thì buồng cau nở lớn, mo cau khô, rụng xuống. Câu ca dao sau đây đã mô tả hình ảnh và giới thiệu thời gian cau đơm hoa kết trái một cách thật lý thú:
Ðầu rồng đuôi phượng te te
Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con.
Riêng loại cau liên phòng, còn gọi là cau tứ quí thì ra trái cả bốn mùa. Khi được mùa, mỗi buồng cau có đến trên trăm trái, hình bầu bầu và lớn bằng quả trứng gà.
Trầu cau không chỉ được trồng để nhà dùng mà nhiều khi còn là nguồn sống của gia đình và lập nên cửa nên nhà:
Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.
Chả thế, gia đình nào có cả vườn trồng cau sinh lợi đều được kể là một trong những nhà giầu có nơi thôn dã:
- Nhà ngói, cây mít
- Ruộng sâu, trâu nái
hay
- Vườn cau, ao cá.
Ở nước ta, từ Bắc chí Nam đều có nhiều vùng nổi tiếng trồng trầu cau và sản xuất được nhiều trầu cau ngon, gửi bán đi các nơi hoặc để xuất cảng.
Theo tài liệu của Ðỗ Tất Lợi, trước đây (1930) diện tích trồng cau ở ngoài Bắc ước chừng 2.500 hectare, chủ yếu là các vùng Hải Dương, Kiến An, Quảng Ninh, Nam Ðịnh và Thái Bình. Ca dao cũng có câu:
Ðồn rằng kẻ Trọng lắm cau,
Kẻ Cát lắm lúa, kẻ Mau lắm tiền.
Ở miền Trung, diện tích trồng cau khoảng 1.400 hectare. Đặc biệt trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ đã được ca dao vùng Huế Ợ Thừa Thiên ca tụng hết lời:
Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.
Hạt thơm mà xác lại giòn,
Được tiếng khen là phải, dậy tiếng đồn không sai.
Chợ Dinh và Nam Phổ là hai đại xã nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Hương, thuộc ngoại biên thành phố Huế.
Trong Nam, cau được trồng nhiều ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, nhưng có tiếng hơn cả là trầu cau Bà Ðiểm - Hóc Môn. Bà Ðiểm - Hóc Môn, một miệt vườn ngoại thành Sài Gòn , có biệt danh là Mười Tám Thôn Vườn Trầu, chả vì cả mười tám thôn làng nơi đây dân chúng đều trồng trầu làm nghề chính. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát. Hiện nay, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do giới trẻ bỏ hẳn tục ăn trầu nên diện tích trồng trọt tất đã giảm nhiều.
(Sưu tầm trên mạng)