NHỮNG MÓN ĂN ĐẮT NHẤT VIỆT NAM:
Kinh tế khó khăn không đồng nghĩa với việc không lộ diện những món ăn hiếm, “đắt xắt ra miếng”. Mà trái lại, đi cùng hành trình tìm kiếm sơn hào hải vị của đại gia Việt chính là sự xuất hiện của vô vàn món ăn “quý tộc”.
500 con cá anh vũ/ 1 tháng dành cho đại gia Việt
Với niềm tin: ăn cá anh vũ sẽ gặp nhiều may mắn, trong năm vừa qua, không ít người đã đổ xô đi tìm ăn cá anh vũ để “xua đuổi cái đen” và rước “ông thần may mắn về nhà”.
Cá anh vũ hay còn có tên gọi khác là cá Tiến Vua, là một trong những loại cá nổi tiếng nhất của Việt Nam bởi sự quý hiếm và ngon miệng. Loại cá này rất khảnh ăn, chỉ ăn rêu tảo và sống ở vùng nước trong, không ăn tạp như nhiều loại cá khác nên nhiều người cho rằng chúng thể hiện sự sang trọng.
Hơn nữa đây là loại cá theo sử sách ghi lại để tiến vua và cúng tế thần linh nên được rất nhiều đại gia Việt yêu thích. Đặc điểm của loại cá này là thịt trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá sông nước nào. Tuy nhiên, với người bình thường chẳng ai ăn con cá anh vũ này làm gì, vì nhìn nó như con cá trôi, và giá thì quá đắt… Còn đối với những người có tiền thì loại cá này cũng chẳng đáng là bao. 3,5 triệu một kg, chứ có 10, 20 triệu họ cũng sẵn sàng bỏ ra chỉ để thưởng thức cái khối sụn môi như cái “mõm lợn” của con cá anh vũ.
Và theo một vị giám đốc của Công ty phân phối loại cá anh vũ này cho biết, mỗi tháng công ty của ông xuất ra thị trường khoảng 400 đến 500 con, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng sang trọng, bán vào Sài Gòn, và xuất khẩu ra nước ngoài.
1 con cua bằng 1 tấn thóc có sá gì!
Nếu như ăn cá anh vũ để lấy may, thì trào lưu ăn cua Hoàng Đế mới là đẳng cấp. Và đẳng cấp ấy có giá bằng cả 1 tấn thóc của người nông dân.
Vào giữa tháng 7/2012, trên báo Phunutoday có đưa tin, một siêu thị ở Hà Nội vừa bày bán loại cua khổng lồ nặng gần 2kg, với giá khoảng 5 triệu đồng một con, mức giá này đắt gấp 10 lần so với cua bể Việt Nam.
Tên của loại cua này là King crab hay còn gọi là cua Hoàng đế. Cua này chỉ sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu từ 200-400 m như Alaska (Mỹ), Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là loại cua hiếm có, khó tìm bởi để đánh bắt nó, những người thợ săn phải ra khơi vào những ngày bão biển. Điều đặc biệt là loại cua này có kích thước và trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cua biển thông thường.
Cách đây vài năm, chỉ có những đại gia giàu có ở Hà Nội mới có cơ hội thưởng thức món ăn cao cấp này tại những nhà hàng sang trọng nhập khẩu về với mức giá khoảng 10 triệu đồng/con. Còn đến năm 2012, họ đã có thể “thỏa mãn” nhã hứng xơi cua Hoàng Đế vì tại siêu thị đã bày bán rất nhiều loại cua này.
Giá mỗi kg tu hài Canada bán tại một số nhà hàng hải sản tại Hà Nội phổ biến 1,9- 2,5 triệu đồng. Các nhà hàng kinh doanh món ăn này và kiếm bộn tiền từ những vị khách tin rằng ăn tu hài có thể tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương.
Với trọng lượng trung bình 1-2 kg/con, tính ra, giá tu hài Canada tương đương với giá cua Hoàng đế nhập khẩu.
Được ví như “nhân sâm của đại dương”, những con hải sâm vừa là một vị thuốc quý, vừa là loại thực phẩm cao lương mỹ vị dành cho các bậc vua chúa thời xưa. Hiện 1kg hải sâm thô trên thị trường có giá gần 2 triệu đồng.
Súp vi cá mập cũng là món ăn cực đắt mà nhiều người Việt bỏ tiền ra để thưởng thức. Giá mỗi thố nhỏ dành cho một người ăn ở nhà hàng thường vào tầm 1.320.000 đồng. Còn giá cho 1kg vây cá mập chưa chế biến dao động từ 10 – 20 triệu đồng.
50 – 150 triệu, một bữa rùa vàng
Trong cơn bão giá, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu nhưng không ít đại gia sẵn tay chi tiền cho một bữa ăn lên tới 150 triệu chỉ có 3 con rùa vàng mà theo người ta đồn nhau rằng “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay”. Mức giá thì không hề rẻ chút nào, 50 triệu một con.
Để bồi bổ thậm chí có người còn ăn món này thường xuyên. “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng” – một đại gia cho biết.
Phở (hơn nửa triệu), bít tết (hai triệu) bò Kobe
Món phở tại Hà Nội có giá 750.000 – 850.000 đồng/bát, đắt hơn 20 lần một bát phở thông thường được cho là làm từ thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Bò được nuôi theo một quy trình khá cầu kỳ: ăn ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, xoa bóp bằng rượu Sake.
Tại Hà Nội, một nơi nổi tiếng với món ăn giá nửa triệu này là khách sạn Vườn Thủ Đô. Theo lời đầu bếp khách sạn này, thịt bò Kobe 40% là mỡ, nhưng không có cholesterol, có thể ăn sống được. Những người ăn món phở giá “khủng” này chủ yếu là doanh nhân, người có điều kiện.
Sau đó không lâu, khi xảy ra lùm xùm xung quanh việc thịt bò Kobe nhập khẩu vào Việt Nam không có chứng từ, cơ quan chức năng yêu cầu các nhà hàng kinh doanh món ăn này phải niêm yết giá công khai cũng như xuất xứ của thịt. Hiện, món phở xa xỉ này gần như “mất tích” ở Hà Nội.
Theo nhân viên khách sạn này, từ nhiều tháng nay, đầu bếp tại đây không còn chế biến món phở Kobe giá hơn nửa triệu. Trên thực đơn hiện tại, món ăn nói trên cũng biến mất.
Cũng giống như món phở, bít tết bò Kobe được một số nhà hàng ở Hà Nội chế biến và một thời gian khá hút khách. Giá mỗi suất bít tết khoảng 200- 300 gam thịt bò là trên 1,9 triệu đồng.
Theo đánh giá của nhiều người, mức này quá cao so với mặt bằng chung. Nhưng cũng có người ủng hộ và cho rằng nếu là thịt bò Kobe thì mức giá nói trên quá “bèo”, ngay cả khi bỏ từ 5 đến 10 triệu đồng mà được ăn thịt bò Kobe thật thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”.
Nửa triệu đồng/chiếc chân gà
Tại một nhà hàng ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, thịt gà Đông Tảo có giá 1.150.000 đồng/kg, còn chân gà Đông Tảo giá 500.000 đồng/chiếc.
Nhiều người cảm thấy sốc, choáng bởi chưa bao giờ thấy ở đâu bán một chiếc chân gà lại có giá cao ngất ngưởng như vậy.
Bên cạnh những người cho rằng, đây là một cái giá cắt cổ thì cũng có những người lý giải sở dĩ có giá đắt như vậy vì gà Đông Tảo chỉ quý ở cái chân, chân càng to thì càng đắt.
(Sưu tầm trên mạng)