Tuesday, June 13, 2017

NGHĨ VỀ ẢNH HƯỠNG GIỐNG NHAU CỦA HAI TÁC GIẢ VĂN CHƯƠNG NHẬT - VIỆT.

Có những nhân vật mà trước 1975 mình chưa bao giờ nghe qua, không phải họ không nổi tiếng mà tại kiến thức của mình quá hạn hẹp, cục bộ như ếch ngồi đáy giếng. Thời buổi internet ngày nay quá hiện đại, nó giúp mình dạo chơi trong cỏi ta bà học hỏi, tìm hiểu để bổ sung kiến thức mà trước nay mình không bao giờ biết. Có những tản mạn của các bậc cao nhân giúp mình thêm sáng mắt.


Tình cờ hôm nay đọc được một bài viết của một cao nhân mà mình tới hôm nay mới biết: Huy-Lực Bùi Tiên Khôi

NGHĨ VỀ ẢNH HƯỠNG GIỐNG NHAU CỦA HAI TÁC GIẢ VĂN CHƯƠNG NHẬT - VIỆT.
Năm 1868, văn học Nhật Bản chính thức rầm rộ phát động phong trào Minh Trị Phục Hưng. Đúng 100 năm sau, năm 1968, một nhà văn Nhật Bản – Ông Kawabata Yasunari nhận được giải thưởng Văn Chương Nobel, vì các tác phẩm của ông đã giới thiệu với thế giới những sinh hoạt truyền thống của người Nhật, của phụ nữ Nhật, con cháu Thần Mặt Trời.
Ông Lâm Ngữ Đường, nhà văn Trung Hoa, Trưởng ban Văn chương Nghệ thuật của cơ quan Liên Hiệp Quốc đã từng phát biểu:
“Muốn biết rõ triết lý bất bạo động của Thánh Gandhi, người tranh đấu cho đất nước của ông giành được độc lập mà không đổ máu, hãy đọc thơ Rabindranath Tagore; muốn biết nét đẹp Đông Phương trong truyền thống trà đạo, hãy đọc văn Kawabata.”
Chợt nhớ một kỷ niệm văn chương liên quan đến câu nói này của Lâm Ngữ Đường.
Trước 1975, Sài Gòn có Hội Tagore Society, và Hội thường tổ chức ngày Tagore vào 18 tháng 5, ngày sinh nhật của thi hào người Á Châu đầu tiên được lãnh giải thưởng văn chương Nobel. Một năm tôi được hội Tagore mời đến phát biểu cảm nghĩ của một thi sĩ Việt Nam về thơ của người.


Thơ Tagore như một giòng suối tươi mát, êm đềm, dịu dàng liên kết yêu thương giữa con người. Ông cực lực lên án chống chủ nghĩa duy lý đưa đến bạo động trong nhiều tác phẩm, nổi bật nhất là sự ẩn dụ vô cùng ý nghĩa trong câu.
A mind all logic is like a knife all blade
It makes the hand bleed that uses it
(Rabindranath Tagore)
Dịch ra Việt Ngữ:
Một trí óc toàn là lý luận cũng như một con dao bén toàn là bề lưỡi
Nó làm bàn tay chảy máu khi dùng.
(Rabindranath Tagore)
Trong ngày hội Tagore hôm đó, có Vũ Hoàng Chương, Bình Nguyên Lộc tham dự, cả ba chúng tôi được thưởng thức những món ăn, vũ điệu Ấn Độ cổ truyền.
Năm 1970, tôi gặp Kawabata tại Đại Hội Văn Bút Quốc Tế, tổ chức ở thủ đô Hán Thành (Đại Hàn). Trước đó, tôi đã đọc vài tác phẩm của ông được dịch sang Anh Ngữ. Tác phẩm “Xứ Tuyết” (Snow Country) xuất bản năm 1937, ông viết về một câu chuyện tình lãng mạn, lunh linh, mờ ảo.
Nhân vật chính là một chàng thanh niên yêu thích bộ môn vũ ballet Tây Phương, một nghệ thuật chưa được trình diễn ở Nhật, chàng chỉ tim hiểu qua sách báo. Vì vậy chàng thanh niên đã đi tìm hiểu khắp nơi, và một lần chàng đã lên miền bắc Nhật Bản, chốn xa xôi, hẻo lánh, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại là địa phương các sinh hoạt tập quán còn giữ văn hoá cổ truyền.
Ở đây, nơi “Xứ Tuyết”, chàng thanh niên đã gặp một Geisha nồng nàn, trẻ trung, xinh đẹp, nhưng giai nhân như những bông hồng có gai đều phức tạp, khó hiểu vô cùng. “Xứ Tuyết” giới thiệu một cô gái Nhật, một nghệ nhân tuyệt vời, với tâm lý nhạy bén, phức tạp, ngôn ngữ đầy ẩn dụ tâm hồn lãng mạn, sâu xa của người đẹp làm chàng thanh niên mê mệt, bối rối, bàng hoàng. Thời gian lạnh lùng trôi qua, và một ngày chàng đã rời bỏ xứ tuyết ra đi…
Trong tiểu thuyết này, Kawabata đã xử đúng văn chương triết lý thẩm mỹ, nhiều màu sắc, dung nhan cô nghệ nhân như hoa anh đào rực rỡ, lung linh, bí ẩn, vòi vọi như Phú Sĩ Sơn, khiến ai một lần thưởng thức qua sẽ nhớ mãi suốt đời.
Năm 1949, ông hoàn thành tiểu thuyết “Ngàn Cánh Hạc” (A thousand cranes), tác giả giới thiệu truyền thống trà đạo, với lễ nghi phức tạp, y phục người hầu cùng đồ dùng pha trà phải hài hoà thích hợp. Kawabata hối tiếc là trà đạo thời nay đã xuống dốc, thương mại hoá, mất gốc tầm thường.
Người con gái Nhật duyên dáng thanh khiết, dịu dàng với chiếc khăn quàng nổi bật trên “Ngàn Cánh Hạc”, từ tốn nhịp nhàng, trang trọng pha trà vào những chiếc tách đồ sứ cổ xưa quý phái.
Giai nhân và đồ sứ rực rỡ, lung linh trong hương thơm thuần khiết của trà và người tạo ra một không khí lễ đạo, thực thực, hư hư….


Qua trà đạo dưới ngòi bút của Kawabata, người con gái Nhật trung trinh, thanh khiết toát ra một nét yêu kiều, hiền thục, khiến nhiều người ước mơ được cưới vợ Nhật, một hạnh phúc trong đời.
Ngoài hai tiểu thuyết nêu trên, tác phẩm “Cố Đô” (The Old Capital) cũng được Uỷ Ban Giải Thưởng Nobel đề cập, khi tuyên dương Kawabata xứng đáng nhận giải thưởng văn chương cao quý này (1968). Cốt chuyện nhiều tình tiết của hai chị em song sinh. Qua câu chuyện đời phức tạp, tác giả mô tả vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố Kyoto, những căn nhà, đền miếu, cách kiến trúc cổ kính, những con đường đầy hoa anh đào, ẩn hiện những vòm cầu nhỏ, xinh xinh bắc qua dòng suối, với những phụ nữ duyên dáng thuần khiết trong sinh hoạt lễ nhạc, trà đạo theo truyền thống xa xưa.
Mượn lời nhân vật trong truyện, tác giả bày tỏ mong muốn truyền thống cổ kính của cố đô, của dân tộc Nhật phải được mãi mãi trường tồn.
Ngoài ra còn nhiều tác phẩm nữa, Kawabata Yasunari là nhà văn hàng đầu Nhật Bản có công làm cho thế giới chú ý đến nước Nhật, yêu văn hoá Nhật, mơ phụ nữ Nhật, muốn thưởng thức trà đạo trong thành phố cổ kính đầy hoa anh đào.
Trước năm 1975, sau hai lần thăm viếng Nhật, tôi đã hoàn thành bài thơ “Hạnh Phúc Có Thật” gồm 312 câu, xuất bản đầu năm 1972, in 700 bản tuyệt đẹp, mỹ thuật trên giấy croquis, nền hoa bướm, được đồng hương Lê Thanh Trì góp phần hổ trợ, toàn bộ sách được gửi tặng các chiến sĩ trú đóng tiền đồn.
Văn học, văn chương trên đỉnh cao nghệ thuật đã tác động sâu xa đến tâm lý và suy tưởng của con người. Nhiều độc giả đã tìm hiểu, khám phá miền Nam qua những tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
Khi từ Bình Định vào Nam, học hành, lập nghiệp, sự tình cờ được gặp ngay nhà văn Bình Nguyên Lộc tại tòa soạn Bách Khoa năm 1956, năm bài thơ đầu tiên của tôi xuất hiện trên bán nguyệt san Bách Khoa, một tạp chí giá trị thời bấy giờ. Tình bạn văn chương càng thêm cảm thông hơn, bất kể tuổi tác.
Khi tôi và nhà văn Lương Minh Đức chủ trương xuất bản tuyển tập “Mây Thu”, gồm văn thơ của trên 20 tác giả miền Trung, sách in đẹp, bìa do họa sĩ miền bắc Tạ Tỵ trình bày và lời đề tựa do nhà văn miền nam Bình Nguyên Lộc viết giới thiệu.
Một sự trùng hợp tình cờ, trước 1948, Bình Nguyên Lộc là công chức, vì công vụ, ông thường xuyên đến thư viện Pháp Văn, 58 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn để tra cứu, nơi đây là trụ sở Bộ Canh Nông và Điền Địa thời Việt Nam Cộng Hoà, khi tôi khởi sự làm việc tại đây. Từ năm 1948, ông thôi làm công chức, sinh sống hẳn bằng nghề viết văn và thường ghé thăm tôi, mỗi khi đến Thư Viện Pháp Văn tham khảo.
Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn hàng đầu miền Nam, sức sáng tạo dồi dào, phong phú, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương giá trị. Ông viết nhiều loại sách khác nhau, từ khảo cứu, truyện ngắn, truyện dài. Tác phẩm khảo cứu “Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt” là một quyển sách được nhiều học giả chú ý.
Trên 100 truyện ngắn và nhiều truyện dài của Ông, hầu hết được lấy cảm hứng từ vùng đất và con người miền Nam.
Ngày xưa trong cuộc Nam tiến, vùng đất biên giới mang lại no ấm, hoà bình được đặt tên Biên Hoà. Ngày nay, không một nhà văn nào yêu miền Nam mà có tình cảm bộc trực không che dấu như ông.
Tô Văn Tuấn lấy giải đất bình nguyên đã mang phúc lộc cho con người trong bút hiệu văn chương Bình Nguyên Lộc.
Ông xông pha trên văn đàn, thành lập nhà in sách, lấy tên bình dân, một địa phương, “Nhà Xuất Bản Bến Nghé”. Nếu tôi nhớ không lầm, truyện ngắn đầu đời của ông nồng nàn, thắm thiết với tên gọi “Hương Gió Đồng Nai” và một tiểu thuyết viết về vùng đất bồi Cửu Long Giang đậm nét nhan đề “Phù Sa”.
Đồng bằng Cửu Long, vùng đất phù sa phì nhiêu, sông nước chằng chịt những kênh rạch đầm lầy. Tôi còn nhớ có lần ông khoe với tôi trên 50 ngàn cây số kênh rạch miền Nam hầu hết đã đẫm ướt gót chân ông. Ông đi nhiều, thưởng thức cảnh đẹp sông nước Cửu Long, tìm hiểu con người và cuộc sống. Từ giọng văn chương bình dân chơn chất của Hồ Biểu Chánh, đến khi Bình Nguyên Lộc xuất hiện, người đọc vô cùng thích thú thưởng thức những tác phẩm của tiên sinh đa dạng phong phú cả vùng đất phì nhiêu mênh mông chiều rộng, lẫn tâm lý chiều sâu của con người.
Bình Nguyên Lộc trải lòng mình ra trên nhiều truyện dài, hơn 100 truyện ngắn và ngay cả trong lãnh vực khảo cứu. Ông bày tỏ trong một bài phỏng vấn: “Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương, của con người và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó.”


Cuộc Nam tiến của dân tộc ta khởi đi từ miền cực Bắc, ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, miền Nam là vùng đất mới, nơi định cư của nhiều giòng giống, đại đa số là người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp, cùng với người Trung Hoa, người Chàm, người Cambodia. Vùng đất màu mỡ, đồng bằng sông Cửu Long dung nạp mọi phong tục tập quán của mọi miền đất nước tạo ra một nền văn hoá mới, trẻ trung, thực tiễn, dung dị hài hoà.
Những nhân vật nữ của Bình Nguyên Lộc, những cô gái miền Nam tươi mát, chân thật, hiền hoà khả ái tô thêm vẻ phong phú đằm thắm trong đời sống êm ả, ấm no của sinh hoạt miệt vườn.
Cuộc di cư vĩ đại, hơn một triệu người từ Bắc vào Nam, năm 1954, sự giao lưu văn hoá rộng lớn diễn ra tốt đẹp, hài hoà được một số nhà văn đưa vào tác phẩm văn chương, tiêu biểu là truyện dài “Đò Dọc” của nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Còn nhớ kỷ niệm đầu tiên của tôi trên vùng đất phì nhiêu phong phú Cửu Long, trong một tuần ở trọ thực tập nông nghiệp, được tiếp xúc với hai thiếu nữ gái miền Nam miệt vườn. Cô Xanh, Cô Đỏ hai chị em sinh đôi ngây thơ, mộc mạc như tên gọi. Đây là nhân vật trong văn chương Bình Nguyên Lộc, nét mặt tươi mát xinh xắn, hiền hoà, tính tình giản dị, xuề xoà, chân thật, tôi đã cảm xúc và bốn câu thơ viết trên vùng đất mới, quê hương miền Nam của chàng trai Bình Định:
Tuổi Trẻ

Vùi nhớ thương vào xanh tuổi thơ
Thắp tình lên mắt đỏ mong chờ
Từ khi dáng liễu hong hương sắc
Vẫn hướng về trong những giấc mơ
Huy Lực
Kawabata Yasunari (1899-1972) và Bình Nguyên Lộc (1914-1987) giống nhau một điểm: hai ông đã sống 73 năm trên cõi đời, dùng thời gian đời mình để viết văn, giới thiệu quê hương, con người của xứ sở hai ông đã cất tiếng khóc chào đời và lớn lên.
Người đọc bốn phương nhớ đến những nhân vật nữ trong truyện, liên tưởng đến hai ông. Tôi một người được quen biết hai ông, nhận thức rõ sự giống nhau của nhân vật nữ trong tác phẩm văn chương do hai ông sáng tạo, đã làm phong phú thăng hoa cuộc sống đời thường.
HUY-LỰC BÙI TIÊN KHÔI


Sơ lược tiểu sử tác giả:
Bắt đầu đi vào làng thơ từ giữa thập niên 50, từng nhận giải thưởng Văn chương Việt Nam Cộng Hòa năm 1966. Huy Lực- Bùi tiến Khôi đã có một bề dày thời gian cầm bút . [Tác giả cho xuất bản] 9 tập thơ ấn hành tại quốc nội và 2 tập bằng anh ngữ ở Hoa Kỳ ' America my first feelings' (1981), '20 poems and 1000 thoughts' ( 1994)...- ngoài ra, còn biên luận nhiều chuyên đề khác 'The Spirit of Vietnamese Philosophy' ( 1989), ' Vietnamese Youth in America: Change, Challenge and Education' ( 1990).
Chào đời tại quê hương vào 1937 ờ Bình định, trước 1975 là viên chức thuộc bộ Canh nông & Điền địa. Ông là một trong số ít nhân vật thành công tại Hoa Kỳ, có học vị tiến sĩ, hành nghề giáo sư cố vấn tại đại học Cộng đồng Houston từ 1976 đến nay. Ông được thành phố Houston bầu vào chức vụ Nhà thơ công huân danh dự của thành phố. ( Houston's Poet Laureate, !984) - và hội Thi ca quốc tế tặng giải thưởng Vàng thi sĩ 1985, viện Danh nhân Hoa Kỳ tặng Huy chương Danh dự 1900, Giải thưởng thành tựu của thế kỷ 20 ( The Twentieth Century Award for Achievment 1992 ), và, có tên trong Almanac 1994, 1995 và Who's who in America 1994, 2002 .
Hiện ông đang hành nghề giáo dục tại tiểu bang Texas. Thông qua phần tiểu sử, đã minh chứng khả năng, uy tín, hoạt động đa diện, và, tầm cỡ thành tựu của ông trong 1/4 thế kỷ.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: