Monday, June 19, 2017

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO

Lúc trước tôi có giới thiệu cho các bạn về sâm Hoa Kỳ và công dụng của nó. Trong các loại thảo dược để bồi bổ cho sức khỏe, tôi tin nhất là 3 thứ: sâm Hoa Kỳ, nấm Linh Chi và Đông Trùng Hạ Thảo, tôi đã dùng nên phải biết là nó rất tốt chớ không phải là huyền thoại. Nấm Linh Chi và sâm Hoa Kỳ thì còn rẻ một chút nhưng với Trùng Thảo (ĐTHT) thì mắc lắm các bạn ơi. Mua mà còn không biết thật hay giả nữa. Có tin là ở VN đã gây giống được món này nhưng nói thật dù là gây giống, hay trồng được như sâm thì loại tìm kiếm được trong thiên nhiên cũng sẽ mắc hơn hàng trăm lần mà vẫn không đủ cung cấp.


Tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một chút thông tin về loại "Trùng Thảo" này và ai biết rồi thì đọc lại cũng không sao. (LKH)

Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 axít amin khác nhau, có D-mannitol, có lipit, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na v.v..). Quan trọng hơn là trong sinh khối đông trùng hạ thảo có nhiều chất hoạt động sinh học mà các nhà khoa học đang phát hiện dần dần ra nhờ các tiến bộ của ngành hoá học các hợp chất tự nhiên. Nhiều hoạt chất này có giá trị dược liệu cao. Trong đó phải kể đến axít cordiceptic, cordycepin, adenosin, hydroxyethyl-adenosin. Đáng chú ý hơn cả là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Etyl-Adenosin- Analogs). Đông trùng hạ thảo còn có chứa nhiều loại vitamin (trong 100 g đông trùng hạ thảo có 0,12 g vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...)
Theo các ghi chép về đông dược cổ, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư, và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.
Đông trùng hạ thảo là một trong những vị thuốc quý của đông y, được khai thác khó khăn, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch. Mặt khác các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện đại đều xác định đông trùng hạ thảo hầu như không có tác dụng phụ đối với cơ thể người và động vật. Liều uống Đông trùng hạ thảo an toàn đối với chuột thí nghiệm là trên 45g/1 kg thể trọng.

(Theo Wikipedia)
Đông trùng hạ thảo phát triển như thế nào?

Đông trùng hạ thảo là một trong những mặt hàng sinh vật đắt nhất thế giới, có thể chữa đau nhức, điều trị ung thư và tăng cường khả năng sinh sản.


Theo Earth Touch News, về mặt thuật ngữ, đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng được biết đến rộng rãi với cái tên yartsa gunbu, nghĩa là "cỏ mùa hè, sâu mùa đông". Trung Quốc thường rút ngắn tên gọi này thành "trùng thảo". Đông trùng hạ thảo thực chất không phải là thảo (cỏ) hay trùng (sâu). Nó hình thành do nấm Ophiocordyceps sinensis sống ký sinh trên thân sâu bướm thuộc chi bướm ma Thitarodes.

Loại nấm sâu bướm O. sinensis sống trên những cánh đồng cỏ thuộc trung tâm châu Á. Phạm vi phân bố của nó ở độ cao trên 3.000 m, chủ yếu ở vùng cao nguyên Tây Tạng, phía bắc kéo dài đến dãy núi Kỳ Liên (Trung Quốc), phía nam tới cao nguyên của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và phía tây tới bang Uttarakhand, Ấn Độ.

Giống như nhiều loài ký sinh trùng, nấm O. sinensis xâm chiếm phần bên trong cơ thể của sâu bướm khi ấu trùng lột xác vào thời điểm nóng nhất của mùa hè. Nó ăn các mô của vật chủ, khiến ấu trùng thường chết sau vài tuần phía dưới mặt đất khoảng 2 – 5 cm.


Lớp vỏ bọc bên ngoài của sâu bướm vẫn nguyên vẹn, nhưng cơ thể của nó giống như một xác ướp. Khi mùa xuân đến, nấm phát triển quả thể (fruiting body) mọc ra khỏi đầu vật chủ ký sinh và nhô lên khỏi mặt đất. Toàn bộ xác sâu bướm dưới lòng đất và quả thể nấm phía trên gọi là đông trùng hạ thảo.

Tác dụng dược liệu và bồi bổ cơ thể của đông trùng hạ thảo được quảng bá ở Tây Tạng ít nhất từ thế kỷ 15, với chức năng nổi bật nhất là thúc đẩy sản xuất tinh dịch ở nam giới. Điều này có thể xuất phát từ việc người dân quan sát thấy những con bò Tây Tạng tăng cường sinh lực khi ăn đông trùng hạ thảo.

Đến thế kỷ 17, đông trùng hạ thảo trở thành loại dược liệu y học cổ truyền phổ biến của Trung Quốc. Vì giá thành cực đắt, chỉ hoàng gia hoặc giới quý tộc mới có tiền mua chúng.

Trong vài thập kỷ qua, nhu cầu sử dụng động trùng hạ thảo tăng vọt. Giá bán trên thị trường ở Tây Tạng, nơi cung cấp 96% sản lượng đông trùng hạ thảo, tăng 900% từ năm 1997 đến 2008.


Tại Nepal, giá bán tăng lên vọt 2.300% giữa năm 2001 và 2011. Một pound (1 pound = 0,454 kg) đông trùng hạ thảo loại tốt nhất có giá khoảng 50.000 USD.

Ở nhiều nơi tại Tây Tạng, ngành công nghiệp khai thác đông trùng hạ thảo tạo ra 40 – 80% thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc khai thác quá mức đông trùng hạ thảo khiến số lượng của chúng ngày càng giảm xuống. Các nhà bảo tồn lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên và môi trường.


Lê Hùng
Theo VNExpress

Video quá trình sinh trưởng của đông trùng hạ thảo