Tuesday, June 20, 2017

CÓ PHẢI CAO NGẠC VIẾT TIẾP “HỒNG LÂU MỘNG”?

Tây du kí 西游记, Thuỷ hử truyện 水浒传, Tam quốc diễn nghĩa 三国演义 cùng với Hồng lâu mộng 红楼梦 được gọi là “tứ đại danh trứ” của văn học cổ điển Trung Quốc, trong đó Hồng lâu mộng có thành tựu cao nhất. Được xem là bộ tiểu thuyết trọng yếu nhất, nó không chỉ cảm động người Trung Quốc, mà còn có được sự coi trọng và yêu thích của nhân dân thế giới. Hồng lâu mộng có các bản khắc in khác nhau, được lưu truyền các nước trên thế giới.


Trong một thời gian dài, mọi người cho rằng Tào Tuyết Cần 曹雪芹 viết 80 hồi đầu, 40 hồi sau do Cao Ngạc 高鹗, văn nhân đời Thanh viết tiếp. Nhưng do bởi thành tựu của Hồng lâu mộng cao như thế, lòng yêu mến của mọi người đối với nó sâu đậm như thế, 40 hồi sau của Hồng lâu mộng trong thâm tâm Tào Tuyết Cần rốt cuộc như thế nào, mãi trở thành sự tiếc nuối của giới văn học cùng những người yêu mến “Hồng lâu”.
 
“Cao Ngạc tục thư thuyết” 高鹗续书说 (thuyết Cao Ngạc viết tiếp) sớm nhất do đại học giả Trung Quốc Hồ Thích 胡适 đề xuất. Khi ông xem phần đầu Hồng lâu mộng, cho rằng thi từ của tiểu thuyết ám thị vận mệnh và kết cục của nhân vật, nhưng xem về sau, một số kết cục của nhân vật hoàn toàn không dựa theo những dự ngôn của thi từ. Cho nên ông đề xuất 80 hồi đầu và 40 hồi sau của tiểu thuyết có mâu thuẫn, từ đó suy đoán Hồng lâu mộng có thể do 2 người viết. Đồng thời, qua khảo chứng của ông, Trương Thuyền Sơn 张船山, người đậu Tiến sĩ cùng năm với Cao Ngạc trong đề giải bài Tặng Cao Lan Thự Ngạc đồng niên thi 赠高兰墅鹗同年诗 viết rằng:
 
Truyền kì “Hồng lâu mộng” hậu tứ thập hồi câu Lan Thự sở bổ
传奇 “红楼梦” 后四十回俱兰墅所补

(40 hồi sau của truyền kì “Hồng lâu mộng” đều do Lan Thự bổ sung)


Vì vậy Hồ Thích nhận định tác giả “bổ sung” là Cao Ngạc. Sau khi đề xuất quan điểm này, trong một thời gian dài được mọi người chấp nhận, cũng chính là nguyên nhân rất nhiều người cho rằng 40 hồi sau của Hồng lâu mộng là do Cao Ngạc viết. Đối với việc Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi sau cũng có mấy thuyết khác nhau. Một thuyết cho rằng Cao Ngạc căn cứ vào sự yêu thích của bản thân mà viết ra 40 hồi sau, tự mình tiêu khiển. Một thuyết khác buồn cười hơn, đó chính là Cao Ngạc theo yêu cầu của triều đình nhà Thanh đã sửa chữa và viết tiếp “Hồng lâu”, cho nên về tư tưởng đương nhiên chịu sự trói buộc.
 
Nhưng, theo nội dung mà nghiên cứu, rất nhiều học giả, chuyên gia cho rằng Cao Ngạc không thể viết tiếp 40 hồi sau. Đầu tiên, nhìn từ cuộc đời của Cao Ngạc, ông ta không thể viết tiếp Hồng lâu mộng:


Cao Ngạc 高鹗, tự Lan Thự 兰墅, một tự khác là Vân Sĩ 云士, văn học gia đời Thanh. Nhân vì ông quá yêu thích tiểu thuyết Hồng lâu mộng, cho nên tự lấy biệt hiệu là “Hồng lâu ngoại sử” 红楼外史. Ông là người của Nội vụ phủ Hán quân hoàng kì 汉军黄旗, tổ tịch tại Thiết Lãnh 铁岭 (nay thuộc Liêu Ninh 辽宁). Ông đậu Cử nhân vào năm Càn Long 乾隆 thứ 53 (năm 1788), đậu Tiến sĩ năm thứ 60 (năm 1791). Theo sự khảo chứng của Hồ Thích, thời gian Cao Ngạc viết tiếp Hồng lâu mộng là vào khoảng năm 1791 đến năm 1792, chỉ có thời gian 2 năm. Nhưng trong một khoảng thời gian ngắn như thế, Cao Ngạc liệu có khả năng viết ra 40 hồi sau không? Cao Ngạc làm sao có thể trong thời gian cầu công danh tốn nhiều tinh lực để viết tiếp Hồng lâu mộng? Điều này rõ ràng không hợp tình hợp lí. Thứ nữa, khi Cao Ngạc viết tiếp “Hồng lâu”, chân bản Hồng lâu mộng hoàn thành thời gian chưa được lâu, khả năng căn bản chưa mất, chỉ là lẻ tẻ rải rác không đầy đủ, chỉ cần bổ sung, Cao Ngạc hà tất lại bỏ qua mà tự mình viết 40 hồi sau? Lẽ nào Cao Ngạc muốn làm việc thay Tào Tuyết Cần, tự mình làm vị anh hùng vô danh?


Theo sự khảo chứng của chuyên gia Hồng học Chu Nhữ Xương 周汝昌, kết cục của Hồng lâu mộng không phải như Cao Ngạc đã viết, mà là sau khi gia sản bị tịch thu, cả Giả phủ suy tàn, dưới sự mật cáo của Giả Hoàn 贾环 và dì Triệu, Bảo Ngọc 宝玉 và Phượng Thư凤姐 bị nhốt vào ngục, về sau được Tiểu Hồng 小红 (Hồng Ngọc 红玉) và Giả Vân 贾芸 cứu, Phượng Thư nhân vì buồn bực suy yếu mà chết, khi Bảo Ngọc làm một anh phu đi tuần canh đêm, Bảo Thoa 宝钗 cũng u uất mà chết. Trước khi gia sản bị tịch thu, Đại Ngọc 黛玉 và Tương Vân 湘云 nhảy xuống hồ tự tận, sau Tương Vân được cứu, luân lạc phong trần. Cuối cùng gặp lại Bảo Ngọc cả hai kết làm vợ chồng. Đó mới là kết cục đúng của câu chuyện.
 
Chúng ta thử xem lại Tào Tuyết Cần. Truyền thuyết cho rằng Tào Tuyết Cần từng “nghiền ngẫm 10 năm, thêm bớt 5 lần”, điều này nói rõ Hồng lâu mộng rất có khả năng vốn đã được viết xong, chỉ là một số nguyên nhân, chúng ta không thấy được 40 hồi sau. Thế thì có phải Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi sau không?


Trước mắt, một số chuyên gia học giả cho rằng Cao Ngạc không viết tiếp 40 hồi sau, Hồng lâu mộng hiện tồn đều là Tào Tuyết Cần viết. Theo sự khảo chứng của họ, tiến hành đối chiếu so sánh giữa bản Càn Long sao bản bách trấp hồi Hồng lâu mộng cảo 乾隆抄本百廿回红楼梦稿 (gọi tắt là Hồng lâu mộng cảo) tìm thấy tại Sơn Tây 山西 năm 1959 với những bản khác, phát hiện Hồng lâu mộng cảo mới là bản thủ cảo của Tào Tuyết Cần, còn những bản khác đều vừa là Tào Tuyết Cần sửa chữa trên bản thủ cảo, vừa là do nhiều người khác nhau sao lục. Chỉ là do bởi thời gian sửa chữa toàn sách rất dài, bản sao cũng rất nhiều. Mặt khác, khảo chứng từ ngôn ngữ, phong cách ngôn ngữ thông dụng 120 hồi trong toàn sách đều là tiếng Nam Kinh, Cao Ngạc người đông bắc không viết ra được. Hơn nữa, nhân vật trong “Hồng lâu” đều biến hoá phát triển, không nhất định cùng với những dự ngôn trong thi từ phát sinh mâu thuẫn.


Không chỉ thế, về phong cách ngôn ngữ, một chuyên gia về máy tính từ phương diện thống kê số học, thông qua sự thống kê, xử lí, phân tích của máy, đối với cách nhìn lưu hành ở 40 hồi sau do Cao Ngạc viết cũng đã nắm bắt những dị nghị, cho rằng 120 hồi đều do Tào Tuyết Cần sáng tác.
 
40 hồi sau của Hồng lâu mộng rốt cuộc là do ai viết tiếp?, có lẽ điều này không quan trọng, như cái đẹp hoàn mĩ ở tượng Venus bị gãy cánh tay, bởi không hoàn mĩ mà hoàn mĩ, 40 hồi sau đã để lại cho độc giả một không gian tưởng tượng. Cao Ngạc xông vào chỗ hở chỉ có 80 hồi, Cao Ngạc có thấy được bản cảo sau 80 hồi? Rốt cuộc 40 hồi mà ông viết tiếp có liên quan với chân thư của Tào Tuyết Cần không? Điều này đã thành một bí ẩn trong lịch sử, nhưng cũng chính là do bởi người sau viết tiếp mới khiến cho Hồng lâu mộng trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh có đầu có cuối.


Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
CAO NGẠC TỤC TẢ LIỄU “HỒNG LÂU MỘNG” MẠ?
高鹗续写了 “红楼梦” 吗?
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.