Được mệnh danh là nhà điêu khắc trong nghề bánh ngọt, Cédric Grolet là một trong những tài năng trẻ nổi tiếng của làng ẩm thực Pháp. Trong tuần qua, Cédric Grolet vừa lập thêm một thành tích mới khi được trao tặng Cúp Vô địch thế giới dành cho một đầu bếp chuyên làm bánh ngọt.
Buổi lễ trao giải đã diễn ra tại New York nhân buổi tiệc tối của Hiệp hội Les Grandes Tables du Monde. Đây là một tổ chức chuyên ngành gồm 170 nhà hàng nổi tiếng nhất nhì trên thế giới, có mặt tại 24 quốc gia trên 5 châu lục. Hàng năm hiệp hội này tổ chức dạ hội có trao giải thường niên và năm nay ban giám khảo gồm các đầu bếp trứ danh như Pierre Hermé hay là Jean-François Piège đã nhất trí trao tặng chiếc Cúp Vô địch trong nghề bánh ngọt cho Cédric Grolet.
Cédric Grolet, winner of the World’s Best Restaurant Pastry Chef 2017
Năm nay 32 tuổi, Cédric Grolet sinh trưởng ở Firminy, vùng ngoại ô thành phố Saint-Étienne. Tốt nghiệp vào năm 19 tuổi (2004) trường dạy nghề làm bánh ngọt Yssingeaux, Cédric Grolet chuyên tham gia các cuộc thi quốc tế chuyên ngành. Đến Paris lập nghiệp, anh được tuyển vào êkíp làm bánh ngọt của thương hiệu Fauchon. Tài nghệ của Cédric Grolet lọt vào mắt của các bậc đàn anh là Christophe Adam và Benoît Couvrand, cho nên anh lại được bổ nhiệm vào khâu ‘‘sáng chế’’ công thức bánh ngọt.
Kể từ năm 2011, Cédric Grolet tuy còn rất trẻ lại được bổ nhiệm làm ‘‘bếp chính’’ chuyên làm bánh ngọt của khách sạn năm sao Le Meurice, bên cạnh bậc đàn anh chuyên nấu các món mặn là Alain Ducasse. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cédric Grolet trở thành hiện tượng của làng ẩm thực, liên tục đoạt các giải thưởng quốc gia lẫn quốc tế, trong đó có giải đầu bếp bánh ngọt xuất sắc nhất trong hai năm liền 2015 & 2016.
Cuối năm 2016 đầu năm 2017, Cédric Grolet cũng đoạt luôn hai giải thưởng quan trọng khác là giải Đầu bếp bánh ngọt xuất sắc nhất trong năm nhân liên hoan ẩm thực Omnivore, do tạp chí cùng tên tổ chức và giải nhất nhân kỳ thi Ẩm thực và Rượu vang (Trophées de la Gastronomie & des Vins) tổ chức tại thành phố Lyon, nguyên quán của giáo hoàng ẩm thực Paul Bocuse.
Sở dĩ Cédric Grolet được mệnh danh là điêu khắc gia của ngành bánh ngọt là vì anh có cái tài tạc hình khéo léo chạm trỗ tinh xảo. Trong cách làm bánh ngọt của mình, nhà đầu bếp trẻ tuổi này sử dụng các thành phần như bột, đường, bơ, trứng, kem sữa, chocolat lỏng y hệt như là vật liệu dùng để đúc tượng.
Các kiểu bánh ngọt của Cédric Grolet vì thế y như là tác phẩm điêu khắc. Sở trường độc nhất vô nhị của nhà đầu bếp này là tái tạo các loại trái cây làm bằng kem nhuyễn bao bọc bằng một lớp bánh men hay một lớp chocolat thật mỏng. Một trái táo xanh hay một quả chanh vàng trông y hệt như thật, nhưng khi chẻ ra làm đôi thì người ta mới thấy các lớp bánh và kem lồng vào nhau khéo tới chừng nào.
Nếu như bậc thầy Jean Paul Hévin từng nổi tiếng nhờ sáng chế đôi giầy cao gót stiletto làm bằng chocolat, Cédric Grolet lại thành danh nhờ kiểu bánh ngọt ý hệt như khối ‘‘lập phương’’ Rubik, một tác phẩm mà giờ đây hầu hết mọi khách sạn cao cấp đều tìm cách sao chép.
Nếu không thật sự đặt chân tới địa điểm này, bạn sẽ cho rằng những hình ảnh trước mắt mình là một tác phẩm “photoshop”. Thế nhưng đây quả thật là phong cảnh tuyệt đẹp “có một không hai” mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng núi Zhangye Danxia (张掖丹霞, Trương Dịch Đan Hà), Trung Quốc.
Vườn quốc gia Zhangye Danxia nằm ở tỉnh Cam Túc ở phía Tây Bắc của Trung Quốc rộng 518km. Dãy núi Cầu vồng của Trung Quốc trong công viên địa chất địa hình Zhangye Danxia là một kỳ quan địa chất của thế giới. Những ngọn núi nổi tiếng của Trung Quốc được biết đến với màu sắc khác thường bắt chước màu của cầu vồng trên những dãy núi trùng điệp.
Công viên quốc gia địa chất Zhangye Danxia nổi tiếng ở Trung Quốc
Màu đỏ, màu xanh, màu vàng xen kẽ nhau trên ngọn núi là do sự biến đối sắc màu xảy ra do đất bị xói mòn và hình thành những con đường trên ngọn núi màu sắc sặc sỡ này để khu vực này trở thành một bức tranh tuyệt đẹp.
Những lớp màu nối tiếp nhau không ngừng tạo nên một tấm lụa mềm mại uyển chuyển
Năm 2010, Zhangye Danxia, được công nhận là Di sản thế giới với tổng diện tích cần bảo tồn bao gồm 6 khu vực lên đến 73.945 ha.
Màu sắc ở đây vô cùng hài hòa như được sắp đặt sẵn
Dường như mẹ thiên nhiên đã quá hứng khởi khi sáng tác màu sắc cho phong cảnh ở đây. Những vệt màu cam ấm áp của vỏ quít pha trộn với với từng dải màu xanh lục từ những bụi cây trường thọ, nổi bật trên nền xanh lơ của nền địa chất đặc biệt vùng núi Zhangye Danxia. Đây hoàn toàn là kiệt tác của thiên nhiên mà quá trình hình thành của nó được các nhà địa chất học gọi là ‘Petrographic Geomorphology” – sự hình thành cấu tạo các khoáng sản và địa chất, theo đó các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, sự xói mòn, quá trình oxy hóa kết hợp với các yếu tố khoáng chất đã cho ra những màu sắc khác nhau độc đáo. Để có một diện mạo như ngày nay, quá trình này đã trải qua không dưới 24 triệu năm.
Bên cạnh những dãy núi là thung lũng xanh mát
Từng ngọn núi của công viên này lại mang những màu sắc và lớp vân thay đổi từ màu đỏ tươi, màu hạt dẻ, chanh đá, tới màu vàng, cam, xanh biển… Những lớp màu này là kết quả kiến tạo địa chất của các lớp đá sa thạch đỏ và rất nhiều khoáng chất bồi tụ hòa trộn lẫn nhau từ hàng triệu năm trước. Sau đó, khoảng 40 tới 50 triệu năm trước đây, các hoạt động kiến tạo địa chất từ Ấn Độ đã tạo ra những rạn nứt địa chất và núi đá, từ đó hình thành những dãy núi (bao gồm cả dãy Himalaya).
Do điều kiện môi trường tác động mà công viên địa chất này trở nên sống động hơn bao giờ hết
Vùng núi cầu vồng của Danxia được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện từ những năm 1920 – 1930 nhưng vẫn ít được biết đến. Kể từ năm 2010, khi Zhangye Danxia được công nhận là Di sản thế giới với tổng diện tích bao gồm 73.945 ha, du lịch vùng này đã bùng nổ với số lượng khách tăng không ngừng. Bên cạnh đó, “con đường tơ lụa” nổi tiếng cũng đi qua khu vực núi cầu vồng và công viên địa chất này, khiến nơi đây càng trở nên hút khách.
Có thể đến đây bằng xe bus chuyên dụng
Màu chủ đạo là màu nâu cam
Về đêm khung cảnh càng trở nên huyền ảo lãng mạn
Thời điểm tốt nhất để tới tham quan cảnh đẹp kỳ thú này là tháng 5, khi đó thời tiết mát mẻ (nhiệt độ từ 8 tới 23 độ C) và hầu như không có mưa, cho phép du khách đi quanh khu vực núi đá một cách an toàn.
Bây giờ là 0:10 rạng sáng ngày 31/10/2015, ngày Halloween. Cả mấy chục năm ở Úc, không bao giờ tôi để ý đến ngày này, chỉ đến chiều hay chạng vạng tối, đám trẻ con hàng xóm qua gỏ cửa nhà, tụi nó ăn mặc như quỷ con hỏi: "Trick Or Treat" để đòi xin kẹo. Lúc đó tôi chỉ biết "sorry", rồi tụi nó bỏ đi.
Năm nay tôi nhớ rồi đấy, sáng ra tiệm sẽ mua một bao kẹo và nếu tụi nhỏ đến gỏ cửa năm nay sẽ có quà. Tôi tìm được một tài liệu vể ngày này nên xin chia sẻ cùng các bạn.
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA LỄ HỘI HALLOWEEN
Lễ Hội Halloween
Ngày cuối cùng của tháng Mười dương lịch là ngày Halloween. Đây là một lễ hội bắt đầu vào buổi chiều tối ngày 31-10 cho tới 12 giờ đêm. Trong dịp này, trẻ em và thiếu niên được mặc "y phục Halloween" để đi đến từng nhà, gõ cửa để nhận kẹo và chúc tụng... Theo tục lệ, các em nhỏ thường cầm theo lồng đèn làm bằng vỏ quả bí ngô được đục theo hình mặt người để ánh sáng xuyên ra ngoài...
Những cuộc hội hè vui chơi trong đêm Halloween thường xoay quanh các đề tài như chuyện may rủi trên đời, các chuyện kể về ma quỷ và phù thủy...
Nguồn gốc chữ Halloween
Thánh Lễ được truyền giảng vào ngày này gọi là Allhallowmas. Thời gian đêm trước ngày "Các Thánh" (hay Chư Thánh) đã được xem như là All Hallows Eve hay Halloween. Nguyên nghĩa chữ "Hallow" là Thánh. Halloween là lối viết tắt của "All halows’ Evening."
Các tập tục trong ngày Halloween
"Trick Or Treat" Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween.
"Trick" nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: "Treat" là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói "trick or treat." Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc "trick" nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).
Biểu tượng chính của đêm "Halloween" là cái đèn lồng của chàng Jack - "Jack-ó-lanterns." Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen.
Truyền Thuyết Về Halloween
Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ "Jack-ó-lanterns" đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Chuyện kể rằng: một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến "yểm" và "khóa các cửa" ra vào. Thế là con quỷ bị bắt... Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật "yểm ma quỷ" mở đường cho quỷ chạy thoát.
Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào... vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm... trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Ngày Halloween bắt nguồn từ đâu?
Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp.
Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương Lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.
Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FẺALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc, còn có ngày "Các vong hồn" vào mồng 2 tháng 11. Tại Anh Quốc, Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night or Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phụng rang hoặc nhai "táo".
Vào ngày "Các vong hồn," những người nghèo đi "khất thực cô hồn" (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là "soul cakes" (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho "các vong hồn."
Halloween đến Mỹ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.
Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ "trick or treat" chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này "hàng xóm láng giềng" hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất được chào đón của thiếu niên và một số thanh niên.
Ý Nghĩa Của Ngày Halloween
Ý nghĩa giáo dục
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt
Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn
Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.
Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là "ân đền, oán trả" và "giữ lời hứa." Dù rằng sự "giữ lời hứa" này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.
Đối với các xã hội Âu, Mỹ Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.
Ý Nghĩa Nhân Bản:
Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của "cõi Âm" mà đại diện là chàng Jack?
Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!
Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la...
Cá sấu nổi tiếng với lớp da bọc, răng nhọn sắc và hàm rất mạnh, nhưng hành vi giới tính của loài bò sát cổ xưa này cũng đáng kinh ngạc như dáng vẻ bề ngoài của chúng.
Có 23 loài cá sấu còn sống ngày nay, bao gồm cá sấu thực thụ (true Crocodile), cá sấu Mỹ (alligator) và cá sấu Ấn độ (Gharial). Và mặc dù hành vi giới tính của chúng khác nhau, nhiều loài cũng chia xẻ nhiều đặc điểm tương tự, theo chuyên gia cá sấu người Úc, Adam Britton.
Buổi khiêu vũ giới tính bao gồm hầu hết tất cả mọi ý nghĩa của nó. Con đực bắt đầu bằng cách rống lên phía trên mặt nước, trong khi tạo ra âm thanh có tần số thấp mà con người không thể nghe được. “Bạn có thể cảm thấy xung động lan truyền trong nước và cũng có thể thấy sóng áp lực,” ông Britton nói với Livescience.
Con đực cũng có thể đập mũi nó vào trong nước, thổi nước từ mũi đi hay thực hiện một số động tác uốn cong. Lúc gần hơn, chúng có thể tiết ra chất mùi dạng dầu nổi lên trên bề mặt nước, để dụ dỗ con cái. Mặc dù con đực chủ động sáng tạo ra buổi khiêu vũ này, con cái tham gia với toàn bộ khứu giác, âm thanh, hình ảnh của chính mình. Cặp đôi này trao đổi thông tin liên tục, ông Britton nói.
Một khi chúng gặp nhau, chúng nhẹ nhàng cọ mũi và lưng nhau, cưỡi nhau hay thổi bong bóng. Khi cả hai đã sẵn sàng cho sự việc – đôi khi sau nhiều giờ – chúng xoắn vào nhau, cố xếp đúng bộ phận sinh dục của chúng vào nhau. Nhiều giây sau khi xếp đúng, con đực đưa tinh trùng vào con cái nhờ dương vật che dấu của nó.
Cặp đôi thực hiện hành động này nhiều lần trong một ít ngày, nhưng chắc chắn không phải là độc nhất. Sự thật, theo ông Britton, một ổ trứng thường chứa gien của nhiều con đực khác nhau.
"Unbreak My Heart" tạm dịch là Đừng Làm Tim Vỡ là một tình khúc của diva người Mỹ Toni Braxton, trích từ tập nhạc thứ hai của cô, mang tựa đề Secrets (Những điều bí mật), được phát hành vào mùa hè 1996. Bài hát ban đầu không được viết cho Toni Braxton và suýt nữa, cô đã không ghi âm bài này do không thích cả giai điệu lẫn nhịp điệu của ca khúc.
Nhạc phẩm "Unbreak My Heart" do Diane Warren sáng tác và do David Foster sản xuất theo đơn đặt hàng, không phải cho Toni Braxton mà là cho diva nhạc nhẹ Celine Dion. Vào thời bấy giờ, Celine đang ghi âm album tiếng Anh thứ tư là Falling Into You (phát hành vào tháng Ba năm 1996). Nhóm sáng tác của Diane Warren và David Foster mới gửi cho Celine Dion nhiều tình khúc. Sau khi nghe thử, Celine chỉ giữ lại có một ca khúc duy nhất là nhạc phẩm "Because You Loved Me". Các bài còn lại đều bị gạt bỏ, trong đó có "Unbreak My Heart". Giới chuyên nghiệp thường nói đùa rằng Celine Dion có cái tài biến ca khúc thành đĩa vàng (thuật ngữ chuyên ngành gọi là Midas Touch). Một khi ca khúc bị từ chối, hy vọng hốt thêm bạc triệu đối với nhóm sáng tác Warren-Foster coi như là đã tiêu tan.
Tuy hơi thất vọng sau khi ca khúc bị từ chối, nhưng tác giả Diane Warren vẫn không phật lòng nản chí. Bà gửi ca khúc "Unbreak My Heart" cho ông Clive Davis. Giám đốc hãng đĩa Arista thời bấy giờ cũng là người đã làm nên tên tuổi của các diva như Whitney Houston và Dionne Warwick.
Nhạc sĩ Diane Warren và giải Grammy 2007 trong tay.
Khi ông Clive Davis nghe bài này ông nghĩ rằng bài hát có thể được sử dụng cho album thứ nhì của Toni Braxton. Tuy chỉ mới xuất hiện trên vòm trời âm nhạc, nhưng ngôi sao sáng của làng nhạc R&B lại gặt hái được ba giải Grammy ngay từ cuộn album đầu tay.
Nhưng theo lời kể của tác giả Diane Warren, thì Toni Braxton không thích bài "Unbreak My Heart" và không chịu ghi âm, nhất là ca khúc được dự tính phát hành làm đĩa đơn quảng bá cho album. Giám đốc hãng đĩa Clive Davis mới trỗ tài thuyết phục cô ca sĩ trẻ. Nhọc nhằn lắm ông mới làm cho cô xiêu lòng bằng cách hứa nâng thêm các khoản thù lao từ việc bán đĩa.
Sau khi ghi âm bài hát, ca sĩ Toni Braxton mới giải thích vì sao cô không thích nhạc phẩm "Unbreak My Heart", một nhạc phẩm mà theo cô có giai điệu quá trầm, nhịp điệu quá chậm. Bài này có 55 nhịp đập mỗi phút tức là còn chậm hơn cả điệu bolero, từ 60 nhịp trở lên.
Về ý tứ ca từ, Toni Braxton cho biết không thích bài hát chỉ vì có cảm tưởng giới sản xuất bắt buộc cô ghi âm thêm những ca khúc nỉ non ai oán, đẫm lệ thở than. Trên cùng một tập nhạc, cô từng ghi âm tình khúc ướt át "How Could an Angel Break My Heart". Toni Braxton muốn xây dựng cho mình hình ảnh của một diva R&B, với phong cách tươi sáng trẻ trung, chứ không muốn hát nhạc tình dành cho “những người có tuổi” (Adult Contemporary Music).
Dưới góc nhìn của ông giám đốc hãng đĩa Clive Davis, thì mọi chuyện hoàn toàn khác hẳn. Thật ra thì Toni Braxton có thái độ làm nũng của các diva. Do được nuông chiều, nên đâm ra có cái thói đòi hỏi hơi nhiều. Điều mà trong thâm tâm, Toni Braxton không hề nói ra, chính là ca khúc "Unbreak My Heart" ban đầu lẽ ra phải được viết cho cô.
Trên danh sách A-List, Toni Braxton chỉ là người đứng hạng thứ nhì, do vậy mà cô mới quay lại bắt bẽ bắt bí ông giám đốc. Nhưng ông Clive Davis là một người có bản lãnh, chuyện diva làm nũng làm dáng, ông đã biết quá thừa. Kinh nghiệm thâm niên trong ngành sản xuất giúp ông có một tầm nhìn cao hơn và xa hơn. Tốt nhất là dĩ hoà vi quý, dỗ ngọt làm lành, nhường nhịn khi có phân tranh.
Mọi chuyện sau đó đã diễn ra ngoài sự dự đoán, còn cao hơn cả tất cả những gì mà mọi người trong nhóm sản xuất đang mong chờ. Tình khúc "Unbreak My Heart" do chi nhánh LaFace Records của hai nhà sản xuất L.A Reid và Babyface phát hành. Bài hát thành công trên toàn thế giới, chiếm ngôi vị quán quân trên thị trường Hoa Kỳ trong vòng mười một tuần lễ. Bài hát này cũng đứng đầu tại nhiều quốc gia châu Âu kể cả tại Áo, Bỉ, Thụy Điển và Thụy Sĩ.
Một khi được chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha, phiên bản "Regresa a Mi" lại thành công một lần nữa trên thị trường Nam Mỹ, với hàng loạt bản ghi âm phối theo nhiều thể điệu như bolero, merengue, salsa hay bachata. Giai điệu chơi với đàn ghi ta thùng biến ca khúc tiếng Tây Ban Nha thành một bài ca bất hủ của tủ nhạc La Tinh. Sau này, đến phiên các giọng ca tenor của làng nhạc bán cổ điển giúp cho bài hát chinh phục thêm nhiều đối tượng và nhờ vậy mà trở nên kinh điển.
Nhờ vào ca khúc "Unbreak My Heart" ghi âm trong cả hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, mà Toni Braxton lập kỷ lục số bán với album thứ nhì : 20 triệu album trên toàn thế giới, so với 12 triệu bản cho album đầu tay. Bài "Unbreak My Heart" cũng giúp cho cô đoạt giải Grammy dành cho giọng ca pop xuất sắc nhất trong năm (1997). Một thành tích mà Toni Braxton sẽ không bao giờ lặp lại.
Cái tính hay làm nũng, được voi vòi tiên cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp của cô. Bất đồng giữa diva nhạc pop với nhóm sản xuất Babyface dẫn đến kiện tụng lôi thôi. Mãi đến bốn năm sau, tranh chấp hợp đồng mới được dàn xếp ổn thỏa, nhưng do chi phí trả tiền luật sư quá cao, cho nên Toni Braxton coi như là sạt nghiệp, buộc phải gầy dựng lại mọi chuyện từ đầu. Mãi đến năm 2013, Toni Braxton mới hợp tác trở lại với nhà sản xuất BabyFace.
Trước tính khí thất thường của cô ca sĩ, giới sản xuất bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt thờ ơ. Điều đó có thể giải thích vì sao sự nghiệp của cô diva da màu lại bị lu mờ chưa đầy một thập niên (7 năm) sau ngày đăng quang rực rỡ. Bản nhạc "Unbreak My Heart" mà ban đầu Toni Braxton chê là quá dỡ rốt cuộc lại trở nên tình khúc gắn liền với tên tuổi của cô, giọng ca của những nhịp tim tan vỡ. Thành công trên đường đời sự nghiệp còn dang dở do có quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, trách chi người khác quá nhiều, để rồi có lúc, sẽ phải ngồi một mình mà than thở.
Chắc nhiều lần tôi nói với các bạn tôi rất tôn sùng đức Khổng Tử, bậc "Vạn Thế Sư Biểu" (萬世師表). Tư tưởng và triết lý của ngài lan truyền khắp nơi và ảnh hưởng rất lớn trong thời đại phong kiến ở Việt Nam cho đến nay. Những cuộc giao lưu văn hóa và truyền bá triết lý đến vùng miền mới có it hay nhiều cũng bị thêm thắt pha trộn và rồi những cái có hay không có cũng được đổ thừa cho tư tưởng hay lời nói của ngài Khổng Tử. Đôi khi tôi tìm được một vài bài viết minh oan cho những phê phán xấu và tôi đã post lên.
Hôm nay tôi cũng kiếm được một bài khác để nói lên rất nhiều người không hiểu cặn kẽ của vấn đề rồi cái gì cũng chụp mũ lên Khổng Tử mà mọi người cứ tin vào lời nói của mấy ông "nho chùm" hay trong những tuồng hát rồi cứ tự tiện nói là "Tử viết" (子曰) một cách vô tội vạ để rồi đả phá ngài. Xin quí vị ai chưa đọc chưa hiểu thì đừng "hùa" vô mà chê trách. Cái mà bạn biết có thể không qua kinh sánh mà chỉ nghe qua tin đồn, chỉ nghe qua cải lương, hát tuồng,...mà ngay cả soạn giả cũng không thấu hiểu tự sự và lịch sử. Nhiều người nói như vậy không phải là đúng nhưng ở đời số đông có sai thì cũng thành đúng luôn rồi cùng nhau hỉ hả hi hi. Sự thật không phải về số đông. Sự thật lúc nào cũng là sự thật dù đôi lúc quí vị hận hay giận việc khác kéo vào việc này rồi hậu quả là "giận mất khôn". (LKH)
CÂU NÓI: "QUÂN XỬ THẦN TỬ...PHỤ XỬ TỬ VONG..." LÀ CỦA NHO GIA HAY PHÁP GIA?
Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi khi phê phán Nho giáo và chế độ phong kiến, thầy cô thường đem câu nói: “ Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Vua khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung; Cha khiến con chết mà con không chết là bất hiếu) và cho rằng Nho giáo dạy con người những điều hết sức là phi nhân bản.( Đại đa số các bài viết trên sách báo cũng như trên google hiện nay đều ghi “ Quân xử…Phụ xử…”, đúng nguyên văn chữ Hán ghi là “Quân xử…Phụ xử…”. Khiến, sai khiến người gọi là Xử. Quân xử thần tử: Vua khiến bề tôi chết; Phụ xử tử vong: Cha khiến con chết).
Trong các vở tuồng, chèo … hiện nay khi phê phán, đả kích Nho giáo hay phong kiến, các nhà biên soạn thường đem câu: “ Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung…” để mà chế giễu.
Giai thoại văn chương Việt Nam có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận. Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam, sau được thả ra (Quốc triều hương khoa lục chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trang 191). Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy con em trong hoàng tộc và cũng là một kế để dễ bề kiềm tỏa ông. Ông mất năm Bính Dần (1866). Quốc triều đăng khoa lục chép về ông: “Ông đọc sách qua một lượt là nhớ. Làm văn, cất bút là xong, không cần phải nháp, í tứ mới lạ, phần nhiều không theo khuôn sáo lối văn thời bấy giờ. văn thơ ông làm xong là bỏ qua, không lưu lại bài nào” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Nxb Văn học, trang 69).
Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lí. Nghe xong vua Tự Đức phán: Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi!
Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không được, mà nhảy xuống thì bị chết một cách oan uổng. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua xong đâu vào đấy rồi lao mình xuống dòng sông. Mọi người tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông. Nhưng chỉ trong giây lát ,ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và tay bám vào thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây? Ông đáp: Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần như sau: “Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn/ Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?” (Ta gặp ám chúa phải chịu oan đã đành/ Còn ngươi gặp được minh quân sao lại trầm mình?), hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên tâu để bệ hạ rõ!
Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Giai thoại nghe qua thì rất hay, nhưng giai thoại này chỉ dành cho những người không am tường Nho giáo kể cho nhau nghe lúc “trà dư tửu hậu” mà thôi!. Vì một người như Đinh Nhật Thận đã nhuần nhuyễn Tứ thư, Ngũ kinh, sách Bách gia chư tử…mà lại tán dương một câu hết sức là phi nhân bản như thế!
Nho giáo chỉ trung với ông vua có đủ tư cách, đáng cho mình thờ; nếu không thì có thể bỏ mà thờ ông vua khác, như Khổng tử đã bỏ vua nước Lỗ. Nghĩa Quân – Thần trong Nho giáo có định phận rõ ràng: Định công vấn: “ Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?” Khổng tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?” Khổng tử đáp rằng: “ Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” – Luận ngữ : Bát dật ,19).Vua phải có đức độ, phải biết tu thân: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn” (Trên từ bực thiên tử lần xuống cho đến hạng dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc – Đại học). Bởi thế Mạnh tử bảo Tề Tuyên vương rằng: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thi quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thần thị như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”(Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù- Mạnh tử: Ly lâu ,Chương cú hạ,3).
Tề Tuyên vương hỏi Mạnh tử: “ Thần thí kỳ quân khả hồ?” Viết: “ Tặc nhân giả, vị chi tặc; tặc nghĩa , vị chi tàn; tàn tặc chi nhơn, vị chi nhứt phu. Văn tru nhứt phu Trụ hỹ, vị văn thí quân dã” ( “Bề tôi mà giết vua, có nên chăng?”. Mạnh tử đáp rằng: “ Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”- Mạnh tử, Lương Huệ vương, Chương cú hạ, 8). Tuân tử cũng nói : “ Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” ( Giết một ông vua tàn bạo của một nước cũng như giết một kẻ độc phu – Vua cũng chẳng phải thần thánh gì!)
Mạnh tử khẳng định: “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( dân là quí, thứ đến là xã tắc, vua là khinh – Mạnh tử ,Tận tâm, Chương cú hạ , 14)
Mối quan hệ Phụ – Tử trên tinh thần “ Phụ từ, tử hiếu”. Bổn phận làm con là phải hiếu với cha mẹ. Khổng tử giải thích: “ Sanh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ” (Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống, phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ chết, phải chôn cất cho có lễ, rồi những khi cúng giỗ, cũng phải giữ đủ lễ – Luận ngữ : Vi chính II, 5)
Lấy LỄ mà thờ cha mẹ không phải cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Khổng tử nói: “ Sự phụ mẫu cơ gián,kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán” ( làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy í tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn – Luận ngữ: Lí nhân IV, 18)
Khổng tử khuyên người ta thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều vâng theo, gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.
Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “ Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng tử không trả lời. Lúc Khổng tử ra ngoài, Khổng tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi í Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “ Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?” – Khổng tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng tử gia ngữ: Tam thứ, IX). Xem thế làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha khỏi bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.( xem Trần Trọng Kim, Nho giáo ,quyển thượng – in lần thứ tư, Nxb Tân Việt- Sài Gòn, trang 142-143).
Vì nghe qua trong câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu” xuất hiện những từ “Quân”; “Thần”; “Phụ”; “Tử” có âm hưởng của Nho giáo nên quy nạp câu nói ấy là của Nho gia. Câu nói ấy chính là của Thái tử Phù Tô nói khi nhận lệnh vua cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thủy Hoàng nhưng Thái tử Phù Tô cản lại bằng câu nói: “Quân sử thần tử ,thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong,tử bất vong bất hiếu”
Như chúng ta biết nhà Tần theo chế độ Pháp gia chứ không phải Nho gia. Quản tử chủ trương: “ Tôn quân ti thần, dĩ thế thắng dã” (Tôn vua lên, hạ quan xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt), thế là đặt vua trên luật, mở đường cho hơn 2000 năm chuyên chế. Chính Pháp gia mới đưa ra quan niệm: “ Trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai vua). Hơn nữa họ trọng cái “thế”(quyền thế) của vua khiến vua hóa ra độc tài, bắt bề tôi chết thì chẳng kể phải trái, bề tôi cũng phải chết, không chết thì không trung (Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung). Từ Hán Võ đế trở đi, quan niệm đó được các vua chấp nhận, và hình như không có nhà Nho nào phản đối, mà nền quân chủ của Trung Hoa hóa ra chuyên chế (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập 1. Nxb Văn hóa, trang 191)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Nhà nghiên cứu Kim Định nhắc nhở chúng ta: “…cái bổn gốc của Nho giáo là “chí trung” mà trung là không cậy dựa = “ trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu”. Đó là cốt yếu những bài học dạy học của ông ( Khổng tử- TG). Đừng đem những câu Hán học như “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất” ( Kim Định , Căn bản trong triết lí văn hóa Việt Nam. https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/kimdinh2/00kim.htm. Xem chương VI : Từ Văn tổ tới Văn miếu; mục 6e: Vạn thế sư biểu) Một vấn đề mà được “ chúng khẩu đồng từ” (đông người cùng nói một lời) chưa hẳn là sự thật. Sự thật không hẳn thuộc về số đông cho dù trong số đông có cả Ban Tuyên giáo Trung ương !
Trên đời này, ít có món ăn nào kỳ lạ, tuyệt vời như nấm Tuber Magnatum. Kỳ lạ bởi vì nó mọc ở dưới đất, không có gốc mà cũng chẳng có rễ. Không ai biết nó tích tụ từ đâu và sinh sống nhờ cách nào … Với một chút may mắn, người ta tìm thấy nó, chứ không ai có thể gieo trồng. Chính cũng vì vậy mà củ nấm hiếm như bạc, quý như vàng.
Lúc sinh tiền, học giả người La Mã Pline L’Ancien (tiếng Anh là Pliny the Elder, còn trong tiếng La Tinh là Gaius Plinius Secundus) đã mô tả nấm truffe bằng những dòng chữ như trên. Trong bộ Tự điển Bách khoa Tự nhiên Naturalis Historia bao gồm tổng cộng là 37 quyển, ông đã dành nguyên một chương sách trong tập số XIX để nói về nấm truffe.
Theo ghi chép của ông, loại nấm này có mùi vị lạ thường và hương vị tinh tế, nó chỉ mọc sâu ở dưới lòng đất, gần những gốc cây to, kích cỡ của củ nấm nhỏ như trái lê vùng Cydonia của Hy Lạp, to nhất thì bằng trái mộc qua. Một khi đào bới lên, nấm truffe không thể giữ được lâu, càng để lâu ở ngoài trời ở chỗ khô ráo, củ nấm càng sơ cứng lại, màu sắc hình dáng trông như một khúc gỗ mục.Theo học giả Pline L’Ancien, người Hy Lạp và người Ba Tư đã từ lâu tìm cách cấy trồng nấm truffe, nhưng không thành.
Nhờ vào sự lưu truyền của bộ Tự điển Bách khoa Tự nhiên có từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, mà con người thời nay mới biết rằng nấm truffe đã được xem như là của ngon vật lạ từ thời Cổ đại Hy La. Những gì học giả Pline L’Ancien chưa giải thích nổi, đều được các nhà khoa học chứng minh sau này : dù không có rễ, nhưng nấm truffe vẫn mọc dưới đất nhờ phát triển cộng sinh với một số loài cây cổ thụ như cây sồi, cây phỉ hay hạt dẻ.
Nhưng không phải dưới gốc cây sồi nào, người ta cũng có thể đào được nấm truffe, vì sự phát triển của loài nấm này còn lệ thuộc vào khí hậu, phong thổ. Nấm truffe chủ yếu mọc ở các vùng ôn đới, chứ ít khi nào được tìm thấy ở những nơi có thời tiết quá lạnh, quá khô hay quá ẩm. Tại châu Âu, vùng Piemonte của Ý nổi tiếng trên thế giới nhờ sản xuất loài nấm truffe màu trắng ngà (vùng Alba), còn ở Pháp, vùng Périgord thì chuyên sản xuất lọai nấm truffe màu nâu đen.
Theo lời kể của nhà đầu bếp người Ý Enrico Crippa, chủ nhà hàng nổi tiếng Piazza Duomo Alba, gia đình anh có truyền thống nấu các món nấm truffe từ bốn đời nay. Thời còn nhỏ, Enrico thường thấy ông nội anh ăn nấm truffe một cách rất đơn giản : ông cụ lấy một miếng bánh mì, rồi trét với loại bơ có pha một chút muối, nấm truffe cắt thành những khoanh thật mỏng, rải đều trên mặt bánh. Ông cụ dùng nấm truffe như một món khai vị, đến sau này Enrico Crippa nổi tiếng nhờ món mì sợi linguini rắc nấm truffe cũng duy trì truyền thống gia đình.
Nhà đầu bếp Enrico Crippa tự tay làm mì sợi linguini thật tươi, bỏ vào nước sôi nấu cho vừa tới (al dente), tức là sợi mì khi cắn vẫn còn thấy dòn. Mì sợi vừa chín được trộn với một chút bơ pha muối rồi rắc trên mặt một chút nấm truffe bào mỏng. Bí quyết ăn tiền của Enrico có lẽ nằm ở trong độ nóng của món ăn dọn trên bàn. Đĩa ăn đút trước vào lò nướng cho thật nóng, mì sợi còn nóng hổi vớt ra rồi cho vào đĩa trộn nấm rồi dọn ngay. Hơi nóng của chiếc đĩa giữ cho mì sợi linguini không nguội nhanh, sức nóng đó khi bốc lên giúp cho mùi hương của nấm tươi lan tỏa. Theo Enrico Crippa, nấm truffe nhất là lọai nấm trắng đễ bị mất mùi khi xào nấu quá lâu, tốt nhất là nên ăn tươi và tuyệt đối tránh dùng rau thơm và gia vị vì nấm sẽ bị át mùi.
Thời ông nội của Enrico Crippa, nước Ý thu hoạch mỗi năm hơn 1.000 tấn nấm. Từ năm này qua năm khác, nấm truffe Alba ngày càng khan hiếm, nay khối lượng chỉ còn có một nửa. So với hai năm trước, giá của một kí lô đã tăng gấp đôi, từ 1.200 euro lên đến 2.500 euro một kí lô. Giá trung bình của nấm truffe dao động trên thị trường tùy theo chất lượng cũng như số lượng thu hoạch từng năm. So với nấm trắng vùng Alba (Tuber Magnatum), thì lọai nấm truffe đen của vùng Périgord (Tuber Mélanosporum) rẻ hơn một chút, nhưng hiện giờ lên đến 800 hay 900 euro một kí. Doanh thu của ngành này hiện xấp xỉ 400 triệu euro mỗi năm.
Trước sự khan hiếm của nấm truffe, giới sản xuất bắt đầu nhắc đến một cuộc khủng hoảng chuyên ngành. Cung thì ít mà cầu thì nhiều, nên giá cả tăng vọt và nhất là dễ dẫn đến hiện tượng khai thác quá trớn và giả mạo nấm truffe, chẳng hạn như là bán nấm của Trung Quốc mà lại gắn nhãn mác của Pháp. Theo lời giải thích của ông René Tardieu, một nhà sản xuất ở vùng Périgord, thì năm nay công việc thu hoạch không được mùa cho lắm. Ông René Tardieu sinh trưởng trong một gia đình trufficulteur từ nhiều đời qua, gọi là trufficulteur nhưng thật ra ông không trồng nấm mà lại là trồng cây để sinh ra nấm.
Ông René Tardieu giải thích là gia đình chuyên trồng hai lọai cây sồi trắng và xanh. Cây sồi trắng thường rụng lá vào mùa đông, còn sồi xanh thì có lá màu lục thẩm quanh năm suốt tháng. Gia đình có một mãnh vườn khá rộng có thể trồng đến một ngàn gốc cây như vậy. Gốc cây nào sinh nhiều nấm thì giữ hạt để làm giống, cây nào không sinh nấm sau nhiều năm thì bứng đi trồng cây khác.
Một khi trồng cây sồi thì phải đợi đến 10 năm thì mới hy vọng tìm được nấm truffe, nhưng sản lượng thì chỉ khoảng từ 5 đến 10%, tức là trên một ngàn gốc cây sồi chỉ có khoảng từ 50 đến 100 cây mới sinh ra nấm. Mùa thu họach nấm truffe ở vùng Périgord kéo dài trong ba tháng, từ giữa tháng 11 trở đi. Theo kinh nghiệm gia truyền của ông René Tardieu, thì nấm truffe dễ phát triển khi mùa hè khô ráo, có nhiều nắng, nhưng phải có vài ngày mưa giông vào hạ tuần tháng 8, thì đát cát mới có đủ độ ẩm để cho nấm mọc. Năm nay, thời tiết quá đỗi thất thường nên không được mùa, củ nấm cũng không to bằng những năm trước.
Tại Pháp, không phải chỉ có vùng Périgord, mà nhiều vùng khác cũng sản xuất nấm truffe. Hai miền Provence hay Bourgogne đều có mùa thu họach các loại nấm truffe nhưng sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 8 cho lọai Tuber Aestivum, từ tháng 9 đến tháng 12 cho lọai Tuber Uncinatum. Nấm truffe của mỗi vùng miền do khác biệt thổ nhưỡng nên có mùi hương không giống nhau, có lúc nồng như hạt tiêu, hạt cải cay hay tỏi non, khi thì thoảng thỏang mùi hạt dẻ pha mật ong.
Các nhà đầu bếp Pháp dùng nấm truffe như một hương liệu, một gia vị. Họ thiên về nấm đen của vùng Périgord do nó dễ nấu nướng, dễ kết hợp hơn trong các món ăn. Đặc điểm của nấm truffe là mùi hương của nó dễ thấm vào các thức ăn khác cho nên trước khi nấu, các nhà đầu bếp thường ủ nấm với các thành phần khác. Nếu nấu món risotto thì nấm được ủ với gạo, nếu làm các món bánh mặn, thì nên ủ nấm với bơ và trứng, nấm cũng có thể ngâm vào sửa tươi có một chút bột, hay trộn với crème fleurette (ít béo hơn là crème fraiche) để làm các loại nước sốt, nấm truffe cũng được bào mỏng, trộn với nhân cho món thịt bê nhồi. Do mùi hương nấm truffe rất thanh, nên ít khi được nấu với cá hay hải sản, ngoại trừ món sò điệp áp chảo.
Khác với người Việt, người Pháp khi dùng các món hải sản ít ăn gạch cua hay đầu tôm. Sò điệp cũng vậy, họ chủ yếu ăn phần trắng, dùng phần màu cam nấu chín xây nhuyễn để làm nước sốt san hô (sauce corail). Sò điệp một khi mua về đem rửa sạch với nước pha với một chút rượu nho trắng để giữ nguyên độ tươi. Nếu con sò quá lớn thì nên cắt ra thành những khoanh vừa cỡ, để dễ áp chảo. Khi đưa vào chảo thật nóng thì mỗi mặt chỉ nướng độ một phút, một phút rưỡi. Nướng quá lâu, sò điệp sẽ bị dai.
Nếu áp chảo với bơ thì bơ nên cắt thành từng miếng nhỏ, khi nướng thì từ từ thảy từng khoanh vào, bơ sẽ sủi bọt lên và bằng cách này bơ giữ được cùng một nhiệt độ, cho nên không bị khét mùi. Sò điệp thương được ăn kèm với poireaux (tỏi tây), nhưng khi kết hợp với nấm truffe dù là nấm tươi hay nấm ngâm trong lọ chai, thì poireaux lại hơi nặng mùi, cho nên thay thế bằng măng tây (asperge) hoặc là rau spinach.
Để trình bày đẹp mắt, thì bạn nên luộc trước măng tây cho vừa chín, rồi dùng hành lá cột lại thành từng bó trông như bó củi. Đặt bên cạnh sò điệp, măng tây màu xanh non hoà quyện với nước sốt san hô, màu nâu đen của nấm truffe làm nổi bật sắc ngà của sò điệp. Nếu bạn nấu được món này thì bạn có thể khoe với gia đình đây là món ăn gợi hứng theo phong cách Terre et Mer. Nấm truffe là mỹ vị của Đất, sò điệp là cao lương của Biển.
Mùa Noel đã gần kề và năm nay nấm truffe cũng như nhiều món ngon khác, sẽ xuất hiện trên bàn tiệc. Theo cô Aurélie Garreau, chuyên phụ trách trang ẩm thực trên tạp chí thời trang Elle, người ta giờ đây có thể đặt mua qua mạng internet các giỏ đặc sản của vùng Périgord, từ các món khai vị như papitou, một loại paté làm với gan vịt ướp nấm truffe hay nấm cèpe trộn với hạt dẻ hay hạt phỉ, cho tới các món thịt bò pha nước xốt Périgeux, tức là nước xốt nấu với chút hành hương, nấm truffe và rượu trắng.
Một số nhà đầu bếp dùng rượu madère (madeira trong tiếng Bồ Đào Nha), nhưng loại rượu này hơi ngọt. Nếu trong bữa ăn có dùng rượu Monbazillac cũng là một đặc sản của vùng Périgord, gần phía nam vùng Bergerac, tả ngạn vùng Dordogne, thì lại càng nên tránh nấu với rượu madère, vì vị ngọt của rượu sẽ át mùi nấm truffe. Vào thời của học giả La Mã Pline L’Ancien, nấm truffe đã quý như bạc vàng.
Thời nay, nấm truffe được các nhà xem như là bảo vật khan hiếm, loại Alba của Ý được gọi là kim cương trắng, còn lọai Périgord của Pháp được mệnh danh là kim cương đen. Khi thời tiết bên Pháp bắt đầu trở lạnh, mùa săn lùng đá quý chuẩn bị mở màn. Các nhà đầu bếp trứ danh háo hức chờ đón, vắt óc sáng tạo để đưa món nấm truffe thật tươi vào trong thực đơn của họ. Nhưng suy tính là một chuyện, có thành hay không là một chuyện khác.
Thị trường kinh doanh bị ngự trị bởi đồng tiền, nhưng nấm truffe chỉ tuân theo quy luật của thiên nhiên. Giai thoại kể rằng nấm truffe xuất hiện lần đầu tiên trên bàn tiệc của nhà vua François Đệ Nhất, có một lần tình nhân của nhà vua là Diane de Poitiers đòi ăn nấm truffe dù chưa đến mùa. Nhà vua nói với người yêu rằng : cho dù ta có đánh đổi cả ngai vàng thì cũng không thể tìm đâu ra để mua được cho nàng. Điều đó có nghĩa là một nhà vua có đầy uy quyền nhưng không phải lúc nào có tiền thì mua tiên cũng được.
Ngôi nhà của Giám mục Bá Đa Lộc - Pierre Pigneau de Behaine tại Sài Gòn
Giám mục Bá Đa Lộc với tên Pháp Pierre Pigneau de Behaine (2/11/1741 - 9/10/1799)
Giám mục Bá Đa Lộc quốc tịch Pháp, sinh năm 1741, tên là Pierre Pigneaux. Sau khi được sắc phong linh mục năm 1765, ông qua Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn.
Nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Sài Gòn) có ngôi nhà cổ nằm khuất trong nhiều khu cao tầng bên cạnh. Căn nhà này do chúa Nguyễn Ánh cất riêng cho Giám mục Bá Ða Lộc (người xưa gọi là Cha Cả) ở để dạy Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh ngay sau khi cả hai từ Pháp về năm 1789.
Ban đầu, ngôi nhà được dựng bên bờ kênh Thị Nghè, trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên ngày nay. Sau khi Giám mục Bá Đa Lộc từ trần (1799), ngôi nhà được làm nơi trọ cho linh mục khác, có thời điểm tận dụng làm kho chứa quân cụ. Năm 1864 người Pháp cho xây dựng Thảo Cầm Viên nên căn nhà được dời về đường Alexandre de Rhodes. Năm 1900 sau khi Toà Tổng Giám mục được xây, thì ngôi nhà lại được dời đến địa điểm này đến ngày nay.
Năm 1897, khi đề cập đến ngôi nhà gỗ lợp ngói đó, ông Trương Vĩnh Ký - người Việt được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái thế giới - gọi là Dinh Tân Xá. Khi Tòa Tổng Giám Mục xây dựng xong năm 1911, thì căn nhà được sử dụng làm nhà nguyện.
Dinh Tân Xá được xem là căn nhà cổ nhất Sài Gòn với tuổi đời hơn 200 năm. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, khung nhà được liên kết chặt chẽ với nhau hoàn toàn bằng kỹ thuật ghép mộng của những nghệ nhân thời xưa. Hoàn toàn không dùng bất cứ cây đinh nào nhưng nhà nguyện vẫn đứng vững qua hàng trăm năm.
Mặt bằng ngôi nhà có dạng hình chữ "Nhất", tuy xây dựng phục vụ cho việc thờ phượng Công giáo nhưng nhà vẫn được quay về hướng Nam theo quan điểm dựng nhà truyền thống của người Việt. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam với ba gian hai chái với diện tích 136 m2.
Chính diện gian giữa đặt án thờ cầu nguyện, hầu hết chi tiết bên trong đều được giữ nguyên bản để không làm mất vẻ đẹp sơ khai của ngôi nhà.
Nhiều vật dụng trong nhà như bàn, ghế, tủ, bình phong... vẫn được giữ nguyên vẹn và còn khá tốt.
Khung cửa và các cánh cửa làm bằng gỗ quý, đều chạm trổ tinh xảo các hoa lá rồng phượng như tạo thêm sức sống cho mặt tiền của căn nhà.
Mái được lợp ngói âm dương với những họa tiết hoa văn viền tinh xảo.
Mái trước bằng ngói tráng men xanh, có phù điêu hình hai con rồng chầu Thánh giá rất hiếm thấy. Về ý nghĩa của bức phù điêu trên, có nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự kết hợp giữa hình tượng của tôn giáo phương Tây buổi đầu hội nhập với tín ngưỡng phương Đông.
Qua những lần di dời trước đó, phần nền đất làm cho cột trụ ngôi nhà bị hư hỏng. Những lần tu sửa sau, cột trụ ngôi nhà được đặt trên những tảng đá, nền nhà thì được nâng cao hơn.
Những chùm đèn có một số cái được thay mới vì đèn cũ đã hư hỏng, không thể sử dụng được nữa. Tương tự, phần mái ngói cũng thay mới một phần trong lần trùng tu gần nhất năm 2014. Dù vậy, căn nhà cổ nhất Sài Gòn vẫn giữ được nguyên vẹn mỹ thuật kiến trúc. Ngày nay, ngôi nhà là nơi hành lễ của các tín đồ vào những ngày lễ nguyện. Vào chủ nhật hay các buổi sáng trong ngày, ngôi nhà mở cửa để hành lễ.