Wednesday, January 31, 2018

LỊCH SỬ CỦA CUỐN LỊCH


Buổi sáng khi họ thức dậy lại là thứ Năm, ngày 14, tháng Chín. Nghe tưởng như một sự lầm lẫn. Ngày ấy phải là thứ Năm, ngày 3, tháng Chín, đâu phải thứ Năm, ngày 14, tháng Chín! Nhưng đây là câu chuyện có thật. Người dân Anh quốc đã đi ngủ ngày 2 tháng Chín. Khi họ thức dậy, đúng là ngày 14 tháng Chín!

Sự thay đổi ngày bất thường này là kết quả của một Đạo luật Quốc hội Anh. Đạo luật này được gọi là “British Calendar Act of 1751”.

Năm 1752. Thứ Tư, ngày 2 tháng Chín, người dân Anh quốc đã đi ngủ.

Tại sao Quốc hội Anh lại thực hiện điều này? Năm 1752 lịch chính của Anh quốc chậm hơn lịch chính của Âu châu 11 ngày. Nên, ở Liên hiệp Vương quốc Anh là 2 tháng Chín, nhưng ở Âu châu là 13 tháng Chín.

Một cuốn lịch rất quan trọng đối với việc đo lường ngày và tháng, duy trì những ngày nghỉ tôn giáo, và theo dõi những mùa. Anh quốc đã theo một phóng tác lịch cũ. Năm 1752 cuối cùng họ đã sử dụng lịch đã được thừa nhận bởi các nước khác trên thế giới. Điều này giúp họ giao thương với các nước khác và kỳ niệm những ngày nghỉ tôn giáo cùng lúc với các nước Âu châu khác.

Những cuốn lịch rất phức tạp. Chúng lệ tùy thuộc vào sự đo lường cẩn thận. Và chúng ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới. Về lịch sử của hầu hết những cuốn lịch đang được dùng trên thế giới: lịch Gregory.

Những cuốn lịch rất quan trọng đối với tất cả mọi người trên thế giới. Lịch giúp chúng ta nhớ những sự kiện tôn giáo. Chúng giúp chúng ta định được thời gian mùa màng hay săn bắn. Chúng giúp chúng ta đánh dấu những sự kiện lịch sử. Chúng đánh dấu những sự kiện xảy ra trên bầu trời. Chúng đánh dấu những thời gian trôi qua từ thế kỷ này đến thế kỷ khác.


Một số chuyên gia tin rằng người La Mã và Ai Cập cổ đại dùng lịch đầu tiên. Họ làm ra những cuốn lịch cách đây khoảng 3.000 năm. Lịch của người La Mã dựa vào tuần trăng – đó là, khi nào trăng xuất hiện. Mặt trăng đi hết mỗi một chu kỳ là 29 ½ ngày. Nó bắt đầu tròn. Nó dần ngày càng khuyết lại. Rồi nó dần ngày càng lớn hơn cho đến khi trăng lại tròn. Đối với người La Mã, trăng tròn là bắt đầu cho một tháng mới.

Nhưng người Ai Cập lịch của họ lại dựa vào mặt trời. Mặt trời đi theo một đường cố định trong bầu trời khi trái đất lại xoay quanh nó. Không có những tháng rõ rệt. Thay vào đó, tính thời gian tùy thuộc vào những mùa, và nơi nào mà mặt trời được định vị trên bầu trời. Được coi như là một năm, phương pháp này gọi là năm hệ mặt trời – năm dương lịch.


Khi vương quốc La Mã mở rộng, lịch của người La Mã được phổ biến nhất. Nhưng đến khi vào khoảng năm 46 trước công nguyên, hoặc cách đây khoảng 2.000 năm, lịch chưa được tổ chức ổn định! Thoạt tiên, lịch chỉ có mười tháng. Mội tháng được đặt tên theo một số. Một năm luôn được bắt đầu vào tháng Ba và kết thúc vào tháng Mười Hai. Thậm chí người La Mã không tính những tháng này mà bây giờ chúng ta gọi là tháng Một và tháng Hai. Họ không coi nó là một phần trong năm. Nhưng, thời gian sau, một trong những hoàng đế đã chia ra thời gian không được tính này. Ông đặt tên cho nó và bắt đầu tính trên lịch. Nên về sau, những tháng được đặt tên theo chữ số không còn phải sửa nữa!

Những chuyên viên về lịch luôn không theo những luật lệ về lịch một cách chu đáo. Các quan chức của chính quyền La Mã đôi khi thay đổi độ dài của ngày và tháng để duy trì địa vị của mình được lâu hơn! Sau một thời gian, lịch chính của La Mã gặp rắc rối. Thậm chí nó không theo đúng các mùa nữa.

Về sau, hoàng đế La Mã Julius Caesar điều chỉnh lại. Ông thiết kế một cuốn lịch được cải tiến. Ông đã thay đổi và thiết kế cuốn lịch bằng ba cách chính.

Thứ nhất, lịch của Caesar dựa theo năm tính theo hệ mặt trời của người Ai Cập. Đây là việc quan trọng vì nó được thiết lập năm La Mã đúng 365 ngày.

Thứ hai, Julius đổi ngày bắt đầu chính thức của một năm từ tháng Ba thành ngày 1 tháng Một.

Thứ ba, Julius đổi độ dài của những tháng theo cách mà ngày nay chúng ta biết.

Hầu hết các quốc gia vào thời đó bắt đầu sử dụng lịch mới này. Nó được gọi là lịch Julius.

Có một sự thay đổi rất quan trọng ở lịch Julius. Năm tính theo hệ mặt trời là 365 ¼ ngày. Julius phải nghĩ cách để tính phần này, hoặc bỏ ¼ ngày.


Julius đã bổ sung một ngày phụ trội vào niên lịch. Ông công bố ngày phụ trội này được bổ sung cứ bốn năm một lần. Đây là điều gì đó mà chúng ta vẫn giữ đến ngày hôm nay. Năm có ngày phụ trội được gọi là “năm nhuận”. ngày nay, chúng ta bổ sung ngày phụ trội này vào cuối tháng Hai.

Lịch Julius là một cải tiến lớn sớm hơn cho những cuốn lịch. Nhưng những cuốn lịch này rất khó thiết kế. Và lịch Julius vẫn còn đôi chút khiếm khuyết. Độ dài của niên lịch Julius ngắn mất 11 ½ phút. Điều nay nghe chừng chỉ là một lỗi tính toán nhỏ. Nhưng sau nhiều năm, lỗi tính toán nhỏ này bắt đầu tăng lên!

Cứ 400 năm thì 11 ½ phút này tăng lên tới trên ba ngày. Khắp thế giới vào năm 1582 bắt đầu xảy ra vấn đề phức tạp.

Năm 1582 lịch chính không sắp đặt đúng với những mùa. Nó chậm khoảng 10 ngày. Những ngày lễ tôn giáo như lễ Phục Sinh đã không diễn ra đúng theo mùa. Một nhà lãnh đạo Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Gregory XIII, đã quyết định thiết đặt lại khiếm khuyết của lịch Julius.


ĐGH Gregory giữ lại nhiều phần của lịch Julius. Nhưng Ngài đã thiết lập mới, những quy luật phức tạp hơn đối với năm nhuận. Lịch mới của Ngài được gọi là lịch Gregory. Phải mất một thời gian dài người dân trên toàn thế giới mới công nhận lịch Gregory. Nhưng giờ đây nó được phổ biến hầu hết ở mọi quốc gia. Một vài nền văn hóa và nhóm tôn giáo đã sử dụng những lịch khác cho nền văn hóa đặc biệt hay những ngày lễ nghỉ tôn giáo. Nhưng đối với những ghi chép chính thức, hầu hết các quốc gia sử dụng lịch Gregory.


Mà thậm chí lịch này cũng chưa được hoàn chỉnh. Lịch Gregory thiếu mất 26 giây của một năm dương lịch. Điều này muốn nói rằng cứ 3.300 năm lịch chính sẽ khác với lịch tính theo hệ mặt trời là một ngày. Khi điều đó xảy ra, thế giới của chúng ta lại phải sắp xếp lịch một lần nữa!

Jos. Tú Nạc, NMS


CHIỀU SÀI GÒN BÊN DĨA GỎI KHÔ BÒ QUỐC TẾ

Món gỏi đu đủ xanh khô bò chở ta về những không gian trước cổng trường. Ở đó có một ông già người Hoa với thùng gỏi đu đủ xanh khô bò sau porte-bagage và tiếng nhấp chiếc kéo lớn kêu “xấp xấp” trên tay ông.


Sài Gòn một số loại hàng rong có một thứ tiếng rao không cần đến ngôn ngữ. Gỏi đu đủ xanh khô bò là tiếng nhấp kéo. Cà rem là tiếng chuông rung nhanh – khác với tiếng chuông chậm của các ông thầy bói dạo…

Bí quyết của một dĩa gỏi khô bò ngon là những cọng đu đủ vừa dòn theo bề ngang, vừa dai theo bề dài và cái nước xốt pha chế theo bí quyết riêng của từng xe gỏi. Ngon cũng còn phải rẻ nữa mới hấp dẫn học trò. Nhiều đứa còn nhỏ đã ăn cay có cỡ càng khoái món này, có lẽ vì ớt là một thứ kích thích hiếu động cho bọn nhỏ. Thật vậy, ớt được phương Tây xếp vào hàng kích động (aphrodisiac food) có khi trên có khi dưới bậc thịt hàu sống, do cơ địa của từng người.

Còn những miếng khô bò là thứ đồ bỏ đi của con bò – lá mía, phổi, được “son phấn” rất kỹ lưỡng bởi người bán bằng các thứ gia vị cũng rẻ tiền như đường táng đen. Có khi không có bò thì dùng lá mía heo thế vào. Vậy nên dĩa gỏi bằng nhôm ngày ấy mới rẻ. Mà ngon ác!

Bây giờ những ông bán gỏi người Hoa đã biệt tăm như những ông đồ già ngồi viết chữ bên đường những ngày cận tết. Nhưng khác với chữ ế, món gỏi đu đủ xanh khô bò vẫn sống dài, góp phần tạo ra một thứ văn hoá. Ẩm thực đường phố là thứ văn hoá Sài Gòn chịu lắm phong ba, chìm nổi nhưng vẫn sống nhăn vì luật cung cầu. Bây giờ có người còn nghiệm ra không biết nó là quà vặt, hay là một suất ăn trưa hay mồi.


Đu đủ xanh làm gỏi là món khoái khẩu của nhiều dân tộc từ Thái Lan, Lào, Campuchia đến Việt Nam. Nhưng trái đu đủ theo sự du nhập được gọi tên là “Columbia Exchange” – sự trao đổi các thứ bản địa giữa châu Mỹ và châu Âu sau chuyến du hành của Christopher Columbus, vào Xiêm (Thái Lan ngày nay) qua ngả eo biển Malacca. Món gỏi này có lẽ phát nguyên từ người dân tộc Lào và Hoa định cư ở vùng đồng bằng sông Chao Phraya, miền Trung Thái Lan. Nhưng ban đầu do gốc của dân tộc Lào vốn không chủ lực vị cay, nên không có cay như món som tam của Thái. Cay từ ớt cũng là loại gia vị gốc Mỹ du nhập sớm vào Bangkok.

Nhưng gỏi đu đủ xanh khô bò có lẽ là sáng chế của người Hoa định cư ở Chợ Lớn, khi loại trái cây này du nhập qua ngả giao thương đường thuỷ dưới Chợ Lớn, cũng như trường hợp trái sầu riêng. Phải đợi đến khi cây được trồng nhiều có trái, giá rẻ, món ăn mới ra đời dụ khị những cái lưỡi đi học thời chúng tôi chỉ có năm cắc đến một đồng ăn vặt.

Cách đây chưa lâu, một ông bạn bên Mỹ về, chiều muộn uống bia trong một cái quán sang chảnh ở bên hông Nhà hát thành phố, chợt than: “Tự nhiên sao thèm gỏi khô bò quá chừng!”. Tôi nói với nó muốn ăn gỏi đu đủ khô bò, phải ngồi ở mấy cái quán cóc vỉa hè bên bờ kè Nhiêu Lộc. Khi đó gặp những xe gỏi đi qua mới kêu vài dĩa diệt cái nỗi thèm món ăn “thị hồn” của đường phố Sài Gòn này. Nhưng nếu ta đặt tên nó là gỏi xấp xấpnhư cách người Thái gọi tên som tam – som là chua, tam là tiếng chày giã, tên ấy bây giờ chỉ còn là vỏ ngữ âm. Vì nó không còn tiếng nhấp kéo để rao hàng như ngày xưa nữa. Vì vậy mà bớt ngon ru…

Gỏi đu đủ Việt khô bò Mỹ.

Chủ nhật hôm 10.12, tình cờ một ông bạn khi đến quán bia Hai Cây Bàng bên quận 4 đã mang theo gói khô bò của người quen mua từ Mỹ về để dành ăn tết. Ông bạn khoe: “Khô bò này ngon lắm. Gu Việt, nồng mùi sả và cay dữ”. Đúng là thịt bò Mỹ mềm thật mềm. Tẩm ướp y chang gu Việt, khác với loại khô bò phổ biến của Mỹ. Miếng thịt lại không quá khô như các loại khô thường làm ở Việt Nam. Có điều đáng chán là ngọt quá. Tình cờ một chiếc xe gỏi khô bò đổ bên gốc cây bàng. Tôi gọi hai suất gỏi không lấy khô bò. Rồi nhờ người bán gỏi trộn đu đủ xanh với khô bò Mỹ. Một món gỏi đu đủ khô bò quốc tế cho một vị hương xa. Cái ngọt biến mất. Gỏi ngon thiệt. Cái ngon làm nhớ thằng bạn Việt kiều thèm gỏi đu đủ khô bò. Thôi thì chụp một tấm ảnh gởi cho nó. Thằng bạn nhắn lại: “2018 về tao sẽ ăn. Và kiếm món phá lấu nữa nha mày!”.

Ngữ Yên
Theo TGTT

CỎ MỌC KHÔNG KỊP!

Giáp sang Mỹ được hai năm. Giáp đi một mình vì vợ bỏ sau lần thăm nuôi đầu tiên. Giáp nghĩ thật chính xác, nếu muốn có chút đỉnh tiền dưỡng già cuộc đời ở Việt Nam, không gì bằng cố đi làm và tiết kiệm.


Giáp thuê phòng ở chung với gia đình người bạn. Chiếc xe Truck có mui với ổ khóa chắc chắn, chứa một máy cắt cỏ, một máy tỉa cành cây và một máy thổi hơi cầm tay. Giá tất cả ba cái máy khoảng một trăm Mỹ kim, sau mấy lần chọn lựa ở chợ trời. Hôm ra nghề, Giáp đến gõ cửa nhiều nhà có sân cỏ trên con đường kéo dài chừng hai miles. Kết quả thật không ngờ, ba nhà Mỹ trắng, một nhà thờ tin lành, hai nhà người Ý và một của bà Việt Nam.

Hợp đồng hai tuần cắt cỏ một lần, Giáp sắp xếp lịch trình xen kẽ nên tuần nào cũng có việc làm thay vì tập thể dục như những người bản xứ dắt chó, hoặc mang mắt kiếng chạy bộ bên lề đường, mồ hôi nhễ nhại.

Muốn giữ chữ tín để làm ăn lâu dài, Giáp điều chỉnh độ cao, đẩy xe với tốc độ vừa phải, cắt tỉa và hốt sạch cỏ chung quanh, nên chủ nhà nào cũng hài lòng với sân trước vườn sau thoáng đẹp.

Trung bình mỗi tháng Giáp kiếm được ba trăm đồng về công việc cắt cỏ, đủ trả tiền phòng và thực phẩm. Riêng tiền lương làm hãng thì Giáp để dành .

Lần đầu tiên đến cắt cỏ nhà người đàn bà Việt Nam, Giáp được biết sơ qua lý lịch: Võ Thúy Phượng, khoảng 40 tuổi, sống với người con trai đang học Dược, do chồng ở California vừa bảo lãnh sang Mỹ thì lại chia tay ngay tại sân bay Los Angeles, sau khi người vợ kế có với chồng của bà hai đứa con đề nghị, coi như quyết định là sự im lặng với sự đồng tình của chồng bà. Bà đồng ý chia tay , từ chối nhận số tiền “ bán chồng ”.

Bà Phượng sang tiểu bang này, theo lời hướng dẫn của một người thân. Bà làm việc tất bật, xong việc hãng, bà chui vào nhà hàng rửa chén, cố làm ra tiền để nuôi thằng con trai ăn học...


Hôm đầu tiên đến cắt cỏ, nhìn thấy Phượng có nhan sắc, rực rỡ lúc “ hoàng hôn ”, Giáp lại xúc động, tình nguyện làm giúp Phượng những việc như cắt tỉa sửa lại vài nhánh cây, chậu bông,hàng rào. Giáp cũng được bù đắp những thức ăn tuyệt vời, nào chả giò, phở, nào bún bò Huế do chính tay Phượng nấu. Phượng và Tuấn, con trai của Phượng, dành cho Giáp những tình cảm đặc biệt.

Thế rồi, một chuyện xảy đến ngoài sự mơ ước của Giáp, sau khi cùng Phượng lái xe đưa Tuấn ra sân bay về thăm ông bà ngoại ở Việt Nam nhân lúc nghỉ hè, Phượng kề tai nói nhỏ với Giáp :

“ Anh đưa xe anh vào garage của em đi ! ”

Những cơn mưa đổ xuống hai vùng đất hạn hán từ lâu, những điếu thơm lừng của người cai thuốc hút trở lại , trời đất bị bỏ bơ vơ. Đêm ấy, Giáp đánh thức Phượng nhiều lần, mà lần nào cũng hấp tấp vụng về, như lúc đưa xe Truck vào garage tương đối nhỏ hẹp nhà Phượng.

Giáp siêng năng kỳ lạ, không như hợp đồng lúc ban đầu là hai tuần cắt cỏ một lần, Giáp lại cắt hàng tuần, có khi mỗi tuần cắt hai ba bận. Tuần rồi Giáp nhận được thư của Phượng để trên bàn trước khi đi làm:

Kansas City, ngày...

Anh Giáp quý mến!


Phượng suy nghĩ nhiều lần mới viết thư này. Anh và Phượng đều xấp xỉ ngũ tuần rồi. Vả lại , anh thấy đó, em làm hai job... chúng ta nên giữ hợp đồng hai tuần “ cắt cỏ ” một lần, khỏe thì thỉnh thoảng một tuần một lần thôi . Tuần rồi anh “ tỉa ” tới ba lần, cỏ nào mọc cho kịp để anh cắt? Phượng mong anh coi lại cái máy cắt cỏ, nó cũ và mua ở chợ trời. Em nói vậy, và mong anh hiểu... anh nhé !

Phượng .


Giáp bật lửa châm thuốc, nhả những vòng khói tròn lung linh đuổi nhau bay lên trần. Người bạn chủ nhà bước ra nhìn thấy Giáp, ngạc nhiên hỏi :

- Ủa , tối nay cuối tuần không cắt cỏ cho bà Phượng sao?

Giáp hớp một ngụm cà phê rồi đáp:

- Bả nói cỏ mọc không kịp cho tao cắt.

Nghe trả lời vậy, người bạn đưa hai tay lên trời :

- Thầy chạy ông rồi!

Tường Lam

MÓN HUMMUS Ở TRUNG ĐÔNG

Món sốt hummus b'tahini được làm từ đậu gà, bơ vừng, tỏi và chanh
Tại quán Akramawi, một nơi đã làm món sốt hummus suốt 65 năm qua nằm bên Cổng Damascus tại Jerusalem, một đầu bếp tên là Nader Tarawe giới thiệu cho tôi cách làm món hummus.

Công thức làm hummus b'tahini, tên món này (chữ 'hummus' đơn giản chỉ có nghĩa là 'đậu gà'), gồm có đậu gà (chickpeas), tahini (bơ vừng), tỏi và chanh.



Do món này khá dễ làm, cho nên vị của nó sẽ phụ thuộc nhiều vào cách chế biến. Chẳng hạn như nguyên liệu sẽ được nghiền nhuyễn thành món sột sệt, hay nghiền thô, lổn nhổn, để chỉ tahini hay cả đậu chickpeas lổn nhổn; trộn thêm đậu fava hay cho đậu chickpeas là chính, hay cho hạt thông, hay cho thịt bò xay vào? Và nó sẽ được dùng kèm món gì? Khoai tây chiên? Dưa muối chua? Sốt cay? Hay bột đậu viên chiên falafel?

Đầu bếp Tarawe chan lên trên mỗi đĩa hummus một muỗng lớn bơ vừng và rưới tiếp chút dầu olive. "Dầu rất tốt," ông nói theo cách ẩn dụ vùng Trung Đông.

Hummus cũng là một phép ẩn dụ trong khu vực: được ưa chuộng trên toàn thế giới, nhưng nó cũng là một nguồn cơn gây căng thẳng liên quan tới câu hỏi về ai là người đã nghĩ ra nó.

Mọi người, từ người Hy Lạp cho tới người Thổ cho tới người Syria, tất cả đều đã từng tuyên bố đó là mình, nhưng chẳng ai đưa ra được mấy bằng chứng để chứng minh.



Hầu hết các loại nguyên liệu làm món này đều đã được con người dùng từ hàng thế kỷ nay: đậu chickpea được biết đến từ hơn 10.000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, và theo lời Anissa Helou, tác giả người Syria-Lebanon của một số sách dạy nấu các món ăn Trung Đông, thì đó là "một trong những loại đậu quả từng được con người trồng trọt sớm nhất".

Tahini, thứ bơ vừng chiếm vai trò chủ đạo trong món hummus b'tahini, từng được nhắc tới trong các sách dạy nấu món ăn Trung Đông. Ấy vậy nhưng sự kết hợp của các nguyên liệu trên với nhau để tạo ra món ăn nổi tiếng, được nhiều người ưa thích lại khó xác định được là từ đâu ra.

"Đó là món ăn của người Do Thái," đầu bếp Tom Kabalo từ nhà hàng Raq Hummus ở Cao nguyên Golan của Israel nói. "Nó đã được nhắc tới trong kinh thánh của chúng tôi từ 3.500 năm trước." Tôi khi đó đang ngồi trong nhà hàng, thưởng thức bữa ăn đặc biệt ngày thứ Ba của ông. Bởi khi đó là tháng Mười, món đặc biệt chính là "Halloween hummus" được trang trí với bí ngô xắt mỏng và tahini đen.


Lebanon đang giữ kỷ lục thế giới, đươc Sách Guinness ghi nhận, về việc lam đĩa hummus lớn nhất thế giới, 
nặng 10.452kg

Ông không phải là người duy nhất nói với tôi rằng hummus là món ăn đã được ghi nhận trong kinh thánh. Kabalo và những người khác nhắc tới một đoạn trong Quyển Ruth (Book of Ruth), đoạn thuộc phần thứ ba và là đoạn cuối cùng trong Kinh Thánh của Do Thái giáo: "Hãy tới đây, và ăn bánh mì, và chấm mẩu bánh vào hometz."

Trong khi quả là chữ hometz nghe rất gần với chữ hummus, nhưng cũng có lý do thuyết phục để nghĩ khác: trong chữ Do Thái hiện đại, thì hometz có nghĩa là dấm. 'Chấm bánh mì vào dấm' có thể là một cách thể hiện lòng hiếu khách thời xưa, và do vậy hometz chưa chắc đã phải là hummus.

"Tôi từng nghe nói rằng nó được trồng đầu tiên là ở bắc Ấn Độ hoặc Nepal," Oren Rosenfeld, cây viết và là đạo diễn phim Hummus! The Movie, nói.



Thế còn Liora Gvion, tác giả của cuốn Vượt ra khỏi Hummus và Falafel: Các Khía cạnh Xã hội và Chính trị của Thức ăn Palestine tại Israel, thì nói: "Tôi thấy rằng đó là cuộc tranh cãi cũ kỹ và ngốc nghếch, không đáng để ai phải bận tâm."

Nhưng với nhiều người, câu hỏi về việc hummus được bắt nguồn từ đâu lại hoàn toàn là vấn đề về lòng ái quốc và bản sắc dân tộc. "Những cuộc chiến Hummus" mà ngày nay đã trở thành huyền thoại bắt đầu nổ ra từ 2008, khi Lebanon cáo buộc Israel đã kiếm chác trên cái mà họ coi là phải thuộc về di sản, danh tiếng và tài sản của Lebanon.


Xuất xứ của món hummus cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi mạnh giữa các nước

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà tư bản công nghiệp Lebanon giận dữ về việc món hummus được mọi người biết đến và được quảng cáo khắp nơi ở phương Tây như một món ăn của Israel, và đã kiện Israel về tội vi phạm luật bản quyền đối với món ăn. Chính phủ Lebanon đã yêu cầu EU hãy công nhận món hummus là đồ ăn Lebanon. Nhưng cả hai nỗ lực đó đều không đem lại kết quả mong muốn.

Cướp đoạt văn hóa là một chủ đề nóng trong thế giới ẩm thực (bạn cứ thử hỏi người Peru và người Chile xem ai sở hữu món pisco xem), cho nên cuộc tranh luận về món hummus lẽ ra đã có thể tạo thành một cuộc trao đổi thú vị.



Thế nhưng, thay vào đó thì mọi chuyện lại diễn ra theo cách khác: Vào năm 2009, Fadi Abboud, Bộ trưởng Du lịch của Lebanon quyết định rằng để giải quyết rốt ráo vấn đề một lần cho xong thì Lebanon cần phải làm một đĩa hummus khổng lồ để được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Thế giới Guinness.

Mục tiêu đã đạt được, kỷ lục được lập với đĩa hummus nặng chừng 2.000kg.

Để đáp trả, Jawdat Ibrahim, một quán chuyên làm món hummus nổi tiếng ở Abu Ghosh, Israel, đã phục vụ món hummus trên một chảo anten vệ tinh có đường kính 6,5m, với chừng 4.000kg hummus trên đó.



Thế rồi người Lebanon lại 'trả đòn' bằng cách làm đĩa hummus nặng 10.452kg, bằng số cây số vuông diện tích lãnh thổ Lebanon. Họ vẫn giữ kỷ lục đó từ 2010 tới nay.

"Nỗ lực của Lebanon rất thú vị, nhưng không thể coi chuyện đó một cách nghiêm túc được," Rosenfeld nói. "Hummus là món ăn Trung Đông được tất cả mọi người coi là của mình, nhưng chẳng thuộc sở hữu của ai hết."


Hummus theo truyền thống cần được dọn ra trong một bát tô làm từ đất sét đỏ sâu lòng.

Hầu hết những ai nói về Những cuộc chiến Hummus đều có quan điểm ngoại giao như Rosenfeld. Nhưng sử gia chuyên nghiên cứu về thức ăn người Mỹ, Charles Perry, chủ tịch Hội Các Nhà nghiên cứu Lịch sử Ẩm thực Nam California, đồng thời là chuyên gia về thức ăn Ả rập thời Trung Cổ, thì ít nhiều ghi nhận vị trí của Lebanon.

"Tôi thì cho là lời tuyên bố của Lebanon có ít nhiều nghiêm túc," ông nói. "Beirut sẽ là lựa chọn thứ hai của tôi khi trả lời cho câu hỏi ai là người đã phát minh ra món hummus. Thành phố này nổi bật trong suốt thời Trung Cổ là một thành phố tinh tế, với truyền thống ẩm thực hấp dẫn, và chanh thì có đầy ra ở đây."

Nhưng Damascus, Syria, theo ông đánh giá, lại là một ứng viên nặng ký hơn.



Ông giải thích rằng cách truyền thống khi dọn món hummus ở hầu hết vùng Trung Đông là đựng nó trong một cái bát đất sét màu đỏ sâu lòng rất đặc trưng. Hummus được đánh lên bằng chiếc chày cho bám vào quanh thành bát. Làm vậy không phải chỉ để dễ chấm bánh mì mà còn khiến cho hummus có độ mịn vừa phải, không quá loãng mà cũng không quá khô.

"Thói quen đánh hummus lên thành bát cho thấy đó là một sản phẩm tinh tế nơi thành thị chứ không phải là món ăn dân dã cổ xưa. Tôi thiên về ý cho rằng hummus được làm ra để phục vụ cho những nhà cầm quyền người Thổ Nhĩ Kỳ tại Damascus," Perry nói.

Giải thích về sự lựa chọn của mình, ông nói tiếp: "Không ai có thể khẳng định được là ai đã nghĩ ra món hummus, hay món đó được nghĩ ra từ khi nào, hoặc từ đâu, nhất là khi các nhóm người vùng Trung Đông rất thích vay mượn các món ăn của nhau. Nhưng tôi nói món này gắn liền với Damascus trong thế kỷ 18 bởi đó là thành phố lớn nhất, có tầng lớp cai trị phức tạp nhất," ông nói.


Các sách nấu ăn của Ai Cập từ thế kỷ 13 mô tả một món ăn làm từ đậu gà nghiền nhuyễn trộn dấm, 
chanh muối, rau thơm và các loại gia vị cay.

Tuy nhiên, một thuyết khá nổi tiếng khác thì cho rằng hummus chả phải là món ăn được ghi trong kinh thánh, cũng chả phải là của người Lebanon hay Syria, mà là của người Ai Cập. "Công thức cổ nhất mà tôi từng được xem để làm món hummus trong đó có tahini là trong một quyển sách dạy nấu ăn của Ai Cập," sử gia chuyên về Trung Đông Ari Ariel, người dạy môn nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Iowa, nói.

Các sách dạy nấu ăn từ thế kỷ 13 của Cairo mô tả một món ăn được làm từ đậu chickpea, dấm, chanh muối, rau thơm và các loại gia vị cay. Nhiều người nói rằng đó chính là món hummus chúng ta ăn ngày nay. Thế nhưng liệu có công bằng không nếu ta coi đó là công thức làm hummus b'tahini trong lúc thành phần nguyên liệu lại không có bơ vừng? Và cũng không có cả tỏi nữa?



"Điều ta cần phải tính đến khi nhắc tới các sách dạy nấu ăn mang tính lịch sử," Perry nói, "là chúng thường có xu hướng ghi lại những món ăn thời thượng, và các món ăn thời thượng rồi rốt cuộc lại trở nên lỗi thời, cho nên một món ăn hiện đại ít nhiều dựa theo một món ăn cổ sẽ khôgn có sự kết nối lịch sử." Trước thuyết coi đây là món ăn Ai Cập, ông nói tiếp: "Về mặt lịch sử, nhiều khả năng là Ai Cập tiếp nhận các món ăn Syria chứ không phải là ngược lại."

Trở lại tiệm Akramawi, tôi ngồi ở một cái bàn chung, nơi tôi gặp Noam Yatsiv, một hướng dẫn viên du lịch đến từ thành phố cảng Haifa của Israel, người rất coi trọng món hummus.
Anh nói với tôi rằng anh ăn hummus năm lần mỗi tuần và đặt tên cho con chó của mình là Hummus, và rằng hummus xuất xứ từ Syria, Lebanon, Israel và Palestine.

"Tất cả những nơi đó ư?" tôi hỏi.

Yatsiv nhún vai. Anh nói với tôi rằng xuất xứ từ đâu chả phải là điều quan trọng. Cái chính là cách nó được đưa vào bán đại trà trong các cửa hàng thực phẩm, trong các hộp nhựa. "Đó không phải là món hummus!" anh nói và xé một mẩu bánh mì bẹt. "Lẽ phải đóng dấu ''hummus giả' lên đó mới phải. Cần phải có luật quốc tế về vấn đề này."

Hầu hết những người tôi hỏi chuyện đều không thể đồng ý được về chuyện hummus bắt nguồn từ đâu. Kabalo nói rằng câu hỏi 'ai làm món đó ngon nhất?' mới là điều quan trọng.



Có một điểm chung giữa tất cả những người kiếm sống bằng nghề làm hummus mà tôi đã gặp - từ Tarawe ở quán Akramawi cho tới gia đình nhà Maronite theo Thiên chúa giáo ở quán Abu George Hummus tại Thành Cổ Acre, Israel, cho tới những người lập dị tại Ha Hummus Shel T'china ở khu Nachlaot thuộc Jerusalem vốn mỗi tối lại đem hummus còn dư cho những người vô gia cư - mỗi khi tôi hỏi "Nguyên liệu bí mật của bạn là gì?" thì hầu như ai cũng trả lời rằng "Tình yêu."



Diana Spechler

Tuesday, January 30, 2018

PHỞ GÀ

Có một số người hiện nay kỵ ăn thịt bò dù họ không phải là tín đồ của Ấn Độ giáo, cũng như bà xã tôi. Khi vào tiệm phở tôi ăn phở bò và bả ăn phở gà, có lần tôi thử ăn phở gà thì thiệt tình không ngon lành gì hết. Tôi thích ăn mề và gan gà nên thường gọi một tô tả bín lù là bò gà có hết còn thịt gà không ăn thì bỏ qua một bên. Hồi đó ở Cần Thơ có quán phở Cừ và phở Tàu Bay là ngon nhất. Phở bò hay gà cũng đều ngon chắc tại Việt Nam có gà ta nên nấu mới ngon, còn ở Úc chắc khó có tiệm nào mua gà chạy bộ về nấu phở bán. Có một tài liệu về món phở gà:


HỒN CỐT PHỞ GÀ

Nhiều người Hà Nội, cho tới tận bây giờ, vẫn không thừa nhận phở gà. Với họ, đã là phở thì chỉ có phở bò với những tái, chín, nạm, gầu, bắp, lõi rùa… Còn thứ gọi là phở gà chỉ là những “biến tấu” từ cái thuở “không có phở bò” thì đành “ngoại tình” với phở gà hơn nửa thế kỷ trước.

Mới đọc thôi, đã đủ “chết thèm”

Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, khái niệm phở gà mới xuất hiện một cách tình cờ (cũng có tài liệu nói phở gà xuất hiện sớm hơn, từ năm 1939). Nhà văn Vũ Bằng viết: “Những tên tuổi như phở Tàu Bay, phở Tráng, phở Sứt, phở Mũ Đỏ đã từng làm say lòng bao người sành ăn mỗi buổi sáng. Đặc biệt là phở Tráng ở Hàng Than vào những năm 1950 có thể coi là đỉnh cao của phở bò. Tuy vậy, có hai ngày trong tuần mà phở Tráng nhất quyết không bán: Ngày thứ hai và ngày thứ sáu. Ai nói gì thì nói, anh nhất quyết không bán và những người khác cũng làm theo. Thế nhưng, nghiện phở như thế mà nghỉ tới hai ngày thì làm sao chịu được…”.

Thế là phở gà ra đời, bất chấp sự phản đối của ông chủ phở Tráng.

Nhà văn Thạch Lam cũng không hoan nghênh lắm phở gà, ông viết: “Nói về phở, tôi còn quên không nhắc tới những sự thay đổi mới đây ở cái quà đặc biệt đó. Nghĩ rằng thay đổi là tiến bộ, có người đã bỏ phở cũ làm vị phở gà. Nhưng sự cải cách ấy hình như không được hoan nghênh…Như cái thứ phở thực cũng như bản tuồng, chèo. Để nguyên tuồng chèo cổ thì hay, chứ đã pha cải lương vào thì hỏng bét. Có chăng muốn cải cách thì để nguyên vị, mà cách làm tinh vi hơn lên. Cái nội dung và thể tài vẫn cũ, mà tinh thần thì ngày một sắc sảo thêm vào. Kẻ viết bài này vẫn trung thành với lối phở cổ điển cũng như ưa nghe tuồng chèo giữ đúng điệu xưa”.


Thế nhưng, phở gà - một biến tấu của phở bò cũng có cuộc sống riêng, có “hồn cốt riêng không lẫn được”. Sành ăn như nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải đặt bút viết những dòng tuyệt tác về phở gà trong một tùy bút của mình như thế này: “Lại còn phở gà. Muốn đổi cái hương vị chính thống của phở bò, ăn một vài lần phở gà trong đời mình cũng không sao. Nhưng có một hàng bán phở gà ở Hà Nội mà nhiều người thủ đô không bằng lòng chút nào. Y bán vào buổi sớm, người xúm lại kêu ăn gạt đi không hết. Cái người bán hàng khinh khỉnh như một quý tộc đó, cũng đã khéo chọn một góc phố mang tên một bà chúa mà dọn hàng ! Nói của đáng tội, gà ở đấy trông ngon mắt thật. Đã có những bạn lưu dung khen ông hàng là nhất nghệ tinh nhất thân vinh, và khen tay ông lách vào con gà béo vàng như tay một bác sĩ khoa mổ xẻ thuộc làu từng khớp xương thớ thịt.

Cái đầu gà, cái cẳng giò gầy, cái cổ, xương mỏ ác, ông hàng thản nhiên vứt nó xuống một cái thùng, không phải để vứt đi, nhưng chắc là đã có những bợm rượu khu phố ăn giá sẵn từ trước rồi để chốc nữa đem ra nhấm nháp. Thực ra, khi mà có người ăn bát phở gà không tiếc tiền dám gọi đến cái thứ phở từ một ngàn năm trăm đồng một bát, thì bát phở ấy cũng khó mà không ngon được. Hãy đứng ở đây một buổi sớm mà xem người ta ăn phở gà. Sốt ruột đáo để. Người ăn mề gà, người ăn đùi, ăn thịt đen chứ không ăn thịt trắng nó chua, ăn lá mỡ, phao câu, ăn đầu cánh.

Miếng ăn ở đây đích thị là một miếng nhục, nhục theo cái nghĩa một miếng thịt ngon hợp khẩu vị, và cũng đi theo cái nghĩa nhục nhằn túi bụi. Ở vỉa hè đường ấy, cứ nhao nhao cả lên quanh một ông hàng mặt phớt tỉnh như đế quốc Ăng lê và bán hàng rất cửa quyền, khách phải đi lấy bát. Có người đã dắt sẵn từ nhà đi một củ hành tây, có người quả trứng gà... đập trứng bỏ hành tây vào cái bát mình đã thủ sẳn và đánh dấu vào bát, dúi dúi bát trước mặt ông hàng, cười cười, nhắc nhắc, xuýt xoa nói to nói nhỏ, cứ như là sợ cuộc đời nó quên mình, nó nhầm mình …


Bên cạnh tiếng thái thịt chặt của gánh phở gà, chốc chốc có tiếng nổ xe bình bịch lái xuống tận đây ăn quà sớm, khói phở phảng phất đây lát ít mùi ét săng. Có người vừa húp vừa kể lại cái thời oanh liệt của cửa hàng này, khi còn đế quốc và bù nhìn, ôtô cứ nối đít xuống đây mà điểm tâm, nhiều bà Hà Nội tứ chiếng cầm vào bát phở gà, mười ngón tay lóng lánh nhẫn vàng tắm, vàng, trắng, cà rá kim cương, miếng phao câu lúc ấy còn mọng lên biết mấy nữa kia…”.

Và trong những áng văn, không thể quên về phở gà, không thể không nhắc tới Vũ Bằng. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, Vũ Bằng đã so sánh phở gà “có phong vị của những cô gái thanh tân”. Ông viết: “Thật ra công việc so sánh phở bò và phở gà không thể thành được vấn đề, nhưng một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: Thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá; ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân - nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.

Thường thường, ngoài thịt gà thái mỏng ra, một bát phở gà vẫn có những miếng gan, mề, lòng, tiết, thái nhỏ để đệm vào cho thêm vui mắt và vui miệng.

Những thứ đệm này, thường ra, vẫn luộc như thịt mà thôi; nhưng có một hai hàng phở, muốn cải cách, đã đem thái hạt lựu tất cả những thứ đó, gia thêm mộc nhĩ và hành tây, đem xào lên vừa chín để điểm vào mỗi bát phở từng thìa nhỏ một.


Ăn như thế thì thơm, nhưng có người không ưa vì ngấy; ngoài ra, khi chan nước vào không còn vẻ gì thanh nhã - một điểm mà những người thích phở gà mong đợi.

Chính cũng vì thế mà phong trào “phở gà xào nhân” như nhân bánh cuốn không được tiến triển mấy, và bây giờ tất cả Hà Nội chỉ còn có hai hàng làm theo phương pháp ấy mà thôi.
Hầu hết đều chú ý về cái phần “thanh” của phở: Nước ngọt mà không ngọt mì chính, nhưng ngọt bằng xương; thịt không xác, nhưng béo mềm, mà không ngấy…”

Trót yêu, trót nhớ phở gà

Những gì tồn tại đều có lý do của nó. Phở gà đã có lúc chao đảo, thậm chí đứng bên bờ “tuyệt chủng” khi có dịch cúm gà H5N1 cách đây hơn chục năm, những quán phở chỉ bán gà trước đó đành chuyển sang món khác, hoặc phải bán phở bò để chờ qua cơn bĩ cực. Rồi một cách âm thầm, phở gà lại sống dậy và tất nhiên, tỷ lệ quán phở gà Hà Nội còn thấp hơn nhiều so với số lượng những quán phở bò xưa cũ Hà Nội, phở bò từ Nam Định nhà Cồ lên…

Thời buổi Internet và mạng xã hội, các bạn trẻ đã biết tìm cách hướng dẫn những người trót yêu và nhớ phở gà một vài địa chỉ quen thuộc. Đó là phở Bản - quán gà chặt nổi tiếng phố Tôn Đức Thắng. Khách đến, chủ mới chặt đôm đốp miếng thịt gà trên mặt thớt, xếp ngay ngắn vào bát. Phở Bản có nước dùng ngọt thanh, bánh mềm và nếu muốn ăn thêm tràng, lòng đều được phục vụ. Cũng không thể không kể đến những quán phở gà mà ông chủ “tận dụng” tất cả những gì có thể ăn được trên người con gà. Chẳng hạn, một bát phở gà chỉ có da chân, tức phần da của chân gà thì có thể đến ngay quán phở ở Đỗ Hành. Rồi phở gà Quán Thánh chỗ chéo chéo vườn hoa Hàng Đậu, phở Hà - Hàng Điếu, phở Hàng Hòm…


Cái đặc trưng Việt và hồn cốt của phở gà nó còn ở chỗ này: “Một bát phở gà ngon đúng nghĩa thì nguyên liệu phải là thứ gà quê, gà chạy bộ, gà nuôi thóc chứ không phải thứ gà công nghiệp nhạt nhẽo. Và tất nhiên không thể có thứ phở gà... Tây, phở gà nhập hút hồn người yêu phở”. Chính cái thứ gà Ta đẫm vị lá chanh không lẫn vào đâu được ấy sẽ luôn gợi nhớ, đặc biệt với những người xa quê…

Lần giở những trang “cảo thơm” về phở thì những nhà “phở học” khẳng định chắc như “cục nạm” rằng, tính đến xuân Đinh Dậu 2017 này, phở đã có mặt ở đất Việt tròn 110 năm, tính từ phát hiện của thi sĩ Tản Đà, “phở chưa bao giờ xuất hiện trước năm 1907. Âu cũng là cái mốc đáng nhớ.

TRƯỜNG SƠN


GIÀ HÓA LÚ?

Con cái chăm sóc cha mẹ khi già yếu là bổn phận mà cũng là truyền thống tốt đẹp của dân ta. Tuy vậy chúng ta cũng thường nghe nhiều câu than thở, như:“Bà già tôi hồi này lẫn nặng rồi, đâu có dám để cụ ở nhà một mình nữa được!”, hay là: “Ông cụ già rồi đâm đốc chứng!”.


Tuổi bắt đầu lú lẫn hay thay tính đổi nết thì tùy người. Có khi chưa tới sáu mươi, có khi ngoài bảy mươi mới phát hiện. Cũng có người sống tới ngoài chín mươi mà không thay đổi là bao. Những chứng lú (dementia) như vậy, ngày trước thì cho là tiến trình tự nhiên của tuổi già, coi như là “hết thuốc chữa”. Nhưng càng ngày càng thấy là có nhiều căn do bệnh tật sinh lú lẫn, và trong nhiều trường hợp, có thể, nếu không chữa được bệnh thì ít ra cũng làm cho bệnh chậm lại.

Người già lú lẫn như thế nào?



Để đâu quên đó: Để chùm chìa khóa nhà đâu đó rồi quên lú đi, thì cũng là thường. Nhưng người bị bệnh lú, có khi cất chìa khóa vào ngăn kéo đựng vớ, hay là bỏ kính đeo mắt vào tủ lạnh rồi đi tìm trong hộp đựng giầy, mà vẫn cho là tự nhiên như không! Đã vậy lại còn nổi quạu nếu con cháu nó có nhắc nhở, giống như bị chạm tự ái “Thì tao vẫn biết, việc gì phải nói?”.

Quên thời gian, không gian, quên cả người quen:
Thường ta cũng nhiều khi quên không nhớ hôm nay là thứ mấy, có khi quên không biết là tháng mấy. Nhưng người bị bệnh thì không nhớ luôn cả năm nay là năm 1999, ở trong nhà mình mà không biết mình đang ở đâu. Người bình thường, có khi gặp bạn cũ, người ta nhận ra mình, mà mình không thể nào nhớ ra bạn được. Người bệnh lú thì nặng hơn nhiều. Ôm chầm lấy một người bà con xa rồi hỏi: “Ông có phải bố tôi không?”, hay là nhìn chăm chăm vào mặt bà vợ mà nói: “Tôi không quen bà này!”.

Tật cầm nhầm:
Vào tiệm mua thứ này thú khác rồi lừng lững đi ra không trả tiền. Con cháu nó để dành đồng quarter để đi giặt đồ, thì cứ đem lén cất giấu đi, rồi quên tịt không biết là để ở đâu.

Nói năng lung tung:
Đối thoại khó khăn, vì nhiều khi nói nửa chừng rồi bí. Hoặc là giao tế lộn xộn. Mời người ta uống nước, người ta đã cầm tách nước trên tay đang uống, lại đến bên đon đả hỏi:“Bác uống nước không?” Hay là hỏi thăm người bạn: “Các cháu có khỏe không?” Người ta vừa trả lời được vài phút, lại lập lại y hệt câu hỏi trước.

Tật lục lọi: Người bị bệnh lú lẫn nhiều khi kiếm cớ tìm kiếm vật gì rồi lục lọi lung tung ngăn bàn ngăn tủ, làm mọi thứ bừa bãi. Lục lọi đồ của mình chưa đủ, có khi lục lọi cả đồ của người khác nữa.

Ăn mặc lộn xộn:
Áo sơ mi có khi mặc ngược, hay là mặc áo may ô ra ngoài sơ mi. Có khi ở truồng tồng ngồng ngồi giữa phòng khách. Cũng có người thủ dâm ngay trước mặt người khác. Nhưng thường thì người mắc bệnh lú lẫn không có hành vi nào nguy hiểm cho xã hội.



Đi lang thang: Một bà cụ tự nhiên bỏ một bộ quần áo trong túi xách rồi cứ thế ra cửa từ từ đi khỏi nhà. Con cháu tìm hết hơi mấy khúc đường mới gặp. Cụ tỉnh như không, nói là cụ đi về quê. Có người đi từ phòng ngủ vào phòng tắm, rồi quên phứt không biết mình đang ở đâu, cứ đi loanh quanh tìm đường về giường ngủ. Nhất là khi dọn nhà mới, người bệnh dễ bị lạc hướng ngay trong nhà.

Đầu óc mụ đi, hai với hai là bốn cũng không biết:
Mất khả năng suy nghĩ trừu tượng. Người có học đàng hoàng, mà làm tính cộng, tính trừ đơn giản cũng không xong.

Người bị lú lẫn thay tính đổi nết:
Cũng vì bị quên lú, mà người bệnh cảm thấy mình sống lạc lõng ở một thế giới xa lạ; người lạ, nơi chốn lạ, những câu đối thoại cũng không hiểu nổi. Vì vậy sinh ra những thay đổi tính nết như sau:

Lo âu:
Đã lo âu, mà lại lo vô căn cứ, không hiểu tại sao mình lo âu, chỉ có cảm tưởng như mọi sự bỗng rối bét, mà mình thì lúng túng vô phương giải quyết.

Bứt rứt bực bội:
Mình lúng túng không làm gì được, mà có ai cất nhắc giúp đỡ, thì lại khó chịu bực bội, có khi ném đồ ném đạc, hay là quát tháo người khác.


Phiền muộn chán đời: Không thiết tha cái gì cả, dù là ăn uống ngủ nghê, có khi ngủ li bì. Có người biết mình bị bệnh có người không, nhưng thường uống thuốc phiền muộn (antidepressant) thì bớt.

Đa nghi vô lý:
Nhìn đồ ăn không ăn, vì nghi có người đánh thuốc độc. Thấy bà vợ, lại tưởng người lạ, rồi nghi là người ta vào nhà mình trộm cướp. Nghe còi xe chữa lửa, tưởng cảnh sát tới bắt. Tiếng người nói nghe không rõ, thì cho là người ta đang xầm xì nói xấu mình.

Mất tính tự lập: Theo đeo người thân từng bước, và muốn có người ở bên săn sóc. Ngược lại, có người chỉ thích ngồi buồn bã một mình, vì thấy chung quanh quá xa lạ.
Bệnh lú ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vì hay quên, hay vì những thay đổi tính nết như trên, mà sức khỏe có thể bị ảnh hưởng. Ngồi lâu quá ở một vị thế sinh trầy da thành loét da khó lành. Khát nước không nhớ uống nước sẽ bị thiếu nước nguy hiểm như người say nắng. Ngoài ra, còn có thể bị táo bón, tiêu chảy, sưng phổi trầy da, có khi gãy xương vì vấp ngã. Tất cả đều là do cái vô ý vô tứ của ngươi bị bệnh lú lẫn. Ngoài ra còn nhiều người bị tiêu tiểu bừa bãi không giữ gìn được.

Khám bệnh đều làm gì?



Tuy rằng chứng lú lẫn thực sự thì không chữa được, nhưng cái lợi của việc đi khám bệnh là tìm ra những bệnh khác trong người, sinh lú lẫn, mà những bệnh khác này thì lại trị được. Những bệnh có thể sinh một số tình trạng giống như lú lẫn, thí dụ như: bệnh bướu cổ thyroid, bệnh nhiễm trùng, chất điện giải xáo trộn, thiếu sinh tố, bị thuốc làm độc, hay là bệnh phiền muộn. Thường thì Bác sĩ sẽ hỏi về các chứng của người bệnh, thuốc men đang dùng, hỏi về gia đình giòng họ, khám tổng quát, chú ý nhiều đến cao máu, và tiểu đường. Sau đó sẽ thử máu và có thể chụp hình cắt lớp (CT) hay là cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ trường hợp bướu trong óc. Nếu không phải là những bệnh hay là nguyên do nào sinh lú lẫn trong nhất thời, thì bấy giờ mới coi là bị bệnh lú lẫn thực sự.

Nguyên nhân của bệnh lú lẫn (thực sự)



Phần lớn người già bị bệnh lú lẫn là do bệnh Alzheimer. Có một ít trường hợp Alzheimer có di truyền trong gia đình, nhưng phần đông thì không. Nguyên do tại sao bị Alzheimer, thì cũng chưa biết rõ. Mổ tử thi thì thấy có thoái hóa não, và xét nghiệm kính hiển vi thì thấy có hai thứ mô đặc biệt trong óc, một ở bên trong sợi dây thần kinh, một ở bên ngoài. Tuy vậy cũng đã có trường hợp người minh mẫn bình thường mà cũng có hai thứ đó.

Nguyên nhân thứ nhì, là do bị tai biến mạch máu não (stroke, trúng gió) do cao máu, sinh nhiều đốm nhỏ của óc bị hư, gọi là multi-infarct dementia (infarct là chỉ cái đốm não bị hư)

Người đánh “bốc”, bị đập mạnh vào đầu nhiều, cũng có thể bị bệnh lú.
Bệnh AIDS cũng làm hư óc, và sinh lú được.

Hồi gần đây, báo chí có nói tới bệnh “bò điên” ở bên Anh. Có một bệnh tương tự như vậy, tên là bệnh Creutzfeld-Jacobs là một bệnh nhiễm trùng óc, cũng sinh lú lẫn trước khi chết.

Cuộc đời về chiều




Từ khi thấy hay quên, thấy có những dấu hiệu là lạ trong tính tình, trong cách sinh hoạt, cho tới khi Bác sĩ định bệnh là bị Alzheimer, hay lú, thì độ một hai năm. Khoảng thời gian chừng ba, bốn năm sau đó thì người nhà còn săn sóc được. Đến khi nặng quá, con cháu không cưu mang nổi phải đưa vào nhà dưỡng lão, thì thường kéo dài thêm được vài năm nữa. Thời gian hoàng hôn của cuộc đời này, người bệnh đáng được săn sóc chu đáo với tất cả tình thương, tuy là săn sóc người bị bệnh lú là cả một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề.

Bs Vũ Quí Đài, M.D., Ph.D.
Cựu Giáo Sư Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Sàigòn

TRĂNG XANH, TRĂNG ĐEN

Như đã kể cho các bạn, tối nào tôi cũng xem truyền hình Việt và lang thang trên mạng trong phòng ăn, bà xã thì xem truyền hình Hồng Kong hay Đài Loan bên phòng khách. Tối nay đột nhiên bà xã qua phòng tôi lật cuốn lịch tường coi một hồi rồi nói "đúng rồi!", tôi hỏi chuyện gì thì bà xã cho biết mới coi tin tức trong truyền hình Đài Loan nói tháng này có 2 ngày rằm còn tháng sau thì không có ngày rằm và có hiện tượng nguyệt thực nữa, còn nói có thể có thiên tai hay có chuyện gì sẽ xảy ra trên thế giới.


Tôi hoàn toàn mù tịt không biết nhiều về thiên văn ngoại trừ tên của mấy cái ngôi sao khi nghiên cứu về tử vi đẩu số. Tôi lên mạng lục qua lục lại, sao anh Google lại không có chắc không đúng từ khóa. Tôi hỏi bà xã mạng Tàu nói về hiện tượng này là gì. Bà xã nói: tháng có hai ngày rằm thì nó gọi là Lam Nguyệt (藍月), không có ngày rằm là Hắc Nguyệt (黑月). Tôi lại lên mạng, anh Google lại cho biết một số tiểu thuyết có tựa là Lam Nguyệt hay Hắc Nguyệt,...

Tức quá, lại không có. Không chịu thua, tôi suy nghĩ một hồi thì lóe ra một ý kiến, dịch Hán Việt ra thuần Việt: Lam Nguyệt là trăng xanh, Hắc Nguyệt là trăng đen. Gõ vào computer. Yes, có rồi đấy. Các bạn có biết qua hiện tượng thiên văn này chưa? Nếu chưa thì đọc cách giải thích của Wikipedia nhé:


TRĂNG XANH

Trăng xanh (trong tiếng Anh là blue moon) là một khái niệm trong thế giới phương Tây để chỉ hiện tượng trăng tròn không ăn khớp với một tháng dương lịch. Thường thì một năm dương lịch có mười hai lần trăng tròn, trùng hợp mỗi tháng có một lần trăng tròn. Nhưng do mỗi năm dương lịch/năm chí tuyến dài hơn năm âm lịch 11 ngày nên những ngày này dần dồn lại để sau khoảng hai hoặc ba năm (chính xác hơn là chu kỳ 2,7154 năm hay 7 lần trong 19 năm chu kỳ Meton) lại có thêm một lần trăng tròn. Có nhiều cách diễn giải khác nhau về "trăng xanh" liên quan tới kỳ trăng tròn dư thừa này.



  • Trong tính toán ngày tháng cho Mùa Chay và lễ Phục Sinh thì giới tu sĩ Công giáo phải xác định ngày diễn ra Trăng Mùa Chay. Người ta cho rằng theo dòng lịch sử khi thời điểm trăng tròn đến quá sớm thì họ gọi kỳ trăng tròn sớm đó là "Trăng phản" (Trăng phản bội) hay "Trăng màu" (Trăng màu sắc) và như vậy Trăng Mùa Chay đã đến vào đúng thời điểm dự kiến dành cho nó.
  • Theo văn hoá dân gian phương Tây thì người ta đặt tên cho ngày trăng tròn theo thời gian của năm. Mặt Trăng đến quá sớm mà không có tên dân gian - được gọi là trăng xanh - để tính đúng thời gian trong lần trăng sau.
  • Lịch nhà nông định nghĩa từ trăng xanh là kỳ trăng tròn "dư thừa" xảy ra trong một mùa. Thông thường một mùa có ba lần trăng tròn, nhưng nếu một mùa có bốn lần trăng tròn thì lần trăng tròn thứ ba được gọi là trăng xanh. Lưu ý rằng mùa tại các quốc gia vùng vĩ độ ôn đới nói chung được coi là bắt đầu vào các ngày phân (xuân phân, thu phân) hay ngày chí (hạ chí, đông chí) nên trăng xanh theo cách hiểu này nếu xảy ra thì đều rơi vào khoảng thời gian xấp xỉ 1 tháng trước ngày chí/ngày phân.
  • Định nghĩa được dùng gần đây được giải thích là đêm trăng tròn lần thứ hai trong tháng dương lịch bắt nguồn từ một nhầm lẫn vào năm 1946 và đến năm 1999 mới được phát hiện. Ví dụ, ngày 31 tháng 12 năm 2009 sẽ được gọi là trăng xanh theo định nghĩa này.
Thuật ngữ "trăng xanh" thường được sử dụng để ẩn dụ mô tả một sự kiện hiếm có.

TRĂNG ĐEN


Trong ngành thiên văn học thì thời kỳ trăng đen (trong tiếng Anh là black moon) không được biết đến nhiều và cũng ít người nói tới. Định nghĩa của hiện tượng này cũng không được ai chấp nhận, nhưng đôi khi cũng có người nhắc đến và một trong bốn trường hợp sau:


1. Lần xuất hiện thứ hai của một kỳ trăng mới trong một tháng dương lịch. (Điều này không thể xảy ra vào tháng hai. Tương tự như định nghĩa rất phổ biến của trăng xanh với hai lần kỳ trăng tròn).

2. Kỳ trăng mới thứ ba trong mùa (một trong bốn mùa). (Tương tự như định nghĩa Lịch nhà nông của các nông dân là một kỳ trăng tròn xảy ra một trong bốn vụ mùa).

3. Thiếu đi một kỳ trăng tròn trong một tháng dương lịch. (Chỉ có thể xảy ra vào tháng 2, như vậy tháng Giêng và tháng 3 sẽ có hai lần kỳ trăng tròn).

4. Thiếu đi một kỳ trăng mới trong một tháng dương lịch. (Chỉ xảy ra vào tháng 2, vậy tháng Giêng và tháng ba sẽ có hai lần kỳ trăng tròn).

Theo: Wikipedia


Ghi chú:

- Tháng Giêng 2018 sẽ có 2 ngày rằm âm lịch ngày 01/01/2018 và 31/01/2018.
- Tháng Hai 2018 sẽ không có ngày rằm âm lịch nào.

Không tin thì tra lịch đi các bạn.

LKH

Monday, January 29, 2018

Ý NGHĨA 5 VÒNG TRÒN TRÊN LOGO OLYMPIC

Vòng tròn màu xanh da trời, đen, vàng, đỏ và xanh lá cây, tạo nên một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất trên thế giới, vốn đại diện cho 5 khu vực của thế giới tham gia các kỳ olympic (trong đó bắc và nam mỹ được coi là một khu vực, cùng với châu phi, châu Úc, châu Á và châu Âu). 


Ủy ban Olympic quốc tế đã tuyên bố rõ: “Biểu tượng của Olympic thể hiện hoạt động của Phong trào Olympic và đại diện cho sự đoàn kết của 5 khu vực và sự họp mặt của các vận động viên đến từ khắp thế giới tại các kỳ thế vận hội”.

Nhưng 6 màu sắc, nếu tính đến cả nền trắng của lá cờ Olympic, dụng ý đại diện cho những màu sắc khác nhau được nhìn thấy trên các lá cờ của các quốc gia tranh tài tại các kỳ Olympiad I, II, III, IV và V. Nhà sử học David Young nói rằng, có vẻ như những vòng tròn này cũng là biểu tượng của 5 kỳ Olympic trước đó được tổ chức từ trước năm 1914.

Mỗi màu sắc không tương đương với một lục địa cụ thể như người ta vẫn thường nghĩ. Mặt khác, nếu xét về mặt kỹ thuật, trên thế giới có 7 lục địa chứ không phải 5.




“Đây là một biểu tượng quốc tế đúng đắn”, ông Pierre de Coubertin, người sáng lập ra thế vận hội Olympic hiện đại đã viết như vậy hồi năm 1913. Ông đã nói về sự đoàn kết của những khu vực khác nhau trên thế giới, chứ không phải là những lục địa khác nhau.

Ông Coubertin đã thiết kế lá cờ Olympic hồi năm 1913, thời điểm Thế chiến lần thứ nhất bùng nổ, để tượng trưng cho sự hòa bình và tình anh em. Dẫu rằng ngay năm sau đó nó đã được chấp nhận làm biểu tượng chính thức của Olympic nhưng ông Coubertin đã phải đợi đến sau khi thế chiến lần thứ nhất chấm dứt mới được nhìn thấy lá cờ Olympic tung bay tại Thế vận hội Olympic Antwerp tổ chức vào năm 1920. Ông Coubertin đã đặt làm lá cờ Olympic để đánh dấu sự kiện 20 năm ngày thành lập tổ chức IOC, ngày 23/6/1914 tại Paris.

Thế vận hội mùa đông St. Moritz tổ chức năm 1928 tại Thụy Sỹ lần đầu tiên đã giới thiệu biểu tượng 5 vòng tròn Olympic trên poster chính thức của Olympic. Nhưng chỉ đến thế vận hội mùa hè năm 1936 diễn ra ở Berlin (Đức), biểu tượng này mới trở nên nổi tiếng một cách rộng rãi.



Như là một hình ảnh của chủ nghĩa Olympic, ông Coubertin nghĩ rằng, những vòng tròn này có ý nghĩa sâu xa, đó là sự đoàn kết của nhân loại.

Sử gia người Mỹ Robert Barney nói trong bài viết của ông hồi tháng 11/1992 có nhan đề “Biểu tượng vĩ đại”, đã được xuất bản trên Tạp chí Olympic (ấn phẩm chính thức của ỦY ban Olympic quốc tế) rằng, gốc rễ của niềm cảm hứng về các vòng tròn đến từ chính công việc trước đó của ông Coubertin.

Năm 1890, ông Coubertin đã trở thành Chủ tịch của Union des Societes Francaises des Sports Athletiques (USFSA), một tổ chức quản lý thể thao của Pháp. USFSA hình thành là kết quả của sự hợp nhất giữa 2 tổ chức thể thao của Pháp, trong đó có 1 tổ chức do ông Coubertin lãnh đạo. Để thể hiện sự hợp nhất này, USFSA đã tạo ra một lô-gô với 2 vòng tròn lồng vào nhau được in trên đồng phục của các vận động viên USFSA bắt đầu từ năm 1893 – một năm trước khi ông Coubertin đề xướng Hội nghị Sorbonne ở Paris, nơi Phong trào Olympic hiện đại bắt đầu.



Ý nghĩa biểu trưng của các vòng tròn dường như không mất đi theo ông Coubertin. Các vòng tròn này đại diện cho sự trọn vẹn, theo như nhà tâm lý học Karl Jung, và khi được nối kết lại với nhau, chúng là sự liên tục.

(Sưu tầm trên mạng)

MADE IN VIETNAM!


Lẽ ra bữa nay bác sĩ Lê không nhận bịnh nhân vì là ngày nghỉ trong tuần của ông. Nhưng hôm qua, trong điện thoại, nghe giọng cầu khẩn của người bịnh ông không nỡ từ chối. Người đó – ông đoán là một cô gái còn trẻ – nói chuyện với ông bằng tiếng Mỹ. Cô ta hỏi ông nhiều lần:

- Có phải ông là bác sĩ Lee không ?

Tên ông là Lê. Cái tên Việt Nam đó ở xứ Mỹ này người ta viết là " Lee ", nên ông được gọi là " ông Lee " ( Li ).

Ông ôn tồn trả lời nhiều lần :

- Thưa cô, phải. Tôi là bác sĩ Lee đây.
- Phải bác sĩ Lee chuyên về châm cứu và bắt mạch hốt thuốc theo kiểu Á đông không?
- Thưa cô phải.
- Có phải phòng mạch của bác sĩ ở đường Green Garden không ?

Bác sĩ Lê, đã ngoài sáu mươi tuổi, tánh rất điềm đạm, vậy mà cũng bắt đầu nghe bực ! Tuy nhiên, ông vẫn ôn tồn :

- Thưa cô phải. Xin cô cho biết cô cần gì ?

Giọng cô gái như reo lên :

- Vậy là đúng rồi ! Con Cathy bị bịnh suyễn nói bác sĩ chữa bịnh hay lắm. Cả nhà nó, kể luôn ba má ông bà nó đều đi bác sĩ hết.

Đến đây thì ông bác sĩ già đó không kềm được nữa, ông xẵng giọng :

- Cám ơn cô. Bây giờ xin dứt khoát cho tôi biết coi cô muốn cái gì ?

Giọng bên kia đầu dây như lắng xuống :

- Tôi xin lỗi bác sĩ. Xin lỗi. Tôi muốn xin bác sĩ cái hẹn cho ngày mai. Tôi bịnh…
- Mai là ngày nghỉ trong tuần, phòng mạch không có mở cửa. Ngày khác vậy.
- Ngày mai cũng là ngày nghỉ của tôi nữa, bác sĩ à.
- Cô đã bịnh thì cứ xin nghỉ để đi bác sĩ, ngày nào lại không được !

Một chút im lặng ở đầu dây bên kia rồi giọng người con gái bỗng nghe thật buồn :

- Họ đâu có cho nghỉ, bác sĩ. Họ nạt vô mặt :" Mầy muốn nghỉ thì mầy nghỉ luôn đi. Thiếu gì đứa muốn vào làm chỗ của mày. Mày biết không ?"

Giọng nói như nghẹn ngang ở đó, rồi tiếp :

- Không có việc làm là chết, bác sĩ à…

Ông bác sĩ già làm thinh, suy nghĩ. Đầu dây bên kia, cô gái van lơn :

- Xin bác sĩ thông cảm. Tôi sợ bịnh nặng hơn, không đi làm nổi nữa là mất việc. Xin bác sĩ thông cảm. Xin thông cảm.
- Ờ thôi, để tôi ráng giúp cô. Sáng mai, chín giờ. Phòng mạch của tôi ở số…
- Cám ơn bác sĩ. Cám ơn ! Con Cathy có chỉ phòng mạch của bác sĩ rồi.
- Xin lỗi. Cô tên gì ?
- Kim. K, I, M.

Bác sĩ Lê vừa ghi vào sổ hẹn vừa nghĩ :" Tội nghiệp ! Chắc lại đi làm lậu nên mới bị người ta hâm he như vậy. Theo cách phát âm thì cô này có vẻ là người á đông. Tên Kim chắc là Đại Hàn. Để mình phải phone lại cô Cathy hỏi cho chắc ý kẻo gặp thứ lưu manh thừa dịp ngày nghỉ không có cô phụ tá, nó 'su' mình thì khổ ! "

Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Đúng chín giờ, chuông cửa phòng mạch reo. Ông bác sĩ già bước ra mở cửa. Đứng trước mặt ông là một cô gái á đông còn trẻ, ăn mặc theo kiểu " punk " : quần áo có tua có tụi, tóc dựng đứng hỗn loạn như con gà xước, đeo nhiều vòng sên bằng bạc to như dây lòi tói, đầy cổ đầy hai cườm tay, mang cái xắc đỏ cũng có tua có tụi. Bác sĩ Lê, quá đỗi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi gì, thì cô gái nói bằng tiếng Mỹ rất lưu loát:

- Chào bác sĩ. Tôi là Kim, bịnh nhân đã gọi điện thoại cho ông hôm qua. Tôi có làm cho bác sĩ chờ không?

Bác sĩ Lê chưa hết ngạc nhiên, trả lời một cách máy móc :" Không ! Không !". Rồi ông bước tránh qua một bên :" Mời cô !"

Vào phòng mạch, ông đưa cho cô cái áo blouse trắng ngắn tay :

- Cô đến phía sau bình phong bỏ hết quần áo chỉ mặc quần lót thôi, rồi khoác ngược áo blouse này, lưng áo nằm về phía trước.

Trong lúc cô gái loay hoay làm theo lời dặn, ông bác sĩ già gọi phone về nhà, nói bằng tiếng Việt :

- Bịnh nhân của anh tới rồi, đang thay đồ. Chắc một giờ nữa là xong. Em đợi anh về rồi mình đi chợ.


Cô gái bỗng ló đầu ra khỏi bình phong mỉm cười nhìn ông, gương mặt thật rạng rỡ, định nói gì nhưng rồi không nói, thụt đầu vào tiếp tục cởi quần áo.

Một lúc sau cô ta bước ra, mắt ngời lên sung sướng, nói bằng tiếng Việt, giọng như reo lên :
- Bác sĩ là người Việt Nam mà con cứ tưởng là người Tàu ! Tên " Lee " nghe Tàu trân !
- Ủa ! Vậy mà tôi cứ nghĩ cô là người Đại Hàn chớ !

Rồi cả hai cùng cười, cái cười rất sảng khoái. Tình đồng hương trên đất khách bỗng thấy thật ấm, thật đầy…Ông bác sĩ già nhìn cô bịnh nhân trẻ mặc áo blouse trắng đứng trước mặt ông mà không còn thấy cô gái " punk" hồi nãy nữa !

Ông đưa cho cô cái dĩa, rồi vừa chỉ cái giường cao vừa nói :

- Cô cởi hết đồ nữ trang để vào đây, rồi lên nằm trên này để tôi chẩn mạch.

Cô gái làm theo như cái máy.

Phòng mạch được trang trí rất đơn sơ, nhưng thật yên tịnh. Trong không khí có mùi thơm dìu dịu của moxa ( ngải cứu, đốt lên để hơ huyệt ). Cái giường khám bịnh cao ngang tầm tay của bác sĩ. Ở một đầu giường có gắn thêm một vòng bằng da để chịu cái đầu của bịnh nhân, và khi bịnh nhân nằm sấp để châm cứu trên lưng thì mặt người bịnh nằm trọn trong vòng da. Như vậy, người bịnh không cảm thấy khó chịu nhờ khoảng trống ở giữa vòng da giúp người bịnh vẫn thở đều đặn và mắt được nhìn thoải mái xuống sàn nhà.

Bác sĩ đặt hai bàn tay lên cánh tay trần của cô gái, ôn tồn hỏi :

- Cô bịnh làm sao ? Nói tôi nghe.
- Con ngủ không được, đêm nào cũng trằn trọc tới khuya. Hay bị chóng mặt. Đang đứng làm việc, tự nhiên muốn sụm xuống làm sợ toát mồ hôi. Con lo quá, bác sĩ. Mất việc làm chắc con chết quá, bác sĩ !

Ông Lê bóp nhẹ cánh tay bịnh nhân :

- Cô yên tâm. Có tôi đây. Mà…cô có uống rượu không ?
- Không. Dạ thưa không.
- Cô có hút thuốc không ?
- Dạ thưa có. Hút cũng nhiều…
- Cô có xì ke ma túy gì không ? Nói thiệt tôi nghe.
- Mấy thứ đó con không dám rớ. Hồi ở bên nhà thằng anh con chết vì ba cái thứ ôn dịch đó, bác sĩ à. Vì vậy, con sợ lắm !
- Cô le lưỡi tôi coi.
- Ùm. Được rồi. Bây giờ cô nằm yên, để hai tay xuôi theo thân mình, nhắm mắt, thở đều đặn.


Ông bác sĩ già đứng cạnh giường đặt mấy đầu ngón tay lên cườm tay cô gái, chăm chú bắt mạch. Một lúc sau, ông bước vòng qua phía đối diện bắt mạch tay bên kia. Bộ mạch nói lên một sự rối loạn tâm thần. Cô gái này chất chứa quá nhiều ẩn ức nên sanh bịnh.

Ông nhìn cô gái đang nhắm mắt thở đều : gương mặt Việt Nam đó, bỏ đi món tóc "punk", vẫn toát ra nét nhu mì dễ thương. Ông cảm thấy tội nghiệp cô bịnh nhân trẻ này và thắc mắc không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy cô ta trôi qua xứ Mỹ để có một cuộc sống mà ông đoán là thật bấp bênh, qua cuộc nói chuyện trong điện thoại. Ông nói :

- Bây giờ, cô nằm sấp xuống để tôi châm trên lưng.

Cô gái mở choàng mắt nhìn ông, mỉm cười, một nụ cười đầy tin tưởng. Ông bác sĩ nói tiếp :

- Cô đừng sợ. Châm không có đau. Còn nhẹ hơn kiến cắn nữa.

Cô gái trở mình nằm sấp, hai vạt áo blouse rớt xuống hai bên, bày ra cái lưng thon thon với nước da ngà ngà. Theo thói quen, trước khi châm, bác sĩ vuốt lưng bịnh nhân vài lần để bịnh nhân đỡ bị stress. Lần này, khi vuốt xuống thắt lưng, ông để ý thấy dưới làn vải mỏng của quần lót có một vết bầm nằm vắt ngang phía trên của mông. Ngạc nhiên, ông hỏi :

- Cô bị ai đánh hay sao mà bầm vậy ?

Cô gái cười khúc khích :

- Bác sĩ coi đi !


Ông già kéo quần lót xuống một chút, thì ra không phải vết bầm mà là hàng chữ xâm màu chàm : Made In VietNam ! Ông bật cười, vừa kéo lưng quần lót lên vừa nói :

- Cha…Bạo quá há !

Cô gái hơi rút cổ cười khúc khích vài tiếng nữa rồi im. Chắc cô đang sống lại với một vài kỷ niệm nào đó. Ông bác sĩ già áp hai lòng bàn tay lên lưng bịnh nhân, nhưng bây giờ sao ông không còn thấy cười được nữa. Hàng chữ " Made In VietNam" nhắc cho ông rằng con người nằm đây là sản phẩm của quê hương ông, cái quê hương đã mấy chục năm xa cách, cái quê hương mà ở đó ông không còn ai để nhớ, nhưng ông còn quá nhiều thứ để nhớ. Những thứ cũng mang dấu ấn " Made In VietNam ", từ con trâu cái cày, từ mảnh ruộng vườn rau, từ hàng cau rặng dừa, từ con đường đất đỏ đến con rạch nhỏ uốn khúc quanh quanh…Chao ơi ! Bỗng nhiên sao mà nhớ thắc thẻo đến muốn trào nước mắt…

Ông bác sĩ vuốt lưng cô bịnh nhân thật chậm để cho niềm xúc động lắng xuống tan đi. Ông có cảm tưởng như ông đang sờ lại được quê hương, có chỗ cao chỗ thấp, có phù sa đất mịn…Tự nhiên, ông muốn nói lên một tiếng " cám ơn ". Ông muốn cám ơn cô bịnh nhân đã mang quê hương đến với ông bằng hàng chữ nhỏ xâm trên bờ mông, chỉ vỏn vẹn có một hàng chữ nhỏ. Và ông cũng muốn nói với cô, nói một cách thật tình, không văn chương bóng bẩy, nói như ông nói cho chính ông, vỏn vẹn chỉ có một câu thôi :" Tôi cũng made in VietNam đây !". Nhưng rồi ông làm thinh tiếp tục vuốt lưng người bịnh. Ông biết rằng cô gái không thể nào hiểu được ông, một bác sĩ già vừa quá sáu mươi, đã gần nửa tuổi đời lưu vong trên xứ Mỹ, có đầy đủ tiền tài danh vọng mà cũng xâm hàng chữ " Made In VietNam", xâm ở trong lòng…


Bác sĩ im lặng dò huyệt châm kim. Bỗng cô bịnh nhân nói, giọng buồn buồn, làm như cô vừa xem lại hết một đoạn phim đời nào đó :

- Thằng bồ của con xâm cho con để làm kỷ niệm hồi tụi này còn ở Louisiana. Ảnh là thợ xâm…
- Ủa ! Rồi sao bây giờ cô ở đây ?
- Con theo ba má con dọn về Cali, ổng bả nói ở Cali bạn bè nhiều làm ăn dễ.
- Ờ…người Việt mình thích ở miền nam Cali lắm.

Ngừng một chút bác sĩ lại nói, trong lúc hai tay vẫn tiếp tục châm kim :

- Ở Cali khí hậu tốt hơn nhiều tiểu bang khác. Mà…ba má cô làm gì ?

Cô gái làm thinh một lúc mới trả lời, giọng ngang ngang :

- Qua đây rồi ổng bả đá đít nhau. Bả lấy thằng Mễ chủ pressing , còn ổng thì chó dắt ổng ôm được một bà Mỹ goá chồng có tài sản.
- Vậy rồi cô ở với ai ?
- Với ba con. Bà Mỹ cho con đi học college, ba con lái xe đưa rước.
- Vậy mà sao hôm qua, trong phone, cô nói cô đi làm ?

Giọng cô gái như nghẹn lại :

- Khổ lắm bác sĩ.

Cô ngừng một chút để nén xúc động rồi nói tiếp :

- Ba con ỷ có bà Mỹ nuôi, không chịu đi làm. Tối ngày cứ đi nhậu với bạn bè, rồi nay đổi xe, mai đổi xe…Con nói ổng, chẳng những ổng không nghe mà còn chửi con: "Tiên Tổ mày ! Tao đem mày qua đây đặng mày dạy đời tao hả !"

Lại ngừng một chút mới nói được, nói như trút hết ẩn ức còn lại :

- Có lần ổng xáng cho con mấy bạt tay đau điếng…

Rồi nghẹn ngào :

- Lần đó, con bỏ nhà đi hoang…

Nói xong, hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra một cái như vừa làm xong một việc gì thật khó !

Ông bác sĩ im lặng, tiếp tục châm, mà nghe thương hại cô bịnh nhân vô cùng. Cô ta cỡ tuổi con gái út của ông. Con gái út của ông đang học đại học, còn cô này thì đang sống trong hoàn cảnh quá bấp bênh. Cả hai đều Made In VietNam hết !

Châm xong, ông đặt tay lên cánh tay trần của bịnh nhân, vuốt vuốt như vuốt tay một đứa con đang cần được vỗ về an ủi :

- Cô cứ nằm yên như vầy độ mười lăm phút, nghen.

Tiếng " dạ " bỗng nghe như đầy nước mắt.

Sau khi gỡ kim, ông bác sĩ bóp tay bóp chân bịnh nhân một lúc rồi nói : 

- Bây giờ thì cô mặc quần áo vào được rồi..

Cô gái ngồi lên nói " cám ơn " mà đôi mắt vẫn còn mọng nước. Cô bước vào sau bình phong, chậm rãi mặc quần áo, làm như cô muốn những xúc cảm hồi nãy có thời gian để thấm sâu vào lòng….

Khi cô bước ra, gương mặt cô đã trở lại rạng rỡ. Cô mỉm cười nhìn ông bác sĩ, rồi, vừa mở cái xắc đỏ vừa hỏi :.

- Bao nhiêu vậy, bác sĩ ?.
- Không có bao nhiêu. Chừng chữa xong rồi cô hãy trả..
- Bác sĩ cho con trả mỗi lần, chớ đợi hết bịnh, tiền đâu con trả. Cái thứ đi làm lậu như con….
- Cô yên tâm. Rồi mình tính..

Ông bác sĩ đưa dĩa nữ trang :.

- Cô đừng quên mấy thứ này..

Cô gái phì cười, không đeo vào người mà trút hết vào xắc, rồi hỏi :

- Chừng nào con trở lại nữa, bác sĩ ?.
- Tuần tới, cũng ngày này giờ này..

Bác sĩ mở tủ thuốc, chọn lấy ra hai chai có dán nhãn sẵn, trao cho bịnh nhân : 

- Trên nhãn có ghi liều lượng: mỗi ngày, cô uống sáng trưa chiều, mỗi thứ hai capsule.

Ra đến cửa phòng mạch, ông bác sĩ già cầm bàn tay cô bịnh nhân trong hai bàn tay của ông, lắc nhẹ :

- Bớt hút thuốc đi, nghen ! Từ từ rồi tôi sẽ chữa cho cô vụ ghiền thuốc nữa.

Ngập ngừng một chút rồi ông nói, giọng ôn tồn :

- Tôi muốn nói với cô điều này….

Cô gái chớp chớp mắt chờ. Chắc là lần đầu tiên cô được một ông già cầm tay một cách ân cần như vậy. Bác sĩ nói :

- Mình là người Việt Nam, ăn mặc theo " punk " không hạp với con người với bản chất của mình chút nào hết. Cô đâu có xấu mà cô làm cho xấu đi, uổng lắm ! Mình phải xứng đáng là Made In VietNam, chớ cô.

Cô gái nhìn vào mắt ông bác sĩ, không nói gì hết, chỉ siết tay ông già một cái thật mạnh, rồi bước ra xe, một chiếc xe hơi cũ mèm phải đề tới bốn lần mới nổ máy !

* * *


Ông bác sĩ Lê ngồi uống cà phê với tôi ở khu Phước Lộc Thọ ( Orange County – Nam Cali ). Ông kể tiếp :

- Anh biết không, lần sau cô Kim đến phòng mạch, ăn mặc chải gỡ rất dễ thương. Chẳng có chút gì " punk " hết ! Lần khám bịnh đó, tôi có hỏi cổ sao không về sống với thằng bồ ở Louisiane có phải hơn là sống cù bơ cù bất ở Cali. Cổ nói như mếu :" Ảnh có vợ rồi ". Tôi biết : như vậy là cổ kẹt thiệt. Tôi đem chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Bả cảm động lắm nên đề nghị giúp tiền cho cổ học một cái nghề gì đó, uốn tóc, làm nail chẳng hạn, để có công ăn việc làm vững chắc hơn là đi làm lậu tầm bậy tầm bạ.

Tôi nói chen vào :

- Chắc gì cổ chịu. Nghe anh kể, tôi đoán chị này cũng tự ái lắm.
- Anh nói đúng. Cổ từ chối hoài. Sau nhờ vợ tôi mời cổ về nhà khuyên nhủ, coi như là trong thân tình, cổ mới chịu. Hôm đó, cổ ôm vợ tôi vừa khóc vừa nói :" Con cám ơn ông bà. Cám ơn ông bà ".
- Sau đó cổ có đi học thiệt không ?
- Có. Học làm nail. Học giỏi nữa là khác.
- Cổ bây giờ ra sao rồi ?
- Mới đầu làm thợ, làm công cho người ta. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm !
- Mừng cho cổ, há !
- Cổ xách đồ nghề tới làm nail cho vợ tôi, con út và hai con dâu tôi thường lắm. Làm không lấy tiền. Cổ cứ nói với mấy con tôi :" Tôi chịu ơn ông bà bác sĩ biết đời nào mới trả cho hết, mấy cô biết không ? Tôi không dám nói ra, chớ mỗi lần tôi cầm bàn tay của bà bác sĩ để làm nail, tôi vẫn nghĩ không có bàn tay này thì làm gì tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh của tôi hồi đó để có những gì tôi có hôm nay…"
- Dễ thương quá !
- Noel, ngày Tết…cổ đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi.
- Con người ở có tình có nghĩa quá, anh há !
- Đã hết đâu ! Cổ còn nhớ đến ngày giỗ của ba má tôi nữa. Mấy ngày đó tụi con tôi có đứa quên chớ cô ta không bao giờ cô ta quên. Ngày đó, cô đem đồ tới cúng và ở lại phụ vợ tôi nấu nướng dọn giẹp nữa. Cho nên vợ tôi quí cô ta lắm !


Nói xong, bác sĩ Lê vỗ vai tôi, cười :

- Anh thấy không ? Cô ta mới đúng là " Made In VietNam " đó ! Còn nguyên chất, hè !

Ông Lê vui vẻ cầm tách cà phê vừa nhâm nhi vừa nhìn quanh. Người Việt Nam đi đầy trong thương xá. Cung cách có hơi khác nhưng nói năng thì y hệt như ở bên nhà. Một vài tiếng chửi thề rớt rơi đâu đó, nghe rất tự nhiên. Bỗng ông quay sang hỏi tôi mà nghe như ổng tự hỏi ổng :

- Không biết ở xứ Mỹ này, đồng hương lưu vong, có ai lâu lâu nhớ lại rằng mình "Made In VietNam ", không ?
- Có chớ anh ! Nhưng cũng có người chẳng những không nhớ mà còn tự đóng cho mình con dấu " Made In USA " nữa, anh à. Thứ đó bây giờ thấy cũng nhiều !

Tôi đưa tách lên môi uống ngụm cà phê cuối cùng, bỗng nghe cà phê sao mà thật đắng…


Tiểu Tử