Tuesday, January 2, 2018

BÍ ẨN PHONG THỦY MOSCOW

Sự thất bại của Hitler, Napoleon và bí ẩn phong thủy Moscow

Trong lịch sử, cả Napoleon lẫn Hitler, hai người dẫn đầu hai đoàn quân mạnh nhất vào thời điểm của mình, đều gặp phải thất bại ngay tại Moscow. Các nhà phong thủy cho rằng, chính nhờ những con “thủy long” bao bọc mà thủ đô của nước Nga đã tạo nên những kỳ tích…


Thất bại ở Moscow

Ngày 21/71940, Hitler giao cho Bộ Tổng chỉ huy Lục quân Đức soạn thảo kế hoạch tấn công Liên Xô lấy tên là “Kế hoạch O”. Trong những chỉ thị sau đó, Hitler quyết định đổi tên cho cuộc tấn công có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh Đế chế thứ ba thành “Kế hoạch Barbarossa”, theo biệt hiệu của Hoàng đế La Mã Friedrich I ở thế kỉ 12.

Kế hoạch này dự định khởi sự ngày 15/6/1941, tấn công và đánh chiếm Liên Xô (chủ yếu là phần lãnh thổ thuộc châu Âu) trong một thời gian ngắn ngay trước khi kết thúc chiến tranh với Anh.

Ý đồ chiến lược của kế hoạch này là dùng ba đòn vu hồi liên tiếp chia cắt chính diện mặt trận Xô – Đức, hợp vây các lực lượng chủ yếu của quân Nga trên các vùng Pribaltic, Belorussia, Ukraina và miền Tây nước Nga (vùng phụ cận Smolensk).

Moscow bên bờ sông bờ sông Moskva. (Ảnh: Citiscope)
Trọng tâm tác chiến là sử dụng các tập đoàn quân xe tăng thực hiện những đòn đột kích sâu ở phía Bắc và phía Nam khu vực đầm lầy Pripiat (khu tiếp giáp giữa Belorussia và Ukraina), tiêu diệt những cánh quân đã bị chia cắt trước khi tiến chiếm Moskva, Leningrad, vùng công nghiệp Donbass cũng như vùng đồng bằng trung và hạ lưu sông Volga.

Để có thể giành được một chiến thắng chớp nhoáng, quân Đức buộc phải nhanh chóng hủy diệt Hồng quân Liên Xô trong những chuỗi tấn công và hợp vây trên. Vì vậy, khác với cuộc tấn công của quân Pháp dưới sự lãnh đạo của đại đế Napoleon, mục tiêu chính yếu trước mắt của kế hoạch Barbarossa chính là Hồng quân Liên Xô và sau đó mới là đánh chiếm những vùng đất đai quan trọng hay đạt được những thắng lợi về chính trị.

Bản thân Hitler đã nói rằng, so với việc tiêu diệt Hồng quân thì “đánh chiếm Moscow không thật sự quá quan trọng”. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc tấn công của Napoleon, chiến dịch quy mô của quân phát xít Đức đã phải dừng lại ở ngay cửa ngõ Moscow.

Sau một loạt thắng lợi trong giai đoạn đầu của “Kế hoạch Barbarossa”, ngày 30/9/1941, Hitler chính thức phê chuẩn chiến dịch “Typhoon” (Bão táp) tấn công Moscow. Hơn 2 triệu quân Đức được vũ trang tới tận răng ồ ạt kéo về thủ đô nước Nga. Trong Chỉ thị số 35 của mình, Hitler nói: “Phải bao vây Moscow sao cho không một tên lính Nga, không một người dân – dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con – có thể ra khỏi thành phố. Mọi mưu toan tẩu thoát đều phải đàn áp bằng vũ lực”.

Chỉ trong tuần lễ đầu tiên, quân Đức đã hoàn tất hai trận vây hãm lớn tại Briansk và Vyazma, bắt giữ thêm 600.000 tù binh Liên Xô, tạo một lỗ hổng lớn trước thủ đô Liên Xô, nhưng do những trận mưa mùa thu khiến đà tiến của quân Đức bị chậm lại. Thống kê sau 2 tuần, quân Đức bắt được 650.000 tù binh, phá hủy 5.000 pháo và 1.200 xe tăng và thiết giáp của quân đội Liên Xô.

Tới đầu tháng 11/1941, sau khi chọc thủng các phòng tuyến của quân Liên Xô, 6 tập đoàn quân Đức đã áp sát Moscow từ các hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam. Ngày 27/11, tại kênh đào Yakhroma, lính Đức đã có thể nhìn thấy những tòa tháp của nhà thờ Ivan Velikii trong khu vực điện Kremlin qua ống nhòm. Nhưng đây là vị trí gần Moscow nhất mà quân đội Đức Quốc xã có thể tiến đến được.

Đầu tháng 12/1941, một số đơn vị lính Đức lâm vào thế “chết đứng” do thiết giáp không thể vận hành dưới cái lạnh khủng khiếp. Ngày 4/12, tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Guderian phải dừng lại khi nhiệt độ là -35 độ, hôm sau nhiệt độ xuống thêm 2 độ nữa và xe tăng hầu như bất động trong khi quân đội Liên Xô liên tục phản kích từ khắp các phía.

Từ những ngày cuối năm 1941 tới những ngày đầu năm 1942, quân đội Liên Xô mở một đợt tấn công tổng lực vào quân đội đức đang bị vây khốn bởi cái lạnh giá của mùa đông Moscow. Bộ Tổng chỉ huy Đức hoàn toàn không ngờ chuyện đó có thể xảy ra. Tiến sát Moscow, một đội quân luôn tự vỗ ngực về những chiến dịch táo tợn và chớp nhoáng như quân đội Đức tuyệt nhiên không thể tiến thêm một bước nào, ngược lại bị đánh bật ra khỏi những vùng đất chiếm được xung quanh Moscow, có nơi lên tới 250km.

Hitler với lực lượng quân sự mạnh mẽ tiến công vào Moscow. (Ảnh: The Independent)

Nhiều người nói rằng, quân Đức không chiếm được Moscow hoàn toàn là do không tính đến điều kiện thời tiết mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt của nước Nga. Trên thực tế, lý do không hẳn là như vậy. Bởi lẽ, sự bảo đảm về hậu cần của quân đội Đức rất tốt, có đầy đủ những thứ cần thiết để chống lạnh, do vậy họ hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề thời tiết. Hitler cho rằng, việc chiếm được Moscow trong vòng 2 tháng hoàn toàn không phải là vấn đề đối với quân Đức, hơn nữa vào lúc đó, quân Nga đã không còn binh lực để chống lại quân Đức nữa.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Franz Halder cũng từng nói, khi bắt đầu chiến dịch, quân Đức cho rằng Liên Xô chỉ có 200 sư đoàn, sau đó phát hiện ra rằng họ có tới 360 sư đoàn, tuy nhiên trước khi áp sát tới Moscow, họ đã tiêu diệt rất nhiều binh lực của Liên Xô, vì vậy, quân Đức cho rằng, một khi họ tiến đánh Moscow sẽ không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào.

Tuy nhiên, Hitler đã đánh giá thấp về sức mạnh mà vị trí địa lý mang lại cho Moscow. Quân đội Liên Xô dựa lưng vào Moscow để chiến đấu và vì thế, họ đã làm nên kỳ tích. Thất bại tại mặt trận Moscow đã làm thất bại luôn kế hoạch Barbarossa của Hitler và từ đó dẫn tới thất bại của ông trùm phát xít trong Thế chiến thứ hai.

Những con số kỳ lạ

Như vậy, cả Napoleon lẫn Hitler, hai người dẫn đầu hai đoàn quân mạnh nhất vào thời điểm của mình, đều tấn công nước Nga với mục tiêu cuối cùng là hạ gục và chiếm được thành Moscow. Tuy nhiên, cả hai người cuối cùng đều gặp phải thất bại ngay tại Moscow, dù trong những hoàn cảnh khác nhau.

Người ta đã tìm thấy rất nhiều sự trùng hợp kỳ lạ trong từ cuộc đời cho tới hai cuộc tấn công Moscow của Napoleon và Hitler. Napoleon lên nắm quyền một cách chính thức vào năm 1804.

Ngày 18/5/1804, Napoleon tuyên bố trở thành Hoàng đế nước Pháp. Trong khi đó, Hitler nhờ âm mưu và thủ đoạn đã chính thức leo lên ghế Thủ tướng nước Đức vào ngày 30/1/1933. Cũng từ đó, nước Cộng hòa Đức chính thức bị xóa bỏ, thay vào đó là Đế chế thứ 3 do Hitler đứng đầu. Như vậy, tính về mặt thời gian, khoảng cách thời gian mà Napoleon và Hitler lên nắm quyền là 129 năm.

Năm 1809, Napoleon chiếm Vienna, thủ đô nước Áo. Vào đầu năm 1809, để đối phó với cuộc phản công lần thứ năm của phe đồng minh, không đợi cho chiến tranh ở Tây Ban Nha kết thúc, Napoleon đã vội vàng dẫn quân về nước thực hiện cuộc tấn công nước Áo. Dựa vào ý chí sắt đá của mình, Napoleon đã chuyển bại thành thắng, buộc nước Áo phải cắt đất cầu hòa.

Năm 1938, dưới sự giúp đỡ của những phần tử phát xít thân Đức ở Áo, không tốn một binh, một tốt, Hitler đã chiếm trọn nước Áo, thực hiện bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng xâm lược châu Âu. Khoảng cách thời gian mà Napoleon và Hitler đánh chiếm Vienna cũng là 129 năm.

Tới năm 1812, Napoleon dẫn theo một đội quân 500 nghìn người tấn công Moscow. 129 năm sau đó, những binh đoàn của Hitler cũng tiến sát tới thủ đô Moscow của Liên Xô. Thất bại của cả Napoleon lẫn Hitler đều bắt đầu từ thất bại tại Moscow.

Napoleon tiến quân vào Moscow. (Ảnh: History)

Napoleon thất bại năm 1816, Hitler thất bại năm 1945, khoảng cách thời gian vẫn là 129 năm. Hai người khi lên cầm quyền đều vào năm 44 tuổi, tấn công nước Nga đều vào năm 52 tuổi và thất bại đều vào năm 56 tuổi. Cả Napoleon và Hitler còn có một đặc điểm chung nữa là trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào trọng đại, dù là tình hình chiến sự có gấp rút tới mức nào thì cả hai đều rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê trong vòng 10 phút.

Ngoài ra, cả Napoleon và Hitler đều được cho là những chiến lược gia trời phú, song đều không có cách nào để chinh phục Moscow, ngược lại đã bị thành phố này đánh bại. Nhiều người cho rằng, điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.

Bí ẩn phong thủy Moscow


Xét về phong thủy, Moscow có một địa thế tuyệt đẹp do được bao bọc bởi núi và sông. Mặc dù nằm ở vùng bình nguyên Đông Âu không có những dãy núi cao, phần “núi” bao bọc xung quanh Moscow chủ yếu là các đồi thấp và các đầm lầy, tuy nhiên, nó vẫn có thể coi là một lợi thế so với nhiều thành phố nằm trên bình nguyên khác. Có một chút khuyết điểm về phần núi, song bù lại, Moscow cực kỳ phát triển về hệ thống sông ngòi bao bọc xung quanh.

Có nhà phong thủy đã so sánh rằng, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hơn hẳn Moscow về những dãy núi bao bọc xung quanh, tuy nhiên, Bắc Kinh không thể bì lại với Moscow về hệ thống sông ngòi quanh thành phố này. Nói cách khác, nếu như Bắc Kinh có “sơn long” bảo vệ thì có thể nói Moscow có “thủy long” trấn giữ.

Một điều đáng lưu tâm nữa trong địa thế phong thủy của Moscow chính là mặc dù “sơn long” chưa phát triển thành hình, song nhờ vậy mà nó tạo thành thế cục âm dương tương trợ với phần “thủy long” rất cường thịnh của mình.


Trên thực tế, năng lượng phân bố trên mặt đất có một đặc trưng, đó là có sự thống nhất trong hướng chảy cũng như hướng của các dãy núi. Loại năng lượng này, theo các nhà phong thủy gọi là “long khí”.

“Sơn long”, “thủy long” đều là những biểu hiện khác nhau của “long khí” này. Tuy nhiên, hoàn toàn không thể nói rằng, “sơn long” thì tốt hơn “thủy long” hay ngược lại. Điều quan trọng là thành phố đó có tận dụng được phần “long khí” đó hay không mà thôi.

Moscow là một trong những thành phố tận dụng hết được phần “thủy long” rất mạnh mẽ của mình. Ai cũng biết rằng, Moscow được xây dựng theo hình dạng của thủy thần Huyền Vũ trấn thủ phía Bắc. Phần nguồn nước phong phú ở phía này vừa may tương hợp với tính chất của thủy thần, có thể nói là một bố cục cực kỳ tốt. Vì vậy, có thể nói “thủy long” chính là một trong những nguyên tố quan trọng nhất trong địa thế phong thủy của Moscow.

Lần giở lại những trang lịch sử, có thể thấy rằng, thành phố này có một mối liên hệ mật thiết với nước. Rất nhiều trận hỏa hoạn lớn đã xảy ra, song chưa lần nào hủy diệt được Moscow như tại những nơi khác. Bất kể là trận hỏa hoạn đánh lui Napoleon hay những khẩu pháo của Hitler đều không thể hủy diệt được Moscow. Vì sao như vậy? Chân lý thường rất giản đơn.

Thủy long

Ai cũng biết, trong ngũ hành tương sinh tương khắc, thủy luôn khắc hỏa, Moscow được thủy thần Huyền Vũ trấn giữ, trong bố cục phong thủy lại là nơi “thủy long” thâm tàng, do vậy, dùng hỏa (lửa) để hủy diệt Moscow là chuyện hoàn toàn không thể xảy ra.

Về mặt thời tiết, Huyền Vũ cũng đại diện cho mùa đông. Tuyết và sự lạnh giá của mùa đông cũng chính là biến thân của nước. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự lạnh giá và băng tuyết mùa đông ở Moscow trở thành một lực lượng giúp Moscow chiến thắng các thế lực ngoại xâm.

Tinh Hoa (tổng hợp)