Ngày 05/07/1884, chỉ một tháng sau khi ký hoà ước Giáp Thân (còn gọi là hòa ước Patenôtre), quân đội Pháp vào được thành Huế và khám phá kho báu bí mật của nhà Nguyễn gồm 6.000 nén vàng và 2.000 đồng tiền vàng, chưa kể đến bạc nén. Tất cả đều được đúc vào khoảng thời gian từ 1820-1841.
Kho báu bị trưng thu để đáp ứng nhu cầu cho chế độ bảo hộ còn non trẻ và thanh toán chi phí cho cuộc viễn chinh Bắc Kỳ (1883-1885). Theo yêu cầu của triều đình Huế, Pháp hoàn lại một nửa kho báu, cùng với các ấn triện bằng vàng hoặc ngọc, các quyển sách vàng được khắc biểu tượng của mỗi triều đại. Tuy nhiên, số tài sản do nhà Nguyễn nắm giữ bị vơi dần trong những giai đoạn sau.
Riêng phần được trả cho Kho bạc Pháp, nặng 14.630 kg bạc và 1.335 kg vàng, được đưa lên tầu chở về Paris, qua cảng Marseille vào năm 1885. Nhưng một phần cũng bị “biến mất” trên hành trình vượt biển. Tổng cộng có 150 thỏi vàng và tiền vàng, cùng với bốn nén bạc trong phần của Pháp đã không bị nấu chảy để đúc thành tiền đương thời và hiện được bảo quản tại Monnaie de Paris.
Cuối tháng 09/2017, lần đầu tiên, bảo tàng Monnaie de Paris giới thiệu rộng rãi đến công chúng Kho báu triều đình Huế (Trésor de Huế) sau hơn 130 năm cất giấu.
RFI tiếng Việt đã đặt câu hỏi với ông Victor Hundsbuckler, người phụ trách di sản và các bộ sưu tập của Monnaie de Paris, ngay những ngày đầu trưng bày Trésor de Huế.
Một phần Kho báu triều Huế, Trésor de Huế, được bảo quản tại Monnaie de Paris. RFI / Tiếng Việt
RFI : Xin ông giới thiệu về Kho báu triều đình Huế hiện đang được bảo quản tại Monnaie de Paris ?
Victor Hundsbuckler: Đối với Monnaie de Paris, đó là niềm tự hào được bảo quản kho báu này ở đây vì kho báu giúp khẳng định vai trò của Monnaie de Paris. Nếu không có sự chăm sóc, sự chú ý của các nghệ nhân và các lãnh đạo của Monnaie de Paris, thì Kho báu triều Nguyễn đã không được bảo quản, và như vậy sẽ không được giới thiệu đến với công chúng.
Lịch sử của Kho báu Huế vừa bi thương vừa may mắn. Bi thương, dĩ nhiên là do liên quan đến một kho báu bị trưng thu trong giai đoạn thành lập chế độ bảo hộ tại An Nam (Trung Kỳ). Kho báu bị chia thành hai phần, một nửa dành cho hoàng đế An Nam, nửa còn lại dành cho đội quân viễn chinh Pháp. Đội quân này đã mang kho báu về Paris, qua cảng Marseille, vào năm 1885, để nấu chảy và đúc thành tiền vàng và bạc hiện hành lúc đó để đưa lại vào nền kinh tế Đông Dương và Pháp.
Hiện nay, những mẫu duy nhất còn sót lại được bảo quản tại Monnaie de Paris. Nửa kho báu được trao lại cho hoàng đế An Nam có lẽ đã hoàn toàn biến mất hoặc chẳng còn gì nhiều so với toàn bộ kho báu trước đây. Và ngoài những gì được cất giữ tại đây, phần còn lại hẳn đã bị đúc thành tiền khác, được lưu hành ở Đông Dương hoặc ở Pháp.
RFI : Ngoài giá trị tài chính, những thỏi vàng và đồng tiền được lưu tại Monnaie de Paris còn mang giá trị nghệ thuật tượng trưng cho văn minh giai đoạn đó ?
Victor Hundsbuckler: Đây hẳn là kho vàng lớn nhất. Những thỏi vàng đều có họa tiết trang trí, như hình rồng, hoặc những lời chúc thịnh vượng được cách điệu.
Hiện nay, tổng cộng có 150 thỏi vàng, tiền xu vàng và chỉ có 4 thỏi bạc. Đa số mỗi loại chỉ còn một mẫu, nhưng có một hoặc hai loại còn được 2 mẫu. Nguyên nhân là vào cuối thế kỷ XIX, ông Gabriel Devéria, chuyên về nghệ thuật và sản xuất tiền châu Á, đặc biệt là ở An Nam, nghiên cứu về Kho báu Huế và ông bị nhầm lẫn ở vài điểm. Vì thế mà họ lưu lại thêm một bản vì bị lầm.
Mầu của những thỏi vàng và tiền vàng trong Kho báu cũng có điểm đặc biệt. Nó đỏ hơn rất nhiều so với vàng mà người ta thường thấy ở đồ trang sức thường dùng. Đây là vàng ròng và để tạo nên mầu đỏ, người ta phủ lên một lớp mỏng từ động vật thân giáp.
RFI : Ông có thể cho biết giá trị của Kho báu triều Nguyễn và kho báu được bảo quản như thế nào ?
Victor Hundsbuckler: Những thỏi vàng này có kích thước và trọng lượng đa dạng. Những miếng nhỏ nhất chỉ nặng khoảng vài gam. Những thỏi lớn nhất nặng 4,4 kg. Theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp ở Pháp, các bảo tàng không thẩm định giá trị. Dĩ nhiên, chúng tôi có mức giá trị về bảo hiểm nhưng chúng tôi không công bố những con số này vì lý do an ninh để tránh mọi khả năng đánh cắp.
Kho báu được bảo quản trong một phòng rất kiên cố, như những tủ két ở ngân hàng, với cửa được mở bằng vô lăng và được tăng cường bảo vệ bằng một hệ thống nhưng tôi không miêu tả ra đây được. Đó là một hệ thống bảo vệ rất hiệu quả.
Trong phòng trưng bày các Kho báu, có bốn Kho báu khác nhau, chưa từng được giới thiệu cho công chúng, gồm một Kho báu La Mã, một Kho báu Pháp, một Kho báu Hà Lan được vớt từ con tầu đắm ngoài khơi Batavia và Kho báu triều đình Huế.
Chúng tôi có một bản tóm lược lịch sử của những kho báu này. Với chúng tôi, truyền tải các giá trị là điều rất quan trọng, như trong Kho báu triều đình Huế, có nhiều biểu tượng thịnh vượng. Vì vậy, thật thú vị khi hiểu những ý nghĩa của những biểu tượng được thể hiện nói trên. Điều này cho chúng ta hiểu thêm về nền văn minh giai đoạn đó.
RFI : Tại sao phải chờ đến hơn 130 năm, Kho báu triều đình Huế mới được giới thiệu rộng rãi đến công chúng ?
Victor Hundsbuckler: Kho báu không được trưng bày vì đơn giản là bảo tàng cũ có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bảo tàng mới và cũng không được đảm bảo an ninh bằng bảo tàng này. Và trong quá khứ, đúng là có nhiều do dự trong việc trưng bày kho báu này vì có thể sẽ bị chất vấn.
Quyển sách gần đây viết về Kho báu triều Huế đã khôi phục, giúp bảo tàng xóa tan những nghi ngờ, những do dự để giới thiệu với công chúng. Nhưng ngay từ đầu, giới thiệu Kho báu Triều đình Huế là một điều quan trọng với chúng tôi.
Một phần Kho báu triều Huế, Trésor de Huế, được bảo quản tại Monnaie de Paris. RFI / Tiếng Việt
Trong cuốn Le trésor de Huê : Une face cachée de la colonisation de l'Indochine (tạm dịch : Kho báu Huế : Một mặt bị che giấu của giai đoạn thuộc địa Đông Dương) (1), tác giả François Thierry giải thích, giá trị của các nén vàng và bạc được gọi là “lạng” và “tiền”, trừ các đồng “phi long”.
Mỗi “lạng” (người phương Tây vẫn gọi là “taël” hoặc “once”) có trọng lượng 38,5 gr và được chia thành 10 “tiền”. Thông thường, về mặt đúc kim loại quý, “lạng” của Việt Nam được quy định chặt chẽ hơn so với hệ thống tiền Trung Hoa vì đơn vị đo lường đồng nhất trên khắp nước Việt.
Bốn nén bạc trong Kho báu triều đình Huế tại bảo tàng Monnaie de Paris là do tướng Courcy mang về, gồm hai nén từ thời Minh Mạng và hai nén từ thời Tự Đức. Mỗi nén (10 lạng) nặng khoảng 385 gr, với tỉ lệ là 991‰, có nghĩa là khoảng 382,5 gr bạc nguyên chất.
Bảo tàng Monnaie de Paris lưu trữ rất nhiều nén vàng với trọng lượng khá đồng đều. Điều này cho thấy các xưởng đúc tiền của Nội Vụ Phủ triều Nguyễn rất chú ý đến quá trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt.
Các nén vàng triều Nguyễn có hai dạng chính : hình hộp rất vuông vắn và các thỏi đều nhau. Những nén vàng có trọng lượng 10 hoặc 40 lạng thường chỉ được thấy trong kho bạc của triều đình, của hoàng tộc, trong gia đình một số quan chức cao cấp hoặc thương nhân lớn. Thanh vàng 10 lạng thì phổ biến hơn.
Từ thời Minh Mạng, trên các nén vàng từ 30 đến 100 lạng bắt đầu xuất hiện họa tiết và thường giống nhau : hai cạnh trên và dưới thường là hình hoa, còn hai cạnh bên là hình rồng tìm viên ngọc rực lửa trong những đám mây và mặt trời hiện ra sau lớp mây. Các họa tiết được chau chuốt, uyển chuyển hơn trên những nén vàng 50 và 100 lạng.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu François Thierry cho biết những đồng tiền (médaille) được bảo quản tại Monnaie de Paris đều bằng vàng và đáng tiếc là không có bất kỳ đồng bạc nào trong bộ sưu tập dù đây là loại tiền thông dụng thời Nguyễn. Trên các đồng tiền vàng này thường có hàng chữ “Minh Mạng thông bảo”, “Thiệu Trị thông bảo”, “Tự Đức thông bảo”.
Trong Kho báu Triều Nguyễn tại bảo tàng Monnaie de Paris, người ta có thể thấy nhiều đồng “Song Long”, “Vạn thế vĩnh lại”, “Long Văn”, “Sử dân phú thọ”… hoặc “Tam Đa”, “Ngũ Bảo”… Tùy theo kích cỡ mà tiền có mệnh giá khác nhau.
Bốn nén bạc (trị giá 1, 10, 30, 100 lạng, 1841-1847) trong Kho báu triều Nguyễn, Trésor de Hué, bảo tàng Monnaie de Paris. RFI / Tiếng Việt
(1) François Thierry, Le trésor de Huê : Une face cachée de la colonisation de l'Indochine (tạm dịch : Kho báu Huế : Một mặt bị che giấu của giai đoạn thuộc địa Đông Dương), NXB Nouveau Monde, 2014.
François Thierry phụ trách tại phòng Huy chương của Thư Viện Quốc Gia Pháp (BNF), chuyên gia về lịch sử châu Á.
Theo: RFI Tiếng Việt (15/01/2018 )
No comments:
Post a Comment