Monday, August 16, 2021

TẠI SAO NGƯỜI ẤN ĂN BỐC, NGƯỜI VIỆT DÙNG ĐŨA?

Không chỉ món ăn khác biệt mà văn hóa ăn, điển hình như việc sử dụng dụng cụ ăn ở một số quốc gia vẫn không giống nhau. Nếu như người phương Tây có thói quen dùng dao, thìa, nĩa thì người Ấn Độ vẫn ăn bốc, một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn dùng đũa là chủ yếu. Tại sao như vậy?


Ăn bốc và văn hóa tín ngưỡng của người Ấn

Không chỉ sở hữu một nền ẩm thực khác lạ so với nhiểu quốc gia châu Á khác mà cách ăn của người Ấn cũng rất khác biệt. Dù ở nhà, quán bình dân hay nhà hàng sang trọng, người ta vẫn ăn bốc. Dù món khô hay món có nước như cà ri, người ta vẫn bốc. Tuy nhiên, khi ăn, không phải tùy tiện muốn dùng tay nào cũng được mà phải dùng tay phải vì tay trái là tượng trưng cho những điều không sạch sẽ hay ô uế và cái ác.

Món ăn phong phú của người Ấn

Khi ăn ở Ấn Độ, bạn nên nhớ dùng tay phải

Việc sử dụng tay khi ăn của người Ấn được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo và Hồi giáo. Người Ấn cho rằng, đồ ăn thức uống mà họ có được là cho đấng tối cao ban cho nên khi đón nhận, phải đón lấy bằng tay trần một cách thành kính. Ngoài ra, việc ăn bằng tay cũng được cho là chạm đến mọi giác quan khiến họ cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn. Trên thực tế, chúng ta khi gặm những món xương, vẫn phải dùng tay bốc đấy thôi vì nếu dùng đũa hay thìa nĩa thì không cách nào “xử lý” món ấy một cách nhanh gọn, “triệt để” được. Hoặc như khi ăn bánh xèo, đâu có cách gì mà cũng đũa gắp, phải gói bằng tay cả. Người ta vẫn cho rằng, bánh xèo phải ăn bằng tay mới ngon, nếu không sẽ rất… vô duyên.

Người Ấn cũng cho rằng, 5 ngón tay là tượng trưng cho 5 yếu tố: không gian, không khí, lửa, nước, trái đất. Việc ăn bằng tay sẽ giúp kích thích 5 yếu tố để tiết dịch tiêu hóa trong dạ dày, họ cho rằng, các dây thần kinh trên đầu ngón tay sẽ giúp kích thích tiêu hóa nhanh hơn và làm cho người ăn thấy ngon miệng hơn khi cảm thấy rõ đủ các hương vị, nguyên liệu làm nên món ăn.

Người Ấn cho rằng việc ăn bằng tay sẽ chạm tới các giác quan, khiến họ cảm thấy ngon miệng hơn

Thật ra, việc ăn bằng tay không riêng gì ở Ấn Độ mà tùy món ăn, người ta có cách “cư xử” khác nhau. Việc ăn bằng tay suy cho cùng cũng là cách ăn “bản năng” mà ai ai, dân tộc nào cũng có thể áp dụng khi cần thiết.

Ăn bằng đũa và nền văn minh nông nghiệp

Tập quán sử dụng đũa có lẽ xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan sang nhiều quốc gia châu Á khác. So với việc dùng thìa, nĩa, dao thì việc dùng đũa có phần phức tạp và khó khăn hơn, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Người phương Tây rất thích trải nghiệm dùng đũa như người châu Á ở một số quốc gia nhưng rõ ràng, không phải ai cũng thành công.

Đũa là một dụng cụ ăn khá tinh tế

Có rất nhiều câu chuyện lí giải nguồn gốc của đôi đũa ăn. Trong đó, sự lý giải thực tế hơn cả là việc gắn với nền nông nghiệp trồng lúa nước. Những hạt cơm nhỏ nhắn, có thể kết dính thì việc dùng đũa để ăn là phù hợp. Ngoài ra, người ta còn cho rằng, sự gia tăng dân số khiến rất nhiều nguyên liệu, đặc biệt là lương thực thực phẩm trở nên ngày càng khan hiếm. Do đó, người ta bắt đầu cắt thức ăn ra thành từng miếng nhỏ để có thể nấu được nhanh hơn và tiết kiệm hơn. Những mẩu thức ăn được cắt bé thì không thể dùng dao cắt thêm nữa nên đôi đũa trở thành một công cụ vô cùng đơn giản, tiện dụng. Hơn nữa, việc ăn bằng đũa cũng được xem là ảnh hưởng từ tư tưởng của đạo Khổng. Là một người ăn chay, Khổng Tử cho rằng dùng dao để ăn là không thích hợp.



Với đôi đũa, bạn dễ dàng “xử lý” mọi món ăn

Theo đó, người ta cũng lý giải thói quen dùng thìa nĩa của nười châu Âu là theo nền văn hóa bắt nguồn từ săn bắn hái lượm nên thường ăn thịt là chủ yếu, rau củ thứ yếu nên về sau này khi trồng trọt chỉ trồng củ quả và lúa mì. Vì vậy họ dùng dao và nĩa trong bữa ăn để tiện cho việc cắt nhỏ các miếng thịt và thức ăn. Khi ăn củ quả, chủ yếu họ nấu thành canh súp hoặc hầm nhừ và dùng thìa để ăn.

Thói quen ăn thịt (thường để miếng to) của người phương Tây buộc họ phải dùng thìa nĩa để dễ cắt thức ăn

Ngày nay, với sự giao thoa văn hóa đa dạng, người phương Tây và người phương Đông tiếp nhận nền ẩm thực của nhau nên trong cách ăn cũng phần nào cho thấy sự linh hoạt. Do đó, dù ăn bốc, ăn bằng đũa hay thìa nĩa thì vẫn không “làm khó” được nhau.

Trúc Trâm



No comments: