Bộ phim dựa trên hai câu chuyện của Ryūnosuke Akutagawa, trong đó “Rashomon” đưa ra bối cảnh nền của câu chuyện và ““Yabu no naka 藪の中 ”cung cấp nhân vật và cốt truyện.
(Theo Murakami Haruki, nếu bình chọn 10 nhà văn hiện đại tầm cỡ quốc gia Nhật Bản, Akutagawa Ryunosuke nhất định phải ở trong số đó vì ông đã “để lại cho chúng ta những tác phẩm hàng đầu phản ánh sinh động tâm tính dân tộc Nhật ở thời đại của mình)
Quay về với bộ phim, điểm nhấn của tác phẩm nằm ở cách kể chuyện độc đáo, dựa trên câu chuyện chủ quan của những người có liên quan đến cùng một vụ án mạng. Từ những lời khai khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khán giả bắt đầu hoang mang, nghi ngờ và cảm thấy như bị dẫn dắt vào một mê cung mà không rõ phải gỡ rối ở đâu.
Chuyện phim mở đầu với phân cảnh một người tiều phu, một thầy tu và một nông dân khác ngồi dưới cổng thành Rajōmon, hong khô người sau trận mưa như trút nước. Họ bàn luận với nhau về một vụ án, và từ đó dần dần hé lộ các tình tiết khác dẫn dắt câu chuyện. Án mạng xoay quanh vụ ám sát một Samurai và hãm hiếp vợ của nạn nhân.
Người tiều phu kể rằng anh ta phát hiện xác của một Samurai trong rừng, và ngay sau khi thấy cái xác đã hoảng loạn đi báo với chính quyền. Người thầy tu khẳng định rằng đã thấy Samurai và vợ của anh ta đi du lịch cùng ngày vụ án xảy ra. Cả hai đều được triệu tập ra toà để làm chứng. Tại đây, họ gặp gỡ với Tajōmaru, kẻ tình nghi số một.
Hãy cùng chơi một trò chơi phá án. Tập hợp những người có liên quan, quan sát và lắng nghe, phát hiện ai là kẻ đang nói dối từ đó tìm ra hung thủ. Đó có phải cách chúng ta thường làm với những vụ án mạng? Thế nhưng trong bộ phim này, mọi thứ không đơn giản như thế. Ngay từ lúc mở đầu, người tiều phu lặp đi lặp lại câu nói “Tôi không hiểu”, vô cùng bối rối. Anh ta đã nghe 3 câu chuyện theo 3 cách khác nhau từ 3 kẻ tình nghi, và cả 3 đều khẳng định mình chính là hung thủ. 3 người này lần lượt là người vợ, kẻ tình nghi và cả nạn nhân. Điểm duy nhất tương đồng giữa những lời khai của họ là người Samurai đã chết, và tên cướp Tajōmaru đã hãm hiếp vợ của Samurai.
Bộ phim khiến nhiều nhà phê bình bối rối bởi chủ đề và cách xử lý độc đáo của nó. Đó không hẳn là một bộ trinh thám mà là một trò chơi tâm lý với rất nhiều lớp nghĩa đầy tính triết học.
“Con người không có khả năng thành thật với chính mình về bản thân họ. Họ không thể nói về chính họ mà không tô điểm” (Akira Kurosawa).
Trong khi chúng ta, cũng như rất nhiều người khác, tò mò xem bản chất sự thật là gì. Tác giả lại hứng thú chơi đùa với những góc khuất tâm lý xuất phát từ bản chất con người. Sự việc, đứng từ góc nhìn nào cũng đều méo mó và giả dối, khi nó khúc xạ qua lăng kính chủ quan, nơi một người tìm mọi cách bẻ cong sự thật vì lợi ích của bản thân.
Từ câu chuyện này sinh ra thuật ngữ “Hiệu ứng Rashomon”: một hiệu ứng, hiện tượng nổi tiếng xảy ra khi mà các cá nhân liên quan đến một sự việc nào đó khi được yêu cầu thuật lại mọi chuyện lại kể một cách khác nhau hoặc đầy mâu thuẫn. Thuật ngữ ‘Rashomon’ thậm chí còn được ghi lại trong Từ điển tiếng Anh Oxford.
Ảnh hưởng của Kurosawa với nền điện ảnh ngày nay là không thể chối cãi. Không chỉ ở ý tưởng về nội dung mà nghệ thuật làm phim, chọn góc quay, ánh sáng của vị đạo diễn thiên tài cũng được các tác giả về sau mô phỏng lại.
Tham khảo: Schihi
Sacchan
No comments:
Post a Comment