Nhà phân phố xe Citroën, Etablissements Bainier d'Indochine Auto-Hall, tại Sài Gòn, khoảng năm 1930. Nay là khách sạn Rex. dsinasia.com
Năm 1919, cùng lúc xuất hiện tại Pháp, ô tô của Citroën đã được xuất sang Đông Dương, một thị trường tiềm năng. Nếu như năm 1915, tổng trị giá ô tô nhập khẩu vào Đông Dương chỉ ở mức 1 triệu franc, con số này tăng gấp 33 lần, lên đến 33 triệu franc vào năm 1920. Năm 1926, trên khắp Đông Dương có 10.299 chiếc xe được đăng ký, trong đó có 5.678 xe ở Nam Kỳ, 2.866 ở Bắc Kỳ, 966 ở An Nam, 683 ở Cam Bốt và 106 ở Lào (2).
Ông Pierre Jammes, tác giả tập sách ảnh song ngữ Anh-Pháp Citroën DS Stories in Asia, Histoire de Citroën DS en Asie (Lịch sử Citroën DS ở châu Á), giải thích với RFI Tiếng Việt :
« Citroën, được thành lập năm 1919, đã nhanh chóng xuất khẩu xe hơi ra thị trường thế giới. Ngay từ năm 1919, các nhà nhập khẩu Pháp tại Đông Dương đã nhập xe Citroën về bán. Đông Dương là thị trường hấp dẫn nhất châu Á vì đơn giản là Pháp hiện diện ở đó. Vì vậy, Citroën có lịch sử gắn bó lâu đời với Đông Dương. Đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương thì vẫn còn một chi nhánh lớn của Citroën ở Sài Gòn. Đây cũng là chi nhánh duy nhất của Citroën tại châu Á, có nghĩa là không phải các nhà nhập khẩu xe hơi, mà là chi nhánh thực sự của tập đoàn ô tô Pháp và chính họ quản lý việc bán xe tại châu Á ».
Thiếu nữ bên xe Citroën Traction, tại Việt Nam. Ảnh không đề ngày. © dsinasia.com
Citroën : Ưu tiên mẫu mã tân tiến, hạn chế giá bán
Ngay từ khi thành lập, nhà sáng lập André Citroën chú ý đến công nghệ, tính sáng tạo cho các dòng xe, nhưng với giá bán không quá đắt. Ông Pierre Jammes cho biết thêm về lịch sử của Citroën :
« Citroën đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng. Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ phát triển rất mạnh từ năm 1919 dưới sự điều hành trực tiếp của nhà sáng lập André Citroën. Phát minh xe dẫn động cầu trước (Traction avant) đạt được thành công vang dội. Tiếp theo là giai đoạn chiến tranh, hoạt động sản xuất của công ty bị chậm lại, thậm chí là gần như ngừng hoạt động. Sau đó nhà sáng lập André Citroën qua đời, công ty không còn khả năng tài chính và cuối cùng được tập đoàn sản xuất lốp xe Michelin mua lại.
Bên một chiếc Citroën. © dsinasia.com
Ngay sau Thế chiến II, Citroën có thêm một phát minh mới, 2 CV, cũng đạt được thành công lớn. Khách hàng phải chờ vài tháng, thậm chí vài năm để mua được xe 2 CV mà họ đặt. Thời gian sau, Citroën lại cho ra dòng xe DS, cũng là một phát minh đầy sáng tạo. Citroën lại gặp khó khăn về tài chính và được tập đoàn Peugeot mua lại, trở thành tập đoàn PSA Peugeot-Citroën ».
Tiêu chí chất lượng-giá bán phải chăng được áp dụng tại Đông Dương, theo quảng cáo của công ty trên tờ L’Echo annamite (ngày 15/04/1929) : « Citroën là của sản phẩm của Pháp, được sản xuất theo thị hiếu của người Pháp và Citroën biểu tượng cho sang trọng nhưng với chi phí thấp nhất, phù hợp với khả năng của mọi người ».
Khi còn hợp tác với Auto-Hall, nhà phân phối độc quyền Emile Bainier đã mở rộng chi nhánh ở Hà Nội ngay năm 1926, tiếp theo là tại Trung Kỳ, Lào và Cam Bốt. Les Etablissements Bainier có xưởng lắp ráp riêng nằm ngay cạnh cảng Sài Gòn, trên mái xưởng in rõ chữ « Citroën ». Emile Bainier về Pháp năm 1930, đến năm 1933, hai bên chấm dứt hợp đồng phân phối, Citroën cử người mở chi nhánh riêng của hãng ở Sài Gòn, SAEO (Société Automobile d’Extrême-Orient, Công ty Xe hơi Viễn Đông).
Công lao phát triển ngành ô tô của André Citroën tại Đông Dương được hoàng đế Việt Nam ghi nhận khi trao Đại Nam Long bội tinh (Ordre du Dragon d’Annam) cho ông vào năm 1928. Ông Pierre Jammes giải thích thêm :
« Thời kỳ đó, những người mua được xe là những người khá giả, trong đó có một phần là những doanh nghiệp Pháp, như những nhà sản xuất bia, chủ đồn điền cao su, tá điền, các doanh nhân người Hoa… Đến bây giờ vẫn vậy, xe hơi luôn là thước đo xã hội, cho thấy địa vị của chủ sở hữu. Vì thế, chúng ta thấy có rất nhiều tấm hình chụp trước nhà với toàn thể gia đình, hay với một phụ nữ xinh đẹp vì điều này cho thấy họ thành công trong cuộc sống ».
Citroën Cabriolet 15 Worblaufen, 1948. Tốc độ tối đa 135 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Citroën 11B Normale, 1955. Tốc độ tối đa 115 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Từ Traction Avant, 2CV đến DS hay dòng ID…, sản phẩm của Citroën đã chinh phục được giới tiêu dùng ở Đông Dương. Năm 1933, đầu năm 1934, Citroën xuất xưởng dòng xe Traction Avant, được đánh giá là tiên phong với hệ thống dẫn động cầu trước. Dòng xe này từng được nhập vào Đông Dương với số lượng lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến dòng xe Citroën ID19 (1955-1975), độc đáo với thiết kế không có nhíp mà dùng hệ thống giảm xóc bằng thủy lực, mỗi lần vận hành sẽ bơm hơi lên. Cuối cùng, có thể lấy thành công của dòng xe DS (1955-1975) nhờ yếu tố đổi mới, không lỗi thời, theo giải thích của ông Pierre Jammes :
« Vào năm 1957, nếu tôi nhớ không nhầm, dòng xe DS của Citroën đã được đưa sang Sài Gòn, chỉ hai năm sau khi được giới thiệu tại Pháp. Đây là dòng xe được cho là một cuộc cách mạng và ngay lập tức thu được thành công lớn ở Sài Gòn, chủ yếu là nhờ những người nước ngoài biết đến thành công của DS tại Pháp. Citroën nhận được vài trăm đơn đặt hàng và dĩ nhiên là khó có thể đáp ứng được hết, nhưng có thể nói là DS đã thu được thành công lớn.
Citroën 2 CV Bijou, 1962. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
CitroënType A torpedo, 1920 (T) và B14, 1926 (G). Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
DS được xuất xưởng năm 1955 và trong vòng 20 năm, có đến 1,4 triệu xe DS được sản xuất. Đó là dòng xe rất thành công, rất nổi tiếng. Hai mươi năm là một khoảng thời gian dài cho một dòng xe, dù thiết kế có một số thay đổi ».
Citroën : Từ nhập khẩu đến tự sản xuất xe hơi ở Việt Nam
Kể từ khi Pháp rút khỏi Đông Dương sau năm 1954, miền nam Việt Nam có xu hướng mua xe hơi Mỹ nhiều hơn. Xe Citroën nhập khẩu rất khó bán trong giai đoạn này. Ngoài ra, sau Tuyên bố Phnom Penh của tướng Charles de Gaulle vào cuối năm 1966 lên án Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam, mọi hình thức nhập xe nguyên chiếc và linh kiện ô tô bị cấm. Chỉ có khoảng 30 xe DS được xét duyệt nhập vào miền nam Việt Nam và tất cả đều được sản xuất tại nhà máy Forest của Citroën tại Bỉ, không bị cấm vận. Chiếc cuối cùng, DS 23 « Prestige », được bán cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1975 và hiện nằm trong một bộ sưu tập tư nhân (3).
Ngoài chịu cạnh tranh của xe hơi Mỹ, Citroën cũng phải đối mặt với làn sóng xe Nhật. Vì vậy, tập đoàn Pháp quyết định tự sản xuất mẫu xe Việt. Tác giả tập sách Lịch sử Citroën DS ở châu Á, từng tiếp xúc với Jacques Duchemin, vị giám đốc cuối cùng của công ty xe hơi Citroën ở Sài Gòn, cho biết :
« Tôi xin nhắc lại một sự kiện rất quan trọng : chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam với thiết kế và phụ tùng từ Việt Nam chính là một chiếc Citroën, vào khoảng năm 1969, ở Đà Lạt. Đó là phiên bản hơi khác mẫu Méhari một chút. Chiếc xe này được thiết kế và lắp ráp tại chỗ, ở Sài Gòn, trong công ty con của Citroën. Có thể nói đó gần như là mác Citroën của Việt Nam. Hiện giờ người ta vẫn có thể thấy một số xe như vậy ở Sài Gòn ».
Citroën DS 1er Nez, 1959. Tốc độ tối đa 176 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Citroën Visa, 1983. Tốc độ tối đa 125 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Để sản xuất được chiếc xe Citroën địa phương đầu tiên, Jacques Duchemin, giám đốc của SAEO, đã phải xin phép Bộ Công Nghiệp cho nhập khẩu một số linh kiện để lắp ráp mẫu một chiếc xe nhỏ 2 CV vào năm 1968. Nhờ trợ giúp của Alfred Nicolas, một nhân viên của Citroën ở Đà Lạt, mẫu xe La Dalat 3 CV, phù hợp với điều kiện địa phương và có giá rẻ hơn xe Nhật, đã nhanh chóng được hoàn thiện. Công ty SAEO được đổi tên thành Xe hơi Citroën Công ty. Ngay năm 1969, xe được sản xuất hàng loạt, với quảng cáo là nhằm « khuyến khích Thương mại và Công nghiệp của Việt Nam ». Tổng cộng có khoảng 3.880 xe được sản xuất cho đến năm 1975.
Citroën C4 Fourgon baché, 1934. Tốc độ tối đa 90 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Citroën SM, 1972. Tốc độ tối đa 220 km/giờ. Triển lãm 100 năm Citroën, Autoworld, Bruxelles, 2019. © RFI / Tiếng Việt
Trong suốt quãng thời gian 20 năm sống ở châu Á, ông Pierre Jammes đã gặp gỡ, làm bạn với nhiều nhà sưu tầm xe Citroën DS, trong đó có nhiều người Việt Nam. Ông cho biết :
« Bạn bè sưu tập xe DS của tôi là người miền Nam. Họ đam mê dòng xe này, thích xu hướng vintage và những đồ vật đẹp. Một điều đặc biệt khác ở Việt Nam là trình độ kỹ thuật của thợ sửa xe rất cao. Tôi nhận ra điều này khi đi vòng quanh một số nước châu Á. Thợ cơ khí ở Việt Nam có trình độ cao và sửa chữa, trùng tu, làm lại xe rất nhanh. Rất ấn tượng ! »
Xe cổ vẫn là một niềm đam mê của giới sưu tầm ở Việt Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn. Sau thành công đầu tiên vào năm 2018, Công viên Văn hóa Đầm Sen tiếp tục phối hợp cùng CLB Xe cổ Sài Gòn tổ chức Ngày hội xe cổ lần 2, vào tháng 04/2019. Hai mẫu xe Citroën ID 19 và Citroën Traction Avant cũng được giới thiệu trong dịp này.
« Bạn bè sưu tập xe DS của tôi là người miền Nam. Họ đam mê dòng xe này, thích xu hướng vintage và những đồ vật đẹp. Một điều đặc biệt khác ở Việt Nam là trình độ kỹ thuật của thợ sửa xe rất cao. Tôi nhận ra điều này khi đi vòng quanh một số nước châu Á. Thợ cơ khí ở Việt Nam có trình độ cao và sửa chữa, trùng tu, làm lại xe rất nhanh. Rất ấn tượng ! »
Xe cổ vẫn là một niềm đam mê của giới sưu tầm ở Việt Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn. Sau thành công đầu tiên vào năm 2018, Công viên Văn hóa Đầm Sen tiếp tục phối hợp cùng CLB Xe cổ Sài Gòn tổ chức Ngày hội xe cổ lần 2, vào tháng 04/2019. Hai mẫu xe Citroën ID 19 và Citroën Traction Avant cũng được giới thiệu trong dịp này.
Bìa tập sách Lịch sử Citroen DS ở châu Á, tác giả Pierre Jammes. Pierre Jammes
1. Số 21, bd Bonard và 100-102 bd Charner, Sài Gòn, (nay là Khách sạn Rex, góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, gần UBND TP. HCM).
2. http://belleindochine.free.fr/Automobile.htm trích tạp chí Nature, xuất bản năm 1928.
3. http://www.dsinasia.com/Vietnam/historyfr.html
Thu Hằng / RFI TiếngViệt
No comments:
Post a Comment