Wednesday, August 11, 2021

MÙA NƯỚC SON

“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về !”

Nhắc đến Cần Thơ quê tôi ai cũng ngâm nga câu ca dao này. Nước đục, nước trong thì ai cũng rành nhưng chắc chắn nhiều người còn chưa biết trong năm có một mùa mà nước sông, rạch quê tôi tự dưng ngầu đỏ. Khi ấy người dân ở đây bảo nhau: “Mùa nước son đã về!”.


Tôi biết “nước son” từ lúc lên 7 - 8 tuổi đầu. Bữa đó, bác Tư hàng xóm đem sang cho má tôi một tô cá bống. Má tôi tròn mắt: “Cá bống trứng à? Vậy là nước son về rồi hén, anh Tư?”. Tôi ngồi chống cằm nhìn tô cá bống trứng, hỏi má: “Nước son là gì hở, má?” Má nói: “Nước son là nước có màu đỏ như son đó, con!”.

Tôi lật đật chạy ra mé rạch coi thử. Nước lớn đang mải miết xuôi về cuối rạch. Tôi thấy nước có màu hồng của hoa phượng, của màu gạch ngói đã phai. Nước không thiệt đỏ như thỏi son môi của các chị, các cô trong xóm. Biết là như vậy nhưng sao tôi vẫn thích gọi là nước son như người lớn ở đây đã gọi.

Và năm nào cũng vậy, khi những đợt mưa đầu mùa lác đác về, tôi lại lên, xuống mé rạch nôn nao canh chừng con nước lớn ròng. Để đến một sớm tinh sương, khi bất chợt thấy màu phù sa trên rạch tự dưng ngầu đỏ là tôi ba chân bốn cẳng chạy sang hàng xóm báo tin với thằng Sơn, con Tám: “…Tụi mày ơi, nước son về rồi kìa!”.

Nước son về, cá bống trứng từ thượng nguồn theo sông Hậu cũng nườm nượp về theo. Cá bống trứng rủ nhau len lỏi vào sâu các kênh, rạch. Đó là thời điểm lũ nhóc chúng tôi và người dân trong xóm hồ hởi rủ nhau đi bắt cá bống trứng. Dụng cụ để bắt chúng là cái rổ đươn bằng tre hoặc trúc lớn hơn cái rổ đựng rau, đựng thịt ở trong nhà mà chúng tôi gọi nôm na là rổ xúc.

Tôi nhớ hồi đó, trong xóm tôi có bà Chín Đông. Bà Chín đã trên 70 tuổi, nghèo lắm, chuyên đươn rổ bán sống qua ngày. Bà Chín rất ghiền rượu đế. Sáng nào không có rượu, bà run lẩy bẩy. Có rượu vào, bà trở nên lanh lẹ như con gái mười tám, hai mươi, tay cầm mác vót nan, đươn rổ thoăn thoát.

Mỗi năm nhắm chừng mùa nước son sắp về, tôi lại mon men sang nhà bà Chín năn nỉ bà đươn cho cái rổ thiệt bự, thiệt dày để khi xúc, cá bống trứng nhỏ cũng không chui ra được. Năm nào bà Chín cũng đươn cho tôi cái rổ mà không hề lấy tiền. Bù lại, những ngày sau đó, hôm nào xúc được bộn cá bống trứng tôi lại đem một mớ sang để bà kho ăn, có khi mua cho bà một xị rượu đế…


Cũng là loài cá sống ở vùng nước ngọt nhưng cá bống trứng nhỏ hơn so với các loại cá bống khác như: bống mọi, bống cát, bống dừa… Cá bống trứng lớn hết cỡ cũng chỉ nhỉnh hơn đầu đũa một chút. Đặc điểm nổi bật của chúng là con nào con nấy đều có cái bụng chang bang với cặp trứng vàng lườm ẩn dưới làn da mỏng.

Thường khi nước lớn, cá bống trứng rủ nhau đi tìm mồi. Đến khi nước ròng chúng lại kiếm chỗ ẩn nấp, nghỉ ngơi. Vào thời điểm đó, đội quân đi xúc của chúng tôi ra tay. Tôi, thằng Sơn, con Tám thường rủ nhau xúc chung. Ngoài cái rổ xúc, đứa nào cũng trang bị thêm một cái nồi hoặc cái thau để đựng cá. Rồi tìm thêm sợi dây, thường là dây chuối, dây cóc kèn buột một đầu vào dụng cụ đựng cá, đầu còn lại buộc vào ngang hông mình để khi bận bịu với việc xúc cá, sợi dây giữ cho dụng cụ đựng cá không bị nước cuốn trôi đi. Cá bống trứng thích bám vào trụ cầu hoặc các loại rễ cây sống dưới nước, nhất là rễ lục bình, rễ dừa. Người đi xúc chỉ cần hạ thấp cái rổ trong nước, luồn vào bên dưới vật mà mình nghi có cá bống trứng, sau đó dùng một tay và đầu gối bợ rổ sao cho vành rổ nhô lên khỏi mặt nước, tay còn lại nắm lấy vật ở trong rổ giũ mạnh rồi từ từ nâng rổ lên, cá bống trứng vướng lại nằm lểnh khểnh ở đáy rổ.

Vào con nước rằm hoặc ba mươi tháng sáu, tháng bảy âm lịch, cá bống trứng “chạy”, gặp bất cứ vật gì dưới nước chúng cũng bám vào. Mỗi lần xúc, trong rổ có đến mười mấy hai chục con bống trứng, thấy mắc ham. Người đi xúc chỉ còn biết nghiêng rổ đổ cá bống trứng vào đồ đựng cá chứ bắt từng con thì không xuể. Thời điểm đó, nhà nhà xúm nhau đi xúc.

Con rạch Cái Sơn dài trên 3 cây số, hai bên lại có nhiều con rạch nhỏ ăn thông như rạch Mương Củi, rạch Dừa Nước, rạch Bà Từ, bỗng chốc đông vui như hội. Đoạn rạch nào hai bên bờ cũng lố nhố những người. Tiếng í ới rủ nhau đi xúc, tiếng hỏi thăm coi xúc được nhiều cá bống trứng không vang động cả một vùng quê vốn dĩ yên tĩnh.


Nhiều người không có rổ xúc lấy đại cái lồng bàn đậy cơm xuống xúc vậy mà vẫn dính cá bống trứng như thường. Tôi nhớ, ở xóm tôi lúc đó, xúc cá bống trứng giỏi nhất là anh Năm vì anh cao lêu nghêu như cây tre ở miễu nên mọi người gọi là Năm Tre Miễu. Sau thấy anh xúc cá giỏi nên mọi người đặt thêm biệt danh là Năm Sát Cá. Nghe anh nói, tôi mới hay ra xúc cá bống trứng cũng cần có kinh nghiệm.

Theo Năm Tre Miễu, khi nước vừa mới ròng, đừng ham xuống sông xúc sớm vì lúc đó cá bống trứng còn mê đi tìm mồi. Chỉ khi nào nước ròng sát, môi trường bó hẹp không còn chổ để đi ăn, cá bống trứng mới chịu tìm nơi bám vào để nghỉ ngơi. Tới chừng đó ra tay là ngon nhất. Anh còn đắc chí khoe: “Tao xúc trúng đậm còn nhờ chân cẳng tao dài, ra được những nơi nước sâu, ít người động tới nên cá bống trứng ở nhiều!”. Hèn gì tôi thấy có những người không lội dưới sông mà bơi xuồng ghe đi xúc cá bống trứng.

Cá bống trứng là loại cá có vảy nhưng không thể bắt từng con đánh vảy vì chúng quá nhỏ. Má tôi thường bỏ cá vô cái rổ rồi lấy cám hoặc tro bếp đổ vào, sau đó lấy tay chà mạnh, vảy cá theo đó tróc ra. Riêng mấy chị ở chợ, thường làm cá với số lượng lớn nên bỏ cá vào cái túi lưới rồi ngâm vô nước chà. Cá làm vảy xong thì dùng kéo hớt đuôi và mỏ, sau đó dùng mũi kéo lẻ nhẹ phía trên bụng, rút ruột bỏ đi để lại cặp trứng vàng lườm.

Cá bống trứng không chế biến món gì ngon bằng kho tiêu. Cá làm xong để ráo sau đó ướp đường, nước mắm, một ít bột ngọt rồi bắc lên bếp để lửa liu riu. Khi nước sắp cạn thì xay nhuyễn tiêu bỏ vào. Để cá bống trứng kho tiêu thêm ngon, nhiều người khi kho còn xắt thêm một ít thịt ba rọi bỏ vào. Khi ấy, mỡ thịt ba rọi tươm ra làm cho con cá bống trứng nào cũng bóng lưỡng, thơm ngào ngạt, mới ngó đã mắc thèm. Thịt cá bống trứng dai dai, cặp trứng lại béo ngậy, bùi bùi. Bữa nào ăn cơm với cá bống trứng kho tiêu mà có thêm canh bí rợ hay canh rau tập tàng thì bụng đã no mà miệng cứ muốn ăn nữa.

Hạt gạo trắng dẻo thơm của quê nghèo lam lũ cùng với những ơ cá bống trứng kho tiêu trong mùa nước son đã góp phần nuôi chúng tôi nên vóc, nên người. Tôi nhớ ngày đưa con Tám, em tôi, về nhà chồng cũng ngay mùa nước son. Tôi và thằng Sơn đứng lặng trên bến nước nhìn chiếc ghe rước dâu mang con Tám khuất trong rặng dừa nước, bỏ lại phía sau ký ức tuổi thơ trong trẻo nhưng đầy nhọc nhằn trên dòng nước mênh mang ngầu đỏ. Bữa đó, thằng Sơn nhìn tôi buông một câu bùi ngùi: “Tụi mình mỗi năm , mỗi lớn, mỗi già… Còn nước quê mình mỗi năm vẫn cứ thấy son !”. Rồi thằng Sơn bôn ba tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, còn tôi rưng rưng mang câu nói của nó bên mình vào đại học, tạm xa những mùa bống trứng nước son…

Bao mùa bống trứng đến rồi đi, không nhớ. Một sáng ngang qua chợ Cần Thơ nghe chị bán cá chào mời: “Mua cá bống trứng đi cậu, cá bống trứng kho tiêu ngon lắm!”, tôi chợt bần thần nhìn ba cái mâm bự đựng cá bống trứng mà nhớ quay quắt ngày xưa. Mới hay bây giờ đang là cuối tháng 7 Âm lịch, cá bống trứng đang về rộ theo con nước son.


Tôi đã về quê và dành trọn một ngày men theo con rạch Cái Sơn tìm lại những ngày thơ nhưng con rạch giờ đây yên ắng quá. Tại căn nhà của bà Chín Đông ngày trước, tôi gặp lại Năm Tre Miễu. Bà Chín đã theo người con đi xứ khác làm ăn, sang lại căn nhà và mảnh đất cho Năm Tre Miễu với giá rẻ như cho. Tôi hỏi anh, nước son về sao không đi xúc cá bống trứng.

Đang nằm đưa võng kẽo kẹt, Năm Tre Miễu bật dậy như chạm phải lửa dưới lưng: “Cá đâu mà xúc mày ơi! Ờ, ờ… cũng có người đi xúc mà là xúc… trùng chỉ. Mày lại rạch Bà Từ coi nước từ các nhà máy trong khu công nghiệp chảy ra đen thui, cá bống trứng sao sống được?”.

Nghe Năm Tre Miễu than, tôi thấy buồn quá chừng. Chợt nhớ câu nói của thằng Sơn ngày trước: “Tụi mình mỗi năm, mỗi lớn, mỗi già… Còn nước quê mình mỗi năm vẫn cứ thấy son!”.

Sơn ơi! Mày có biết: Nước ở con rạch quê mình giờ đâu còn son nữa!

NGUYỄN TẤN PHONG

No comments: