Bà Nguyễn Thị Sen
Kỳ thực, dù bà Bé Tý, dù bà Tư Hồng, được triều đình ban cho phẩm hàm hay huy chương, cũng chẳng có gì là lạ hết. Từ hồi xứ ta bắt đầu có hạng đàn bà gọi là me tây, tức là bắt đầu họ đã nhận lãnh cái vinh dự ấy.
Chúng tôi xin kể cho bạn đọc nghe chuyện một me tây thuở Gia Long – Minh Mạng. Ấy là bà Nguyễn Thị Len (có nguồn ghi Nguyễn Thị Sen), vợ chúa tàu Phụng, tức ông Nguyễn Văn Chấn, người Pháp mà là một công thần của triều nhà Nguyễn, vốn tên là Vannier.
Theo sử chép, ông Vannier cùng đi với đức cha Bá-đa-lộc sang nước ta năm 1784, lúc vua Gia Long còn chưa dẹp yên loạn Tây Sơn và lên ngôi thiên tử. Ở giúp nhà vua cho đến năm 1829, dưới triều Minh Mạng, ông Vannier mới cùng đi về Pháp với ông Chaigneau, tức là Nguyễn Văn Thắng, chúa tàu Long.
Tính ra ông Vannier kiều cư nước ta trong một thời gian dài đến 35 năm. Trong khoảng thời gian ấy ông có cưới một người đàn bà An Nam làm vợ và có đẻ ra nhiều con cái. Nhân đó bà me tây Nguyễn Thị Len đã được trở nên người sang trọng, trước thì ở giữa xã hội người Nam, sau đến ở giữa xã hội người Pháp.
Nhân đọc sách Tây hành nhật ký (Giá Viên biệt lục) chúng tôi phát kiến ra được cái dật sử này.
Năm Tự Đức thứ 16 (1863), vì muốn chuộc lại ba tỉnh phía bắc Nam Kỳ, nhà vua sai ba ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản sang sứ bên Pháp đình, chính ông Phạm Phú Thứ thảo ra sách Tây hành nhật ký, chép chuyện hàng ngày về việc sử.
Phái đoàn nhà Nguyễn do Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản sang thăm Pháp.
Buổi chiều ngày 23 tháng 8 năm Tự Đức thứ 16, lúc sứ bộ đến ở Paris đã ba tuần lễ, cả ba ông sứ thần cùng tiếp bà me tây Nguyễn Thị Len tại Sứ quán, rồi từ đó thấy thỉnh thoảng lại chép đến Nguyễn Thị Len.
Nguyên trước đó mười ngày, bà Nguyễn Thị Len ở tại thành Lo-ri-ăng, nghe tin sứ bộ đến thì có gửi thơ cho ông Hà-ba-lý (Aubarez), một viên quan của Pháp đình giữ việc giao thiệp với sứ bộ, xin các quan sứ thần cho bà đến ra mắt. Các quan trả lời cho phép. Khi ấy bà Nguyễn Thị Len mới đi xe hỏa đến Paris với một cô con gái tên Marie. Khi hai mẹ con bước vào trong sứ quán, trông thấy người bản quốc, bà Nguyễn Thị Len khóc òa lên:
– Từ tôi theo chồng về ở bên này đến nay đã 37 năm. Tôi đã 75 tuổi rưỡi rồi! Khi chồng tôi còn sống, có hẹn với tôi rằng thế nào cũng trở qua An Nam một chuyến, không ngờ rồi chồng tôi qua đời đi, tôi mỗi ngày một già một yếu, lại lũ con ngăn trở mãi, sợ đời tôi không có ngày trở về cố quốc được!
Ấy là lời đầu hết bà Nguyễn Thị Len nói với ba vị sứ thần. Rồi bà chắp tay kính hỏi thăm đức hoàng đế vạn an và cảm ơn các quan sứ thần đã cho phép bà vào yết kiến, là sự bà cho là có phước lắm mới được.
Bà Nguyễn Thị Len ở lâu bên Tây nên có quên hết ít nhiều tiếng Ta. Trong khi nói chuyện, chốc chốc bà lại xen tiếng Tây vào, làm con gái bà, cô Marie cứ phải đứng bên mà nhắc.
Các quan sứ thần bảo kẻ hầu pha trà mời bà Nguyễn Thị Len uống.
Bà còn nói chuyện. Kể ra quê quán của mình ở Phường Đúc (không nói rõ tỉnh nào); cha, tên là Nguyễn Văn Dõng; hai anh, tên là Văn Hương và Văn Hữu; Văn Hữu làm chức cai đội thủy binh. Từ lúc bà sang Tây, không hề được tin tức ở nhà một lần nào.
Các quan bèn hỏi trong hàng thuộc viên cả một sứ bộ thử có ai biết gia thế bà Nguyễn Thị Len không. Thì có hai ông, Tạ Huệ Kế và Ngô Văn Nhuận nói có nghe biết một ít.
Bà Nguyễn Thị Len lấy Vannier, sinh hạ được đến mười người con: ba trai bảy gái. Bà đã có một đứa cháu nội trai, năm ấy vừa tròn 20 tuổi, mới vừa theo quan Tây sang Gia Định. Bảy con gái thì đã có chồng. Cô Marie sang bên An Nam, hai tuổi mới về bên Pháp, bây giờ đã 39 tuổi.
Sau đó hai hôm, ngày 25 tháng 8, là ngày lễ Vạn thọ, sanh nhật vua Tự Đức, sứ quán có mở tiệc chúc mừng. Hôm ấy cũng có mẹ con bà Nguyễn Thị Len dự tiệc, và một người con trai của bà lấy tên An Nam là Nguyễn Văn Lễ nữa, Văn lễ đã 51 tuổi.
Đi ăn tiệc, bà Nguyễn Thị Len mặc y phục An Nam, khăn nhiễu và áo cặp hàng hoa; cô Marie cũng vậy. Bà kể chuyện rằng vào thuở Gia Long – Minh Mạng, chồng bà từng được ban cho triều phục và bà cũng được ban cho thịnh phục, đến những hơn mười cặp áo; áo bà mặc hôm nay tức là của ban cho.
Một người vợ Tây được nhà vua ban cho thịnh phục, đến những 10 cặp áo thì tưởng lại còn vinh hạnh hơn là phẩm hàm và huy chương nữa!
Trong tiệc bà Nguyễn Thị Len được mời vào chỗ long trọng. Nhờ ông Aubarez đem lịch sử bà giới thiệu giữa tọa khách nên các quan Tây mới được biết bà và tỏ ý kính trọng, trầm trồ khen ngợi không thôi.
Trong những ngày sứ bộ ở Paris, mẹ con bà Nguyễn Thị Len cứ hay tới lui sứ quán mà thăm viếng các quan. Tối hôm mồng 10 tháng 9, các quan trong bộ Ngoại giao Pháp đến chơi ở sứ quán thì cũng có gặp mẹ con bà ở đấy. Các quan hỏi biết lai lịch của bà thì ai nấy đều khen lao và an ủy.
Hôm đó, ba vị sứ thần hỏi bà Nguyễn Thị Len ở lâu tại Paris như thế, chẳng kẻo bỏ bễ công việc ở nhà chăng. Bà nói con cái đã ở riêng cả rồi, việc nhà chẳng có gì hệ lụy. Còn không bao lâu nữa sứ bộ sẽ về nước, bà muốn ở lại tiễn chân bà mới an tâm.
Quả nhiên đến ngày 26 tháng 9 các quan sứ thần sắp sửa rời Paris để đi sang Y-pha-nho thì mẹ con bà Nguyễn Thị Len lại đến sứ quán tống biệt. Cố nhiên lần này bà phải khóc nhiều hơn lần trước.
Các quan sứ thần chi ra 50 lượng bạc, 10 ngân tiền, 10 tấm vừa the vừa lụa cấp cho mẹ con bà. Số bạc và lụa chi cấp ấy về sau có đem bản kê khai trình ngự lãm.
Đọc chuyện bà Nguyễn Thị Len đây, hẳn độc giả phải cho là một me tây tốt số, có lẽ từ đó đến giờ, chưa có me tây nào sánh bì.
Quý là ở tại chỗ được theo ở với chồng trọn đời, lên bậc cụ, có đông con mà lại trai gái đã thành lập. Không có đâu như những kẻ khác, tiếng là lấy Tây mà rốt cục lại, chồng chẳng có mà con cũng chẳng có, chết một cái là “gia tài nhập quan”! Như thế, phẩm hàm đã chẳng làm chi rồi, mà huy chương cũng chẳng làm chi nữa!
Phan Khôi
Nguồn: Hà Nội báo, Hà Nội, s. 17 (29 Avril 1936), tr. 13 – 15.
Đăng lại từ trang lainguyenan.free.fr
Phần Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1937
Do nhà văn Lại Nguyên Ân sưu tầm