Cuộc sống vốn đơn giản, chỉ là bạn làm cho nó phức tạp (ảnh TH)
Chàng nông dân bỏ quê lên phố
Người Anh-điêng xưa có một câu nói rằng: “Đừng đi quá nhanh, hãy chờ đợi linh hồn của bạn”. Trên hành trình dài của cuộc đời, bạn có bao giờ quên đi ước nguyện ban đầu?
Jon Jandai sinh ra ở một ngôi làng nghèo và xinh đẹp ở miền Bắc Thái Lan. Cuộc sống của người dân ở đây khá là thanh nhàn, trong năm chỉ có 2 tháng bận rộn: Một tháng cấy lúa và một tháng thu hoạch lúa. Còn những lúc khác thì mọi người có thể đi câu cá, dạo chơi, trò chuyện tán gẫu…
Jon Jandai đã lớn lên trong những tháng ngày bình yên như thế. Nhưng lúc này anh phát hiện ra, có rất nhiều thanh niên trong làng đã đến các thành phố lớn để theo đuổi cái gọi là ‘thành công’. Kết quả là Jon không thể ngồi yên và đã đi đến Bangkok để học luật. Tuy nhiên vì anh quá nghèo nên phải dành rất nhiều thời gian để đi làm những việc lặt vặt.
Sự bất mãn trong học tập khiến Jon có một chút hận đời. Hơn nữa cuộc sống của anh cũng rất khó khăn. Khi đi làm những công việc lặt vặt, Jon phải sống trong một căn phòng trọ với hàng chục người; đến bữa anh chỉ được ăn một bát mì Thái hoặc là cơm chiên.
Anh phải đứng trước cửa khách sạn lớn và trên đường để phát tờ rơi; anh phải đi bưng bê phục vụ thức ăn. Mỗi ngày đều mệt mỏi rã rời.
Cuộc sống mệt mỏi, anh lại bỏ phố về quê
Cứ như vậy, Jon càng ngày càng mơ hồ – “Đây là cuộc sống kiểu gì vậy, mình chịu đựng như vậy là đủ rồi!” Anh quyết định trở về quê hương và bắt đầu cuộc sống tự túc của mình.
Sau 7 năm ở Bangkok, Jon trở về quê hương và bắt đầu cuộc sống mới cách Chiang Mai khoảng 50 km về phía Bắc. Khi đó, Jon không ngờ rằng sự lựa chọn này sẽ thay đổi cuộc đời anh.
Jon về quê và tự làm vườn để sinh sống (ảnh managershare)
Jon như được quay trở về cuộc sống thời thơ ấu, khi mà một năm chỉ bận bịu 2 tháng: Một tháng cấy lúa và một tháng thu hoạch. Jon thu hoạch 4 tấn lúa một năm, cả nhà anh ăn một năm chỉ hết nửa tấn, còn lại thì để bán.
Con người phải dành cả nửa cuộc đời để xây được một ngôi nhà
Xuân đi thu lại, cuộc sống của Jon rất ung dung tự tại. Một ngày nọ, anh nghe nói rằng bạn học có thành tích tốt nhất trong lớp đã mua một căn nhà ở Bangkok, nhưng anh ta mua trả góp và sẽ phải trả dần trong 30 năm.
Jon thấy vậy thì mừng thầm: “Mình học hành kém vậy, có 300 năm nữa cũng không thể mua được nhà!”
“Chuột đào hàng chỉ mất một đêm; chim xây tổ chỉ cần 2 ngày. Vậy tại sao con người phải dành nửa đời người cho một ngôi nhà? So với động vật thì con người là thượng đẳng hay là ngu ngốc?” Jon đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Sau đó anh đã quyết định xây một ngôi nhà cho riêng mình. Anh đã tự học cách để xây nhà.
Lúc này Jon đã có đủ đất đủ thời gian, nhưng anh vẫn không có nhiều tiền. Nhưng tiền cũng không phải là thứ quan trọng nhất. Jon tự học kỹ thuật xây nhà bằng gạch không nung, sáng nào cũng làm từ 5h đến 7h. Trong vòng chưa đầy 3 tháng đã xây xong 1 ngôi nhà.
Một trong những ngôi nhà trong trang trại của Jon (ảnh managershare)
Kể từ đó mỗi năm Jon xây ít nhất 1 ngôi nhà. Đến nay (2015) anh đã xây được hơn chục ngôi nhà trong trang trại. Mỗi ngôi nhà đều là biệt thự trang viên; mỗi ngày anh đều suy nghĩ xem sẽ ngủ ở đâu.
Chàng nông dân đã trở thành ‘thầy giáo’
Dần dần kỹ năng xây nhà của Jon đã lan rộng mười dặm và tám ngôi làng. Quy mô trang trại của anh cũng ngày càng lớn hơn. Anh cũng thành lập thương hiệu trang trại của riêng mình tên là: Pun Pun Organic Farm.
Nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm của Jon. Cậu ‘học sinh kém’ đã trở thành thầy giáo và dạy mọi người cách khai khẩn đất hoang, làm ruộng. Học trò của anh không chỉ là những người dân làng đó, mà còn là những thanh niên hiếu học đến từ Hà Lan và Hoa Kỳ.
Với nhiều người hơn đến vùng đó, ăn uống trở thành một vấn đề. Vì vậy mà Jon đã mở hai nhà hàng hữu cơ và thành lập một nông gia nhạc (mô hình trang trại có bao gồm các hình thức giải trí) Thái Lan của riêng mình. Mọi người đến đó để thảo luận về dưỡng sinh và thưởng thức thực phẩm hữu cơ.
Jon trở thành ‘thầy giáo’ và chỉ dẫn cho người khác cách làm nông (ảnh managershare)
Có người còn đến những ngôi nhà mà Jon xây dựng để tập Yoga. Và đúng lúc này, chàng nông dân Thái Lan đã nảy sinh tình yêu xuyên quốc gia. Trong một nhóm bạn đến từ Âu Mỹ, Jon đã được Peggy Reents đến từ Colorado, Hoa Kỳ để ý đến bằng sự quyến rũ độc đáo của anh. Hai người lấy nhau và sinh được một cậu con trai.
Cuộc sống vốn đơn giản, tại sao cứ phải làm nó trở nên khó khăn?
Câu chuyện đầy cảm hứng này đã lưu truyền ở ngoại ô Chiang Mai và cuối cùng đã gây chấn động truyền hình Thái Lan. Họ vội vã đến phỏng vấn Jon. Không những thế anh còn thu hút sự chú ý của các học giả quốc tế. Josh Kearns từ Đại học Colorado, Hoa Kỳ cũng đến hỏi cách làm than củi từ nguyên liệu truyền thống.
Sau đó, Jon nhận được lời mời từ hội thảo TED nổi tiếng. Vợ anh đã nói anh phải luyện tiếng Anh thật tốt trước khi lên sân khấu. Kết quả là người nông dân Thái Lan nói tiếng Anh trôi chảy và có bài phát biểu quan trọng trên bục diễn thuyết nơi quy tụ của giới tinh hoa: “Cuộc sống vốn đơn giản, tại sao bạn cứ phải làm nó khó khăn như vậy?”. Bài diễn thuyết của anh đã nhận được nhiều trận cười và tràng pháo tay khen ngợi.
Gia đình hạnh phúc của anh Jon (ảnh managershare)
Jon, một người từng bị lạc lõng giữa thành phố lớn, đã trở thành một nhà lãnh đạo cộng đồng và là một người thành công trong cuộc sống này.
Jon của ngày hôm nay thích suy nghĩ về cuộc sống trên cánh đồng của anh: “Tôi có được cuộc sống của ngày hôm nay, cũng là nhờ năm đó đã lắng nghe trái tim mình!”
Cuộc sống vốn đơn giản và không cần quá nhiều vật chất, xã hội hiện đại giúp chúng ta có nhiều thứ hơn những kèm theo đó là nhiều sự mệt mỏi hơn.
Chân Chân / Theo: Vision Times