Friday, May 6, 2022

LỄ KỲ YÊN CỦA NGƯỜI NAM BỘ

Hằng năm, từ giữa tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, hầu hết các đình, miếu tại các tỉnh Nam Bộ đều diễn ra Lễ Kỳ Yên. Đây không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân giàu nước mạnh, mà còn là một ngày hội tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ từ bao đời nay.

Biểu diễn nghệ thuật hát bội tại Lễ Kỳ Yên , tỉnh Long An

Trang trọng phần lễ

Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng, thường có tục thờ thần. Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị thần Thành Hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó. Vào dịp đầu năm mới, tùy theo phong tục từng làng mà người dân trong vùng sẽ tổ chức lễ cúng (cúng đình) hay còn gọi là Lễ Kỳ Yên (tức là cầu an).

Lễ Kỳ Yên là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Tùy theo phong tục mỗi nơi mà lễ này sẽ được ấn định về thời gian, thứ tự và chi tiết. Tuy nhiên, thường thì các Lễ Kỳ Yên phải được tiến hành trang trọng tại một ngôi đình, đền, miếu… thời gian tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Lễ và hội.

Trong phần lễ có các nghi thức rước sắc thần về đình; dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ, ông Nam Hải, bà Ngũ Hành… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở Lễ Kỳ Yên, phần lễ rất quan trọng và được tổ chức trang nghiêm. Những người đứng ra tế lễ hoặc tham gia vào nghi thức tế lễ thường là những bậc cao niên, người có chức sắc, hoặc có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Lễ Thay khăn Sắc Thần trong Lễ Kỳ Yên đình Bình Thủy (Cần Thơ)

Vui tươi phần hội

Điều làm nên nét đặc sắc của các Lễ Kỳ Yên cũng phải kể đến phần hội. Phần hội ở đây thường gồm các chương trình múa lân, múa rồng, các trò chơi dân gian… Người dân đến với Lễ Kỳ Yên ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ, còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha đã khai hoang lập ấp. Đồng thời, được thỏa sức thưởng thức các chương trình nghệ thuật như hát bội, cải lương… Tuy nhiên, trong ngày Lễ Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ để giải trí bình thường mà cũng mang nội dung nghi lễ riêng biệt. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.

Chẳng hạn hát bội, hay hát tuồng trong ngày Lễ Kỳ Yên hầu hết đều gồm 3 tiết mục: Khai chầu đại bội, hát tuồng và tôn vương. Hồi chầu Tiết mục đầu tiên mang tính nghi lễ như tẩy uế, thử trống và đánh ba hồi trống khai tràng. Tiết mục cuối cùng mang tính chúc tụng.

Hát tuồng cũng thường có ba màn hát: Hai màn đầu có thể là cảnh loạn lạc, người trung thành bị gian thần hãm hại, vua bị tiếm quyền. Nhưng màn cuối cùng thì chính nghĩa phải thắng gian tà. Trong các màn diễn hát thường có một vị chức sắc của đình, hoặc Người có uy tín trong cộng đồng cầm chầu là người thay mặt thần, thay mặt khán giả khen, chê bằng tiếng trống.


Ngoài ra ở một số nơi, Lễ Kỳ Yên cũng là dịp để mọi người thi thố tài nghệ, sự khéo léo thông qua các vật phẩm cúng tế, trưng bày được kết bằng hoa quả, cây lá, sản vật địa phương… Tại một số nơi, Lễ Kỳ Yên còn là dịp để giới thiệu các loại trái cây đầu mùa. Hay có nơi còn tổ chức đua ghe, đua xuồng, triển lãm gia súc, gia cầm… Đặc biệt, các bữa tiệc trong ngày Lễ Kỳ Yên ở Nam Bộ chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có chuyện ăn nhậu say sưa, gây mất an ninh trật tự.

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ có đến hàng trăm ngôi đình, đền, miếu. Hằng năm, các nơi này hầu hết đều tổ chức Lễ Kỳ Yên rất trang trọng, thu hút đông đảo Nhân dân quanh vùng về tham dự.

Lê Vũ / Theo: baodantoc

No comments: