Có một câu chuyện viết về hai con đại bàng và một người thợ săn: 2 con đại bàng, một con bay rất nhanh, còn một con bay rất chậm. Đại bàng bay chậm cảm thấy khó chịu, ghen ghét đố kỵ với đại bàng bay nhanh.
Một lần, đại bàng bay chậm nói với người thợ săn rằng: Phía trước có một con đại bàng bay rất nhanh, anh hãy dùng cung tên bắn hạ nó đi; Thợ săn nói:
– Được, nhưng mũi tên của ta thiếu một chiếc lông vũ, ngươi có thể nhổ một cái cho ta được không?
Đại bàng bay chậm nói:
– Được, chỉ cần bắn chết nó thì một chiếc lông vũ có đáng kể gì. Nói rồi, nó nhổ một cái lông rồi đưa cho người thợ săn.
Người thợ săn buộc lông làm đuôi tên rồi lắp tên, kéo căng dây cung, nhằm vào con chim đại bàng bay nhanh kia rồi bắn, nhưng không bắn trúng, vì con đại bàng đó bay cao quá.
Người thợ săn lại thương lượng với chim đại bàng bay chậm rằng:
– Nhổ thêm một chiếc lông nữa có được không? Đại bàng bay chậm đồng ý, nó lại nhổ một chiếc lông vũ nữa trao cho người thợ săn.
Nhưng lần này lại bắn không trúng. Cứ thế, mỗi mũi tên bắn đi, đại bàng bay chậm lại lần lượt nhổ một cái lông vũ của mình. Đến khi đại bàng bay chậm đã nhổ hết lông trên thân mình mà người thợ săn vẫn chưa bắn trúng đại bàng bay nhanh.
Còn đại bàng bay chậm giờ đây toàn thân đã trọc lóc, nó đã không thể bay được nữa rồi. Lúc này, người thợ săn cười và nói với nó rằng:
Có một con đại bàng không biết bay ở đây, thế thì việc gì ta phải lao tâm nhọc sức bắn con đại bàng bay nhanh tận trên trời cao kia nhỉ? Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng kẻ hại người cuối cùng lại là hại chính mình.
Điều gì đã làm hại con đại bàng bay chậm khiến nó tự nhổ hết lông của bản thân? Nguyên do chính là từ lòng ghen ghét đố kỵ, khi thấy con đại bàng kháс bay cao hơn mình, bay nhanh hơn mình thì tật đố không chịu nổi, mất cả lý trí mà tự nhổ hết lông của mình đi. Kháс nào kẻ đào hố hại người nào có ngờ chính là đào mộ chôn mình. Đó chính là tai hoạ do tâm đố kỵ sinh ra.
Nhà văn Balzac từng nói: Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.
Thế nên cần học biết cảm ơn. Chúng ta thử nghĩ xem, thấy người kháс ưu tú, xuất sắc thì tại sao chúng ta lại không vui, đó chính là bản chất của ma quỷ sai khiến, không phải phần lương thiện tiên thiên trong con người chúng ta khởi tác dụng. Bởi vậy, chúng ta luôn phải biết ước thúc bản thân mình, biết vui trên niềm vui của người khác, như vậy chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều lần.
Tại sao con đại bàng nay nhanh không bị bắn hạ? Vì nó đã bay rất cao, khi đã ở trên cao thì cũng không bị lo sợ bị hãm hại, không sợ người khác khống chế, điềm tĩnh mà lại an toàn. Trong cuộc sống nếu chúng ta muốn vượt qua hoàn cảnh và những người phá rối mình thì chúng ta cần nỗ lực, không ngừng thăng hoa, tiến lên một tầm cao mới.
Thay vì tin rằng cái gì là của mình thì sẽ là của mình, những gì không là của mình thì có cố gắng cũng không có được, người ta lại tin rằng mình có thể có được mọi thứ của người khác nữa. Người xưa tin vào số phận, vào nghiệp đức, nên ai có ưu thế hơn người khác là vì kiếp trước họ đã ăn ở tốt. “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Người ta từ đó sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ghen ghét mà khuyên răn nhau làm việc tốt để được phúc báo.
Các tín ngưỡng cổ xưa đều hướng con người ta đến cái Thiện, mà một biểu hiện của Thiện chính là biết đặt mình vào vị trí người khác, nghĩ cho người khác. Thế nên, trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy đã viết: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác”.
Theo: Vandieuhay
No comments:
Post a Comment