Có hàng tỷ người trên thế giới, mỗi người có một cách sống riêng và mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng.
Có câu nói nổi tiếng: “Rèm cửa sổ nhà người khác tốt nhất không nên nhìn trộm, bạn nên treo một cái trong nhà của mình, lộng lẫy cũng được, đơn giản cũng được. Nếu bạn không thích treo hoặc quá lười treo, vậy thì có thể mở toang cửa sổ cũng được. Có điều, dù thế nào đi nữa, bạn cũng nên học cách tôn trọng rèm cửa sổ nhà người khác”.
Cách sống thông minh nhất của đời người, đó chính là: “Không nhìn nhiều, không nói nhiều, không nhiều chuyện, không để tâm nhiều”.
Bạn không bao giờ có thể thực sự quen một người trừ khi bạn đi vòng quanh trong đôi giày của anh ta và suy nghĩ theo quan điểm của anh ta.
Đôi khi, những gì có vẻ bình thường đối với bạn có thể là một món quà mà người khác luôn mơ ước. Trong mắt bạn, trải nghiệm không đáng nói có thể là hạnh phúc khó giành được của người khác.
Con người ta khi còn sống, nên chiếu ánh sáng của chính mình chứ không phải làm tắt đi ngọn đèn của người khác.
Khi bạn không thể đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của người khác, bạn cũng có thể chọn cách sống tử tế.
Không ngưỡng mộ cuộc sống của người khác là một loại trưởng thành
Phim ngắn đoạt giải Oscar "Cửa sổ hàng xóm" kể về một câu chuyện ý nghĩa:
Có một cặp vợ chồng trung niên, sau nhiều năm bôn ba khắp chốn, họ dần dần mất đi nhiệt huyết đối với cuộc sống, họ sống tạm bợ ngày qua ngày
Một lần sau bữa tối, họ vô tình nhìn xuyên qua cửa sổ, họ thấy tầng nhà đối diện có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương và ân ái với nhau, trông vô cùng hạnh phúc.
Kể từ đó, việc nhìn trộm qua cửa sổ đối diện đã trở thành gia vị cuộc sống của hai vợ chồng.
Họ thấy đôi vợ chồng trẻ thường xuyên ăn uống vui vẻ, ông bà liền sinh ra lòng đố kỵ, họ bắt đầu so sánh cuộc sống của bản thân họ, sau đó liền cảm thấy chán nản vô cùng, trong lòng sinh ra buồn rầu, thất vọng.
Mãi cho đến một ngày, bà lão đột nhiên phát hiện người chồng trẻ mắc bệnh nặng, đầu tóc cậu ta cạo trọc lóc, nằm trên giường bệnh. Không lâu sau đó, xe cứu thương đỗ ở dưới tòa nhà đón người đó nhập viện.
Từ cửa sổ, bà nhìn thấy người vợ trẻ đang đứng một mình ở dưới tầng lầu, nhìn bộ dạng của cô vô cùng đau khổ, do vậy bà đã xuống lầu và an ủi người vợ trẻ.
Người vợ trẻ nhìn thấy bà, khóc lóc nói: “Chồng cháu bị bệnh hiểm nghèo, chúng cháu vẫn luôn ngưỡng mộ gia đình 5 người nhà bác, lúc nào cũng vui vẻ hòa thuận, cùng nhau ăn cơm, bình yên và thoải mái”.
Bà chợt hiểu ra cuộc sống tưởng chừng như đơn giản, tẻ nhạt trong mắt của đôi vợ chồng trung niên, thì lại chính là cuộc sống đáng mơ ước đối với người khác.
Sống trong phúc mà cứ luôn mải kiếm tìm hạnh phúc, đó chính là điều chúng ta thường thấy ở nhiều người.
Có bao nhiêu người, khi còn trẻ luôn cảm thấy cuộc sống của người khác may mắn, đáng mơ ước, họ cứ luôn khao khát tìm được công việc tốt, gặp được người bạn đời lý tưởng, cùng nhau xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, mỹ mãn.
Trưởng thành dần, họ lại cảm thấy con nhà người ta sao cái gì cũng xuất sắc, con nhà mình quá ư là tầm thường, không làm nên trò trống gì cả.
Sau độ tuổi trung niên, chúng ta thường mang một cái tâm thích so bì với cuộc sống của người khác, luôn nhìn chằm chằm vào hạnh phúc của người khác, và sau đó cảm thấy phiền não cho chính cuộc sống của chính mình.
Ông Trời sẽ không để tất cả hạnh phúc tập trung vào một người. Người có được tình yêu nhưng không nhất định có nhiều tiền, người có nhiều tiền không nhất định là người hạnh phúc, người có được hạnh phúc không nhất định có được sức khỏe, người có được sức khỏe thì không phải chuyện gì trong đời cũng thuận buồm xuôi gió. Bảo trì một thái độ biết đủ thường vui, không so đo với người khác, đó mới là trạng thái tốt nhất của đời ngườ
Một người thực sự trưởng thành biết cách nắm bắt khoảnh khắc hiện tại, không đố kỵ, phàn nàn hay so sánh với ai.
Trong nửa cuối cuộc đời, bạn phải học cách buông bỏ những gì bạn không thể có được, những gì bạn đã có, hãy trân trọng nó.
Cuộc sống là của bạn, thay vì suốt ngày nhìn vào ô cửa sổ của người khác, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh và nhìn nhận thật kỹ trái tim của chính mình.
T. Linh / Theo: Aboluowang
No comments:
Post a Comment