Lăng mộ mà Võ Tắc Thiên an táng cùng Lý Trị đã từng bị người ta dùng dao kiếm chém, cũng bị pháo lớn bắn, cũng đã từng bị kẻ đào trộm mộ huy động lên đến 400.000 người mà cũng không tìm thấy vị trí cụ thể của Càn Lăng. Người ta cho rằng, bên cạnh lăng mộ của Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn, mộ Võ Tắc Thiên là ngôi mộ cổ khó khai quật nhất Trung Quốc. Lăng mộ của bà không những khiến bọn trộm mộ không biết đâu mà lần, mà ngay cả các thiết bị khoa học kỹ thuật cao cũng không nắm chắc được.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các bí thuật chống trộm mộ của thời cổ đại.
Bí thuật cổ đại chống trộm mộ
Vào một đêm tối gió lớn của những năm cuối triều Kim, giữa khu rừng rậm rạp của ngoại ô phía đông Lạc Dương, tên trộm họ Chu dẫn theo một đám huynh đệ cùng nhau đào một lăng mộ lớn. Sau khi vào bên trong lăng mộ, bọn chúng hoa hết cả mắt bởi vô số vàng bạc châu báu bên trong. Vậy là chúng tức tốc di chuyển kho báu lớn đi.
Tên trộm Chu đi thẳng tới quan tài ở giữa lăng, cạy mở quan tài 7 lớp xong, mắt hắn sáng lên, trong lòng vui sướng bởi vàng bạc châu báu trong đó quả thực là vô giá, hắn chọn lấy những thứ đắt giá nhất, duy chỉ có chiếc đai lưng ngọc đeo trên thi thể trong lăng là không thể lấy ra được. Từ thi thể có thể thấy lúc còn sống người này là một nam nhân vóc người cao lớn, cứng rắn. Còn tên trộm mộ họ Chu vóc người lại gầy nhỏ nên hắn không di chuyển được thi thể nằm trong lăng mộ. Không muốn bỏ qua chiếc đai ngọc quý giá này nên hắn đã nghĩ ra một cách: lấy dây thừng buộc vào cánh tay thi thể, vật lộn hết sức nâng nửa thân trên của thi thể cho ngồi dậy. Thế là tên trộm họ Chu mừng rỡ gỡ chiếc đai lưng ngọc ra.
Nhưng không ngờ, lúc đó lại xảy ra một sự việc đáng sợ!
Miệng của chủ nhân lăng mộ hé mở, phụt ra những dịch thể đen đen, vô cùng hôi thối. Tên trộm không kịp né và mặt dính đầy dịch. Tên trộm Chu hét lớn lên trong đau đớn, khiến đồng bọn đều sợ khiếp vía, tưởng rằng thi thể trong mộ sống dậy. Bọn chúng vứt hết châu báu, ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Khi về nhà, tên trộm Chu nghĩ rằng đã bị trúng độc của xác chết, sắp chết rồi. Nhưng vài ngày qua đi không có vấn đề gì, hắn vô cùng vui sướng. Nhưng sau lần trộm đó, mặt hắn biến thành đen, rửa cũng không thể sạch. Và mọi người gọi hắn là Chu Mặt Đen. Vì mang khuôn mặt đen như thế dễ khiến mọi người chú ý. Vài ngày sau, câu chuyện trộm mộ lan truyền ra, Chu và đồng bọn của hắn bị quan phủ gọi lên chất vấn. Bởi ngôi mộ mà tên Chu tới trộm không phải là ngôi mộ bình thường mà đó là lăng Vĩnh Xương nổi tiếng - mộ của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (Nguồn wikipedia)
Sự việc trộm mộ này được ghi chép lại trong “Thứ Trai Lão Học Tùng Đàm” do Thịnh Như Tử thời nhà Nguyên viết. Tên của kẻ trộm mộ cũng được ghi lưu vào trong sách. Chu Mặt Đen có thể nói là một trong những nhân vật nổi bật trong các tên trộm mộ.
Trong văn hóa truyền thống Á Đông thường cho rằng ‘nhập thổ vi an’ (an nghỉ dưới đất), không muốn quấy rầy sự yên nghỉ của tổ tiên. Đào trộm mộ là việc khiến người ta cảm thấy vô cùng vô sỉ, vô đạo đức.
Bắt đầu từ thời đại Tiên Tần, nếu kẻ trộm mộ bị bắt tại hiện trường, hắn sẽ phải chết. Chu Mặt Đen và đồng bọn của hắn trong câu chuyện trên cuối cùng cũng phải chịu hình phạt, bị đánh đến chết.
Theo ghi chép sách luật của thời nhà Hán, phàm là kẻ trộm mả đào mộ, mua bán đồ tùy táng ăn cắp, người trông coi mộ biển thủ, đều phải bị phanh thây. Hình phạt phanh thây này còn tàn khốc hơn cả xử ngũ mã phanh thây.
Nhưng kho báu khổng lồ trong các hầm mộ luôn có sức mê hoặc quá lớn, đặc biệt là trong lăng của các Hoàng đế. Vì vậy, bất chấp luật hình hà khắc cũng không thể ngăn chặn được những tên trộm mộ.
Vì vậy, những biện pháp bảo vệ lăng mộ của các vương hầu, tướng lĩnh liên tục được tăng cường để tránh sự quấy phá của những kẻ đạo tặc. Từ đó thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bí thuật chống trộm mộ. Dưới đây là tóm tắt một số kỹ thuật bí mật thời cổ đại.
Mộ hố lửa
Phía trên mộ bôi lên những thứ như bùn trơn và than củi để bí mật lấp huyệt mộ, đồng thời ngăn nước ngấm vào mộ thất, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm không thay đổi cho bên trong mộ. Thể khí trong huyệt mộ biến thành metan, thể khí này dễ cháy. Kẻ trộm mộ thời xưa không giống như các nhà khảo cổ, chúng chỉ dám ra tay hành động vào buổi đêm và không có ánh đèn soi sáng. Vì thế, sau khi cậy hầm mộ và thăm dò ở bên trong, cũng phải dùng lửa để soi rõ. Nhưng khi lửa gặp metan sẽ bốc cháy, khiến bọn đạo tặc bị ngập trong biển lửa.
Cuối năm 1972, một bệnh viện ở Trường Sa cải tạo chỗ đất trống, có người đã phát hiện ra thổ nhưỡng vốn là màu đỏ lại biến thành vô cùng xốp, rút que thép ra thấy có một loại khí phun ra. Lúc đó có công nhân bên cạnh châm điếu thuốc, chất khí gặp lửa liền bốc cháy làm mọi người xung quanh hoảng sợ và phải vội ngừng ngay thi công để đảm bảo an toàn.
Lăng mộ Mã Vương Đôi (Nguồn wikipedia)
Qua khảo sát phát hiện, phía dưới công trình có một hầm mộ. Lăng mộ ‘vô tình’ bị phát hiện do khí ga này chính là mộ Mã Vương Đôi, di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở Trường Sa, tỉnh Hà Nam.
Kỹ thuật mộ hố lửa này có ưu điểm đó là không đòi hỏi kỹ thuật khó, dễ làm mà lại đơn giản, có hiệu quả; hơn nữa nó rất phù hợp với công nghệ chống thấm dột cho các công trình xây dựng lăng mộ, không cần thêm chi phí bổ sung.
Nhưng cũng có người cho rằng kỹ thuật xây mộ cổ đại kiểu này là tác dụng phụ tự nhiên mang lại, không phải có ý làm ra như vậy.
Chống trộm cơ giới
Cách chống trộm thứ hai này khó hơn một chút, gọi là chống trộm cơ giới. Ví dụ, chôn quan tài thật ở nơi rất sâu, phía trên phủ đầy đá, rồi đổ đầy cát mịn hoặc đá nhỏ, sau đó đặt quan tài giả lên và lại dùng cát mịn chôn cất. Như thế sau khi kẻ đào trộm mộ đào tới quan tài giả sẽ bị sa vào trong cát, bị cát vùi lấp. Đây gọi là mộ chứa đá chứa cát.
Mộ Quách Trang Sở ở Thái Huyện, tỉnh Hà Nam chính là dùng cách này để chống đào trộm mộ và thiết kế bẫy có phần tinh xảo hơn. Ví dụ như dưới lăng mộ đào một hố, rồi đặt dưới đó dàn chông sắc nhọn dựng đứng tầm 10 cm, trên hố che lấp bằng tấm gỗ, giữa các tấm gỗ có trục và dưới nó treo một vật thể có trọng lượng tương đồng, nó đóng vai trò để cân bằng. Trên tấm gỗ có bố trí che đậy. Nếu kẻ trộm tới và dẫm lên tấm gỗ, thì phía bên dưới tấm gỗ sẽ lật, và tên trộm sẽ bị rơi xuống bẫy chông phía dưới và cơ hội sống sót là hoàn toàn không thể.
Hầm chông chống trộm mộ (Hình chụp từ clip)
Cách phòng trộm cao cấp hơn chút, sẽ sắp xếp vũ khí ẩn. Máy nỏ là một loại kỹ thuật Mặc gia, chỉ cần chạm vào vũ khí ẩn sẽ bất ngờ bắn tên giết chết kẻ trộm mộ. Dĩ nhiên vẫn có các biện pháp khác phòng chống trộm mộ như đổ chất độc...
Những cách này có thể quy về các biện pháp chống trộm có tính chất vật lý hoặc hóa học, có thể coi là những kỹ thuật khá thấp kém. Chỉ cần tên đào trộm mộ có kinh nghiệm, hay chịu tìm hiểu kỹ thuật thì cũng đều có thể tránh khỏi những cái bẫy đó. Vì thế, bí thuật chống trộm mộ kỹ thuật cao cấp nhất thực sự chính là loại thứ 3 chúng ta sẽ đề cập tới trong bài viết này
Chống trộm bằng phong thủy: Kỳ môn Độn giáp
Chính là dựa vào bố trí phong thủy lựa chọn đất làm mộ, dựa vào thuật Kỳ môn Độn giáp để xây lăng mộ và sử dụng sự hỗ trợ của sức mạnh linh giới để đối phó với những tên đào trộm mộ.
Lăng mộ như thế có thể nói đã đạt tới mức độ an toàn đẳng cấp rất cao. Nghe thì có vẻ huyền hoặc nhưng Càn Lăng nằm tại Càn Huyện, tỉnh Thiểm Tây là một lăng mộ như thế.
Vào thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, nước Hậu Lương có một Tiết độ sứ tên là Ôn Thao, dẫn đầu quân đội đóng tại Quan Trung. Ôn Thao vốn khởi nghiệp từ kẻ đạo tặc, và 18 lăng mộ đế vương triều Đường đều ở Quan Trung. Vào thời đại thịnh vượng của nhà Đường, dù là hoàng gia, quý tộc hay dân thường, đều lưu truyền tập tục hậu táng (an táng long trọng). Kho báu trong lăng mộ hoàng đế không cần nói cũng biết nhiều và hấp dẫn tới mức nào.
Đối với Ôn Thao, 18 lăng mộ Hoàng Đế này giống như một núi vàng. Trong 7 năm làm tiết độ sứ, hắn đã đào 17 lăng mộ Hoàng Đế, trong đó có Chiêu Lăng của Đường Thái Tông. Hắn đã đào trộm được vô số vàng bạc châu báu và cũng đã hủy hoại đi rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá và bị người đời sau thóa mạ.
Trong 18 lăng Hoàng Đế, chỉ có duy nhất một lăng mộ, hắn không thể ra tay. Đó chính là Càn Lăng, nơi chôn cất Đường Cao Tông cùng Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên (Nguồn wikipedia)
Không lẽ Ôn Thao hoàn lương? Hay hắn thấy đã kiếm đủ rồi nên rửa tay, thoái xuất giang hồ? Thực ra không phải, mà đúng ra là hắn đã tìm đủ mọi cách nhưng không để động vào Càn Lăng.
Khi đào Càn Lăng, hắn đã huy động hàng vạn nhân mã. Nhưng kỳ quái là lần đầu lên núi thì gặp trận gió bão đột ngột, cát đá bay tung, cuồng phong bốn bề, binh sĩ không nhìn rõ là ngày hay là đêm nên bọn chúng không có cách nào có thể đào mộ. Nhưng đợi khi đội quân đào mộ rời đi, thời tiết lập tức trở nên trong sáng. Ôn Thao liền hiểu ra vấn đề.
Mặc dù hắn là tên đạo tặc, nhưng hiểu một chút về thuật phong thủy. Đây cũng là nguyên nhân trước đây hắn liên tục ra tay đào trộm mộ. Hắn biết cách nghiên cứu về bố trí phong thủy của lăng mộ, biết có thể ra tay tại chỗ nào, đào trộm lúc nào thì có thể phá mộ dễ dàng nhất.
Lúc đó hắn liền vội xuất quẻ, quả đúng là hắn bói ra được ngày lành. Tới ngày đó, hắn tập hợp người, ngựa, đục núi, động thổ, đào Càn Lăng. Tương truyền, lần thứ hai này, nhóm của Ôn Thao thực sự đã tìm ra được cửa vào lăng mộ và một số kẻ đã vào được bên trong. Khi bọn chúng đi vào huyệt mộ, đã xảy ra một chuyện đáng sợ.
Đường trong mộ vốn đang tối om đột nhiên biến thành sáng bừng rực rỡ. Ánh nến xoẹt một cái tất cả đều thắp sáng lên. Tất cả bọn đạo tặc ở bên trong sợ khiếp hồn, không có ai nhóm lửa, làm sao nó lại tự động sáng lên. Khi bọn chúng đang hoảng loạn, cửa đá cạch một cái liền đóng lại, và nhóm trộm bị nhốt ở trong, ánh sáng cũng lập tức biến mất. Những kẻ đi vào trong hầm mộ không thể trở ra được.
Về việc này, có cách giải thích rằng: đường trong hầm mộ có rất nhiều phốt pho trắng, khi gặp không khí nó sẽ tự cháy lên, không có oxy nó sẽ tự động dập tắt. Những kẻ bị mắc kẹt bên trong sẽ bị chết vì thiếu oxy. Ôn Thao dù tham lam nhưng cũng nhát chết và hiểu rằng chút công phu của bản thân không phá nổi Càn Lăng. Từ đó, hắn vứt bỏ ý định đào trộm Càn Lăng. Đây không phải là truyền thuyết mà đã thực sự được ghi vào trong sử sách.
Trong quyển 40 của ‘Tân Ngũ Đại Sử’ có viết “Duy Càn Lăng phong vũ bất khả phát”, chính là một khi đào tới Càn Lăng lập tức sẽ nổi lên gió bão, không thể tiến hành đào bới.
Ngoài Ôn Thao, còn có không ít kẻ đã động chạm tới Càn Lăng. Vào cuối triều Đường, Hoàng Sào đã huy động 40 vạn đại quân để đào Càn Lăng, đào ra một cái rãnh sâu hơn 40m nhưng không tìm ra được cửa mộ, đành phải bó tay. Ngày nay, tại phía tây đỉnh núi Lương Sơn vẫn còn một cái rạch sâu, nó được đặt tên “rãnh Hoàng Sào”.
Vào khoảng 1000 năm sau, thời Dân Quốc, tướng Tôn Liên Trọng đã phái hẳn một binh lực chuyên để đào Càn Lăng, đã dùng thuốc nổ với kỹ thuật tiên tiến nhiều lần nổ bom để tìm lăng mộ. Lúc đó, sau khi nổ phát hiện ra một đường mộ với dải đá 3 tầng thẳng đứng. Khi binh lính chuẩn bị tiến vào, thì đột nhiên một làn khói dày đặc bay lên, trở thành cơn lốc xoáy, bầu trời mờ mịt, cát đá bụi mù. Bảy binh sĩ người Sơn Tây vừa xông lên, lập tức thổ ra máu mà chết. Những người còn lại, không ai dám tiến tới đào tiếp mộ. Tương truyền có một tiểu đoàn lính được tướng Tôn phái đi đào mộ, chỉ còn vài người sống sót trở về.
Trong lịch sử, những kẻ có ý đồ đào trộm Càn Lăng, có tên tuổi ghi lại có 17 kẻ, nhưng không một kẻ nào thành công. Càn Lăng có thể được gọi là lăng Hoàng đế kiên cố nhất.
Bí mật trong quá trình xây dựng Càn Lăng
Đương nhiên, việc nó được xây dựng một cách rất kiên cố là một nguyên nhân. Trong “Tân Đường Thư” viết: “Càn Lăng huyền khuyết thạch môn, dã kim cố khích” (Càn Lăng cửa đá, dùng kim loại nóng chảy để gia cố bít những khẽ hở).
Sau khi quan tài của Võ Tắc Thiên được đặt vào lăng xong xuôi, tất cả đường hầm mộ đều dùng những khối đá hình chữ nhật bịt chết cứng. Giữa các khối đá ngang dọc đều dùng các thanh sắt liên kết lại để gia cố, không thể dịch chuyển được, các chỗ có khe hở còn lại đều đổ kim loại nóng, khiến nó vô cùng kiên cố, không gì có thể lọt vào, và những kẻ đào trộm mộ không cách nào có thể ra tay.
Tuy xây dựng kiên cố cũng không thể trụ vững nổi trước những nhóm đào trộm chuyên nghiệp. Điều quan trọng là chúng đều gặp phải những hiện tượng kỳ dị không thể giải thích nổi gây tổn hại binh tướng và làm chúng sợ khiếp vía.
Càn Lăng (Nguồn wikipedia)
Ở đây nói tới càn Lăng cần phải nhắc tới hai bậc thầy tướng học triều Đường - Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong. Khi Võ Tắc Thiên đăng cơ, họ đã nhận lệnh Hoàng đế, đi tìm đất xây cất lăng mộ cho Võ Tắc Thiên.
Hai nhân vật này chính là tác giả của tác phẩm kinh điển “Thôi Bối Đồ”. Kể rằng, khi đó, hai người chia nhau ra đi khắp nơi trên cả nước để tìm vùng đất đắc địa cho lăng mộ. Sau khi Viên Thiên Cang tới Quan Trung, một lần quan sát thiên tượng nửa đêm, ông phát hiện ra giữa núi có khí màu tím bay lên, xông thẳng tới sao Bắc Đẩu. Khí tím xuất hiện là một điềm lành, ông đi theo làn khí tím đó và tìm ra nơi này, và ông vùi đồng bạc xuống đất để lấy làm ký hiệu.
Lý Thuần Phong cũng tìm ra nơi này. Ông dựa trên góc độ địa hình học tìm ra phong thủy, phát hiện hai đỉnh đông tây núi Lương Sơn đối nhau, nhìn từ xa giống như ngực của người phụ nữ, nhìn tổng quan bức tranh thì toàn khu vực Lăng trông như một quý phu nhân đang ngủ say, quả thực kỳ diệu không tả và cao quý như Thiên Tôn. Lý Thuần Phong biết đây chính là nơi mình cần tìm, lập tức lấy bóng mình để xem hướng, dùng đá vụn sắp đặt bát quái, đặt cây trâm cố định đánh dấu vào chỗ đã định.
Đường Cao Tông Lý Trị được hai người lần lượt báo cáo, liền phái Trưởng Tôn Vô Kỵ đi trước xem xét (Nguồn wikipedia)
Sau khi Đường Cao Tông Lý Trị được hai người lần lượt báo cáo, liền phái Trưởng Tôn Vô Kỵ đi trước xem xét.
Vô Kỵ đến nơi mà Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đánh dấu, vô cùng kinh ngạc bởi cây trâm mà Lý Thuần Phong cắm đúng vào lỗ giữa của đồng xu Viên Thiên Cang vùi dưới đất.
Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong, một người quan sát thiên văn, một người tra địa lý, đều cho ra một kết quả giống nhau, không sai lệch một ly.
Từ bên ngoài quan sát, hình dạng đất Càn Lăng hoàn toàn nghênh hợp âm dương lưỡng nghi, là tổ hợp hòa hợp tuyệt vời giữa trời và đất. Theo ghi chép phong thủy lưu truyền dân gian cho rằng kiến trúc địa cung Càn Lăng được kiến tạo chiểu theo Dương độn Cửu cục và Âm độn Cửu cục của Kỳ môn Độn giáp. Mỗi cửa của lăng mộ đều thiết kế phương vị tuân theo ‘Bát trận đồ’ của Vũ Hầu (tức Gia Cát Lượng): 8 cửa là Sinh, Cảnh, Khai, Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh. Người tiến vào mộ vào ngày nào thì phải đi vào cửa tương ứng, nếu không tìm không được đường mà bị kẹt ở trong mộ là chuyện nhỏ mà rất có thể sẽ kích hoạt cơ chế. Thậm chí việc thiết kế các bước đều tuân theo bát quái và âm dương tương hợp, vào ngày khác nhau phải đi các bước lẻ chẵn khác nhau. Tóm lại, vô số trùng trùng các cơ chế là một phương diện, mà quan trọng hơn là có thuật phong thủy và Kỳ môn Độn giáp điều động sức mạnh quỷ Thần để bảo vệ Càn Lăng.
Trên đây đề cập tới những từ khá cao thâm và huyền ảo của phái âm dương, thực ra liên quan tới lăng mộ trong các nền văn minh cổ khác nhau đều có những câu chuyện như vậy ví như lời nguyền của Pharaoh đối với những kẻ quấy phá sự an nghỉ của ngài, chỉ có điều mỗi nền văn minh khác nhau có những biểu hiện khác nhau.
Chúng ta có thể thấy kỹ thuật xây dựng, hệ thống bẫy, và Kỳ môn Độn giáp hợp lại với nhau thì dù là thiên quân vạn mã hay những tên trộm mộ đẳng cấp cũng đều phải thất vọng tay không ra về. Và Càn Lăng quả xứng danh là lăng mộ được thiết kế chống trộm đẳng cấp và là một trong những lăng mộ khó khai quật nhất Trung Quốc.
Minh An
Theo: Wenzhao studio