Wednesday, March 8, 2023

NGÔI MỘ CỔ Ở TRUNG Á HÉ LỘ VÌ SAO GIA CÁT LƯỢNG CỰ TUYỆT "KỲ MƯU TÍ NGỌ CỐC" CỦA NGỤY DIÊN

“Kỳ mưu Tý Ngọ cốc” là một đoạn công án nổi tiếng trong lịch sử Tam quốc, đây cũng là một vấn đề mà các nhà sử học xưa nay vẫn bàn luận không thôi. Rất nhiều người không hiểu vì sao Gia Cát Lượng không theo kiến nghị của Ngụy Diên, xuất kỳ binh từ Tý Ngọ cốc?

Gia Cát Lượng, thân phận không chỉ là quân sư, mà còn là thừa tướng của một quốc gia, trụ cột của đất nước. (Ảnh tổng hợp)

Kỳ mưu Tý Ngọ cốc

Thời kỳ Tam quốc, thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng Bắc phạt Tào Ngụy. Trong "Xuất sư biểu" đã nói rõ, có thể hiểu rằng mục đích Bắc phạt là 16 chữ: "Bắc định Trung Nguyên, trừ bỏ gian hùng, phục hưng Hán thất, về lại đô cũ".

Quân Thục từ Hán Trung, Bắc tiến vào Trung Nguyên tất phải qua Tần Lĩnh. Có ba đường để vượt Tần Lĩnh. Thứ nhất là đường Tý Ngọ cốc ở mặt đông, dài hơn sáu trăm dặm, đến thẳng Trường An. Đường thứ hai là Trú Cốc ở giữa, dài hơn bốn trăm dặm đến thẳng Võ Công. Một đường nữa là Tà Cốc ở mặt tây, dài gần năm trăm dặm, đến Mi Quốc. Ở đoạn giữa Tà Cốc có một đường nhánh rẽ về hướng bắc gọi là Kỳ Cốc. Từ Kỳ Cốc ra Tản Quan là đến Trần Thương.

Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 6 (năm 228), Gia Cát Lượng đến Hán Trung từ lâu, quyết định tấn công, mở đầu cuộc Bắc phạt lần thứ nhất. Tuy nhiên, đi theo đường nào là cả một vấn đề.

Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong "Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện", lúc bấy giờ Gia Cát Lượng đã triệu tập hội nghị quân sự tại Nam Trịnh. Ở đây, lần đầu Ngụy Diên đưa ra chủ ý chia quân làm hai đường, bắt chước Hàn Tín năm xưa "minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương". Cụ thể: Ngụy Diên thống lĩnh năm ngàn tinh binh, năm ngàn binh khác vận chuyển lương thảo xuất phát từ Bao Trung, men theo Tần Lĩnh về đây, theo Tý Ngọ cốc lên bắc. Chưa đến mười hôm đã đến Trường An, nhất cử chiếm đóng Trường An và Đông Quan. Cùng lúc đó, Gia Cát Lượng thân dẫn đại quân theo Tà Cốc tiến vào Trường An, Đồng Quan. Sau đó, hai đội quân sẽ gặp nhau tại Đồng Quan.


Nhưng kết quả, mưu kế này của Ngụy Diên đã bị Gia Cát Lượng cự tuyệt. Từ đó về sau, Ngụy Diên cũng nhiều kiến nghị với Gia Cát Lượng về việc chia binh theo kế này, nhưng mãi cho đến lúc Gia Cát Lượng qua đời, ông đều không tiếp thu mưu kế của Ngụy Diên.

"Tam Quốc Chí - Ngụy Diên truyện" viết: Mỗi lần Diên theo Lượng ra quân đều xin riêng một vạn tinh binh, men theo đường hẻm để hội quân với Lượng ở Đồng Quan, như việc năm xưa của Hàn Tín. Lượng nhất định không cho, Diên vẫn thường nói Lượng nhút nhát, than thở rằng tài năng của mình không được dùng hết.

Ngụy Diên nói: "Trấn giữ Trường An là Hạ Hầu Mậu, con rể Tào Tháo. Mậu là công tử chẳng ra gì (nhút nhát, vô mưu). Nghe nói mạt tướng là thần binh từ trời xuống hẳn sẽ quay đầu biến mất (lên thuyền trốn chạy). Quan viên trong thành Trường An cũng chẳng đâu ra đâu (duy có ngự sử, thái thú Kinh Triệu), nhưng tiền lương thì khá sung túc, đủ để mạt tướng chống đỡ một trận. Chờ khi quân thừa tướng đến, hai quân hội hợp, chẳng phải từ phía tây Hàm Dương trở đi coi như xong (một đòn định được từ phía tấy Hàm Dương)?".

Đây chính là “Kỳ mưu Tý Ngọ cốc”, một đoạn công án nổi tiếng trong “thời đại Gia Cát Lượng”. Đây cũng là một vấn đề mà các nhà sử học xưa nay vẫn bàn luận không thôi. Rất nhiều người không hiểu vì sao Gia Cát Lượng không theo kiến nghị của Ngụy Diên, xuất kỳ binh từ Tý Ngọ cốc.

Sạn đạo Tý Ngọ cốc. (Ảnh: Internet)

Nói về "Tý Ngọ cốc", đây cũng là vấn đề mà lịch sử bàn luận nhiều. Tiêu điểm bàn luận là xem xem kỳ mưu của Ngụy Diên có thể thực hiện được không.

Một phái cho rằng: Thật tiếc là Gia Cát Lượng đã không dùng kế của Ngụy Diên. Chúng ta đều biết, đối với lần Bắc phạt này của Gia Cát Lượng, bên phía Tào Tháo không có chuẩn bị. Chờ khi quân Thục xuất hiện ở ba quận Kỳ Sơn, Nam An, Thiên Thuỷ, đồng thời “quân phản Ngụy hưởng ứng Lượng”, kết quả “Quan Trung chấn động”, tập đoàn Tào Ngụy sẽ phải “triều dã khiếp sợ”. Lúc này, nếu năm ngàn tinh binh của Ngụy Diên cũng xuất hiện ở Trường An thì tình hình sẽ như thế nào? Tiếc rằng Khổng Minh đã thận trọng quá mức, làm mất cả cơ may.

Nói như vậy, đương nhiên là có lý. Tuy nhiên, ý kiến của phái phản đối cũng không phải là không đáng lưu tâm.

Về việc tại sao Gia Cát Lượng không chấp nhận kế hoạch của Ngụy Diên, nhà phân tích lịch sử Trung Hoa Dịch Trung Thiên cho rằng điều này là hợp lý, vì kế hoạch của Ngụy Diên có nhiều rủi ro. Thứ nhất, Ngụy Diên cho rằng Hạ Hầu Mậu (tướng giữ Trường An) sẽ bỏ chạy khi quân Thục Hán tới, nhưng điều này chưa chắc sẽ xảy ra, và nếu xảy ra thì vẫn có tướng khác tới ứng cứu, ví dụ như Quách Hoài, Tư Mã Ý. Thứ hai, bất luận là Tý Ngọ hay Tà Cốc đều phải qua đỉnh cao sườn dốc, đường đi hiểm trở, khí hậu thất thường, hành trình thật khó chính xác. Đường xa tập kích, cơ hội khó lường. Dùng binh ngàn dặm, càng phải thận trọng. Huống chi quân lính của Ngụy Diên phải trèo đèo lội suối, gian khổ muôn phần, đến Trường An thì như dây cung đã căng hết cỡ, làm sao địch nổi Hạ Hầu Mậu kiên trì ngồi bên gốc cây chờ thỏ, lấy sức nhàn địch sức kiệt? Thứ ba, quân Ngụy đông hơn quân Thục Hán, nếu Ngụy Diên không sớm hạ được thành Trường An thì cả chục vạn quân Ngụy sẽ kéo tới chi viện, lúc đó thì một vạn quân của Ngụy Diên là quá ít, khó tránh khỏi bị tiêu diệt hết. Vì vậy, Gia Cát Lượng không dùng kế của Ngụy Diên là đúng.

Ngoài ra, cũng có người cho rằng Ngụy Diên vốn là tướng đầu hàng, Gia Cát Lượng đã nhìn thấy trước cái tâm phản nghịch này, cho nên từ đầu đến cuối đều không yên lòng đối với Ngụy Diên, và không tiếp thu kế sách của Ngụy Diên. Hơn nữa Tý Ngọ cốc thế núi hiểm trở, vách núi hiểm yếu vô cùng, con đường sáu trăm dặm gian khổ như thế nào là khó mà tưởng tượng. Đồng thời Hạng Vũ năm xưa suất lĩnh 3 vạn người ngựa qua con đường này, rồi mới dùng một mồi lửa thiêu hủy sạn đạo này đi. Gia Cát Lượng cho rằng kế này quá mức nguy hiểm, cho nên mới không đồng ý với mưu kế của Ngụy Diên.

Tuy nhiên có người cho rằng, trên thực tế tất cả những điều nói ở trên về căn bản vẫn đều chưa phải là nguyên nhân. Vậy nguyên nhân thực sự rốt cuộc là gì? Vì sao Gia Cát Lượng không làm theo "kỳ mưu Tý Ngọ cốc" của Ngụy Diên?

Ngôi mộ cổ nghìn năm ở Trung Á

Vào đầu những năm 1960, một nhóm các nhà khảo cổ học ở Liên Xô đã phát hiện ra một ngôi mộ hàng nghìn năm tuổi, trong đó có chôn cất một số lượng lớn các sản phẩm tơ lụa. Ngôi mộ cổ này không phải ở Trung Quốc, mà là ở Samarkand, Trung Á. Khi ấy, nhóm khảo cổ học Liên Xô đã căn cứ vào số tơ lụa này mà suy đoán rằng, đây hẳn là "Thục cẩm" - vải lụa của nhà Thục từ thời Tam Quốc (còn gọi là gấm Tứ Xuyên). Bởi vậy có thể thấy rằng, giao lưu kinh tế với Tây Vực đã được mở ra từ thời Tam Quốc rồi!

Sau khi nhìn thấy những tấm vải lụa này, các nhà khảo cổ học không khỏi cảm thán trước tài trí và tầm nhìn của Gia Cát Lượng, đồng thời cũng minh bạch nguyên nhân vì sao Gia Cát Lượng từ chối "kỳ mưu Tý Ngọ cốc" của Ngụy Diên Tử vào thời điểm đó, mà nhất định phải đánh chiếm Lương Châu trước!

Một số lượng lớn đồ thổ cẩm của nhà Thục đã được khai quật ở các vùng phía Tây của Trung Quốc. Khi Lưu Bị trị vì nước Thục, Gia Cát Lượng phát hiện ra Thục cẩm có giá trị lớn nên đã ra lệnh cho dân chúng sản xuất. Kể từ đó, khả năng kinh tế của nước Thục ngày càng tăng, họ đã dùng Thục cẩm trao đổi với các nước khác để lấy chiến mã và lương thực. Cũng chính nhờ có tấm lụa này mà sức mạnh quân sự của Thục quốc đã được cải thiện, cuối cùng thực lực của họ đã tăng lên rất nhiều và quyết định tiến hành cuộc Bắc phạt.

Thục cẩm. (Ảnh: Internet)

Năm 228, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ nhất, Ngụy Duyên liền hiến kế "Kỳ mưu Tý Ngọ cốc", nhưng đã bị Gia Cát Lượng cự tuyệt. Gia Cát Lượng sở dĩ muốn đánh chiếm Lương Châu, là bởi vì ông đã nhìn thấy giá trị kinh tế và quân sự của hành lang Hà Tây. Hành lang Hà Tây hay hành lang Cam Túc, đây chính là tuyến đường lịch sử tại tỉnh Cam Túc ở Trung Quốc. Hành lang này là một phần của con đường tơ lụa phương Bắc đi về phía tây bắc từ bờ Hoàng Hà, đây là tuyến đường quan trọng nhất nối từ Trung Nguyên đến lòng chảo Tarim và Trung Á đối với các thương nhân và đội quân. Vậy nên, Gia Cát Lượng nhìn nhận rằng đánh chiếm Lương Châu có giá trị hơn so với Trường An, sau khi chiếm lĩnh Lương Châu, sản phẩm của họ sẽ có thể bán được càng xa.

Chúng ta đều biết rằng, Ngụy Diên là một tướng lĩnh, suy nghĩ tự nhiên là làm sao có thể đánh thắng trận. Còn Gia Cát Lượng, thân phận không chỉ là quân sư, mà còn là thừa tướng của một quốc gia, trụ cột của đất nước. Bởi vậy, điều ông cân nhắc đến không chỉ là thắng lợi của một trận chiến, mà còn là kinh tế và sự phát triển của quốc gia về sau này.

Theo bạn, kiểu lý giải này có thuyết phục hay không?

Trung Nguyên
Theo Sound of Hope

No comments: