Phá lấu có xuất xứ từ Trung Quốc, theo chân người Hoa du nhập vào Sài Gòn rồi trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi này. Món phá lấu ra đời trong những ngày giỗ chạp, cúng kiếng của người Tiều tại Trung Quốc. Vào những ngày giỗ, người ta thường cúng heo. Heo cúng ăn không hết được tẩm ướp để làm món phá lấu với mục đích để được lâu.
Món phá lấu truyền thống gồm phần nước được làm từ các loại gia vị như ngũ vị hương, quế chi, đại hồi, tiểu hồi… cùng một số vị thuốc bắc. Khi du nhập vào Sài Gòn, phá lấu được biến tấu cho đa dạng và phong phú theo gu ăn của người đất này. Phần lớn phá lấu ngày nay được chế biến từ lưỡi, tai, ruột và bao tử của heo, bò hoặc vịt.
Món phá lấu trắng của chị Thục tại con hẻm nhỏ này có vị thanh ngọt và thơm lừng. Phá lấu ở đây là phá lấu bò, không ướp ngũ vị hương mà chủ yếu dùng nước dừa và nước cốt dừa để nấu. Miếng thịt vẫn trắng, giòn dai và bắt miệng khi ăn. Lần đầu nhìn thấy, không ít thực khách hơi chán vì sự không bắt mắt của chén phá lấu. Tuy nhiên, ngồi xuống ghế, kêu chén phá lấu và từ từ thưởng thức, tôi tin chắc ai cũng phải gật gù tấm tắc khen ngon. Từ nước dùng cho tới miếng thịt đều thấm đẫm nước cốt dừa, ăn vào rất thanh ngọt.
Quán mở xế chiều nên phá lấu trắng cũng có thể xem như món ăn xế. Phá lấu ở đây không bán kèm bánh mì hay mì gói như những nơi khác. Người đến ăn tự mua bánh mì đem theo để chấm. Nếu phá lấu thông thường gồm rất nhiều nguyên liệu thì nơi này chỉ bán đúng 5 loại: lá mía, thăng long, tổ ong, trái khế và bao tử. Nguyên liệu được chế biến kỹ lưỡng, sạch sẽ nên không còn mùi tanh. Bí quyết nằm ở chỗ chủ quán dùng lá quế để khử mùi. Vì vậy, nồi phá lấu rất thơm và giữ màu sắc nguyên sơ của từng loại nguyên liệu.
Ngày nào cũng vậy, hễ vừa dọn bán là thực khách đã tự sắp xếp ghế, ngồi san sát, nép mình vào hẻm nhỏ để chờ chén phá lấu. Hầu như ai cũng ăn ít nhất 2 chén. “Có người ăn một lần chục chén” - chị Thục chia sẻ. Khách đông nhưng cô chủ vẫn vui vẻ nói cười, phục vụ chu đáo. Hơn 10 năm bán ở đây, cô chủ vui tính có rất nhiều “mối ruột” ngày nào cũng phải ghé quán ăn chén phá lấu.
Nồi phá lấu bắc trên bếp lửa lúc nào cũng nghi ngút khói, xung quanh là khách xì xụp ăn, nói cười rộn rã. Cữ ăn xế của người Sài Gòn vậy mà vui. Đặc biệt, quán còn bán phần chung cho người đi theo nhóm để tiết kiệm hoặc những ai muốn ăn một lần cho thỏa thích.
Địa chỉ: Quán phá lấu chị Thục (154/32 Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TPHCM)
Giá bán: 20.000-50.000 đồng
Thời gian: 16-19g.
Tống Phước Bảo / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment