Đàn ông thời xưa nho nhã lịch thiệp, thường dùng từ “tao khang” “chuyết kinh” để gọi người vợ kết tóc của mình. (Ảnh: Readme)
Đàn ông thời xưa nho nhã lịch thiệp, thường dùng từ “tao khang 糟糠” “chuyết kinh 拙荆” để gọi người vợ kết tóc của mình. Có người nói gọi như thế là xem thường phụ nữ, có người nói phụ nữ thời xưa có địa vị thấp, thực ra đấy chính là một sai lầm cực lớn.
Dân gian có một câu chuyện “Kim điện cự hôn”, kể về một người đàn ông được công chúa để ý, nhưng lại cự tuyệt sự mai mối của hoàng đế, lý do là người này đã có “người vợ tào khang” từng vì mình mà nấu canh sắc thuốc tại quê nhà rồi! Đấy chính là vị Đại thần Tống Hoằng thời Đông Hán.
Theo như ghi chép trong quyển “Hậu Hán thư – Tống Hoằng truyện”, chị gái của Hán Quang Vũ Đế là công chúa Hồ Dương sau khi ở góa, đã có thiện cảm với Tống Hoằng. Bà cho rằng không một ai trong số các đại thần trong triều có thể bì được với Tống Hoằng về ngoại hình và phẩm chất, tài năng cả, nhưng Tống Hoằng lại là người đã có vợ rồi.
Thế là Quang Vũ Đế đã để công chúa ngồi sau chiếc bình phong, và triệu Tống Hoằng vào nói: “Xưa nay vốn có câu, địa vị cao rồi thì dễ dàng thay đổi bằng hữu, có tiền rồi thì dễ dàng đổi vợ, âu cũng là chuyện thường tình đúng chứ?”.
Tống Hoằng đáp: “Thần nghe nói rằng mối giao tình khi bần tiện không thể quên, người vợ tao khang không thể bỏ”.
Nghe xong lời này của Tống Hoằng, Quang Vũ đế cũng hiểu được ý tứ của ông. Quang Vũ đế sau đó nói với chị gái: “Việc này không thành được”. Từ đó về sau, hai câu thơ này được rất nhiều người truyền tụng.
Tống Hoằng đáp: “Thần nghe nói rằng mối giao tình khi bần tiện không thể quên, người vợ tào khang không thể bỏ”. (Ảnh: IFuun)
Điều này nói lên rằng khi giàu sang thì đừng quên những bạn bè đã ở bên mình lúc nghèo khó, không thể rời bỏ người vợ đã cùng chịu gian khó hoạn nạn với mình.
Tao (糟), là chất cặn bã còn sót lại sau khi đã làm ra rượu, khang (糠) là vỏ của các loại hạt ngũ cốc, hai từ này ghép lại để chỉ thực phẩm thô, là thức ăn để người ta giằng bụng chống lại cái đói.
Người vợ tao khang không phải ám chỉ xem thường người vợ vô giá trị bình thường như tao khang, mà nó có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, đó chính là người chồng không quên ơn nghĩa vợ chồng, biết tôn trọng người vợ cùng trải qua gian khó với mình, trong tình cảm luôn chung thủy, về trách nhiệm thì sẽ không ruồng bỏ đi người vợ của mình.
Mặc cho việc đồng ý kết duyên với hoàng thân quốc thích sẽ đạt được tiền đồ vô lượng, nhưng bất kể vinh hoa phú quý nào đi nữa, cũng đều khó mà thay đổi được “tao khang” trong lúc khốn đốn.
Ngoài ra còn một cách gọi khác là “chuyết kinh” (拙荆). Tóc của người phụ nữ thời xưa được buộc lại rồi dùng cái kẹp tóc để cố định, phụ nữ nhà phú hộ thì dùng kẹp bằng vàng, bạc, ngọc, còn phụ nữ nhà nghèo không có tiền thì dùng một chiếc “kinh thoa” (kẹp gỗ) mà thôi.
Kinh là một loại cây gỗ bình thường có thể thấy ở khắp nơi, cây này có cành nhánh cứng cáp, kẹp lên tóc sẽ không rơi, nên “kinh thoa” đã trở thành từ để chỉ những phụ nữ nghèo.
Liên quan đến xuất xứ của cách gọi “chuyết kinh” thì có một câu chuyện như sau. Thời Đông Hán có một hiền sĩ tên là Lương Hồng, đã từ chối rất nhiều tiểu thư gia đình giàu có, để lấy một người vợ xấu xí đã 30 tuổi.
Mỗi ngày sau khi làm việc trở về, Mạnh Quang đều bày cơm canh lên chiếc khay gỗ, rồi bưng bằng hai tay dâng đến trước mặt chồng mình một cách kính cẩn. (Ảnh: Pinterest)
Người phụ nữ này vừa béo vừa đen, Lương Hồng đặt tên cho vợ mình là Mạnh Quang, tự là Đức Diệu, ca ngợi tấm lòng nhân từ đức hạnh của vợ mình sáng chói rực rỡ.
Tại sao lại như vậy? Mạnh Quang có kiến thức sâu rộng, khi Lương Hồng không muốn nịnh hót và đi theo những người có thế lực, không dám làm quan trong thời loạn, thì bà đã cùng ông ẩn cư ở vùng núi, “kinh thoa bố quần” (kẹp tóc bằng kẹp gỗ, mặc váy áo vải bố), làm lụng việc nhà.
Sau này Lương Hồng được người ta thuê đi giã gạo, mỗi ngày sau khi làm việc trở về, Mạnh Quang đều bày cơm canh lên chiếc khay gỗ, rồi bưng bằng hai tay dâng đến trước mặt chồng mình một cách kính cẩn (khay cơm đưa dâng cao ngang hàng chân mày).
Đây thật sự là một cặp đôi thần tiên, chồng thì có tài nhưng không mong cầu phú quý bất nghĩa, vợ thì biết ngọt trong khổ, vui trong sự dung dị, cả hai vợ chồng đều không tham lam.
Chữ “chuyết”, vốn có nghĩa đen là ngu ngốc, trong cách gọi vợ là “chuyết kinh”, thì “chuyết” hàm chỉ “chính bản thân mình” (người chồng), “chuyết kinh” không hề có ý xem thường người phụ nữ bần hàn ti tiện, mà ngược lại còn mang ý khen ngợi, noi theo phẩm chất tốt đẹp của người vợ, không những có tình mà còn có tiết, có nghĩa và hiền đức.
Có thể thấy rằng, từ “tao khang 糟糠”, “chuyết kinh 拙荆” mang nghĩa gốc ý chỉ người vợ kết tóc, quả thật là quá khác biệt so với cách nói “có mới nới cũ”, “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” của người hiện đại.
Tuệ Tâm / Theo: NTDTV
No comments:
Post a Comment