Hoa văn miêu tả nhà sàn trên mặt trống đồng
Trống đồng là một linh vật do người Bách Việt cổ đại tạo nên vào kỷ Hồng Bàng. Mặc dù công dụng chính của trống đồng cho đến ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa dám khẳng định là để làm gì. Nhưng trên thân trống và mặt trống có ghi lại nét văn hoá trong sinh hoạt của người dân theo kiểu cách rất đặc biệt.
Trống đồng Ngọc Lũ (ảnh: Nghiencuulichsu)
Hoa văn trên nhiều loại trống đồng được tìm thấy có thể hiện hình ảnh của một loại nhà sàn kỳ lạ: mái nhà chiếm diện tích rất lớn, nó cong vút lên như mũi thuyền. Hai đầu nhà có hai cột chống và cầu thang đôi ở lòng dưới sàn. Thế nhưng dữ liệu lịch sử về kiểu nhà sàn này ở Việt Nam hầu như không có.
Hoa văn nhà sàn mái cong trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà và thạp Hợp Minh đều tương đối giống nhau (ảnh: Mythuatms)
Tuy nhiên đầu thế kỷ XXI, khi các phương tiện truyền thông phát triển, người ta đã vô tình phát hiện ra nhà sàn của một số tộc người Indonesia như người Toraja sống trên đảo Sulawesi, người Batak Toba trên đảo Sumatra trông rất giống với nhà sàn của người Việt cổ được khắc trên mặt trống.
Bản đồ Sumatra và Sulawesi (ảnh: Tổng hợp)
Theo các nhà nhân chủng học, tộc người Batak Toba thuộc nhóm chủng tộc Batak, có tổ tiên là các di dân từ Đài Loan và Philippines khoảng 2.500 năm trước. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước với cách thức canh tác quen thuộc của vùng Đông Nam Á.
Nhà sàn hình thuyền jabu của người Batak Toba trên đảo Sumatra (ảnh: Baodantoc)
Một số ít những ngôi nhà sàn này được lưu lại từ thời rất xa xưa. Cột gỗ và những bức hoạ trang trí đã phai màu. Mái nhà bằng gỗ hoặc lá in hằn dấu vết cũ kỹ của thời gian. Tuy nhiên, bất chấp sự tàn phá của thời gian chúng vẫn đứng vững, thậm chí không có dấu hiệu xập xệ.
Những ngôi nhà sàn hiện đại của người Toraja, người ta đã thay thế cột gỗ bằng cột bê tông. So với những ngôi nhà truyền thống thì có một số điểm khác biệt (ảnh: Kienviet)
Nhà sàn Tongkonan của người Toraja được chia ra các đẳng cấp khác nhau, phụ thuộc vào địa vị của dòng họ. Các dòng họ quý tộc sẽ có Tongkonan bề thế, trong khi tongkonan của dòng họ bình dân sẽ khiêm nhường hơn.
Những ngôi nhà sàn truyền thống Tongkonan trên đảo Sulawesi vẫn giữ được 2 cột chống ở hai bên mái nhà và trên đó rất nhiều sừng trâu được lưu lại qua các năm (ảnh: Kienviet)
Với những ngôi nhà cổ thực sự, trước khi dựng nhà, người thợ chôn những tảng đá xuống đất làm nền móng. Khối kiến trúc bên trên chỉ như một chiếc bàn nhiều chân được đặt lên một khu đất bằng phẳng. Đây là lối dựng nhà quen thuộc của các kiến trúc sư thời cổ đại. Ngay cả Tử Cấm Thành Trung Quốc, cột nhà cũng không cố định trong lòng đất như thiết kế nhà ngày nay.
Nhà sàn được coi là tài sản thiêng liêng của dòng họ. Mọi người trong họ đều phải tham gia việc dựng nhà. Người ta ghép nhà bằng cách tạo các mối nối âm dương không dùng đến đinh sắt hay keo dính (ảnh: Kienviet)
Mặt ngoài nhà sàn được trang trí họa tiết rất cầu kỳ với 4 tông màu chủ đạo: trắng, đen, vàng, đỏ. Một chiếc đầu trâu, hoặc những cặp sừng của nó là vật trang trí không thể thiếu của các tongkonan. Theo tín ngưỡng của người dân địa phương, việc treo đầu trâu vừa thể hiện sự phú quý, vừa để ngăn ma quỷ vào nhà.
Ngày nay, những ngôi nhà sàn như vậy vẫn được người dân xây dựng, nhưng nó đã bị bê tông hóa và không còn giữ được kết cấu nhà sàn nguyên bản. Người ta cũng sử dụng mái tôn tiện lợi thay cho vật liệu thiên nhiên.
Hoa văn trang trí lạ mắt trên nhà sàn của người Batak Toba (ảnh: Baodantoc)
Thật khó hiểu khi trống đồng được phát hiện ở khu vực Đông Nam Á, nhưng những ngôi nhà sàn lại bị tách khỏi di chỉ này với khoảng cách quá xa như vậy. Hi vọng trong tương lai, ẩn số về mối quan hệ văn hóa giữa tộc Indonesia cổ đại và người Việt cổ sẽ được làm sáng tỏ.
Bảo Ngọc (t/h) / Theo: nguyenuoc
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment