Tuesday, March 21, 2023

CÓ MỘT XÓM CHÀI BÊN KIA SÔNG

Thuộc địa phận thành phố Cần Thơ, ở phía bên kia sông Hậu, có một xóm chài vẫn lặng lẽ duy trì nếp sống từ bao đời mặc cho thế sự chuyển dời. Họ vẫn sống nhờ dòng sông, mưu sinh bằng nghề “bà cậu”.

Người đi ghe xuồng mỗi buổi sáng đều thắp nhang cầu mong Bà Cậu phù hộ những điều tốt lành.


Tại TP Cần Thơ, có một bến sông là nơi hợp lưu giữa hai dòng: Cần Thơ, sông Hậu. Địa thế hợp dòng như cái “bùng binh” mà là bùng binh đầy ắp cá tôm.

Tại đây, có những bãi cồn nổi lên nhờ sự bồi lắng phù sa của sông Hậu rồi đón dân tứ phương về tá túc, nương tựa lập xóm, lập làng. Xóm chài Hưng Phú (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) từ đó thành hình.

Thế nhưng, hỏi xóm chài có từ bao giờ thì ai cũng lắc đầu. Những người làm nghề “bà cậu” chai sạm nắng mưa cũng không rõ được, nhưng ít nhất là từ đời cố đến đời nội ngoại của mình, họ đã lênh đênh buông chài trên nhánh sông này. Hồi đó, người địa phương cũng có, nhưng phần lớn là dân từ các nơi tụ về. Do nghèo, không có tiền sinh sống ở nội ô, nhiều người chọn nơi này lập nghiệp.

Xóm chài như cái nôi của một làng quê trù phú gắn liền với con nước dọc ngang và những giai thoại lạ kỳ bên vàm sông Hậu:

"Thật ra thì nghề chài lưới cũng bủa văng theo sông rạch thôi, đủ cung ứng cho địa bàn xóm chài trong phạm vi 5-10 cây số thôi chứ không đi xa được".

"Cũng có nghề khác nhưng phần lớn ở đây là chài lưới. Còn nghề khác thì ở đây có lò tương lớn lắm. Nhưng nó từ thời Pháp thuộc kéo dài đến chế độ cũ và bây giờ không còn hoạt động nữa".


Thuở sơ khai, nơi đây lúc nào cũng rộn ràng các hoạt động của xóm đáy, xóm lưới, xóm gạch, lò tương, trại đóng tàu, lò củi, rồi lò bún…. Người dân lao động phần lớn là vất vả, khó khăn vì ly hương, chạy giặc.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nhâm Văn Hùng kể về cái thời vàng son của người dân Xóm chài, họ đã lặn hụp dưới sông thường trực để cung cấp một lượng cá tôm không nhỏ cho thành phố và tinh thần lập nghiệp mưu sinh trên vùng đất mới nổi: "Khi Cái Răng và chợ Cần Thơ phát triển thì Xóm Chài mới ăn theo. Cái nghề đầu tiên là chài lưới, có tôm cá thì mang qua chợ Cần Thơ bán cho gần. Bên đó có lò bún, lò vôi, vựa củi để tàu bè ghé đó lấy củi thì thời điểm đó tàu bè đều chạy bằng máy Code".

Những ngày lưu lại ở xóm chài, chúng tôi gặp ông Lương Khen, người đàn ông đã di cư đến đây và sống ở nơi này ngót nghét 50 năm. Ông Khen chua chát, hồi mới lập ra Xóm chài đã nghèo. Bây giờ tuy đỡ hơn một chút nhưng vẫn khó khăn. Bà con nơi đây có chút tủi phận: “Phía bên kia sông nhà cao cửa rộng, giàu sang bao nhiêu thì bên này ngược lại, nghèo bấy nhiêu”:

"Gia đình tôi di cư tới đó, người khác cũng di cư tới đó. Bây giờ 50 năm rồi nên quá đông đúc nhà cửa và dân cư. Cũng có thể ông cha trước mình khám phá ra để sinh sôi nảy nở về dân số. Ở đâu cũng có nguồn gốc, cội rễ và quê hương. Và đây là quê hương nhỏ Xóm Chài".

Ông Khen cho biết thêm, khi luồng gió “đô thị hóa” từ Bến Ninh Kiều lan qua Xóm chài, lớp con cháu của người dân chài, lò gạch, lò tương, lò củi…. cũng chuyển nghề sang làm thợ hồ, thợ điện, “thầy thông”, “thầy ký”, “PG” hay tìm cái sạp nào đó bên chợ Cần Thơ bán hàng. Nghề chài lưới nơi đây cũng bị mai một dần, lớp thì thiếu người, phần vì sông không mang cá tôm về nữa: "Cá mắm hồi trước thì nhiều lắm, mà bây giờ hạn chế rồi. Bây giờ mắm được lấy về từ Châu Đốc để cung ứng chứ còn ĐBSCL mình cạn kiệt cá tôm rồi".

Ảnh: Lao động

Lớn lên giữa xóm chài, nhất là vào thời kỳ thịnh vượng của nghề cá, trong ký ức của ông Khen, đó không đơn thuần chỉ là một nghề để kiếm sống, cuộc sống của người dân xóm chài có nhịp điệu riêng trên vùng đất trù phú này. Sau mỗi mùa cá, họ thường phơi lưới, vá lưới hoặc đan mới trên những cây sào đặt trên khuông đất rộng rãi quanh nhà. Xuồng ghe hồi đó tấp nập, đậu kín cả một khúc sông. Khung cảnh thanh bình ấy in đậm trong trí nhớ đến nỗi đã ba bốn chục năm rồi, thỉnh thoảng đi qua xóm chài nhìn xuống đoạn sông ấy, ông vẫn cứ bần thần, tiếc nhớ…

Dẫu thời gian có đổi thay, xóm chài ngày nay cũng buồn hơn trước. Thế nhưng, những nét văn hóa truyền thống của một xóm chài vẫn được bà con nơi đây cất giữ. Một trong số đó là lễ hội Tống phong.

Theo ông Trần Văn Lộc (63 tuổi) - Trưởng Ban Tế tự Miếu Bà xóm Chài, lễ tục này đã có từ lâu đời, đây là lễ hội của những người làm nghề “bà cậu”, chài lưới, với mong muốn “tống tiễn” đi hết những điều không may mắn trong một năm qua, cầu cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự hanh thông, đặc biệt là đối với xóm Chài nơi có nhiều người mưu sinh bằng nghề hạ bạc.

Trong đó, phần lễ chính “Tống ôn” chính thức diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng. Trong 2 ngày 12 và 13 tháng Giêng, người dân xóm Chài tụ tập mổ heo cúng Bà. Thanh niên trai tráng trong xóm thì góp sức để tạo nên con tàu chuẩn bị cho lễ Tống ôn. Tàu thường được làm bằng khung tre, dán giấy.

Sau khi phần hình hoàn thành, các cụ lớn tuổi trong xóm cắt chữ, vẽ thêm mắt, kết cờ lệnh đặt trước sân Miếu Bà. Đến ngày 14, khoảng giờ Ngọ (trưa từ 11h30 - 13h30), một đoàn người trong miếu thực hiện phần “nghênh”, đi đến các gia đình trong khu vực để thu nhận lễ vật.

Nghi thức hạ thủy bè thủy lục tại Lễ Tống ôn ở Miếu bà Xóm Chài (Cái Răng- Cần Thơ). Ảnh: Báo Cần Thơ

Song song đó, chủ nhà cũng đặt một bếp lửa nóng và bỏ muối hột vào tạo nên những tiếng nổ lách tách. Những tiếng nổ này có ý nghĩa gia chủ tống những xui xẻo, ôn dịch đi chỗ khác, để cầu cho năm sau làm ăn thuận lợi. Khi đoàn đi hết các gia đình thì đem về đặt vào tàu Tống ôn để thực hiện nghi thức lễ chính:

"Năm nào cũng buộc phải có. Ở Cần Thơ thì miễu này thì cúng Tống lớn nhất, không chỗ nào qua được. Tàu ghe, thương nhân đi xa, sẽ luôn nhớ đến ngày này sẽ phải về", ông Lộc nói.

Chiều trên sông Hậu. Chiếc ghe chèo nằm đơn độc, lẻ loi. Hoàng hôn ánh lên những sợi nắng vàng vọt cuối ngày, làm người ta dễ hoài niệm về những thứ không tên. Không biết bây giờ còn bao nhiêu ngư phủ của những làng chài cổ xưa, sống được bằng nghề “bà cậu” và bao nhiêu ngư phủ đã bỏ nghề hạ bạc, ly hương? Rồi một ngày nào đó, “qua nửa đời phiêu bạt”, họ lại về “úp mặt vào sông quê” mà nhớ thương những ngày xa vắng. Như bến sông này, xưa kia đã từng là một xóm chài nhộn nhịp.

Theo: vov



No comments: