Tuesday, January 31, 2017

ĐÔI ĐŨA LỆCH

50 năm trước, ở thôn Cao Than, huyện Giang Tân Trung Sơn, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc chàng thôn dân Lưu Quốc Giang đã vô tình yêu một góa phụ hơn mình tới 10 tuổi - đến từ Triều Thanh.


Vào thời điểm bấy giờ, việc "lái máy bay bà già" được xem là cấm kị. Nhiều người cho rằng anh là người ngu dốt nên mới làm chuyện đại nghịch, xấu mặt người thân và xấu mặt cả thôn làng như vậy. Tuy nhiên, những định kiến ấy không thể nào chia lìa được tình cảm lứa đôi. Để tránh sự kỳ thị của người dân xung quanh, Lưu Quốc Giang đành đưa người yêu vào tận sâu trong núi cao rừng thẳm, một đời tránh xa thị phi, tránh để Triều Thanh phải chịu thêm tủi nhục, tổn thương trong cuộc sống.

Biết vùng núi sâu vô cùng nguy hiểm, nên để đảm bảo cho vợ an toàn khi đi lại, ông Lưu Quốc Giang đã dành cả đời bận rộn xây một bậc thang dài xuyên suốt núi rừng. Bậc thang dài tới 6000 bậc đá, cheo leo từ độ cao 1.500m so với mực nước biển tiến xuống chân núi.


.
Sau khi người đời biết được liền đặt tên cho bậc thang này là “nấc thang tình yêu”. Câu chuyện được lan truyền, đến năm 2006 cả Trung Quốc bình chọn câu chuyện này là “Câu chuyện tình yêu kinh điển Trung Hoa đương đại”.


Ngày 30/10/2012 vừa qua, bà Triều Thanh đã theo người chồng thương yêu của mình sang "thế giới bên kia". Dù 2 ông bà đã qua đời, nhưng câu chuyện tình yêu "lay động đất trời" của ông bà vẫn mãi còn theo năm tháng.

[ Câu chuyện tình yêu cổ tích của "đôi đũa lệch" đến từ Trung Quốc ]


Lấy ý từ câu chuyện này, đài truyền hình TVB-HK đã làm một bộ phim truyền hình đài 25 tập có tên là "Thiên thê" (thang trời 天梯), tiếng Anh là The Last Steep Ascent. Đã phát sóng tháng 9/2012.

(Sưu tầm trên mạng)

TUY HAI MÀ MỘT

Có câu chuyện "Sống cho Tình Yêu" như sau:
Trong căn nhà nhỏ ở một vùng ngoại ô, có hai vợ chồng nọ đã lớn tuổi. Họ từng trải qua những ngày tháng bên nhau đầy yêu thương và an bình.


Niềm vui chung của họ là cùng chăm sóc vườn dưa chuột xanh tốt sau nhà. Ông cụ chăm sóc vườn dưa rất cẩn thận, hết dậy sớm tưới nước, lại bỏ công bắt sâu, nhổ cỏ. Những trái dưa chuột ngon nhất sẽ được hái để bà cụ muối dưa – bởi đó là thói quen của bà từ rất lâu. Mùa đông tới, khi khi vụ thu hoạch dưa chuột đã hết, ông cụ lại nghiên cứu các bản danh sách giới thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất. Xuân về, các con của ông bà sống gần đấy giúp họ xới đất, gieo hạt. Bà cụ lại tìm đọc các sách nấu ăn để học hỏi thêm những bí quyết làm dưa chuột muối. Trong mắt mọi người, ông bà là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ sống thân thiện, gần gũi với những người chung quanh. Bất cứ vị khách nào đến chơi cũng được ông bà tặng một bình dưa chuột muối mang về.
Nhưng một ngày kia, ông cụ qua đời. Mùa xuân năm đó, tất cả con cái tụ họp bên mẹ mình và nói:
Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột mới, nên chúng con sẽ thay cha tiếp tục đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.
Người mẹ mỉm cười:
 Cám ơn các con, các con không cần trồng dưa nữa đâu. Thật ra thì mẹ không thích ăn dưa muối, nhưng vì bố các con thích trồng dưa chuột nên mẹ muối thôi.
Những người con ngỡ ngàng. Trước khi người cha mất, ông từng kể với họ rằng ông không hề thích trồng dưa chuột, ông làm điều đó chỉ vì bà thích trổ tài muối dưa mà thôi.

(Sưu tầm trên mạng)
*****
Với bạn, câu chuyện này vui hay buồn ? Nhiều người thấy nó vui, bởi theo họ ở đó ẩn chứa một tình yêu đẹp, sâu sắc của cặp vợ chồng già. Hai ông bà đã sống và làm việc vì nhau. Vì muốn đẹp lòng người bạn đời của mình, họ chấp nhận làm những điều mình không hề thích.
Nhưng với tôi, câu chuyện lại ẩn chứa một nỗi buồn man mác, bởi hai ông bà đã không thật sự chia sẻ suy nghĩ, sở thích với nhau. Họ sống vì người khác, đến mức quên cả sở thích riêng mình. Do đó, thay vì cùng sống vui vẻ bên nhau và tạo ra những điều mới mẻ hơn, họ lại luẩn quẩn với một định kiến về sự hy sinh và trách nhiệm đối với nhau.
Trong tình yêu, bên cạnh việc tôn trọng sở thích của nhau, chúng ta còn phải biết chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm thật sự của bản thân với nhau.

BÚN QUA CẦU (过桥米线)

Có thể nói Côn Minh thủ phủ của tỉnh Vân Nam vừa là thành phố của mùa xuân, của hoa, vừa là thành phố của ẩm thực. Những món ăn ở đây rất đa dạng, nhiều chủng loại, của nhiều dân tộc, cũng như nhiều quốc gia khác nhau. Món ăn truyền thống nổi tiếng nhất ở Côn Minh (Vân Nam nói chung) mà ai đi về cũng nhắc đến là món Bún qua cầu (过桥米线). Vì vậy PVTĐ quyết chí phải thử cho bằng được để về còn giới thiệu với ACE trong tập đoàn.


Cơ hội đến bất ngờ vào đêm thứ hai ở Côn Minh, khi cả đoàn mua vé vào Cung đình dạ yến để thưởng thức một chương trình tổng hợp văn hóa nghệ thuật và ẩm thực Trung hoa . Chương trình ca nhạc vũ kịch ở đây thực sự tuyệt vời và ấn tượng. Trong hơn 3 giờ đồng hồ, người xem được hòa mình vào một không khí lễ hội với sự pha trộn tinh tế, độc đáo của hình ảnh và âm thanh, kết tinh nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của các dân tộc tỉnh Vân Nam. Thực khách không chỉ no nê về thị giác và thính giác, vị giác của con người còn được thăng hoa với các món ẩm thực độc đáo mà món thứ nhất được giới thiệu trên bàn tiệc là món bún danh tiếng của Vân Nam đã nói ở trên.


Khi món này bắt đầu được đưa ra, không gian cả khán phòng bỗng tối lại, trên sân khấu màn chiếu từ từ hạ xuống và huyền thoại về món bún này được kể bằng hình ảnh qua một đoạn phim hoạt hình ngắn có phụ đề tiếng anh. Chỉ hiểu lõm bõm, PVTĐ đành phải mượn bản dịch tiếng việt của Phòng du lịch châu Hồng Hà để nghiên cứu, dưới đây là nội dung bản dịch:
Chuyện kể lại rằng, huyện Mông Tự - tỉnh Vân Nam có một thư sinh rất thông minh tuấn tú nhưng thích đi rong chơi và không chuyên tâm học hành. Anh ta có một người vợ xinh đẹp và một cậu con trai còn thơ dại và một ngôi nhà ở bên bờ hồ. Hai vợ chồng rất yêu nhau nhưng người vợ thấy anh chồng không có chí học hành nên rất lo lắng. Một ngày, người vợ nói với chồng: "Anh cả ngày lo chơi bời, không chịu dùi mài kinh sử, không biết vợ con anh tủi hổ vì thua chị kém em?"


Nghe vợ nói, người chồng cảm thấy hổ thẹn, quyết chí làm một phòng đọc sách ở phía nam hồ, một mình khổ công luyện sách. Người vợ hàng ngày từ nhà đi qua cầu mang cơm đến phòng đọc sách cho chồng. Dần dần, việc học hành của người chồng càng tấn tới nhưng chàng lại ngày càng ốm yếu. Người vợ thấy vậy rất đau lòng, nghĩ cách bồi bổ cho chồng. Một hôm, chị mổ gà làm canh, thái thịt, chuẩn bị bún, chuẩn bị đưa bữa sáng cho chồng. Đứa con thơ dại nghịch cho thịt vào bát canh, người vợ trách đứa con nghịch dại, lập tức vớt miếng thịt lên, nhìn thấy miếng thịt chín, ăn thử thấy mùi vị rất thơm ngon, rất thích. Chị liền cho ấm nước , thịt và bún vào làn đem đến phòng đọc sách cho chồng. Vì vất vả quá độ nên người vợ bị ngất trên chiếc cầu ở. Người chồng nghe thấy liền chạy đến, khi gặp thì vợ đã tỉnh lại, mì và canh đều còn nguyên như mới, trên mặt bát canh sóng một lớp mỡ phủ , nước canh bị nguội, tay che ấm nước đun, hơi nước làm bỏng tay, cảm thấy rất lạ, rồi hỏi kỹ càng cách làm từ lúc bắt đầu đến kết thúc, người vợ kể lại rõ ràng từng việc. Sau đó rất lâu, người chồng nói rõ, món ăn này gọi là bún qua cầu. Người chồng nhờ sự chuyên tâm chăm sóc của người vợ nên đã đỗ được cử nhân, việc này được quần chúng truyền miệng thành một giai thoại. Từ đó, bún qua cầu được truyền đi thành món ăn nổi tiếng của Vân Nam.


Đọc đi đọc lại, PV TĐ cũng chẳng thấy ý nghĩa gì đặc biệt của đoạn văn này, nhưng mọi thứ đã đưa lên, cứ ăn cái đã. Đầu tiên người ta bưng đến cho bạn một chiếc đĩa lớn trong xếp những chiếc đĩa nhỏ xinh đựng vài miếng thịt gà, vài lát thịt lợn còn tươi … và một chút rau, hành, một chút nấm đặc sản của Vân Nam. Tất cả được bầy thành hình tròn trông như một bông hoa đang nở với nhuỵ hoa là một quả trứng vàng ươm. Kèm theo một bát mì nguội (xem hình) được chế ra từ bột gạo và đặc biệt là sợi mỳ rất to, trông giống sợi bún ta nhưng to hơn.
Khi bắt đầu ăn, một bát tô canh nóng hổi với lớp mỡ gà béo ngậy được bưng đến cho thực khách Món ăn này được thưởng thức theo một thứ tự nghiêm ngặt. Trước tiên bạn phải thả vào bát quả trứng, dừng một chút, sau đó lần lượt sẽ là thịt, rau, nấm và sau cùng sẽ là mỳ. Sau khi trộn trộn bằng đũa vài nhát thì có thể từ từ thưởng thức, nhớ đừng vội húp, dễ bỏng vì nước bún nóng hổi mỡ … Trình tự ăn rối rắm này cũng là một cách tạo ấn tượng với du khách.
(Sưu tầm trên mạng)


过桥米线 (历史)
.
过桥米线具体始于何年代已无法考证。比较统一的说法是,过桥米线源于滇南的蒙自,已经有100多年的历史。当年一书生为求功名寒窑苦读(有说法是在蒙自县城南湖的湖心亭读书,但此说不确,南湖湖心的烟雨楼为民国时期当地军阀疏浚南湖时仿照嘉兴南湖修建,与传说时间不符合),贤惠的妻子为了让丈夫能在寒冬吃上又有营养又能祛寒的食物,想到了容易制作的米线。用一大砂锅单独盛装鸡汤或猪骨头汤,米线及其它配料另装在其它容器中。吃的时候,将二者混合,就成为一碗热气腾腾营养丰富的米线。这样的分装有两个好处:1. 汤料表面形成的油膜阻断了热气,起到了保温的效果;2. 汤料和主食分装可以避免长时间不吃,主食被泡烂的情况。这位贤妻的发明不仅让她的相公无后顾之忧,发奋苦读,最终金榜题名,更为后人留下一道传统美食。
(theo zh.wikipedia)



“ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SINH KỲ TÂM” LÀ NGHĨA THẾ NÀO ?

Câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 trích từ kinh Kim Cang, nhờ nghe câu này mà anh tiều phu Huệ Năng hoát nhiên tỏ ngộ, sau đó có cơ hội làm bài kệ “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” 菩提本無樹 明鏡亦非台 本來無一物 何處惹塵埃 trình cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn của Thiền tông và được truyền y bát để trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Lục Tổ và các môn đồ làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, thiền sử ghi nhận có hơn 5000 người kiến tánh.


Kinh Kim Cang, tên đầy đủ là Kim cang (cương) bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (zh. 金剛般若波羅密多經, sa. vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) là một bộ kinh liễu nghĩa (tức nói ý nghĩa rốt ráo chứ không phải nghĩa phương tiện, do đó không dễ hiểu đối với người bình thường). Có ít nhất 6 bản dịch từ Phạn sang Hán trong đó bốn dịch giả người Ấn (Cưu Ma La Thập, Đạt Ma Cấp Đa, Chân Đế -真諦Paramartha- và Bồ Đề Lưu Chi) và hai dịch giả người Hoa, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Trong đó phổ biến nhất là bản dịch của Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什 Kumārajīva 344-413, dịch vào đời Diêu Hưng nước Hậu Tần trong thời kỳ các dị tộc xâm chiếm Trung Quốc sau nhà Tây Tấn, trước sau dựng lên tất cả 16 nước, thời kỳ mà sử gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa (năm dị tộc xâu xé nước Trung Hoa).
Nội dung kinh là cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu Bồ Đề, bày tỏ ý nghĩa thù thắng, rốt ráo của Phật pháp . Bộ kinh kết luận bằng bài kệ :

一切有爲法 Nhất thiết hữu vi pháp
如夢幻泡影 Như mộng huyễn bào ảnh
如露亦如電 Như lộ diệc như điện
應作如是觀 Ưng tác như thị quán


Tất cả các pháp hữu vi tức là pháp có sinh có diệt, đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thật sự vững chắc, nên xem xét nhận thức như thế.
Ý kinh nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo ảnh, không phải thật, do đó không nên chấp trước cho là thật. Ngày xưa khoa học chưa phát triển nên trong nguyên tác, các bản dịch và luận giải đều chưa có dẫn chứng khoa học, nên ý nghĩa của câu chủ đề trên còn khá mơ hồ. Ngày nay chúng ta có điều kiện hơn, vì khoa học đã phát triển, nên có điều kiện giải thích cụ thể rõ ràng hơn.
Bây giờ chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của câu chủ đề :
應無所住而生其心 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm
Ưng vô sở trụ : Đây là câu bàng thái cách (subjonctif) với nghĩa cần phải không có chỗ trụ, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : Il faut que vous soyez nonlocal. Hoặc tiếng Anh : You must be nonlocal.
Nhi sinh kỳ tâm : thì cái tâm ấy mới xuất hiện: pour que cet esprit apparaisse. Hoặc tiếng Anh : for the appearing of this mind. Cái tâm ấy tức là tâm giác ngộ.


Thế nào là không có chỗ trụ, tại sao không thể có chỗ trụ ? Đây là chỗ cần dùng khoa học để dẫn chứng. Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng. Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng. Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng. Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng. Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Tâm thức của con người chúng ta cũng luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận. Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn五蘊 hay còn gọi là Ngũ Ấm五陰, đó là Sắc色,Thọ受,Tưởng想, Hành行,Thức識 .Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết. Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không五蕴皆空 Năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật nên không thể có chỗ trụ.
Nguyên lý vô sở trụ đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học. Vô sở trụ còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện. Vô sở trụ còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của Sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng. Xem loạt bài về


SỰ KẾT THÚC CỦA KHOA HỌC
Khoa học lượng tử tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài! :
Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.
Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.
Tóm lại vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là không nên không có chỗ trụ. Kinh nói :
若以色見我 Nhược dĩ sắc kiến ngã
以音聲求我 Dĩ âm thanh cầu ngã
是人行邪道 Thị nhân hành tà đạo
不能見如來 Bất năng kiến Như Lai


Nếu lấy vật chất để thấy ta (ta là Như Lai) nghĩa là hình dung ta dưới hình thức vật chất với 32 tướng tốt, phương phi tuấn tú, sức mạnh vô địch v.v…Hoặc lấy âm thanh để cầu ta, nghĩa là dùng tiếng nói để tán thán, cầu khấn ta, hay dùng âm nhạc để diễn tả những phẩm đức của ta trong những bài thánh ca tuyệt hay. Thì người đó đã đi sai đường, không thể thấy được Như Lai, nghĩa là không thể giác ngộ. Tóm lại không thể trụ ở các pháp trần.
Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không ? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.
Vô sở trụ còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trên blog này, đã nói rất nhiều về hiện tượng này, nếu cần xem lại thì bấm vào đây :


KHẮP KHÔNG GIAN, KHẮP THỜI GIAN VÀ VÔ SỐ LƯỢNG CÓ Ý NGHĨA GÌ ?
Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như : Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km. Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.
Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.


Thế nào là nhi sinh kỳ tâm ? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng ? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh có kể câu chuyện để biểu thị tính vô lượng cũng như tính bất định xứ của không gian và thời gian, như sau:
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:
- Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:
- Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Ðại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.


Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:
- Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Ðức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.
Duy Ma Cật nói:
- Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?
Văn Thù nói:
- Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.
Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:
- Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:
“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”
Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:
- Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.
Các Bồ Tát hỏi:
- Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.
Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.


Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:
- Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Ðược thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.
Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.
Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.
Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.
Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.
Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:
- Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.
Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:
- Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?
Hóa thân Bồ Tát nói rằng:
- Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.
Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.


Câu chuyện trên giống như truyện thần thoại bịa đặt, nhưng thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất giống như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.
Tóm lại Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật. Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.
Truyền Bình
(trích trong trang mạng của duylucthien.wordpress.com)

NÊN KIÊNG MÓN NÀO?

Nhờ tiến bộ nhảy vọt của ngành y trong thập niên gần đây, người ta đã hiểu rõ hơn về ung thư. Thầy thuốc ngày nay có thể tìm ra nhiều câu trả lời êm tai hơn về căn bệnh chẳng khác nào bản án tử hình dành cho… nạn nhân! Bên cạnh nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngẫu biến trong cấu trúc của tế bào như độc chất trong khói thuốc lá, hóa chất gia dụng, phế phẩm kỹ nghệ, kim loại nặng, tia tử ngoại, siêu vi…, thực phẩm nếu dùng sai cũng là lý do khiến tế bào thay vì phát triển bình thường bỗng trở thành tế bào ung thư. Dễ hiểu vì thực phẩm nếu xét về cơ chế tác dụng cũng tương tự như thuốc, cũng là một loại hoạt chất khi được đưa vào cơ thể, thì phải có tác dụng nào đó, không tốt thì xấu, khó có chuyện vô bổ vô hại.


NÊN KIÊNG MÓN NÀO ?

Theo nhiều chuyên gia ngành dinh dưỡng, muốn ngăn chận tế bào ung thư cần chú trọng nguồn thực phẩm “xanh” trong khẩu phần thường ngày, càng nhiều càng tốt, càng đa dạng càng hay, để cơ thể đừng thiếu sinh tố, khoáng tố thuộc nhóm kháng oxy-hóa như A, C, E, kẽm, selen, crôm… và để qua đó mượn hoạt chất thực vật, như trong cải, hành, tỏi, cà-rốt, cà chua, ớt chuông, dâu tây, atisô, táo, nho, đậu nành… làm phương tiện bảo vệ cấu trúc của tế bào. Nghe rất hợp lý và cũng đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu. Nhưng liệu ăn uống đúng như thế có ngăn chận được ung thư hay không? Tiếc thay, câu trả lời trước sau vẫn là không chắc chắn 100%. Dù vậy vẫn nên ăn vì thà có còn hơn không!


Mặt khác, thầy thuốc khuyên nên giảm tối đa lượng thực phẩm gốc động vật vì “thịt đỏ” cũng như mỡ động vật có khả năng tăng nguy cơ phát tán của nhiều loại ung thư. Đồng thời nên tránh các món nướng quá lâu, quá khét để né nhóm độc chất sinh ung thư núp trong khói thơm phức. Tương tự như thế là các món xông khói, cũng như khô mắm. Thêm vào đó là tác hại của rượu bia nếu vượt ra ngoài mục đích làm tăng khẩu vị. Vấn đề là liệu có thể thực sự phòng ngừa được ung thư nếu cữ hết các món “ngon” vừa kể? Lại cũng không chắc chắn! Bằng chứng là người phá giới không hẳn đều trở thành nạn nhân của ung bướu ác tính! Không thiếu người vẫn sống khỏe re dù mạnh miệng với nhiều món “độc”!


Như thế, nếu tưởng muốn phòng ngừa ung thư chỉ cần tuân thủ răng rắc “luật dinh dưỡng” theo kiểu cân đo chi li trong nhà bếp thì lầm. Tế bào vẫn khỏe mạnh hay trở thành ung thư không chỉ vì miếng ăn nào đó trái ý nhà khoa học. Chắc chắn là không, vì bên cạnh tác động của thực phẩm còn là ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác thậm chí có giá trị quyết định. Có bổ sung dưỡng chất đến thế nào cũng bằng không nếu cơ thể vét sạch dưỡng khí vì cuộc sống lao tâm lao lực. Có kiêng bao nhiêu thì tế bào ung thư vẫn tập trung đủ lực lượng nếu bạn đồng hành của món ăn là nhịp sống căng thẳng và cách sống xa rời thiên nhiên. Nhiều khi càng cữ hết sức thì ung bướu càng nhanh chân công phá do sức đề kháng bị đục khoét đến trống rỗng.


Khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao “bệnh thời đại” như cao huyết áp, tiểu đường, dị ứng… tiếp tục chiếm thế thượng phong. Không bệnh sao được các cơ quan giữ nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da… rơi lần vào tình trạng kiệt sức vì phải liên tục đối đầu với đủ loại độc chất ngoại lai nay lại thêm chất phụ gia trong thực phẩm công nghệ theo kiểu hàn the, MCPD, melamine… và chắc chắn còn nhiều chất khác, càng lúc càng tàn bạo hơn, càng lúc càng tinh vi hơn.


Nếu không thể thay đổi điều kiện khách quan bên ngoài thì chỉ còn một lối thoát theo hướng chủ động giải độc cho cơ thể để gián tiếp yểm trợ sức đề kháng. Ngành y tế ở nhiều quốc gia tiên tiến không vô cớ mà đã từ lâu khuyến khích hình thức áp dụng dược thảo có tính lợi mật, lợi tiểu nhẹ, nhuận trường, một cách định kỳ, chẳng hạn 10 ngày mỗi tháng, để giảm thiểu lượng độc chất tích lũy trong cơ thể trên tinh thần được chút nào hay chút nấy.


Không thể “Không ăn gì hết!“ vì quá sợ thực phẩm không an toàn. Ngược lại, cũng không thể liều mạng theo kiểu “đụng gì cũng ăn, muốn chết cho chết!“. Cũng không nên tự dằn vặt với trăn trở “Biết ăn gì đây?“. Kiêng cữ thái quá không thể là biện pháp vì nếu sống phải khổ như thế thà chết sướng hơn. Giải pháp tương đối chính là cố sống làm sao để sống chung với độc chất càng lâu càng tốt, sống làm sao cho vui để chỉ phải cữ có mỗi một món. Đó là kiêng… thầy thuốc!


Nói vậy thôi, chứ thỉnh thoảng cũng nên bệnh hoạn chút đỉnh. Nếu không thầy thuốc lấy gì để sống?!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

Monday, January 30, 2017

CON BỀ BỀ


Các bạn có biết con "Bề Bề" là con gì không? Tôi thì chưa từng nghe qua nhưng nếu nói là con "tôm tít" thì tôi biết liền vì đã từng ăn qua, thịt ngọt ngon lắm. Tới bây giờ mới biết con tôm tít còn được gọi là con bề bề, tôm tích, tôm thuyền, tôm búa...
Nếu bạn qua Quảng Đông hay Hồng Kông thì bạn được nghe lạ tai hơn khi họ gọi con tôm tít là "Tôm nước tiểu" (攋尿蝦 Lại niệu hà) vì tôm tít thường hay bắn một tia nước ra ngoài khi bốc lên khỏi nước, có khi còn được gọi là "tôm phú quý" (富貴蝦 Phú quý hà) hay "tôm bọ ngựa" (螳螂蝦 Đường lang hà) và còn nhiều tên gọi khác nữa. Người Nhật gọi là "tôm dế" (蝦蛄 Hà cô), cách gọi này có lẽ là do hình dạng của nó cũng có những điểm gần giống con dế nhũi.
Bây giờ mời các bạn tìm hiển sơ lược về loại "Bề Bề" này và cách nấu:


CON BỀ BỀ
Tôm tít, tôm tích, tôm thuyền, bề bề hay tôm búa (do một số loài có càng tiến hóa thành dạng chùy), là tên được dùng để gọi nhóm giáp xác biển thuộc bộ Tôm chân miệng (Stomatopoda). Chúng không phải tôm cũng chẳng phải bọ ngựa nhưng chúng có tên trong tiếng Anh là Mantis shrimp hay tôm bọ ngựa vì chúng giống cả hai, với cặp càng giống của bọ ngựa. Tôm tít có mặt rộng rãi tại những vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên toàn cầu. Bộ Tôm chân miệng bao gồm khoảng trên 400 loài và tất cả chúng đều nằm trong phân bộ Giáp đơn (Unipeltata). Bộ này có nhiều họ, trong đó họ Squillidae là họ có nhiều loài được dùng làm thực phẩm tại Việt Nam.


Người Assyria cổ gọi tôm tít là châu chấu biển. Tại Úc, chúng có tên là "kẻ giết tôm" (Prawn killers) và ngư dân Âu Mỹ đặt cho chúng cái tên "kẻ xé ngón cái" (Thumb splitters) do chúng có thể kẹp rách da ngón tay nếu không thận trọng khi gỡ chúng khỏi lưới, có trường hợp hiếm hoi, tôm tít có thể làm vỡ kính bể nuôi cá cảnh với một cú đánh bằng đôi càng.
(theo Wikipedia)


CÁCH CHỌN VÀ CHẾ BIẾN BỀ BỀ
*Cách chọn:
Thịt bề bề chắc và ngọt hơn tôm rất nhiều nên rất hay được những người sành ăn lựa chọn. Cách chọn bề bề ngon cũng khá đơn giản, các bạn chỉ cần chọn những con còn sống, cầm thấy chắc tay là được. Thêm vào đó, nếu may mắn tìm được chú bề bề nào mà khi lật ngửa bụng lên nhìn thấy một vệt màu hồng đỏ ở đuôi thì các bạn phải chọn ngay nhé, bởi những con đó có trứng, nếu chế biến các món luộc, rang… sẽ rất thơm, bùi và béo.


*Cách chế biến:
Có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon với bề bề. Đơn giản nhất thì các bạn đem luộc, hấp, còn cầu kỳ hơn chút nữa thì các bạn đem rang muối, rang me, nướng, nấu canh hoặc nấu lẩu… Mình rất thích ăn các món chua chua, cay cay, vì thế thường hay để cả vỏ rang me.


*Cách làm bề bề rang me
Bề bề đem rửa sạch, cho vào chảo dầu chao qua rồi bỏ ra để ráo mỡ. Me bỏ vào bát dầm cùng nước nóng, cho thêm 2 thìa đường, một chút muối vào hòa tan và bỏ hạt. Tiếp theo cho bề bề vào chảo đun lên cùng với nước me, có thể cắt thêm vài lát ớt tươi. Khi nước cạn sâm sấp là được. Ăn món này cũng có cái thú đó là vừa ăn vừa được...mút tay và nhâm nhi vị chua chua, cay cay, thơm ngọt của bề bề.


*Cách bảo quản:
Vì bề bề rất ngọt thịt nên nhiều người hay mua về cất vào ngăn đá để nấu canh dần. Có cầu kỳ thường bóc vỏ bề bề, đem xào qua rồi mới nấu canh, còn có người lại để nguyên cả con bề bề vẫn đang đóng đá rồi bỏ vào cối giã và lọc giống cua. Như vậy vừa đỡ mất thời gian chờ rã đông, lại vừa đỡ tốn công bóc vỏ mà bát canh lại cực ngọt, ăn đứt hạt nêm và mỳ chính. Các bạn nên thử nhé!
(Sưu tầm trên mạng)

POTALA LÀ CUNG ĐIỆN CỦA QUÁN ÂM

Người Tây Tạng xem Quán Âm là vị thần bảo hộ đất Tạng, họ tin rằng thế giới giống như một đoá hoa sen, Lhasa (Lạp Tát 拉萨) chính là trung tâm của hoa sen, là tịnh thổ của Quán Âm, Quán Âm cư trú tại cung Potala (Bố Đạt Lạp 布达拉) ở Lhasa. Đạt Lai Lạt Ma được xem là hoá thân của Quán Âm, truyền Bồ Tát đạo chốn nhân gian, nhân đó, Đạt Lai Lạt Ma trú tại cung Potala.
Cung Potala sừng sững trên đỉnh núi nham thạch có tên là Maruhoiri (Mã Lỗ Hách Lí 玛鲁赫里, có dòng Kichiyo (Hỉ thuỷ 喜水) chảy bên cạnh, phảng phất giống Phổ Đà Lạc Ca sơn普陀洛迦山 ở Nam Ấn Độ, vì thế cung điện đã đặt tên theo Phổ Đà Lạc Ca 普陀洛迦, từ âm tiếng Phạm Potala phiên thành Bố Đạt Lạp 布达拉, còn núi Mã Lỗ Hách Lí 玛鲁赫里 thì thành núi Bố Đạt Lạp.


Cung Potala sớm nhất do vị vua vĩ đại Tùng Tán Can Bố 松赞干布 (Sonzenganpo) kiến tạo khoảng năm 581. Cung Potala lúc bấy giờ không hoa lệ hùng vĩ như hiện nay, quy mô cũng tương đối nhỏ. Đến cuối thế kỉ thứ 17, lúc Đạt Lai Lạt Ma tại vị, có một vị tăng nhân vĩ đại là Tùng Cách Cát Nhã Diệu Nhược 松革吉雅妙若 (Sangegiyamuzo) nắm giữ quyền lực đã vẽ bức vẽ cung điện, thủ pháp phi phàm, cổ vũ toàn bộ người Tạng cùng nhau xây dựng lại cung điện, đến thế kỉ 18 kiến tạo thành cung Potala hùng vĩ như ngày nay.


Khi vua Tùng Tán Can Bố tại vị ra sức đề xướng Phật pháp, sự tích nổi tiếng nhất của ông là việc cưới công chúa Văn Thành 文成 của nhà Đường và công chúa Xích Tôn 赤尊 của Nepal. Cả hai vị công chúa này đều đến từ khu vực văn minh thịnh hành tín ngưỡng Phật giáo. Khi vào đất Tạng đều mang theo tượng Phật và kinh sách. Dưới ảnh hưởng của hai vị công chúa, Tùng Tán Can Bố trở thành tín đồ Phật pháp thuần thành, đồng thời cung thỉnh tượng Quán Âm từ Ấn Độ về thờ phụng.


Trung tâm của cung Potala gọi là cung Xích Vương 赤王, trên những bức vách cao phóng ra những tia sáng màu sắc tươi đỏ; linh tháp trên Phật điện ánh sáng huy hoàng lấp lánh. Trên Pháp Vương điện 法王殿 của cung này có một Phật xá, đặt Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng vàng ròng. Truyền thuyết kể rằng trong Thánh tượng này cất giữ Thánh tượng Quán Âm mà Tùng Tán Can Bố thỉnh về từ 1300 năm trước. Quán Âm Bồ Tát là vị chủ bảo hộ của Tây Tạng, quân vương các đời đều tin thờ Quán Âm, nhân đó, Thánh tượng Quán Âm ở cung Xích Vương được xem là quốc bảo thần thánh nhất, thu hút tín đồ đến triều bái chiêm ngưỡng.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn trong

QUÁN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002


BẠN THẬT

Ngày xưa lâu lắm rồi ở Trung quốc có hai người bạn, một người đàn hay và một người nghe hay.
Khi người đàn về núi cao, người nghe nói: “Tôi có thể thấy núi cao trước mặt ta.”
Khi người đàn về nước, người nghe nói: “Đây là dòng nước chảy!”
Nhưng người nghe gặp bạo bệnh mà chết. Người đàn cắt đứt dây đàn và không bao giờ đàn nữa. Từ đó trở đi, cắt đứt dây đàn là biểu tượng của tình bạn thắm thiết.

Bình:
• Đây là câu chuyện về Bá Nha Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha, làm quan, là người đàn; Tử Kỳ, người nghe, là tiều phu. Gặp nhau và kết nghĩa anh em vì “tri âm” (hiểu được âm thanh), cho nên ngày nay ta có từ “bạn tri âm”.
Cây đàn mà Bá Nha dùng có lẽ là cây Cổ Cầm, mà ngày nay vẫn còn dùng. Cổ cầm còn là tiền thân của Thập Lục Huyền Cầm (hay Tam Thập Lục Huyền Cầm), tức là Đàn Tranh (16 dây hay 36 dây) ngày nay.
• Hiểu nhau không cần phải ở chung với nhau 20 năm. Chưa gặp nhau cũng đã có thể hiểu nhau ngay chỉ qua tiếng đàn.
• Hiểu nhau không cần nói nhiều.
• Nhưng hiểu nhau cần: Người biết diễn đạt đúng điều mình muốn diễn đạt, và người biết nghe điều người kia diễn đạt.


Điều quan trọng ở đây là: Người diễn đạt, không chỉ làm ra âm bằng tay, mà là hồn mình đang nói những lời lẽ sâu kín trong tâm. Và người nghe không chỉ nghe âm bằng tai, mà hồn mình đang trực nhận những thì thầm từ hồn người kia.
Vậy thì, để có tri âm, khi nói chuyện, ta có nói thành thật những sâu kín của hồn ta không, hay ta màu mè, bày vẻ, thiếu thành tâm? Nếu ta không thành tâm thì rất khó có bạn tri âm.
Và khi ta nghe, ta có dùng tâm hồn để nghe tâm hồn không, hay ta chỉ biết nghe âm bằng tai? Nếu không biết nghe thì làm sao “tri âm” ai được?



• Giữa đàn và nghe, điều nào khó hơn? Dĩ nhiên ở mức cao thì làm gì cũng khó. Nhưng có lẽ là nghe khó hơn đàn, vì đàn là đàn điều mình nghĩ, nghe là nghe điều người khác nghĩ. Mình biết mình nghĩ gì để diễn đạt, nhưng người nghe thì lại không biết người kia nghĩ gì, phải lấy âm thanh mà suy đoán.
Nói bao giờ cũng dễ hơn nghe. Vậy thì trong liên hệ con người, nói cẩn thận, nhưng phải nghe cực kỳ chăm chú.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
(Sưu tầm trên mạng)




MỘT NĂM RỐT CUỘC CÓ MẤY MÙA?

Một năm rốt cuộc có mấy mùa? Khổng Tử nói: “Một năm có ba mùa”, quả là kỳ lạ, có đạo lý gì trong đó chăng?

Thì ra đằng sau câu chuyên này lại có ngụ ý sâu xa đến thế, đọc xong lập tức cảm thấy tâm hồn thật bình thản.

Một ngày nọ, một người đệ tử của Khổng Tử đang quét dọn trước cửa nhà, thì một vị khách đến hỏi thăm: “Xin hỏi, cậu là ai vậy?”.

Cậu ấy rất lấy làm tự hào mà nói rằng: “Tôi là đệ tử của Khổng tiên sinh!”.

Người khách liền nói: “Vậy thì tốt quá rồi, tôi có thể thỉnh giáo cậu một vấn đề được không?”.

Người học trò rất vui mà nói: “Tất nhiên là được!”

Lòng cậu nghĩ thầm: Rốt cuộc là ông muốn đưa ra câu hỏi kỳ quái gì đây?

Người khách hỏi: “Một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”
Người học trò nghĩ thầm, câu hỏi như vậy vẫn còn phải hỏi sao?

Thế là cậu liền trả lời: “Xuân hạ thu đông, tổng cộng là bốn mùa vậy”.
Không ngờ rằng vị khách lắc đầu nói…….

“Không đúng, một năm chỉ có ba mùa mà thôi”.

“À, ông nhầm rồi, bốn mùa!”.

“Ba mùa!”


Cuối cùng hai người cứ tranh cãi mãi không thôi, nên liền quyết định đánh cược: Nếu như là bốn mùa, người khách phải cúi lạy học trò ba cái. Nếu như là ba mùa, người học trò phải cúi lạy người khách ba cái.




Người học trò của Khổng Tử nghĩ rằng lần này mình sẽ thắng chắc, thế là chuẩn bị dẫn người khách đi gặp thầy Khổng Tử.

Vừa khéo lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, người học trò liền bước lên hỏi: “Thưa thầy, cho học trò được hỏi, một năm có mấy mùa vậy?”

Khổng Tử nhìn người khách một cái, nói: “Một năm có ba mùa”.

Người học trò này nghe xong, lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, nhưng cậu lại không dám hỏi lại.

Người khách lập tức nói với cậu: “Cúi lạy mau đi, còn đợi gì nữa”.

Người học trò không có cách nào khác, đành phải ngoan ngoãn mà cúi lạy vị khách ba cái. Sau khi người khách đi rồi, người học trò vội vã hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao thầy lại nói ba mùa vậy?”.

Khổng Tử nói: “Chẳng lẽ con không nhìn thấy toàn thân vị khách lúc nãy đều là màu xanh cả sao? Ông ấy chính là châu chấu đấy. Châu chấu mùa xuân chào đời, mùa thu thì chết đi, ông ấy trước giờ chưa từng trải qua mùa đông, nếu như con nói ba mùa thì ông ta sẽ rất lấy làm vừa ý, còn nếu con nói bốn mùa, dù cho có tranh cãi đến nửa đêm cũng không xong. Con chịu thiệt, cúi đầu hành lễ ba cái, như vậy cũng không có thiệt thòi gì”.

Nhớ kỹ câu chuyện này, cũng chẳng cần truy xét là thật, hay là giả, đối với mỗi người chúng ta đều hiệu nghiệm vô cùng.

Bởi vì, chỉ cần khéo léo tận dụng, bạn có thể sống được thêm mười năm! Một câu chuyện, có thể khiến bạn cả đời không cần phải tức giận! Rất nhiều người sau khi nghe xong câu chuyện này, trong lòng đều cảm thấy rất thoải mái. Trước đây nhìn thấy những người không nói lý kia đều sẽ cảm thấy tức giận, bây giờ không như vậy nữa, lòng nghĩ đó là “người ba mùa”, chỉ cần không để nó trong tâm.



Người ba mùa kiên trì với chân lý của mình, là bởi vì họ không có nhìn thấy sự thật để chứng minh rằng họ đã sai, vì vậy, bạn tức giận với họ thì cũng chẳng khác chi là có lỗi với chính mình vậy.


Không tranh là từ bi, không cãi là trí huệ,
Không nghe là thanh tịnh, không thấy là tự tại,
Tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là buông.

Đối với bất cứ người nào, bất cứ việc gì, khi bạn nóng giận, tâm trạng bạn không được ổn định, thì hãy nghĩ người tranh cãi với mình chính là “người ba mùa”, họ đang làm những việc làm của “người ba mùa” vậy, lập tức tâm thái sẽ cảm thấy rất là bình thản, an hòa.

Không đáng để tức giận! Những người đó đều là “người ba mùa!”, Khổng Tử quả nhiên không hổ thẹn là bậc thầy chí thánh vậy…..

Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw