Saturday, June 17, 2017

CŨNG BỞI THẰNG DÂN NGU QUÁ LỢN

Hôm nay có một bạn FB post một bài về cái chuyện sâu răng mà nó to gần bằng con sâu mà tôi nhớ lại mấy chục năm trước tôi hoàn toàn tin đó là sự thật. Hồi nhỏ mà biết gì đâu ra chợ xem mấy ông nhổ răng dạo hay "mãi võ sơn đông" bán thuốc thoa lên miến bông gòn rối nhét vào răng sâu, một hồi lấy ra để lên cái kiếng nhỏ, cho vài giọt nước vào khều khều một lúc: sâu ở đâu mà lúc nhúc bò ra. Lúc đó đâu biết mình bị gạt mà "hoàn toàn tin tưởng".


Anh bạn FB có chua thêm câu thơ "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn", tôi nhớ mang mán nên mới lên mạng tìm lại bài thơ của cụ Tản Đà và tình cờ đọc được môt bài viết cũng thâm thúy lắm. Bây giờ mời các đọc chơi:

Xem Tiểu Thuyết “Tờ Chúc Thư” Cảm Đề (Tản Đà) 

Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thề gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An? 

(An Nam tạp chí, số 8, 1927)


NHÀ THƠ TẢN ĐÀ CHỐNG THAM NHŨNG

80 năm trước, năm 1927, nhà thơ Tản Đà cho đăng trên An Nam tạp chí số 8/1927 bài thơ" Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề". Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta.

Đất Vĩnh An mà Tản Đà nói ở đây là tỉnh Vĩnh Yên. Cái chữ “đào” mà cụ cứ day đi day lại ở câu 7 là vừa để tả cái động tác đục khoét lì lợm, vừa để khéo vạch mặt chỉ tên một gã quan chức họ Đào khét tiếng tham nhũng đương thời: Đó là Tuần phủ Vĩnh Yên.


Đầu đuôi thế này: Nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Tuần phủ Vĩnh Yên lúc đó đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng. Bạn có tưởng tượng nổi hai ngàn rưởi đồng vào thời đó lớn nhỏ cỡ nào không?

Hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn “Giấc mộng con” của Tản Đà: “Một trăm đồng bạc của ông khách đưa cho tôi hôm ấy, ngày hôm sau đem trả nợ tiền hành phí đi vay cùng là chi tiêu về hai chỗ nhà thuê ở làng Sa La, tỉnh Hà Đông, tất cả hết đi 50 đồng, còn 50 đồng để tổ chức báo quán” (Nhân tiện ghi chú thêm, ông khách đó chỉ là một người bạn mới quen, do quý trọng tài đức của Tản Đà mà đã hào phóng giúp thi sĩ một cách vô tư).


Qua sự Tản Đà chi tiêu một trăm đồng cho một việc lớn là trả nợ và ra báo (chính là tờ An Nam tạp chí) như vậy cũng đủ cho thấy hai ngàn rưởi đồng là số tiền to đến cỡ nào!

Từ vụ ăn của đút ghê gớm như thế, Tản Đà đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết tiểu thuyết “Tờ chúc thư” nói về vụ ấy đem xuất bản, rồi lại có thơ như trên. Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta. Mà chống rất quyết liệt, rất sâu sắc.

Quyết liệt vì miêu tả hành vi, diện mạo kẻ tham nhũng rất sinh động lại vạch mặt chỉ tên hắn đến nơi đến chốn, người đọc biết ngay hắn là thằng nào, là thằng Đào ấy đấy, mà cũng là cả cái bè lũ chuyên nghề đào khoét của dân.


Sâu sắc vì chỉ với hai câu thơ giản dị đầy thương đầy giận, Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc: Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng: Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan.

Cuốn tiểu thuyết của Ngô Tiếp bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng những vần thơ của Tản Đà sau gần 80 năm đọc lại vẫn thấy nóng bỏng tính thời sự.

Bùi Minh Quốc
Theo: Tiền Phong

No comments: