Wednesday, June 1, 2016

DĨ ĐẠM TRỊ ĐẠM

Mặc dầu ngành y đang tiếp tục hãnh diện vì nhiều tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị, bệnh tim mạch vẫn tiếp tục đứng đầu về tỷ lệ tử vong! Lý do là vì không dễ giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như:

-Xơ vữa mạch máu do chất mỡ trong máu bội tăng rồi bám chặt vào thành mạch khiến tăng huyết trương tâm đồng thời với nguy cơ do thiểu năng mạch vành.
-Giảm sức co bóp của cơ tim làm tăng huyết áp trương tâm và xung huyết ở phổi, phù nề hạ chi khi tim bước vào giai đoạn mất khả năng bù trừ.
-Rối loạn nhịp tim do xáo trộn dẫn truyền thần kinh.
-Máu có khuynh hướng trở nên đậm đặc khiến thiếu dưỡng khí trong hệ thống mao mạch đồng thời với nguy cơ tắt nghẽn mạch máu nhỏ trên não dẫn đến tai biến mạch máu não, hay trên thành tim làm nhồi máu cơ tim.
Do đó, muốn hội đủ tính chất toàn diện của một phác đồ điều trị bệnh tim, người bệnh, tất nhiên bên cạnh thuốc đặc hiệu không thể thiếu, cần được hỗ trợ liên tục bằng một số hoạt chất sinh học như:
-Chất đạm cần thiết cho lực co thắt của trái tim.
-Sinh tố và khoáng tố quan trọng cho dẫn truyền thần kinh, đứng đầu là sinh tố B1 và manhê (Mg).
-Chất giữ cho máu loãng trên cơ cế sinh học như acid folic, rutin…
-Chất tương tranh với cholesterol để người bệnh vẫn có thể ăn thịt cá mà không sợ tăng chất mỡ trong máu như 3-Omega, acid linoleic, phytosterol…

Thay vì phải dùng nhiều loại thuốc, vì người bệnh tim mạch đằng nào cũng khó tránh nhiều loại thuốc đặc hiệu, nên lưu ý hỗ trợ phác đồ điều trị bằng chế độ dinh dưỡng dồi dào chất đạm thực vật như lecithin, lysin trong đậy nành, carnitin, methionin trong rong biển. Thầy thuốc chuyên khoa tim mạch đều rõ là chất mỡ trong máu cho dù có tăng cao hơn định mức bình thường vẫn không tự động bám vào thành mạch mà phải nhờ một chất trung gian như keo dán mỡ mang tên homocystein. Chất này được cơ thể tổng hợp từ chất đạm và chất béo trong tình huống stress và khi cơ thể có thừa nhiều phế phẩm mang tính acid như acid uric ở người mạnh miệng với thịt mỡ, rượu bia, acid lactic ở người lao tâm lao lực… Nhờ tác dụng giải độc toàn diện cho cơ thể thông qua thành phần kháng oxy-hóa và nhờ tác dụng tương tranh với cấu trúc của homocystein, đậu nành cũng như tảo spirulina là phương tiện sinh học đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa bệnh mạch vành. Kết quả của một công trình nghiên cứu được thực hiện trong năm 2011 ở TP HCM cho thấy hàm lượng homocystein ở nhóm bệnh nhân thiểu năng mạch vành giảm thấy rõ sau thời gian 4 tuần dùng đậu nành và tảo nếu so với nhóm đối chứng cũng dùng thuốc y như thế nhưng thiếu hai món này.

Dĩ đạm trị đạm. Dùng chất đạm thực vật để phong bế tác dụng của homocystein là hiểu cách trở về với thiên nhiên, thay vì chỉ trông mong vào thuốc hóa chất tổng hợp để rồi đến lúc nào đó thuốc là gánh nặng chồng chất trên cơ thể đã hao mòn.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: