Tuesday, November 8, 2022

CÓ THẤY GÌ KHÔNG?

Tôi nhớ trong kinh kể lại sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã do dự không muốn đi truyền dạy, vì nghĩ rằng có lẽ sẽ ít ai hiểu được con đường giải thoát mà Ngài vừa tìm ra. Ngày xưa tôi nghĩ, có lẽ đức Phật do dự là vì giáo lý của Ngài quá uyên thâm, với những lý Bát nhã, Trung quán, tánh Không, hay Bất nhị… thâm sâu quá, nên chắc khó ai có thể hiểu thấu được.


Nhưng bạn biết không, bây giờ tôi nghĩ khác. Đức Phật do dự có lẽ vì biết rằng giáo lý của Ngài tuy rất giản dị, nhưng có mấy ai thật sự hiểu được và chịu thực hành theo. Mấy ai chịu nhìn lại để thấy được nguyên nhân của khổ đau là do từ những ham muốn, sân hận và cố chấp của chính mình mà thôi.

Mấy ai có thể thấy được những lỗi lầm của mình để buông bỏ, mặc dù nó vẫn ngay trước mắt. Cái khó là ở chỗ ta biết quay nhìn lại, thay vì cứ mãi mê tìm kiếm xa xôi. Và với một tình thương lớn, Phật đã rời cội Bồ đề bước chân vào cuộc đời để giúp chúng ta thấy rõ được điều ấy.


Có lần tôi đọc một câu chuyện vui về ông Nasrudin, một nhà hiền triết Trung Đông. Ông thường hay làm những việc có vẽ như dại khờ để dạy người khác. Một hôm ông và người bạn rủ nhau đi cắm trại ngoài sa mạc. Tối đến, cả hai chun vào chiếc lều nhỏ nằm ngủ.

Đến nửa khuya người bạn đánh thức ông dậy và nói: “Này anh, nhìn lên trên kìa, anh có thấy gì không?” Nasrudin nói: “À, bầu trời ngoài sa mạc đầy sao sáng, đẹp tuyệt vời!” Anh bạn hỏi, “Anh thấy như vậy là có nghĩa gì không?” “Nhìn vô số những vì tinh tú trên bầu trời đêm, tôi thấy chúng ta quá nhỏ nhoi, kiếp người thật ngắn ngủi và vô nghĩa làm sao...” Nasrudin đáp.

Người bạn hỏi tiếp, “Nhưng anh không thấy gì nữa sao?” “Nếu mà theo chiêm tinh học, thì nhìn vị trí của các vì sao tôi có thể đoán là bây giờ khoảng hơn nửa khuya. Vậy thì theo anh thì nó có nghĩa là gì?” Người bạn đáp, “Tôi thấy là ai đã đánh cắp chiếc lều của chúng ta mất rồi!”


Mà trên con đường tu học cũng vậy, nhiều khi chúng ta mãi lo tìm kiếm cao xa quá mà quên thấy được những gì đang có mặt, những nguyên nhân của khổ đau, ngay trước mắt mình.

Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong “Hơi thở của Phật”

No comments: