Chuyển thể từ cuốn sách phi hư cấu Nomadland: Surviving America in the Twenty-first Century (2017) của tác giả Jessica Bruder, bộ phim của nữ đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao (Triệu Đình) xoáy sâu vào hiện thực ngổn ngang của nước Mỹ sau cuộc Đại suy thoái năm 2008.
Tác phẩm là sự nối dài mối quan tâm sâu sắc của Zhao với những cộng đồng bên lề trên đất nước này, khi hai bộ phim trước đó do cô đạo diễn là Songs My Brother Taught Me (2015) và The Rider (2017) đều khai thác câu chuyện về hậu duệ của những người dân bản địa.
Bộ phim xoay quanh hành trình của Fern - một người lao động rơi vào cảnh trắng tay sau cuộc Đại suy thoái 2008
Bộ phim chủ yếu xoay quanh nhân vật Fern (Frances McDormand thủ vai) - một phụ nữ trung niên bất đắc dĩ trở thành người du mục sau vô vàn biến cố của đời sống. Chồng qua đời vì bạo bệnh, thất nghiệp, khoản tiết kiệm ít ỏi có nguy cơ tiêu tán, Fern cải tạo chiếc xe tải thành nơi ở và lên đường. Hành trình của cô vừa là cuộc chiến sinh tồn khắc nghiệt, vừa là cuộc phiêu lưu lạ thường nơi miền Tây hùng vĩ.
Nomadland đem đến một góc nhìn rất khác về xứ sở cờ hoa. Nó khẽ khàng lướt qua mọi phù hoa đô thị, hướng đến những thị trấn nghèo nhập nhoạng, những nhà máy bị đóng cửa, những vùng ngoại ô tuyết phủ trắng xóa và cả những sa mạc hoang vu. Dọc theo những cung đường bạt ngàn, nước Mỹ hiện ra ảm đạm và tiêu điều, khi tàn dư của thời kỳ suy thoái vẫn đang đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người.
Thế giới vừa bần hàn vừa nên thơ, vừa khắc khổ vừa khoáng đạt ấy chính là nơi trú ngụ của cộng đồng du mục thời hiện đại, trong đó có Fern. Họ đa phần là những người lao động thuộc tầng lớp dưới trong xã hội, đã lâm vào tình cảnh trắng tay do hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Không nhà, không việc làm, thậm chí không cả người thân, họ bắt đầu cuộc sống lang bạt trên những chiếc xe tải, bước qua nỗi đau để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Tuy nhiên, thất nghiệp và đói nghèo chỉ là một phần của bức tranh hiện thực nhức nhối đó. Bằng cái nhìn tinh tế đầy cảm thông, Nomadland đã chỉ ra rằng, Fern và cộng đồng của cô không chỉ mất đi kế sinh nhai, mà còn bị tước đoạt những mái ấm, niềm hạnh phúc trọn vẹn và cả căn cước. Do đó, cái họ kiếm tìm không chỉ là tương lai, mà còn là sự thừa nhận và cảm giác thuộc về trong một thế giới tan tác.
“Nhà, đó chỉ là một từ, hay là hành trang mà ta mang theo trong tâm khảm?”. Từ câu hỏi cốt lõi ấy, bộ phim nỗ lực khám phá ý nghĩa của gia đình và tình người đối với những cộng đồng du mục trong thế kỷ XXI. Ở đó, dẫu phải theo đuổi lối sống xê dịch, họ vẫn khao khát có được một bến đỗ cho tâm hồn, sau bao trắc trở, đau thương trong cuộc sống.
Đối với Fern, “nhà” chính là chiếc xe tải cũ kỹ, chật chội, thiếu tiện nghi, đã cưu mang cô trong những tháng ngày tột cùng khốn khó. Đó không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi trú ẩn của tâm hồn, với những tấm ảnh gia đình và kỷ vật thuộc về người chồng quá cố. Bởi vậy, Fern vẫn lựa chọn gắn bó với chiếc xe và cuộc sống nay đây mai đó, dù những người bạn tốt đã hào phóng mời cô đến ở nhờ.
Cảnh phim xúc động nhất có lẽ là cảnh Fern ngồi trong xe, hì hụi gắn lại chiếc đĩa của chồng mà một người bạn vô tình làm vỡ. Cô nâng niu những món đồ chẳng đáng giá là bao, cũng như nâng niu chính cuộc đời vụn vỡ của mình. Từ góc nhìn vô cùng nữ tính đó, bộ phim đã cho ta thấy ánh sáng của niềm hy vọng, rằng những bi kịch lớn trong đời vẫn có thể sửa chữa nếu ta đủ bao dung với bản thân.
Mặt khác, nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn, “nhà” không chỉ bao gồm những người thân ruột thịt, mà còn là những người bạn chân thành, sẵn sàng ở bên ta trong những giây phút tuyệt vọng nhất. Bộ phim vì thế mà không hề đen tối, cho dù nó miêu tả một hiện thực đen tối nhuốm màu bế tắc.
Ý tưởng này được dồn nén trong một cú máy dài, khi Fern đi dạo xung quanh khu vực của cộng đồng du mục, cất tiếng chào những người đồng cảnh ngộ dù còn chưa kịp biết tên. Cô hiểu rằng đây là nơi mình được chào đón, những tâm sự của mình được lắng nghe và sẻ chia. Với tâm trạng nhẹ nhõm đó, cô thong dong bước đi trong tiếng nhạc du dương, phía xa là ráng chiều rực rỡ màu da cam. Cuộc sống là vậy, vẫn luôn đẹp đẽ bất chấp những nỗi đau.
Bên cạnh đó, “nhà” cũng có thể chính là thiên nhiên hùng vĩ, khi con người tìm kiếm sự kết nối với trái đất để xoa dịu vết thương lòng. Vẻ đẹp nguyên sơ của nước Mỹ trong Nomadland được lột tả bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh thanh thoát và êm dịu, từ vùng Nevada ngập trong tuyết đến những cánh đồng phương Nam ấm áp, từ những hoang mạc ảm đạm đến bầu trời đầy sao.
Ta có thể bắt gặp những không gian tương tự trong bộ phim First Cow của nữ đạo diễn Kelly Reichardt - một trong những tác phẩm nổi bật nhất của năm 2020 bên cạnh Nomadland. Nếu First Cow mô tả một nước Mỹ hoang sơ và bất ổn cuối thế kỷ XIX - nơi những người nhập cư đặt chân đến để kiếm tìm vận hội, thì Nomadland lại khắc họa thế giới của những thân phận nhỏ nhoi, bị lãng quên trong xã hội hiện đại.
Ở thế kỷ XXI, giấc mơ Mỹ đã tan vỡ, nước Mỹ cũng không còn là “miền đất hứa” giúp người nghèo đổi đời. Tuy nhiên, dưới cái nhìn điềm tĩnh và bao dung của hai nữ đạo diễn tài năng, đó vẫn là một vùng đất tươi đẹp, xứng đáng để khám phá và hy vọng.
Chloé Zhao (Triệu Đình)
Trong Nomadland, Swankie, một bà lão 75 tuổi chọn lối sống du mục để nhìn ngắm thiên nhiên trước khi giã từ cuộc sống vì bệnh ung thư, đã nói rằng: “Khi tôi nhìn thấy mặt biển, những mỏm đá, đàn hải âu chao liệng và những chiếc vỏ trắng muốt phơi mình trên bãi cát, tôi biết cuộc đời mình đã thành toàn”. Trong nghịch cảnh, tâm hồn con người sẽ được cứu rỗi bằng những điều đẹp đẽ bé nhỏ - những mảnh vụn lấp lánh đã dệt nên ý nghĩa cho thế giới này.
Minh Trang / Theo: PNO