Nghĩa địa dưới lòng nước này là nơi chôn những thùng nguyên liệu độc hại làm từ titanium hay các mảnh vụn của vệ tinh, tàu vũ trụ. Các nhà khoa học gọi điểm xa xôi này với cái tên Point Nemo, tức nơi không có người sinh sống. Point Nemo ở xa đất liền hơn bất cứ vị trí nào trên Trái đất. Vị trí này cách đảo Pitcairn ở Thái Bình Dương hơn 2.688km, nằm về phía Đông của New Zealand, phía Tây của lục địa Nam Mỹ và phía Bắc của Nam Cực.
Tại Point Nemo, các dòng hải lưu chính của đại dương cũng không chảy qua, dẫn tới không có nguồn dinh dưỡng nuôi sống hệ sinh vật biển. Vì lý do đó, hệ sinh vật biển ở đây khá nghèo nàn, khiến ngư dân các nước không mấy khi tiếp cận khu vực quanh Point Nemo để đánh bắt hải sản. "Đây là nơi các nước chọn để hạ cánh có kiểm soát các vật thể bởi thường không có ai ở gần đó", chuyên gia Stijn Lemmens từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết.
Khoảng 250 - 300 tàu vũ trụ, hầu hết đã bị cháy rụi khi bay xuyên qua bầu khí quyển trở về Trái đất, được thiết lập đường bay đáp xuống và vĩnh viễn nằm lại Point Nemo. Tới nay, vật thể lớn nhất từ vũ trụ được đưa đến nghĩa địa này là phòng thí nghiệm không gia MIR nặng 120 tấn của Nga vào năm 2001.
"Hiện nay, nghĩa địa này thường xuyên đón nhận các tàu vũ trụ tiếp tế của Nga khi chúng trở về từ các chuyến tiếp tế hàng hóa tới Trạm Vũ trụ quốc tế - ISS", Lemmens cho biết. ISS, nặng 420 tấn, nhiều khả năng cũng sẽ được đáp xuống Point Nemo khi nó hoàn thành sứ mệnh trên không gian của mình, dự kiến vào năm 2024.
Trong tương lai, hầu hết tàu vũ trụ sẽ được thiết kế để dễ dàng bị phá hủy khi quay trở lại Trái đất. Các cơ quan vũ trụ sẽ sử dụng nguyên liệu tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn, đảm bảo chúng sẽ bị đốt cháy khi tái nhập khí quyển và không có khả năng va chạm với mặt đất. Cả NASA và ESA hiện đều nghiên cứu chuyển từ titanium sang nhôm làm nguyên liệu chế tạo các thùng chứa năng lượng cho tàu vũ trụ và tên lửa đẩy.
Nguồn: Zing
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment