Trong những giai thoại văn nghệ của Sài Gòn xưa, có lẽ không ai không biết đến chuyện tình dở dang của Lam Phương và Bạch Yến. Phần vì đó là câu chuyện gây nhiều nuối tiếc, phần vì cách cư xử văn minh của người trong cuộc và quan trọng hơn cả là mối tình ấy đã đi vào âm nhạc Lam Phương một cách tài tình, tạo nên những tuyệt phẩm lãng mạn; trong đó, xuất sắc nhất phải kể đến hai nhạc phẩm ông viết năm 1969, sau mười năm gặp lại Bạch Yến - Thu sầu và Tình bơ vơ.
“Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…”
Có lần, Lam Phương nói vui về những chia ly của đời mình, rằng cách tốt nhất để quên đi một người là “chúng ta hãy thật nhanh cho người khác cơ hội. Khi có người mới, ta sẽ vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ người cũ…”. Cách nói tếu táo, dí dỏm, rất “Lam Phương”, tưởng như pha trò nhưng lại gợi ra biết bao nhiêu hạnh phúc lẫn buồn đau. Thực tế, có những mối tình đã có thể đi qua nhưng có những mối tình dường như không thể nguôi ngoai trong đời người nhạc sĩ ấy. Đó là Bạch Yến.
Nhạc sĩ Lam Phương
Lam Phương yêu nhiều. Ngoài ba cuộc hôn nhân chính thức, ông còn vô số bóng hồng đi qua cuộc đời. Nếu như cuộc hôn nhân với nữ sĩ Túy Hồng là mối duyên như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có sự vun đắp của cả hai bên gia đình; với Cẩm Hường là những bù đắp và hồi sinh sau những mất mát bẽ bàng thì với Bạch Yến lại là những cảm xúc dịu nhẹ, xao xuyến. Nhưng, mối tình ấy gây nhiều tiếc nuối, day dứt nhất trong cuộc đời nhạc sĩ họ Lâm, mối tình mà theo Lam Phương diễn tả trong nhạc phẩm Thu sầu là “trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên”.
Bạch Yến là phu nhân của cố nhạc sĩ - giáo sư Trần Quang Hải (con trai cố giáo sư Trần Văn Khê). Lam Phương và Bạch Yến có duyên hạnh ngộ vào cuối những năm 1950. Khi đó, Bạch Yến mới 15, 16 tuổi, là một trong những kỳ nữ văn nghệ miền Nam bởi cả giọng hát và dung nhan vô cùng thanh tao, quyến rũ. Lam Phương khi ấy là một nhạc sĩ có chút tiếng tăm. Tuy nhiên, vẻ tài hoa của ông và những xao xuyến đầu đời không đủ để níu giữ giai nhân nhiều tham vọng ở lại bên mình. Sau 1954, Bạch Yến quyết định rũ bỏ quá khứ nhọc nhằn và tuổi thơ cơ cực để tung cánh sang trời Tây.
Bạch Yến - bóng hồng còn mãi trong lòng Lam Phương
Lam Phương ở lại ôm mối sầu ly biệt. Ông nhanh chóng kết hôn với Túy Hồng nhưng dường như trong trái tim đa cảm của người nhạc sĩ luôn dành một chỗ đặc biệt cho hình bóng Bạch Yến. Giai đoạn này, dù không trực tiếp nói đến nữ giai nhân đã xa cách ngàn dặm nhưng trong những sáng tác của ông đều nhuốm màu chia ly buồn nhớ, như Nghẹn ngào, Ngày tạm biệt hay Đèn khuya… với những câu hát như “Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm” hay “Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên”…
Thế rồi tưởng như mối tình ấy đã lùi vào quá khứ, khi Lam Phương đã yên bề gia thất bên Túy Hồng, thì bẵng đi cả thập niên cách xa, Bạch Yến trở lại Việt Nam. Sau này, trong những ngày cuối đời phải ngồi xe lăn vì tai biến, Lam Phương hồi tưởng: “Cổ bỏ đi Pháp, rồi đi Mỹ cả mười năm mới quay về. Khi cổ về, tôi có gặp lại cổ, khi đó cổ chưa có chồng nhưng tôi thì có gia đình rồi. Cổ lại đi tiếp”. Người nhạc sĩ bâng khuâng nói về người tình cũ, nghe nhẹ tênh nhưng chất chứa biết bao nỗi niềm.
Hai năm cuối cùng ở Việt Nam, những sự ra đi, trở về của Bạch Yến làm trái tim Lam Phương như rung lên những nốt đắng cay cuối cùng. Trong những biệt ly sau cuối ấy (những năm 1969, 1970), Lam Phương viết Tình bơ vơ, rồi Thu sầu, với những lời ca sầu thương ngút ngàn: “Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu” hay “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi!”. Những năm sau này, ông còn có Chờ người, Phút cuối, Xin thời gian qua mau… và sau này nữa là Cho em quên tuổi ngọc, viết riêng cho giọng ca Bạch Yến (khi đó đã là vợ của giáo sư Trần Quang Hải nhưng cả ba người vẫn giữ với nhau sự tôn trọng, cảm mến). Tất cả đều là những tuyệt phẩm của Tân nhạc Việt Nam, được đông đảo công chúng hâm mộ.
Sau này, chính nhạc sĩ Trần Quang Hải đã nói trong một bài viết của mình về Lam Phương: “Tôi còn nhớ ngày anh Lam Phương tới thăm nơi chúng tôi cư ngụ ở Limeil Brevannes (ngoại ô Paris), anh Lam Phương sáng tác bản Cho em quên tuổi ngọc vào năm 1984 để tặng Bạch Yến… Với một gia tài đồ sộ ca khúc, một tâm hồn sáng tác gần với quê hương, anh Lam Phương là một nhạc sĩ tài năng hiếm có trong vườn hoa Tân nhạc Việt Nam”.
Người viết tình ca giữa thế kỷ bộn bề
Giai đoạn 1954 đến 1975, âm nhạc Sài Gòn có nhiều biến động, như một vòng xoáy của nhiều ngã rẽ đổ về. Ngược lại, khi nhu cầu sáng tạo và trình diễn tăng cao, đời sống văn nghệ lại bị kìm hãm bởi những quy định và luật lệ.
Trong cái không khí âm nhạc vừa hỗn độn xô bồ lại vừa bị kìm nén đến bất an ấy, tình ca trở nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Những bản nhạc tình bắt đầu bước ra khỏi dòng cổ nhạc dân ca miền Nam trên nền tiết tấu boléro và rumba dìu dặt, trở thành liều thuốc xoa dịu tinh thần của một lớp thanh niên và người yêu nhạc thời đó. Đó là “giai đoạn vàng son” của một lứa nhạc sĩ lớn của tình ca Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên…
Có lẽ, cũng giống như Phạm Duy, khi nói về Lam Phương, rất khó để không sa đà vào những giai thoại tình ái trong cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa mà đa tình ấy, dẫn đến việc bị thiếu sót trong đánh giá và nhìn nhận những đóng góp và giá trị của âm nhạc Lam Phương. Mặc dù xuất hiện muộn hơn, chất nhạc lãng mạn say sưa, vừa giản dị mộc mạc mà đầy mỹ cảm của Lam Phương đã nhanh chóng được chú ý và đón nhận, đưa ông lên vị trí “ông hoàng phòng trà” những năm 1960, rồi dần trở thành một “biểu tượng” của nhạc tình miền Nam, một cây đại thụ khó ai thay thế được trong bức tranh Tân nhạc Việt.
Giữa màu sắc hư ảo của Trịnh Công Sơn, cái buồn bã nhiều nhục cảm của Lê Uyên Phương, nhạc tình “ảo tính” của Phượng Hoàng, cái cuồng nhiệt trực diện của Phạm Duy… âm nhạc của Lam Phương, mà điển hình là hai ca khúc Tình bơ vơ và Thu sầu, với những nét nhạc lãng mạn thủ thỉ khiến người nghe như muốn dựa vào để được vuốt ve an ủi; với lời ca mộc mạc đi thẳng vào lòng người, xoa dịu những vết thương.
Như nhạc sĩ Phạm Duy nhận định, Lam Phương, với sự nhạy bén và tinh tế, đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng sáng tác của âm nhạc Sài Gòn thời đó. Ông phát triển những giai điệu boléro nguyên bản thành những giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng nhịp 4/4 nhưng không quá bi lụy, rất hợp với tâm trạng và thẩm mỹ của đông đảo người nghe nhạc bình dân.
Ái tình của Lam Phương, như câu hát mở đầu nhạc phẩm Tình bơ vơ: “Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi…”, là cái chân chất thật thà, chỉ với một câu hát như một câu nói mà khiến người nghe rung động, chạm tới tận đáy tâm can. Hay trong nhạc phẩm Thu sầu, dù vẫn mang dáng dấp những lối diễn tả ẩn dụ, với giai điệu lãng mạn của âm nhạc tiền chiến nhưng Lam Phương chưa bao giờ cố gắng dùng những từ ngữ cao siêu, bóng bẩy mà hầu như chỉ đưa vào các ca khúc của mình những ca từ quen thuộc như “Thương chi cho lắm rồi cũng xa nhau” hay “Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau”. Sang đến Tình bơ vơ, nhạc sĩ đã dùng giai điệu trưởng, khiến cho cái buồn trở nên bớt lê thê hơn rất nhiều.
Những sáng tác của Lam Phương dù phần lớn đều được bắt nguồn từ những câu chuyện, những mối tình có thực, nhưng theo thời gian, nhạc tình của ông như thoát khỏi những “tình ý” ban đầu, trở thành những cảm xúc đông đảo người nghe nhạc đều có thể đồng cảm, có sức sống mãnh liệt trong dòng chảy âm nhạc.
Lan Anh