Monday, November 21, 2022

TẠI SAO ĐẠO ĐỨC KINH, VUA CỦA VẠN KINH LẠI KHÔNG ĐỀ XƯỚNG NỖ LỰC?

“Vô vi” là một trong những tư tưởng trung tâm của Đạo Đức Kinh. Tại sao Đạo Đức Kinh, được mệnh danh là Vua của vạn kinh, lại không đề xướng nỗ lực? Tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử nghĩa là gì? Bộ kinh điển cổ xưa này giảng những gì?

Đạo mà Đạo Đức Kinh giảng, là Đạo của tự nhiên của Thiên, Địa, Nhân. (Ảnh: Wikipedia)

Hơn 2000 năm trước, một cụ già hạc phát đồng nhan rời khỏi đô thành Lạc Dương, đi một mạch về phía Tây, du ngoạn sơn thủy.

Một ngày nọ, ông đến cửa ải Hàm Cốc quan. Viên quan lệnh đã đợi sẵn, mời cụ vào phủ làm khách, hai người đàm đạo rất vui vẻ. Viên quan lệnh cảm động sâu sắc bởi học vấn uyên thâm và kiến thức trác việt của cụ, ông khẩn thiết nói: “Trước khi cụ ẩn cư, xin hãy để lại một trước tác cho hậu thế”.

Cụ già đồng ý, cụ ở lại trong phủ của quan lệnh, viết 5000 chữ, và thế là một bộ kinh điển của mọi thời đại đa ra đời: Đạo Đức Kinh. Cụ già đó chính là Lão Tử, người sáng lập của Đạo gia.
 
Tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử

Từ “Tự nhiên” có nguồn gốc từ Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”. Nghĩa là: Con người hành sự theo quy tắc của đất, đất hành sự theo quy tắc của trời, trời hành sự theo quy tắc của Đạo, Đạo hành sự theo quy tắc của tự nhiên (vũ trụ).

“Đạo pháp tự nhiên” là tinh hoa tư tưởng của Đạo Đức Kinh, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo quy luật tự nhiên (quy luật vũ trụ, phép tắc của vũ trụ), không được tùy ý gắng gượng làm. Do đó “Vô vi” của Lão Tử thể hiện một thái độ và một cảnh giới nhân sinh: “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”, nghĩa là: Dùng thái độ vô vi để thành tựu, dùng phương pháp không thêm việc để làm việc, lấy thanh đạm vô vị làm vị.

Con người cần làm việc với tâm thái vô vi, thì mới đạt đến cảnh giới “không gì là không làm”. Nếu con người làm việc thuận theo lẽ tự nhiên của nó, khi mọi điều kiện đầy đủ, thì sự tình sẽ lập tức thành công tự nhiên như dòng nước chảy. Và khi còn người ở trạng thái thanh đạm yên tĩnh, thì mới thấy được dư vị, niềm vui của cuộc sống.

Đạo Đức Kinh sáng ngời trí tuệ vĩ đại của Lão Tử, khiến người đọc ấn tượng. Tranh thêu chân dung Lão Tử thời Tống. (Nguồn ảnh: Kanzhongguo)

Từ câu nói trên, có thể thấy Lão Tử là người thanh đạm yên tĩnh. Ông cho rằng, con người nên dùng thái độ vô vi làm việc, chớ ôm giữ mong muốn công danh lợi lộc nào, mà từ cái tâm thiện, thì tự nhiên thành thiện quả.

Bởi vị “Đạo pháp tự nhiên”, nên “nỗ lực” là một khái niệm giả. Ví dụ, khi bạn chơi bóng rổ rất vui vẻ, quên mất cả thời gian, do đó ngày này bạn đều đi chơi bóng rổ. Kỹ năng bóng rổ của bạn ngày ngày ngày tinh tiến. Bạn thấy Kobe chơi bóng rổ nỗ lực như vậy, thực tế đó là hiện tượng bề ngoài, còn trong nội tâm là tình yêu bóng rổ sâu đậm, anh chỉ thuận theo tình yêu này chơi, còn muốn chơi đến cực độ.

Nhưng nếu một người cảm thấy, chơi bóng rổ cần phải nỗ lực, cần khắc phục tính lười của mình, thì điều đó nói nên rằng, trong nội tâm anh ta không thích chơi bóng rổ. Anh ta chơi bóng rổ là để thể hiện, hoặc để đua tranh, hay là được sự cổ vũ của các cô gái.

Nếu cái tâm ban đầu chơi bóng rổ không vì danh lợi, mà là vì yêu thích, thì đó là phù hợp với Đạo. Do đó, “Đạo pháp tự nhiên”, thuận theo tự nhiên, tự nhiên làm đến mức quên bản thân, quên cả những phê bình đánh giá của người khác, làm việc chỉ vì niềm yêu thích trong nội tâm. Càng như thế thì càng đạt được độ cao mà người thường thấy khó mà vượt được.

Nhưng đối với những người cảm thấy nỗ lực và kiên trì chơi bóng rổ là mệt mỏi, họ cảm thấy mệt mỏi, vì trong nội tâm họ không thích làm sự việc này, do đó họ cảm thấy tẻ nhạt vô vị, nên họ cần nỗ lực, kiên trì mới làm được.

Steve Jobs tại sao lại luôn đề cập đến tầm quan trọng của sau mê? “Không có say mê thì không thể tạo ra kỳ tích cho Apple được, bởi vì sáng nghiệp là việc quá khó”. Đây là những lời Steve Jobs nói khi trả lời phỏng vấn.

Người bình thường sáng nghiệp đều là mưu đồ danh lợi, còn Steve Jobs không bị dẫn động bởi danh và lợi, mà ông được niềm sau mê và mong muốn làm lợi cho người khác nâng đỡ, thế nên từng khó khăn như quả núi xuất hiện, ông đều vượt qua.

Điều này về hiện tượng bề ngoài thì có vẻ như Steve Jobs nỗ lực kiên trì, nhưng trong nội tâm chính là niềm say mê và yêu thích dẫn động ông. Ông đang làm những việc mà không cần phải chiến thắng tính lười của bản thân, làm việc tự nhiên muốn làm, thể hội được niềm vui. Nỗ lực và kiên trì là người ngoài nhìn ông, người ngoài khát vọng muốn thành công như ông, muốn trở thành người như ông, nhưng cảm thấy rất khó làm được, do đó phải nỗ lực và kiên trì.

Trang Tử kể một câu chuyện ngụ ngôn rằng, khi một người vì vui thích mà bắn cung tên, thì anh ta mới có thể xứng danh gọi là bắn cung. Nếu anh ta bắn cung vì huy chương vàng, thì anh ta bắt đầu căng thẳng, cái tâm “hữu vi” càng nặng, thì càng lo được, lo mất. Thực tế càng “vô vi”, càng “tự nhiên”, càng theo niềm say mê trong tâm, thì mới càng dốc tâm sức, thì kỹ thuật bắn cung mới càng tinh tế chính xác.

Khi một người vì vui thích mà bắn cung tên, thì anh ta mới có thể xứng danh gọi là bắn cung. (Tranh Winnie Wang)

Thế nên, nếu muốn trẻ học hành tốt, thì ép buộc, hay dùng danh lợi thúc đẩy trẻ học tập, đều không có kết quả tốt được, do đó cần bồi dưỡng cho trẻ hứng thú học tập.

Tương truyền Lão Tử sống đến trên 160 tuổi, có người nói ông sống trên 200 tuổi, chình vì ông thanh tĩnh vô vi, tu dưỡng thân tâm.

Lão Tử nhận thấy rằng “Con người khi sống thì mềm yếu, khi chết thì cứng rắn. Cây cỏ khi sống cũng mềm yếu, khi chết thì khô cứng. Cho nên người cứng rắn là kẻ chết, người mềm yếu là người sống”.

Lão Tử phát hiện ra rằng, những thứ mềm dịu, trông có vẻ mềm yếu, nhưng lại chứa đầy sinh khí. Còn những thứ rắn chắc, lại luôn dễ bị mất đi sinh khí, từ đó dần dần đi đến diệt vong.

Lão Tử lấy nước làm ví dụ để nói đạo lý nhu khắc cương: “Thiên hạ không gì mềm yếu bằng nước, nhưng khi nước tấn công những cái cứng mạnh, thì không gì là không thắng. Nhược thắng cường, nhu thắng cương, thiên hạ không ai không biết, nhưng lại không thực hành được”.

Trọng vạn vật, thứ mềm yếu vô lực nhất, không gì bằng nước, nhưng nước lại có thể phá hủy những vật cứng rắn nhất, như nước chảy đá mòn.

Do đó Lão Tử chủ trương, hành vi và xử sự của con người, không được quá cứng rắn, vì như thế sẽ dễ thất bại và bị hủy hoại, không bằng mềm mại giữ thế cục, dần dần tích tụ lực lượng, cuối cùng chiến thắng những thứ mạnh mẽ to lớn hơn.

Lão Tử nhận thấy, những sự vật có tính dẻo dai luôn chứa đựng tiềm năng to lớn, nên sống mềm mại giữ yếu nhược, đó không phải là vô vi tiêu cực, mà là phương sách tất yếu để bảo tồn sinh mệnh, cũng là nền tảng để trở nên lớn mạnh.

Lão Tử cũng cho rằng, người thống trị và người quản lý cũng nên tuân theo quy luật “tự nhiên”, tức thực thi “vô vi nhi trị”, đúng như Lão Tử nói: “Công thành sự toại, bách tính đều nói ta tự nhiên”.

Người thống trị tốt nhất không phải là phát ra mệnh lệnh, mà là khiến bách tính đều ở trong trạng thái du nhàn tự đắc, từ đó thực hiện thiên hạ thái bình, xã hội yên định. Thống trị như thế chính là “tự nhiên”.

Lão Tử đề xuất “Vô vi nhi trị”, không có nghĩa là không làm gì, mà có nghĩa là, người quản lý, lãnh đạo, không được trái với quy luật khách quan, không được tùy tiện quản lý dân chúng theo ý mình. Xã hội cũng có quy luật phát triển - Đạo. Bất kể người nào làm trái Đạo, thì kết quả hoàn toàn ngược lại, thậm chí sẽ bị trừng phạt.

Lão Tử tham ngộ Thiên Đạo

Đạo Đức Kinh có 5000 chữ, trong đó có trên 70 chỗ đề cập đến chữ Đạo, hơn nữa, mở đầu bằng câu: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Đạo mà có thể nói ra, thì đó không phải Đạo thường hằng bất biến. Danh mà nói ra thì không phải danh thường hằng bất biến).

Đạo là khởi nguồn của vạn sự vạn vật, sinh ra vạn sự vạn vật, tồn tại trong vạn sự vạn vật trong vũ trụ, hòa nhập với trời đất. Tham ngộ ra Thiên Đạo, chính là lĩnh ngộ ra quy luật của vạn sự vạn vật.

Trong tất cả các quy luật của vạn sự vạn vật, Lão Tử tham ngộ ra “Lợi mà không hại”, từ một ý nghĩa nhất định, đây là nguyên tắc căn bản của Thiên Đạo. Trời sinh dưỡng vạn vật, làm lợi cho vạn vật, không làm hại vạn vật.

Lão Tử lấy nước ví với Thiên Đạo. Ông nói: “Cái thiện cao nhất như nước, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở vào nơi mà mọi người đều không thích (nơi thấp kém), nên nước gần với Đạo”.

Hành động như nước, khô ướt tùy thời, khéo thuận theo thiên thời, hiểu cách nắm bắt thời cơ. (Ảnh tổng hợp)

Chính vì nước ở nơi thấp nhất nên mới bao dung tất cả, như biển rộng dung nạp muôn sông. Nước gần với Đạo, thông đạt mà lại giúp tất cả, mà không cần báo đáp.

Ngoài ra, Lão Tử còn cho rằng, hết thảy sử vật trong vũ trụ đều có 2 mặt đối lập, sự vật phát triển đến mức độ nhất định thì sẽ chuyển hóa theo hướng ngược lại, chính là điều mà chúng ta thường nói “Vật cực tất phản”.

Bởi vì tất cả sự vật trong vũ trụ đều là do âm dương tương hợp, tác động ảnh hưởng lẫn nhau mà thành, hòa hợp với nhau, kiềm chế lẫn nhau, đạt đến một trạng thái cân bằng, gọi là “Hòa”.

Nếu mù quáng can thiệp vào khiến một nhân tố tăng lên hoặc giảm đi, thì sẽ phá vỡ sự cân bằng này, khiến cả hệ thống sụp đổ.

Trong tất cả các hệ thống, âm dương đều cân bằng ở trạng thái động. Nếu mù quáng giảm thiểu lực lượng hạn chế “âm”, thì cũng biến tướng giảm lực lượng sinh trưởng “dương”.

Lão Tử cho chúng ta biết: Vật cực tất phản, thịnh cực tất suy, đó là quy luật cơ bản của Thiên Đạo.

Lão Tử lĩnh ngộ Đạo của con người

Lão Tử đề xướng “Người dùng Đạo phò tá quân chủ, không dùng sức mạnh quân đội mạnh chinh phục thiên hạ, vì như thế tự nhiên sẽ bị báo thù. Những nơi đóng quân đội, giao chiến, đều khiến đất đai hoang vu, dân không nơi an cư lạc nghiệp. Thượng Thiên có đức hiếu sinh, dưỡng dục mọi người trong thiên hạ, còn chiến tranh bạo loạn gây họa cho quốc gia và người dân, khiến sinh linh lầm than. Hành vi trái Đạo này ắt sẽ gây ra tai họa thảm trọng”.

Những quân vương dựa vào sức mạnh quân sự để nắm bá quyền, càng nhanh đi đến diệt vong.

Lão Tử đề ra nguyên tắc xử thế “Phản phác quy chân”. Ông cho rằng, trạng thái nguyên thủy nhất của nhân tính là Phác và Chân, con người ngày càng xa rời đặc tính ban đầu, khiến xã hội ngày càng loạn lạc. Thế nên, con người cần Phản phác quy chân, trở về với thiên tính tự nhiên nguyên sơ, hồn nhiên ngây thơ như em bé, nhưng lại có trí tuệ lớn hiểu rõ vạn sự vạn vật. Khi đó, xã hội sẽ đạt đến trạng thái hài hòa.

Phản phác quy chân là con đường trở về với bản nguyên của sinh mệnh, là bí ẩn của sinh mệnh.

Lão Tử cũng nhấn mạnh, làm người cần “biết đủ thường vui, không họa nào lớn hơn lòng không biết đủ, không tội lỗi nào lớn hơn ham muốn đắc được. Thế nên, người biết hài lòng, thì luôn hài lòng”. 

Cuộc sống đơn giản mới là cuộc sống hạnh phúc. Người biết đủ thường tìm được niềm vui và khoan dung độ lượng. (Pxhere)

Trong sách “Thế thuyết tân ngữ” có ghi chép câu chuyện như sau:

Thạch Sùng là con trai của Thạch Bao - khai quốc công thần của triều Tây Tấn. Theo sử sách ghi chép, tài sản của Thạch Sùng chất cao như núi. Phủ đệ của Thạch Sùng vàng bạc châu báu như hoàng cung, cả nhà hàng ngày 3 bữa đều là sơn hào hải vị. Thạch Sùng xa hoa còn hơn cả vua, vượt ngoài phép tắc của kẻ bề tôi, khiến Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm tức giận. Tấn Vũ Đế bắt xử trảm và tịch thu gia tài.

Thạch Sùng vì tham tài sản mà mất mạng đã minh chứng rõ câu nói của Lão Tử: “không họa nào lớn hơn lòng không biết đủ”.

Người biết đủ thì luôn luôn hài lòng, luôn luôn cảm thấy hạnh phúc. Như vậy, phúc không phải đến từ vật ngoại thân, không phải công danh địa vị, mà là sự hài lòng của nội tâm.

Lòng tham con người là vô đáy, càng truy cầu nhiều thì càng không thỏa mãn, thế nên, trước những gì mình đang có, cần học cách hài lòng, như thế sẽ tránh được tai họa, và đạt được hạnh phúc thực sự.

Lão Tử không bảo mọi người vứt bỏ các nhu cầu của con người, mà hài lòng với những gì mình có, sống cuộc sống bình thường hòa hợp với thiên nhiên, không truy cầu thanh sắc, không phóng túng ham dục. Đó là thái độ sống biết trân trọng sinh mệnh, trân trọng vạn vật, và trân trọng chính mình.

Phản phác quy chân, Đại Đạo chí giản

“Đại Đạo chí giản, phồn tại nhân tâm”, Đại Đạo rất đơn giản, phức tạp tại lòng người, đúng như Lão Tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.

Vạn sự vạn vật đều bắt đầu từ Nhất đơn giản, và cuối cùng cũng trở về với Nhất đơn giản này - đó là Đạo. Khi sinh mệnh trở về với thanh tịnh và đơn giản, thì những bí ẩn của vũ trụ đều ở ngay trước mắt.

Trung Hòa / NTDTV
Theo: Ngày ngày đọc sách

No comments: