Đây là câu chuyện được kể lại trong cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” bởi cao tăng Huyền Trang thời nhà Đường.
Ngày xưa, bên cạnh hoàng cung nước Tăng Già La ở Thiên Trúc có một ngôi chùa nhỏ được trang trí bằng kỳ trân dị bảo. Quốc vương thường dẫn các quan đại thần đến dâng hương lễ Phật tỏ lòng thành kính. Trong chùa có một pho tượng Phật bằng vàng, kích thước ngang tầm chân thân của Phật Đà, trên búi tóc của tượng Phật có khảm một viên ngọc quý giá trị liên thành, viên ngọc tỏa sáng lung linh. Bên ngoài chùa có rất nhiều cổng, còn có lính gác trông coi, phòng thủ rất nghiêm ngặt, người thường khó có thể đặt chân vào được.
Có một tên trộm khởi tâm xấu, y muốn lấy trộm viên ngọc báu trên tượng Phật, nên đã ngấm ngầm đào một đường hầm bên cạnh ngôi chùa, rồi thông thẳng vào bên trong ngôi chùa.
Một đêm nọ, tên trộm theo đường hầm lẻn vào trong chùa. Y bò đến trước bức tượng Phật vàng, định lấy viên ngọc trước mắt, thì đột nhiên tượng Phật trong phút chốc biến thành cao lớn hơn, bàn tay của tên trộm không chạm tới viên ngọc. Tên trộm kiễng chân lên, với tay lấy viên ngọc, tượng Phật ngay lập tức lại biến thành cao hơn. Y liền đi tìm hòn đá để kê chân, vừa kiễng chân vừa đưa tay với lấy viên ngọc, tượng Phật trong phút chốc lại biến thành cao hơn khiến y càng thêm tốn công phí sức.
Tên trộm nôn nóng, mồ hôi nhễ nhại, lòng rất bất mãn, y ngẩng đầu lên nói với tượng Phật rằng: “Tượng Phật này chỉ cao bằng thân Phật, sao lại không ngừng cao lên vậy? Phải chăng nó tiếc rẻ viên ngọc trên người nó”. Bức tượng Phật vẫn đứng im, hờ hững chẳng nói gì.
Tên trộm lại nói: “Ta nghe nói rằng khi Đức Phật Như Lai mới đầu tu quả vị Bồ Tát, có trí huệ vô biên, ngài phát thệ nguyện hồng đại, thương xót quảng đại chúng sinh ở thế gian, cứu tế muôn dân đang trong khổ nạn, làm cho những quốc gia và dân tộc tín phụng ngài được sung túc an khang”.
“Ta còn nghe nói rằng Đức Phật đã từng xả bỏ tính mạng vì một con chim bồ câu, để cứu hổ và bảy con hổ con khỏi chết đói, Ngài đã từng xả thân nuôi hổ. Tượng Phật giờ đây cớ sao lại keo kiệt đến vậy, ngay cả một viên ngọc báu cũng không chịu bố thí? Dù có bảo toàn được tượng Phật khảm nạm vật báu, thì cũng không phát dương quang đại được thiện hạnh của Phật Đà”.
Tên trộm vừa dứt lời, thì thấy tượng Phật này cúi đầu nhìn mình với ánh mắt tràn đầy thương xót, viên ngọc lập tức rơi xuống chỗ tên trộm có thể đưa tay lấy được. Tên trộm vui mừng, lấy đi viên ngọc, men theo đường hầm bỏ trốn.
Tên trộm đem viên ngọc ra chợ bán, rất mau đã bị người ta nhận ra: “Đây không phải là vật báu của tượng Phật trong ngôi chùa nhỏ cạnh cung điện sao? Làm sao có thể ở trong tay người này được chứ?”.
Tên trộm liền bị bắt, quốc vương bừng bừng lửa giận, đích thân thẩm vấn tên trộm: “Viên ngọc này ở đâu ra? Có phải nhà ngươi đã lấy trộm không?”. Tên trộm nói: “Tôi không có lấy trộm, viên ngọc này là tượng Phật cho tôi đó”. Quốc vương cho rằng tên trộm nói dối, nhưng tên trộm nhất quyết nói rằng chính xác là tượng Phật đã cúi đầu cho y viên ngọc này.
Quốc vương bèn đến ngôi chùa để kiểm chứng, vừa nhìn, quả nhiên hình dáng bức tượng đã khác với trước đây, bức tượng đã cúi đầu xuống, hơn nữa trên búi tóc đã mất đi viên ngọc báu. Quốc vương cảm khái muôn phần, càng kiên định tín ngưỡng đối với Phật Đà. Quốc vương ân xá cho tên trộm, dùng lượng lớn vàng chuộc lại viên ngọc, rồi lần nữa gắn nó trên búi tóc của tượng Phật. Từ đó, tượng Phật vẫn giữ nguyên tư thế cúi đầu cho đến tận hôm nay.
Câu chuyện này có hàm ý rất sâu xa, cảnh giới và dụng tâm của Thần Phật không phải là điều mà người bình thường có thể tưởng tượng và phỏng đoán ra được; tuy nhiên tấm lòng từ bi, khoan dung, tư thế khiêm tốn của họ đủ để khiến người đời lúc nào cũng phải cúi đầu kính ngưỡng.
Thanh Hoa biên dịch
Theo Epoch times