Friday, November 18, 2022

BÍ ẨN KIẾN TRÚC TÒA THÁNH CAO ĐÀI TÂY NINH (KỲ CUỐI)

Trong suốt thời gian xây dựng, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Xây đến đâu, ông Phạm Công Tắc thiết kế bằng miệng đến đó. Điều lạ là, rất nhiều người là nông dân chưa từng học qua trường lớp mỹ thuật nào vẫn tạo tác thành công hàng chục ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng các vị Phật đạt trình độ mỹ thuật cao.


Giai thoại kể rằng, có một số người bị mắc chứng bệnh nan y, nghe tin xây dựng Tòa Thánh, tuy không có trong "biên chế" 500 công thợ xây dựng vẫn đến phụ trợ những việc vặt với ý nghĩ "tạo công quả trước khi chết". Thế nhưng, sau thời gian tham gia xây dựng, chứng bệnh nan y tiêu tán lúc nào không hay biết.

Tòa Thánh vừa xây dựng xong phần cơ bản thì ngày 28-06-1941, Chính quyền Pháp đưa quân đội chiếm lấy làm doanh trại đóng quân. Giáo chủ Phạm Công Tắc bị Pháp bắt đày đi đảo Madagascar vì "truyền bá dị đạo". Nhân công xây dựng bị quân Pháp xua ra khỏi Tòa thánh.

Mãi đến năm 1946, giáo chủ Phạm Công Tắc mới được Pháp trả tự do, trở về tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng Tòa Thánh.

Một buổi cầu kinh trong tòa thánh Cao Đài Tây Ninh

Có thể nói công trình kiến trúc Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh lộng lẫy, nguy nga như một cung điện. Năm 1947, hàng vạn tín đồ từ khắp nơi kéo về Tây Ninh tham dự lễ khánh thành.

Không ai biết trong giai đoạn chiếm đóng Tòa Thánh, một đơn vị quân Pháp nhận được từ thượng cấp mật lệnh chôn một khối thuốc nổ 100 kg (có tài liệu cho rằng 1000 kg) dưới nền chánh điện.

Một nguồn tài liệu viết rằng: “Ngày 6 tháng 8 năm Tân Tỵ (dl 26–9–1941), Quan Tham Biện tỉnh Tây Ninh và ông Chủ quận Lâm Văn Huê đến mượn Tòa Thánh. Thánh Địa tôn nghiêm bị Pháp dùng làm nơi đóng quân và bãi đậu xe nhà binh. Tất cả tài liệu và máy móc ở các Thánh sở, nhà in, thư viện, viện bảo tàng đều bị quân Pháp khuân chở đi hết. “Giữa năm 1942, quân Pháp đưa lính vào đóng quân ngay trên nền Đền Thánh mới xây cất, chưa kịp lót gạch và trang trí. Viên Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho binh lính đào đặc dưới nền Hiệp Thiên Đài (vì chúng cho: hiệp Thiên Đài còn thì Đạo còn, Hiệp Thiên Đài mất thì Đạo dứt) một trái mìn (mine) một ngàn kí lô. Thực dân Pháp nghi ngờ đạo Cao Đài có liên hệ với Phát xít Đức vì trên nóc Hiệp Thiên Đài có chữ Vạn, nên chúng nghĩ thế nào Phát xít Nhựt cũng đến giải vây Tòa Thánh. Lúc Nhựt đến giải vây thì sẽ cho châm ngòi nổ, vừa diệt Nhựt vừa diệt Đạo. Việc quân đội Pháp chôn trái mìn 1000 kí lô toàn đạo không một ai hay biết cả”

Quả cầu Càn Khôn

Mãi đến năm 1956, người ta mới phát hiện điều này qua mục courriers des lectuers (chuyên mục dành cho độc giả viết) của tuần báo Paris Match. Tác giả bài báo là ông Roubaud - Nguyên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng 1 đơn vị bộ binh Pháp. Bài báo cho biết, năm 1944 tiểu đoàn nhận được lệnh tiếp quản Tòa Thánh từ 1 tiểu đoàn chiếm đóng trước đó.

Ông Roubaud viết: "Tôi có đọc một bài phóng sự của quí báo về tôn giáo Cao Đài làm tôi nhớ lại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nơi mà chúng tôi từng nhận lệnh chiếm đóng. Trước đó, 1 tiểu đoàn đã được phái vào chiếm đóng Tòa Thánh để thực hiện một kế hoạch bí mật. Đó là chôn 1 khối thuốc nổ 100 kg dưới nền Tòa Thánh để khi quân đội Nhật vào chiếm đóng Tòa Thánh, sẽ cho nổ khối thuốc nổ ấy để tiêu diệt. Chôn xong khối thuốc nổ, đơn vị này nhận được lệnh đi làm nhiệm vụ khác. Đơn vị của tôi được cử đến thay thế. Khi tôi cùng Tiểu đoàn của mình đến đây tiếp quản Tòa Thánh, viên sỹ quan chỉ huy làm biên bản bàn giao nhiệm vụ. Không rõ vì nguyên do nào mà trong biên bản bàn giao ấy, ông ta không nhắc đến nhiệm vụ kích hoạt khối thuốc nổ sau khi quân Nhật chiếm đóng. Tôi cũng không nhận được lệnh ấy từ thượng cấp trực tiếp. Đơn vị của tôi cũng là đơn vị cuối cùng đóng quân tại Tòa Thánh, trước khi rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Vì vậy, tôi tin rằng khối thuốc nổ ấy vẫn còn nằm ở đó. Vậy, hôm nay, qua quí báo (Paris Match), tôi xin loan báo cho Hội Thánh Cao Đài biết rõ tin nầy. Tôi sẵn sàng chỉ chính xác địa điểm chôn khối thuốc khi nào Hội Thánh Cao Đài liên lạc với tôi".

Năm 1964, ông Nguyễn Văn Tất (Thời Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống VNCH, ông Tất là Đại tá tỉnh trưởng Tây Ninh) cho người bí mật đào đường hầm từ bên ngoài xuyên vào nền Tòa Thánh lấy khối thuốc nổ ra. Vì chuyện này, có dạo râm ran trong tín đồ tin đồn: "Dưới nền Tòa Thánh là … đường xuống địa ngục".

Căn hầm dưới quả cầu Càn Khôn là nơi chứa liên đài của 6 vị chức sắc

Những thông tin trên không kiểm chứng nên thật hay giả vẫn còn mơ hồ.

Hiện nay, dưới nền Tòa thánh, nơi đặt đặt quả Càn Khôn có một căn hầm gọi là hầm Bát Quái. Nơi đó các tín đồ Cao Đài đặt 6 liên đài (hủ tro cốt) của 6 vị chức sắc tôn giáo có công khai sáng nền đạo gồm: Đức Quyền Giáo tông Lê Văn Trung, Nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh, Thái Đầu sư Thái Thơ Thanh, Ngọc Đầu sư Ngọc Trang Thanh, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, Bảo đạo Cao Minh Chương. Vào ngày 25 tháng chạp (âm lịch) hàng năm, cửa hầm mở duy nhất một lần để tín đồ vào thắp hương và vệ sinh căn hầm.

Cao Đài là một tôn giáo hòa hợp triết thuyết Nho, Lão, Thích làm nền tảng. Tín đồ chủ trương "sống thiện, tuân pháp", tức làm việc thiện và tuân thủ pháp luật. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đông đảo chức sắc, tín đồ đạo Cao đài đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của tín đồ, một số thế lực thù địch đã nhiều lần trà trộn, dùng thủ đoạn thâm độc hòng chia rẽ nội bộ tôn giáo, tạo hình ảnh xấu cho đạo Cao Đài.

Cửa hầm Bát Quái

Với chủ trương "gạn đục khơi trong, làm trong lành môi trường tín ngưỡng để tín đồ yên tâm tu hành", chính quyền ta đã nhiều lần phá vỡ những âm mưu, thủ đoạn đê hèn đó. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt và lâu dài, nhiều cán bộ, chiến sỹ của ta đã hy sinh tính mạng để ngày nay đạo Cao Đài trở thành một tôn giáo thuần túy tín ngưỡng.

Trải qua nhiều sóng gió biến động suốt hơn 3 phần tư thế kỷ qua, Tòa Thánh trở thành điểm hành hương của khoảng 5 triệu tín đồ ở khắp hành tinh và là điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế. Rất nhiều tạp chí kiến trúc nước ngoài đã viết bài giới thiệu và ca ngợi công trình Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.

Và người Tây Ninh, kể cả ngoại đạo cũng xem Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là công trình kiến trúc đáng tự hào./.

Nông Huyền Sơn
Theo: Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển