Con sông Cửa Lớn ôm riết lấy Năm Căn không bao giờ yên ả, Cồn cào cuộn sóng như một bài ca bất tận của miền đất khao khát vươn tới chân trời…
Họp chợ nhộn nhịp bên sông
Khác hẳn với những chợ nổi ở Cần Thơ và Long Xuyên, chợ trên sông ở Năm Căn được dân quanh vùng gọi là chợ trôi, vì khách mua hàng ở nhà cố định trên bờ. Thuyền hàng sẽ đi dọc ven bờ sông, hoặc kênh rạch, khi có ai gọi lập tức rẽ vào. Mỗi ngày có hàng chục chuyến hàng như thế với hình ảnh trôi thuyền vào bờ bán hàng. Người bán và kẻ mua trở nên thân thiện, dựa vào nhau sinh sống, như một gia đình lớn trên hai bờ sông. Nhiều khi những con thuyền chở hàng đã thành phương tiện cấp cứu cho những ai ốm đau, hay bị thương khi đi săn thú trong rừng.
Xưa đã vậy. Nay vẫn thế. Và đó là hình ảnh còn lưu giữ lại hàng trăm năm qua. Nó gắn liền với sự ra đời của cái tên Năm Căn. Bởi ngày ấy, trên bến ngã ba sông Cửa Lớn, có một người Hoa kiều đến dựng 5 căn trại đáy, giăng lưới cố định đánh bắt cá trên sông, cách đây chừng 200 năm. Miền đất rạch ngang sông nước, cá tôm như trên trời rơi xuống, lấy tay cũng bắt được dăm con. Người ta đến đây đánh cá, trồng chuối họp chợ trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, ngay bên 5 căn trại đáy.
Những cuộc trao đổi, gặp gỡ đều lấy điểm hẹn là 5 căn trại đáy trên ngã ba sông. Dường như cái tên Năm Căn được định danh từ hình ảnh đó. Cuộc sống chài lưới chợ búa trên sông Cửa Lớn được ghi dấu ấn trong nhiều câu ca dao được truyền tụng. Đến trẻ con cũng thuộc câu: “Cha chài, mẹ lưới, con câu/ Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi lò”. Sau này cho dù chợ đã hình thành trên hai bờ sông, nhưng nguồn cung ứng chủ yếu vẫn do những tàu, thuyền lớn đi khắp nơi gom hàng về. Ngay chợ lớn ở thị trấn Năm Căn cũng ở gần bờ sông để tiện khách đi thuyền lên bờ mua bán.
Tình cờ chúng tôi được nghe một bà má Năm Căn, bên quán hàng nước kể chuyện… Xưa chợ Năm Căn sầm uất hơn các vùng kẻ chợ khác ở mặt hàng than đước. Bởi ban đầu chợ chủ yếu bán tôm cá và than củi. Cây gỗ đước hay tràm tươi được người dân nơi đây đốt làm than bán khắp vùng lục tỉnh Nam Bộ. Than đước nức tiếng với chất lượng tốt nhất, nhiệt cao cháy lâu, không nơi nào sánh được. Chả vậy mà người ta còn đặt tên cho Năm Căn là mỏ “vàng đen”. Nghề hầm than đã ra đời từ cách đây hơn 200 năm. Từ thời thuộc Pháp, Năm Căn thịnh vượng và trở thành thị trấn, hai bờ sông mọc lên nhiều lò than, nhà nhà san sát. Thời kỳ thịnh vượng nhất, trên dải đất từ Năm Căn tới mũi Cà Mau có tới gần 800 lò hầm than. Mỗi tháng trung bình sản xuất tới 6.000 tấn than, xếp cao nhất trong toàn xứ Nam Kỳ.
Chợ than còn nổi như cồn, khi chính vợ một quan chức lớn nhất trong chính phủ ngày đó, đứng ra thầu phần lớn than được sản xuất tại đây. Dân làm than vẫn còn nhớ nằm lòng những câu ca dao được truyền tụng hàng trăm năm qua: “Chim quyên xuống đất ăn trùn/ Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than/ Đốt than thì phải sàng than/ Làm sao đừng để lấm gan anh hùng”. Hiện nay than đước còn được xuất khẩu và cũng là mặt hàng không thể thiếu, mỗi khi các tàu lớn cập bến Năm Căn, đưa về chợ ở các thành phố lớn.
Bà má còn kể thêm, trong chợ họ còn bán cá dứa, đặc sản chỉ có ở Năm Căn. Cá dứa lạ lắm, có con nặng tới cả yến, to hơn cá tra hay ba sa, nhưng thịt thơm và ngọt đậm hơn nhiều. Chính vì giống hiếm nên ở đây còn có nghề đi săn cá dứa. Nhất là vào tháng 8 âm lịch, cá dứa từ biển kéo vào tìm ăn trái mắm. Dịp này cây mắm cũng rụng quả nổi đầy triền sông. Trái mắm là thức ăn ngon của cá dứa. Những người săn cá dứa cứ chèo xuồng theo, rồi dùng lao đâm cá. Một buổi có người khỏe mạnh và kinh nghiệm có thể đâm được hai ba chục con là chuyện thường. Ấy là chưa kể vào dịp này đàn ba khía, một loài còng biển lai cua có càng màu tím đỏ, cũng sinh sôi và tìm ăn trái mắm đen. Người ta bắt ba khía cũng theo mùa mang ra chợ bán để họ làm mắm. Mắm ba khía thì thôi rồi. Ngọt, đậm, thơm nức mũi. Nói rồi bà chép chép miệng làm chúng tôi ứa cả nước miếng. Tất cả đều cười rộ trên bờ sông.
Đáng chú ý, còn một món ăn ở chợ Năm Căn làm mọi người không quên. Đó là bánh Cóng. Có nơi còn gọi là bánh Cống. Nhưng chung quy nó cũng chính là ẩm thực xuất phát từ cái xứ sông Cửa Lớn này. Khi ngồi vào một quán hàng bánh Cóng bên lề chợ, chúng tôi mới biết, thực ra đây là món bánh tôm được chế biến, trong một cái cóng nhôm hợp kim, có dạng hình trụ vát, cao chừng 5cm. Nguyên liệu chính là bột đậu xanh trộn với gạo nếp và tôm nõn cắt đầu. Bánh còn pha chế thêm thịt băm và hành được rán vàng xậm. Ăn ròn mềm ngầy ngậy hương tôm biển thơm phức. Món nước chấm chua cay, tuy vẫn còn hơi chút ngọt, nhưng nói chung là tê lưỡi và làm nức mũi thực khách. Tất nhiên những cọng lá rau thơm cũng thêm một phần thi vị ở cái món đặc sản nơi miền sông nước cuối cùng này. Miếng ngon nhớ lâu. Các cụ nói cấm có sai.
Cây cầu và cung đường cuối cùng
Từ hàng trăm năm nay, con đường bộ số 1 từ bắc vào nam bị chững lại bên sông Cửa Lớn, tại thị trấn Năm Căn. Muốn đi tới mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển, không còn cách nào khác phải đi ca nô, tàu cao tốc, hay xuồng máy. Chính vì thế các ấp, xã thuộc huyện Ngọc Hiển không hề có đường bộ kết nối, giao thông chính là tàu, xuồng.
Nỗi khát khao của người dân đất Mũi bao đời nay, luôn mong ước có cây cầu vượt sông Cửa Lớn, từ thị trấn Năm Căn. Và, ước mơ ấy đã thành hiện thực cách đây hai năm, cây cầu Năm Căn hình thành được coi là điểm nhấn đưa đường HCM, tuyến đường bộ đầu tiên về trung tâm huyện Ngọc Hiển, rồi thông xe ra đến mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Có lẽ giờ đây câu nói mang tính lịch sử, đất nước ta kéo dài từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau, đã hiển hiện trọn vẹn với hình ảnh con đường Hồ Chí Minh, xuất phát điểm đầu từ Pắc Pó (Cao Bằng) về tới mũi Cà Mau. Câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu thuở nào giờ đã trở nên sinh động hơn: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” (Mũi Cà Mau).
Và hình ảnh người mẹ Năm Căn trong một bài thơ của ông nay càng thấy thấm thía: “Chợ Năm Căn đốt, dựng mấy lần/ Năm Căn vẫn cây rừng cá bể/ Bà má Năm Căn vào hội mẹ/ Nuôi bộ đội từng bữa uống bữa ăn…” (Bà má Năm Căn). Đó chính là cội nguồn của sông nước và những cây cầu Năm Căn trong tương lai. Bởi chính người mẹ đã làm nên đất nước như nhà thơ khẳng định.
Cách đây không lâu, trong một chuyến đi dự trại sáng tác tranh tại Năm Căn (từ ngày 5 đến ngày 10-5-2017), không ít họa sĩ đã thể hiện hình tượng về cây cầu vượt sông và cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất này. Đặc biệt cây cầu như một biểu tượng kết nối giữa hai vùng sông nước và rừng đước, rừng tràm rộng lớn thứ nhì trên thế giới, so với rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon, Mỹ Latinh. Cầu còn là mối duyên nợ của hai vùng đất trẻ trung này, luôn luôn vươn ra biển khơi làm nên những cù lao mới.
Đột nhiên, khi con tàu chở chúng tôi vừa chui qua cầu Năm Căn, thì bắt gặp một cô gái mặc áo bà ba, trên chiếc xuồng ba lá hiện ra. Gương mặt trái xoan xinh xắn, trắng trẻo ẩn giấu dưới chiếc nón lá dừa. Chúng tôi ước con tàu đi chậm lại nhưng con xuồng ba lá ấy lại rẽ ngoặt vào một con kênh nhỏ hun hút bóng dừa. Ai nấy không nói gì, có lẽ đều ngẩn ngơ tiếc nuối. Nhưng thật bất ngờ, tiếng hò của cô gái ngân vang cất lên từ cánh rừng tràm, với lời lẽ như nhắn gửi mọi người, hẹn một ngày về. Chúng tôi như đang lắng nghe chính tự lòng mình qua câu Lý, về với Năm Căn bên con sông Cửa Lớn mênh mang cuộn sóng, tràn ngập một rừng thương nhớ mảnh đất đầy thơ mộng này. Chả thế từ xưa đã có câu: “Năm Căn đi dễ khó về/ Trai đi có vợ, gái về có con”.
Vương Tâm
Theo: Kiến thức Gia đình