Wednesday, November 16, 2022

"ĐƯỜNG VỀ NHÀ" QUA MẤY NGÕ HOA

"Đường về nhà" (我的父親母親) là đỉnh cao của phong cách làm phim hội họa. Từng thước phim đã được vẽ nên đầy chất thơ, chuyển biến màu sắc giữa hiện tại và quá khứ.


Nhắc đến Trương Nghệ Mưu, có lẽ ai cũng lập tức nghĩ đến những tác phẩm điện ảnh đồ sộ của ông, từ Cao Lương Đỏ, Thu Cúc đi kiện, Đèn lồng đỏ treo cao đến Thập diện mai phục, Anh hùng... Đó thực sự là những siêu phẩm làm nên một Trương Nghệ Mưu lừng danh. Thật khó tin khi Đường về nhà (The road home) cũng là của ông, bởi bộ phim cứ như một nốt lặng trong bản hợp ca đa dạng và đầy màu sắc. Thế mới thấy hết sự đa tài của người đàn ông “một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” này.

1. Bộ phim có bối cảnh là một miền quê xa xôi, nghèo khó. Cả làng không có nổi một ngôi trường dù ai cũng muốn con em mình được tới lớp. Một ngày, có một thầy giáo từ thành phố về làng dạy học và cùng dân làng góp sức xây trường. Chính từ đây, mối tình giữa thầy giáo trẻ và cô thôn nữ Triệu Di nảy nở. Đường về nhà lần đầu trình làng giới mộ điệu một Chương Tử Di tròn 20 tuổi, xinh xắn, trong trẻo và đầy nội lực - một màn chào sân thật đẹp và ấn tượng, là bước đệm cho những vinh quang sáng chói sau này của cô.

Ngay từ ngày ra mắt với bộ phim đầu tiên này, Chương Tử Di đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông và có ngay giải thưởng lớn trong sự nghiệp diễn xuất của mình - giải ảnh hậu Bách Hoa cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2000 và giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin cũng vào năm 2000. Truyền thông tôn vinh cô là “nàng thơ mới” của đạo diễn họ Trương.


Những người yêu thích bộ phim có lẽ sẽ không bao giờ quên một Triệu Di tóc thắt hai bím, luôn mặc áo bông chần màu nổi rất chân quê, ánh nhìn trong trẻo ngập tràn yêu thương; một Triệu Di tượng trưng cho khát khao yêu đương bộc phát, sôi nổi nhiệt thành. Tình yêu, dù ở đâu và khi nào, vẫn cứ đẹp và đầy mộng mơ như thế.

Phim theo lối kể chuyện hiện tại đan xen quá khứ của một thanh niên (Tôn Hồng Lôi thủ vai). Anh kể về chuyện tình của cha mẹ mình. Hiện tại hình trắng đen. Quá khứ hình màu. Triệu Di của Chương Tử Di trong Đường về nhà phải lòng một thầy giáo ngay khi nhìn thấy nhau lần đầu. Cô yêu như cách hàng ngàn cô gái quanh chúng ta yêu, chân thành và say đắm; yêu theo cách nhà thơ Nguyễn Bính từng nói trong một bài thơ “Đường gần tôi cũng đi vòng cho xa/ Lối này lắm bưởi nhiều hoa...” khi cố ý đi lấy nước ở giếng xa chỉ để được ngang qua ngôi trường và nghe giọng người mình thương giảng bài cho học trò.

Dù là một câu chuyện tình, tuyệt nhiên trong phim không có những màn ái ân, thậm chí, một cái nắm tay cũng không. Tình cảm của cô thiếu nữ thôn quê thể hiện qua những bữa ăn được sửa soạn và gói bọc một cách cẩn thận mà Triệu Di mang đến kịp lúc cho người yêu.

Tình yêu của Triệu Di và người thầy ấy trong sáng, lãng mạn và đáng yêu đến mức khiến chúng ta rưng rưng cảm động
Triệu Di không biết chữ nhưng chữ nghĩa rốt cuộc có ảnh hưởng gì đến tình yêu đâu chứ. Chẳng phải tình yêu là ngôn ngữ rất riêng của hai con người mà chẳng có chữ nghĩa nào có thể viết thành lời được sao? Chương Tử Di dường như đã chuyển tải hết hàm ý nghệ thuật của đạo diễn bằng ánh nhìn trìu mến xen lẫn ngượng ngùng. Không giống như tất cả các bộ phim khác của Trương Nghệ Mưu, Đường về nhà giản dị, nên thơ với một câu chuyện tình bình thường như bao câu chuyện tình.
Với Tôn Hồng Lôi, Đường về nhà cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên anh chính thức bước vào nghiệp diễn xuất. Vẻ đẹp “đậm chất Trung Quốc” sau này cho anh rất nhiều vai diễn đình đám. Trương Nghệ Mưu có vẻ rất mát tay trong việc tìm ra những gương mặt mới. Dường như phim nào của ông cũng là đất để các diễn viên phát hiện ra năng lượng thẳm sâu của mình. Vai diễn của Tôn Hồng Lôi trong Đường về nhà chỉ xuất hiện trong những đoạn quay trắng đen đầy dụng ý khi dựng phim của đạo diễn. Anh chính là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những con đường khắp nơi để về nhà.

2. Nói không ngoa, nếu không phải là Trương Nghệ Mưu thì chắc chẳng ai có thể làm nên một Đường về nhà lung linh như thế. Mọi thứ dường như hội tụ trong ông, từ góc nhìn của một nhà quay phim xuất sắc đến việc tung tẩy màu của một bậc thầy về hội họa, đến bố cục khung hình chỉn chu như một nhà thiết kế giỏi. Có lẽ từ những thước phim nên thơ này, truyền thông Trung Quốc đã không ngừng ca tụng ông với những bài viết trân trọng. Họ ghi nhận đóng góp của ông. Đạo diễn họ Trương chính là người đưa điện ảnh Trung Quốc thời điểm đó bước những bước mang tính đột phá bằng thứ ngôn ngữ biểu tượng, nghệ thuật hơn.

Đường về nhà là đỉnh cao của phong cách làm phim hội họa. Từng thước phim đã được vẽ nên đầy chất thơ, chuyển biến màu sắc giữa hiện tại và quá khứ. Điểm nhấn độc đáo của Đường về nhà để làm nên một bộ phim hấp dẫn về đề tài tình yêu chính là việc xử lý màu sắc. Trương Nghệ Mưu đã sử dụng gam trắng đen cho câu chuyện của hiện tại và gam màu tươi sáng nổi bật cho những thước phim mang tính hồi tưởng. Với Đường về nhà, những gì của quá khứ chắc chắn luôn lộng lẫy, tươi đẹp nhất.


Thủ pháp mờ chồng được sử dụng hợp lý trong những cảnh Triệu Di ngóng chờ thầy giáo, rồi đi tìm chiếc kẹp tóc mà thầy giáo tặng… Những hình ảnh mờ chồng lên nhau được sử dụng để tạo cảm giác về sự trôi đi của thời gian, một cách chuyển thời gian đơn giản mà hiệu quả nhất để thể hiện sự bền bỉ, tình yêu son sắt, thủy chung của cô gái.

Dù chỉ là bộ phim về tình yêu giữa một cô thiếu nữ thôn quê và anh thầy giáo lần đầu về nơi hẻo lánh dạy học nhưng với Trương Nghệ Mưu, tình yêu luôn là một điều thật đặc biệt, được ông thể hiện với các góc nhìn rất lạ, với từng khung hình hoàn hảo. Mối tình giản dị từ cái nhìn đầu tiên của Triệu Di với anh thầy giáo gắn liền với những con đường, từ con đường dẫn vào làng nơi họ gặp nhau đến con đường đưa thi thể thầy giáo về nhà. Những con đường chứng kiến Triệu Di chờ đợi, mong ngóng người thương, hồi hộp, say mê, thất vọng…


Những con đường chính là biểu tượng đặc trưng nhất cho mối tình của hai con người ấy, là con đường đi đến trái tim của nhau. Xem Đường về nhà hơn 30 năm sau ngày khởi chiếu, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc say mê bởi ở đó lấp lánh niềm vui và không hiếm nước mắt.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Đường về nhà nhận được hàng loạt giải thưởng vào năm đó, giải Kim Kê cho phim hay nhất, giải Bách Hoa cho phim xuất sắc nhất và giải Kim Kê cho đạo diễn xuất sắc nhất - những tưởng thưởng vô cùng
xứng đáng.

3. “Khi cha tôi nhìn thấy mẹ tôi mặc chiếc áo đỏ đứng đợi ở đó, cha không bao giờ đi nữa...”, người con trai - kết quả của mối tình nọ - nói đơn giản như thể chỉ cần câu nói đó thôi đã quá đủ đầy cho một chuyện tình bình thường, giản đơn. Nó khiến cho chúng ta, những khán giả, cảm thấy nhẹ nhõm và thỏa mãn. Đỉnh cao của nghệ thuật đôi khi đến từ những điều nhỏ bé bình thường như cách Đường về nhà đến và ở lại trong tâm trí của chúng ta; cách Trương Nghệ Mưu khiến chúng ta nhắc đến và cách Chương Tử Di, Tôn Hồng Lỗi thể hiện để làm bệ phóng cho những danh vọng sau này.

Lan Khôi / Theo: PNO

Phim trên youtube:



No comments: