Rất nhiều người đều hy vọng tích phúc để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, tự tại hơn, đủ đầy hơn một chút. Do đó họ sẽ đi làm rất nhiều việc thiện. Nhưng mọi người lại coi nhẹ một điểm: Chúng ta vừa tích phúc, đồng thời lại không ngừng làm hao tổn phúc phận của mình. Giống như một cái thùng vỡ, nhưng bạn vẫn không ngừng đổ nước vào trong, thì nước vẫn mãi chảy ra ngoài.
Bởi vậy chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng: Chúng ta đã từng chú ý tới cái tâm mình hay không? Chúng ta có thực sự quan sát những lời mình nói, những việc mình làm?
Khi thấy người khác thăng quan phát tài, đặc biệt là người có tài năng không bằng mình, liệu trong tâm của chúng ta có thấy ngậm ngùi, phản cảm, phẫn nộ, bất bình? Hay bạn thực sự có thể cảm nhận được niềm vui của người khác, mà chúc phúc cho họ?
Khi chúng ta ăn cơm, ăn phải món ăn không hợp khẩu vị, ta sẽ tức giận mà đổ bỏ hay oán trách cơm không lành, canh chẳng ngọt? Hay chúng ta vẫn biết ơn những người nông dân, những người bán rau làm lụng vất vả, một nắng hai sương, biết ơn người đầu bếp bận rộn?
Khi nhìn thấy người hành khất bên đường, phải chăng bạn cho rằng anh ấy đang giả vờ bị tàn tật, đang lừa gạt mình? Khi cho anh ấy tiền, bản thân lại xem thường họ, thương hại họ, hay nghĩ rằng mình đang làm việc tốt, đang hành thiện đây?
Khi nhìn thấy những hành vi không đoan chính của người khác, sau này họ lâm trọng bệnh, phải chăng bản thân đang nghĩ: Xem này, đây là báo ứng, kẻ hành ác rốt cuộc sẽ phải gặp ác báo. Lúc này bạn có biết chăng là mình đang dậu đổ bìm leo?
Cái tâm mình rốt cuộc là hà khắc hay nhân hậu, chúng ta có biết chăng? Nhưng giây phút khi nhìn thấy người khác gặp nạn mà trong tâm hỷ hả, vui vẻ trước tai hoạ của người khác, cũng chính là đang cắt giảm phúc báo của mình.
Dẫu là chuyện gì, khi khởi tâm động niệm cũng đều khởi tác dụng, đều làm hao tổn phúc báo của bản thân, đâu phải làm rồi mới tính. Xét kỹ lại, thì phúc báo của bản thân mình không biết đã bị cắt giảm biết bao nhiêu, quả thực là quá đáng tiếc!
Muốn đổ nước đầy một cái thùng vỡ mà không sửa lại cái thùng là chuyện không thể. Kỳ thực, trân quý phúc còn quý hơn tạo phúc. Khi biết trân quý phúc phận, biết cảm ơn người đã phó xuất, biết hạ mình, khiêm tốn mới có thể giữ được hạnh phúc bền lâu.
Nếu vừa có thể tạo phúc, vừa có thể trân quý phúc, không để nó bị hao tổn, phúc phận ắt sẽ tăng lên gấp bội. Hơn nữa, khi phúc phận đến, bạn sẽ có thể vui vẻ cảm nhận, bởi vì tâm của bạn rất thiện.
Bố thí bằng tiền chỉ là cách làm vật chất mà thôi. Nếu có thể tự quan sát cái tâm của mình, bố thí sự thiện lương, từ bi và niềm vui cho người khác, thì điều bạn đạt được sẽ là tài vận và cát tường.
Hãy tu phúc từ những tiểu tiết bình thường nhất. Khi thấy người khác hạnh phúc, chúng ta vui mừng, khi thấy người khác bất hạnh, chúng ta buồn thay cho họ. Hơn nữa, hãy cố gắng hết khả năng của mình để giúp đỡ họ vượt qua quan nạn. Dẫu là người từng thất lễ với mình cũng vì nghĩa mà không ngại từ nan giúp đỡ họ. Đây chính là người có trái tim nhân hậu.
Hãy thường nuôi dưỡng thiện tâm của chúng ta, một lòng một dạ ủng hộ những việc thiện của người khác, vui vẻ khi nhìn thấy công đức của người khác, có khả năng thì dốc hết sức mình giúp đỡ họ. Như vậy bạn đã tích được phúc rồi.
Khi hành thiện, đặc biệt cần chú ý tới thiện tâm, luôn bao dung người khác, ấy là làm lành chứ không phải làm danh. Dẫu gặp kẻ ác cũng hy vọng họ có thể quay đầu hối cải, mà không chỉ trích hay trách cứ.
Có những người cho rằng xuất phát điểm của mình là thiện tâm, vì muốn tốt cho người khác nên mới trách mắng những khiếm khuyết của họ. Có những người lại viết thư nặc danh tố cáo hay phỉ báng người khác. Họ cho rằng mình đang giang tay cứu vớt người khác. Đây chỉ là cảm xúc của bản thân bạn, làm vậy không thực sự giúp người khác hướng thiện, mà còn bào mòn phúc phận của mình.
Giàu có không phải điều hạnh phúc, người có tiền tài đủ đầy chưa hẳn đã thấy vui vẻ trong tâm, nhiều người vẫn đang chìm đắm trong đau khổ. Nếu hành thiện với cái tâm ác thì phúc phận bản thân tích luỹ được đều bị cắt giảm.
Vậy nên hãy luôn giữ thiện tâm cho mình và trao gửi yêu thương cho người khác. Chớ làm việc ác, giữ thân ngay thẳng, giữ lời hoà ái, giữ tâm thiện lương, an ủi, chở che những người quanh mình, khiến họ cảm thấy thư thái và tự tại. Tâm luôn tồn thiện niệm mới thực sự có thể cải biến cái gốc của vận mệnh.
Theo: trithucvn
No comments:
Post a Comment