Tuesday, November 8, 2022

JUDO NHẬT BẢN ĐỨNG TRƯỚC KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG

Mặc dù là quê nhà của Judo, Nhật Bản đang đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng ở bộ môn này do những vấn đề kinh niên làm tổn thương các môn sinh trẻ.

Các môn sinh trẻ trong một lớp học Judo ở Shizuoka.

"Con trai tôi nằm trên giường, bất động. Đó là dấu hiệu của tư thế duỗi cứng mất não, khi các cơ trên cơ thể co lại vì bất thường của hệ thống thần kinh trung ương. Theo thang điểm hôn mê Glasgow, (thằng bé) ở mức 5. Được biết, dưới mức 8/15 điểm là tình trạng đe dọa tính mạng.

Tôi thực sự sốc khi thấy con trai mình như vậy, tự hỏi ai đó có thể ra đi dễ dàng vậy sao. Tôi cố nghĩ rằng 'Mẹ sẽ làm mọi cách để kéo con trở lại'".

Trên đây là đoạn chia sẻ của một người mẹ vào năm 2004. Hôm đó là đêm Giáng Sinh. Cậu con trai đang học lớp 3 là thành viên của một câu lạc bộ Judo thuộc trường tiểu học thành phố Yokohama, rơi vào bất tỉnh sau khi bị ném liên tục và thực hiện động tác siết cổ bởi huấn luyện viên trong giờ tập. Kết quả là hàng loạt chấn thương nghiêm trọng liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm chấn thương sọ não và cột sống cổ.

Cậu bé được cứu sống thần kỳ nhờ phẫu thuật khẩn cấp, nhưng di chứng là rối loạn chức năng não.

Huấn luyện viên trên, tạm gọi là A, vốn là một nhà vô địch Judo Toàn Nhật Bản. 1 tháng trước khi sự việc diễn ra, cậu bé nhận được thư mời từ 3 trường trung học nhờ Judo, nhưng từ chối vì muốn tự chọn nơi mình sẽ theo học. Cũng cảm thấy điều gì đó bất thường, cậu cố gắng né tránh các buổi tập, nhưng bị huấn luyện viên A "phục kích" ở cổng trường và tấn công với danh nghĩa tập luyện, người mẹ cho hay.

Sau đó, nhà trường có dấu hiệu che giấu khi báo cáo "tai nạn" lên Ủy ban Giáo dục Thành phố Yokohama, thay vì cho cảnh sát địa phương, mặc cho mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Sự vụ gây chấn động truyền thông và công chúng Nhật Bản, nhưng đó có lẽ không phải lần duy nhất một điều tương tự diễn ra. Nhóm vận động dành cho những người bị thương hoặc tử vong khi tập môn võ này nói rằng có tới 121 cái chết được báo cáo tại các trường học Nhật liên quan đến Judo từ 1983 đến 2016.


Vấn nạn hoành hành

Nhật Bản là quê hương của Judo nhưng tâm lý chiến thắng bằng mọi giá, trừng phạt thể xác và áp lực giảm cân đang khiến số lượng lớn trẻ em bỏ học, làm dấy lên lo ngại về tương lai của môn thể thao tại cường quốc khai sinh ra nó.

Quy mô của vấn đề nghiêm trọng đến mức Liên đoàn Judo Toàn Nhật Bản đã hủy bỏ một giải đấu toàn quốc danh giá dành cho trẻ em trên 10 tuổi hồi tháng 3, cảnh báo rằng các em đã bị thúc ép quá mức.

Nhật Bản thường xuyên thống trị bảng tổng sắp huy chương Judo Thế vận hội nhưng chủ tịch liên đoàn Yasuhiro Yamashita nói với hãng tin AFP rằng các giá trị của môn thể thao này đang bị bóp méo khi các bậc phụ huynh và huấn luyện viên theo đuổi thành tích ngắn hạn.

Yamashita, người cũng là chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản và đã giành huy chương vàng tại Thế vận hội Los Angeles năm 1984 cho biết: "Judo là một môn thể thao đề cao tính nhân văn. Nếu bạn không thấy giá trị gì ngoài chiến thắng, và kết quả là thứ duy nhất quan trọng, thì nó sẽ bị bóp méo".

Số người tham gia tập Judo ở Nhật Bản đã giảm gần một nửa kể từ năm 2004 xuống còn khoảng 120.000 người, theo số liệu của liên đoàn. Mức giảm lớn nhất là nhóm trẻ em.

Các báo cáo cho biết nhiều học sinh tiểu học bị ép cân rất cực đoan, nhiều khi lên tới 6kg để đủ cân cho hạng nhẹ hơn và giành lợi thế. Các em nhỏ cũng phải học các kỹ thuật nguy hiểm như vận động viên Olympic, với nguy cơ chấn thương và kiệt sức cao.

Vấn nạn bắt nạt và bạo lực thể chất đang đe dọa tương lai nền Judo trẻ.

Được biết, phụ huynh và huấn luyện viên thường xuyên chửi bới trọng tài trong các trận đấu và hành vi trừng phạt thân thể vẫn tồn tại, bất chấp những cải cách trong một môn thể thao vốn bị ảnh hưởng bởi bê bối lạm dụng và bắt nạt suốt nhiều năm qua.

Việc hủy bỏ giải đấu trên tạo ra làn sóng phản đối dữ dội từ phía các bậc phụ huynh và huấn luyện viên tức giận. Họ cáo buộc liên đoàn đang phá vỡ giấc mơ của trẻ em và gây nguy hiểm cho vị thế của Judo Nhật Bản.

Rion Fukuo, một học sinh trung học 13 tuổi đã vô địch vùng năm ngoái, chia sẻ với AFP rằng em cảm thấy "rất tiếc" vì các học sinh tiểu học năm nay không có một giải đấu làm mục tiêu.

Kosuke Moroi, một người có con gái 12 tuổi cùng câu lạc bộ với Fukuo, cho biết anh thấy "thất vọng" khi biết tin, nhưng nghĩ rằng đó là một quyết định sáng suốt sau khi hiểu được lý do.

Yamashita cho biết việc loại bỏ giải đấu đã gây chú ý vào "một vấn đề liên quan đến cả xã hội Nhật Bản".

"Đã 2 tháng rưỡi kể từ khi chúng tôi quyết định hủy bỏ cuộc thi và mọi người vẫn đang tranh luận về nó trên TV và báo chí", ông nói và cho biết thêm rằng hầu hết các ý kiến "đều ủng hộ".

Judo và các môn võ thuật khác đã được sử dụng để huấn luyện quân sự ở Nhật Bản trước Thế chiến 2 và quân nhân sẽ đến thăm các trường học để dạy võ. Võ thuật bị cấm trong thời kỳ sau chiến tranh nhưng sau đó chúng được công nhận là thể thao, khi môn Judo ra mắt Olympic tại Thế vận hội Tokyo 1964.

Noriko Mizoguchi - người nắm giữ huy chương bạc Thế vận hội 1992.

Noriko Mizoguchi, một võ sĩ (judoka) Nhật Bản từng giành huy chương bạc tại Thế vận hội Barcelona 1992, cho biết niềm tin rằng trừng phạt thân thể khiến trẻ em mạnh mẽ hơn vẫn còn phổ biến ở Nhật Bản.

Bà nói: "Một vướng mắc trong công tác huấn luyện trong thể thao Nhật Bản là nó không sử dụng lời nói, mà sử dụng bạo lực.

Có một sự đồng phụ thuộc giống như ở bạo lực gia đình, với niềm tin 'yêu cho roi cho vọt'. Huấn luyện viên dùng nhục hình có thể bị tước bằng nhưng phụ huynh thì khó kiểm soát hơn nhiều".


Hisako Kurata, đại diện của Hiệp hội Nạn nhân do Tai nạn Judo Nhật Bản, cho biết hầu hết các bậc cha mẹ "không nghĩ đến nguy hiểm và chỉ muốn con mình chiến thắng".

"Phụ huynh nghĩ rằng nếu con họ giành được một danh hiệu, chúng sẽ hạnh phúc, họ nghĩ rằng họ đang làm điều đó vì con mình", Kurata, người có con trai 15 tuổi qua đời năm 2011 do chấn thương đầu tại câu lạc bộ Judo trung học, cho biết.

"Cuối cùng, cha mẹ cũng có tâm lý chiến thằng bằng mọi giá như câu lạc bộ Judo và họ đóng góp vào (vấn nạn) đó".

Judo đáng ra phải là môn thể thao rèn luyện sức khỏe và tinh thần thay vì hủy diệt chúng.

Tương lai nào cho nền Judo Nhật?

Mizoguchi, người từng huấn luyện ở Pháp, cho biết Judo "không còn là niềm vui" đối với trẻ em Nhật Bản và nền văn hóa nam tính truyền thống xung quanh môn thể thao này đã đến lúc hết thời.

"Bạn phải đối xử với từng đứa trẻ một cách cẩn thận và có tầm nhìn dài hạn cho tương lai, nếu không Judo Nhật Bản đã đến hồi kết", cô nói.

"Các huấn luyện viên truyền thống sợ rằng nếu chúng tôi loại bỏ các giải đấu dành cho trẻ em, Judo Nhật Bản sẽ mất đi sức mạnh của nó. Tôi lại nghĩ rằng nó sẽ thực sự trở nên mạnh mẽ hơn" - Mizoguchi kết luận.

Nguồn: President, AFP
Link tham khảo: