Một geisha Nhật Bản chơi đàn shamisen (đàn ba dây), vào khoảng năm 1870. Wikipedia
Hoạt động mại dâm của những thiếu nữ này xuất hiện tại Đông Dương vào khoảng những năm 1820. Theo nhà nghiên cứu Frédéric Roustan, giảng viên tại đại học Aix-Marseille (Pháp), khởi điểm có thể là vào năm 1823 cho tới những năm 1920 khi họ già đi và không có người thay thế. Nói chung, những bé gái có số phận hẩm hiu này chủ yếu phục vụ khách hàng người Nhật Bản và người phương Tây.
Bác sĩ Emile Laurent miêu tả lại những thiếu nữ Nhật Bản này tại Đông Á và Đông Nam Á trong bài "Những đêm ở Bangkok" (Les Nuits de Bangkok), được đăng trong tập Tài liệu lưu trữ về nhân chủng học hình sự, tội phạm hình sự và tâm lý học và bệnh lý (Archives d’Anthropologie criminelle, de Criminologie et de Psychologie normale et pathologique, tập 22, NXB Masson et cie, Paris, 1907) :
« Giờ chúng ta có thể gặp họ khắp các thành phố ở vùng Viễn Đông, nhưng cô bé đến từ một nước nghèo nhưng lại sinh đẻ nhiều. Từ Hồng Kông tới Thượng hải, họ có mặt khắp nơi. Tại Sài Gòn hay Phnompenh, các cô gái này có địa vị cao hơn, sống trong những căn nhà tiện nghi, trong khi cô bé An Nam ưỡn ẹo ngoài phố còn cô gái Cam Bốt bán thân trong những túp lều tồi tàn. Chính vì vậy, có sự đối kháng và cạnh tranh giữa hai nhóm người. »
Dù được người phương Tây thời đó gọi là "geisha", nhưng thật sự họ chỉ là những cô gái "buôn hương bán phấn" xuất thân từ nông thôn. Họ cũng không được đào tạo những bộ môn nghệ thuật mà một geisha thực thụ phải nắm rõ.
Tại Đông Dương, để tạo chút không khí mang hơi hướng Nhật Bản trong chốn lầu xanh và để khẳng định "đẳng cấp" với những cô gái bán hoa bản địa, các "geisha" cũng chơi, hay đúng hơn là "gảy" vài ngón đàn truyền thống Nhật Bản. Các cô cố tạo ra hình ảnh một geisha mà các quan chức phương Tây vẫn mường tượng và dĩ nhiên là không thể đạt tới trình độ như vậy.
Gái bán hoa cao cấp?
So với những cô gái người Việt cùng số phận hẩm hiu, "geisha" người Nhật được coi là gái mại dâm cao cấp và có giá đắt hơn. Khách hàng của họ thường là những quan chức người Pháp, người châu Âu hay người Nhật Bản, hay một số người Trung Quốc và dĩ nhiên là không có khách hàng người Việt. Ông Frédéric Roustan cho biết theo một vài chi tiết được nêu trong cuốn tiểu sử về Phan Bội Châu, nhà yêu nước đã từng thăm một "phòng trà geisha".
Một geisha tại Gion (Nhật Bản), khoảng 1800 đến 1833 CC/Bảo tàng Brooklyn
« Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các "geisha" Nhật Bản có mặt ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn.
Ở thủ đô Hà Nội, "geisha" Nhật Bản tập trung tại khu phố cổ, chủ yếu là phố Hàng Đồng (rue du Cuivre), Hàng Mã, Hàng Chén (rue Vieille des Tasses) hay Đường Thành (rue de la Citadelle).
Còn tại Hải Phòng, các cô tập trung gần khu phố người Hoa, về phía đại lộ Bonnal (nay là phố Phan Bội Châu), đại lộ Chavassieux (phố Nguyễn Đức Cảnh) và đại lộ Paul Bert (đường Quang Trung). Ở Sài Gòn, họ sống chủ yếu ở đại lộ Catinat (đường Đồng Khởi) và phố Boresse (đường Yersin).
Ngoài ra họ cũng hành nghề tại các vùng có doanh trại của người Pháp như ở Lạng Sơn. Tại khu vực biên giới này, vào đầu thế kỷ XX chỉ nhỏ như một ngôi làng, có riêng một khu phố với nhiều nhà chứa Nhật Bản xuất hiện ngay từ những năm 1890. Trong những năm 1930, người Pháp đặt tên là "Phố Nhật Bản" dù các "geisha" không còn hoạt động nữa ».
Theo ông Frédéric Roustan, các "geisha" Nhật Bản tại Việt Nam có thể xoay sở với một chút vốn tiếng Việt, song thường xuyên sử tiếng Pháp hơn vì khách hàng của họ chủ yếu là người Pháp và họ rất ít khi giao thiệp với người Việt.
Nhà nghiên cứu người Pháp cũng tìm thấy một tài liệu ghi chép của bác sĩ Emile Laurent, khá lý thú, ghi lại những lời thóa mạ giữa một cô gái làng chơi người Việt và một "geisha" Nhật Bản vào một buổi tối ngoài phố Sài Gòn, trong khi giành khách :
« Một cô gái An Nam yểu điệu, trông như một cô bé thì đúng hơn, đi chân đất, đánh liều hỏi một khách hàng : « Không có tiền à ? » Người đàn ông nhìn cô rồi nói : « Cô còn bé quá ». Cô bạo dạn trả lời : « Vẫn làm được ! ». Nhưng một phụ nữ Nhật Bản liền chen vào, mắng té tát cô bé An Nam và đuổi cô về lều. Thế là, cô bé An Nam bật lại với vẻ mỉa mai : « Vâng, thưa quý bà Nhật Bản, vâng thứ quý bà « Vịt ». Bà cũng da vàng như những người An Nam khác ».
Từ "Vịt" xuất hiện vì các "geisha" Nhật Bản khi mặc áo kimono phải bước theo cách truyền thống là chụm hai đầu mũi chân vào trong và trông họ đi như vịt ».
Bỏ mạng nơi đất khách quê người
« Các cô bé bị bán từ lúc còn trẻ, thường chỉ khoảng 12-13 tuổi, nên rất nhiều cô chết sớm, chỉ tầm 20 tuổi. Trước khi mộ của họ được đưa về Nhật Bản, cho tới năm 1975, tại các nghĩa trang ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn còn mộ của những phụ nữ này, chết trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Hiện giờ, mộ của họ được dựng ở một nghĩa trang ngoại ô Tokyo ».
Vẫn theo nhà nghiên cứu Frédéric Roustan, trong những năm 1890 đến 1900 có khoảng hơn một trăm "geisha" Nhật Bản. Sau đó, con số này tăng lên thành 300 đến 500 người. Đỉnh điểm là trong cuộc Thế Chiến thứ nhất, khoảng năm 1915, thì lên tới 500 người. Về sau, số lượng giảm xuống và biến khỏi các bản thống kê kể từ những năm 1920 sau khi Nhật Bản mở một lãnh sự tại Đông Dương, thay thế lãnh sự danh dự Nhật Bản trước đó do người Pháp quản lý.
Và kể từ khi lãnh sự đi vào hoạt động, Nhật Bản gây sức ép để giấu số liệu thống kê gái mại dâm Nhật Bản tại Đông Dương. Có nghĩa là trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạnh mại dâm song không hề được thống kê. Chính vì vậy, có rất ít tài liệu liên quan tới chủ đề này.
Với những tài liệu tìm kiếm được tại các trung tâm lưu trữ ở Pháp, Việt Nam và Nhật Bản, ông Roustan cho biết :
« Việc xếp loại "geisha" Nhật Bản vào danh sách gái mại dâm cao cấp chỉ có ở Đông Dương. Còn tại Singapore, Indonesia, Hồng Kông và các khu vực thuộc địa khác, các nhà cầm quyền đều xếp họ vào danh sách "gái mại dâm" như những gái mại dâm địa phương.
Việc nâng cấp gái mại dâm Nhật Bản là do sở thích và thị hiếu của người Pháp. Vì vào cuối thế kỷ XIX, có một bài diễn văn thuộc địa mang tính phân biệt chủng tộc, bôi xấu gái mại dâm Việt Nam và đề cao gái mại dâm Nhật Bản. Chính vì thế, các cô "geisha" Nhật Bản có giá đắt hơn. Bằng cách chơi các nhạc cụ truyền thống của Nhật, họ luôn thể hiện cao giá hơn những cô gái "buôn hương bán phấn" khác trước sự cạnh tranh khốc liệt về mặt kinh tế và để giữ khách. Điều này cũng giải thích hình ảnh các geisha Nhật Bản tại Đông Dương được in nhiều thành ảnh hay bưu thiếp ».
Thu Hằng
Theo: RFI Tiếng Việt