Bộ phim của đạo diễn Michael Curtiz ra đời năm 1942, lúc Thế chiến thứ hai đang cao trào. Tác phẩm có không ít tình tiết về chính trị, với nội dung cổ vũ phe Đồng minh trong cuộc chiến với phát xít Đức. Nhưng, thứ đọng lại sau cùng nơi người xem lại là chuyện tình của hai nhân vật chính.
Phim lấy bối cảnh cuối năm 1941, khi chiến tranh khiến nhiều người châu Âu muốn chạy sang Mỹ. Thành phố cảng Casablanca thuộc Ma-rốc được xem như điểm trung chuyển quan trọng. Nơi đây lúc đó đang nằm trong tay chính quyền Vichy Pháp, thân Đức quốc xã. Dòng người đổ về Casablanca tạo ra một không khí căng thẳng khi có nhiều phe phái chính trị cùng tồn tại.
Nhân vật chính là Rick Blaine (Humphrey Bogart), một người đàn ông Mỹ lưu vong. Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, anh ta nhanh chóng lợi dụng tình thế ở Casablanca để làm giàu. Rick là chủ một hộp đêm kiêm sòng bạc ăn nên làm ra. Dưới mắt mọi người, Rick là kẻ lạnh lùng, khôn ngoan, không để tình cảm chen vào công việc. Anh là mẫu người giỏi đánh hơi thời cuộc và sẽ luôn sống khỏe bất chấp các xung đột chính trị.
Thế nhưng chẳng ai biết Rick cũng có tình yêu đích thực - cô người yêu cũ Ilsa Lund (Ingrid Bergman), giờ đã kết hôn với Victor Laszlo (Paul Henreid), một lãnh đạo chống phát xít. Một ngày nọ, đôi vợ chồng bước vào quán của Rick. Đang rơi vào tầm ngắm của phát xít, Victor Laszlo muốn tìm cách sang Mỹ. Thật trớ trêu khi Rick lại giữ hai tờ giấy thông hành có thể giúp Ilsa và chồng thoát thân. Người đàn ông này đứng giữa những giằng xé về tình cảm, nghĩa vụ lẫn tính toán cá nhân.
Lời thoại và âm nhạc trong Casablanca đã trở thành kinh điển trong văn hóa đại chúng
Chuyện tình vượt thời gian
Bộ phim dựa trên một kịch bản kịch chưa từng được trình diễn, nhan đề Everybody comes to Rick's. Các chuyên gia kịch bản của hãng Warner Bros. phát hiện nó vào năm 1941. Quá ấn tượng, họ thuyết phục hãng phim mua kịch bản với giá 20.000 USD - mức cao nhất dành cho một kịch bản kịch chưa được trình diễn. Thông tin này đủ cho thấy chất lượng của câu chuyện. Trên màn ảnh, đạo diễn Michael Curtiz đã hoàn thành nhiệm vụ biến nó thành một phim điện ảnh sống mãi trong lòng người.
Nhân vật Rick trong phim là ví dụ kinh điển cho hình tượng một người đàn ông trưởng thành khi yêu. Anh ta không vồ vập lao đến người yêu như những gã trai mới lớn mà bình tĩnh đánh giá thiệt hơn, ứng xử điềm đạm. Thái độ của Rick với Ilsa mang một vẻ ấm áp tự nhiên, luôn vững chắc và đáng tin cậy. Đó là mẫu đàn ông phụ nữ không chỉ muốn ngả vào mà còn có thể trao gửi niềm tin. Tính cách của Rick - “ngoài lạnh trong nóng” - càng khiến diễn biến phim lôi cuốn. Anh như một thỏi nam châm để người xem phải suy đoán bước tiếp theo, cũng như lòng trung thành thật sự của anh đặt vào đâu.
Sự lựa chọn Humphrey Bogart cho vai chính được xem là khá bất ngờ ở Hollywood, bởi trước đó ông thường đóng vai băng đảng hoặc phản diện. Ai cũng biết Bogart sẽ hoàn thành tốt các cảnh thể hiện sự lạnh lùng, lọc lõi của Rick khi kinh doanh. Vậy nhưng, bộc lộ tình yêu trên màn ảnh lại là khía cạnh tương đối mới với tài tử này. Vượt qua những nghi ngờ, Bogart chinh phục khán giả nhờ thần thái nam tính, cương nghị. Trên gương mặt đó, ánh mắt lại là thứ giúp ông bộc lộ được tình cảm của nhân vật, như một điểm hở trên bộ giáp sắt, đặc biệt mỗi khi nó hướng về Ilsa.
Đóng cặp với Humphrey Bogart, Ingrid Bergman đã có một vai diễn để đời. Vẻ đẹp của minh tinh trong phim này không hào nhoáng mà có gì đó kiều diễm và mong manh, mang thần thái của một phụ nữ có học thức, quan điểm sống và nội tâm giằng xé. Trang phục, cách đánh sáng và trang điểm tạo cho Ingrid Bergman vẻ tao nhã và mềm mại trong suốt phim. Về nội tâm, Ilsa khó xử khi đứng giữa hai người đàn ông đều yêu thương cô. Những tình tiết đối thoại giữa cô với chồng hay với Rick đều được trau chuốt để diễn tả tình cảm của nhân vật này.
Paul Henreid trong vai Victor là mảnh ghép thứ ba của câu chuyện. Các tác giả kịch bản tạo ra một tình thế thú vị khi nhân vật chồng Ilsa cũng là người tốt. Anh yêu cô say đắm, thậm chí còn có lý tưởng sống cao đẹp hơn Rick. Paul Henreid, một diễn viên gốc Áo, đã mang lên màn bạc một hình tượng đứng đắn phù hợp với vai người hùng. Khán giả cũng đồng cảm với nhân vật này, dù anh đứng giữa cuộc tình đẹp của Rick và Ilsa.
Sự hâm mộ dành cho Casablanca có lẽ sẽ mãi trường tồn chừng nào con người vẫn còn tình yêu, những cảm xúc cao đẹp dành cho nhau
Tình yêu giữa thời cuộc
Thành phố Casablanca khi đó quy tụ đủ hạng người, đủ quốc tịch và đại diện cho sự hỗn loạn giữa thế chiến. Một tuyến truyện phụ trong phim nói về các âm mưu hậu trường, sự ganh đua chính trị và nỗi lòng con người thời chiến.
Phân cảnh đáng nhớ của phim là khi hai nhóm khách cùng hát vang như thách đấu nhau trong quán của Rick. Một bên ca bài Die Wacht am Rhein của phát xít Đức còn bên kia hát La Marseillaise (quốc ca Pháp). Trường đoạn này vừa xúc động vừa giúp diễn tả cuộc xung đột đẫm máu khi đó ở châu Âu mà không cần mô tả trực diện cảnh bắn giết. Nó thêm phần chân thực khi nhiều diễn viên quần chúng trong phim là những người lưu vong thật. Họ như muốn truyền tải nỗi niềm thật sự của mình lên màn ảnh rộng.
Cái kết phim cũng nhấn mạnh ý tưởng về tình yêu và trách nhiệm. Đến cuối cùng, Rick đã chọn phần thiệt về bản thân mình, không chỉ vì tình cảm cá nhân mà còn bởi sự thôi thúc về lý tưởng lớn chính anh từng có. Những cú lật tình tiết ở khoảng 20 phút cuối phim liên tiếp đưa khán giả vào các trạng thái khác nhau - từ hồi hộp, lo sợ, bất ngờ, cuối cùng là hài lòng vì cách giải quyết tình huống quá hợp lý. Cái kết đó đã để lại một sự nuối tiếc khó nguôi ngoai về chuyện tình hai nhân vật chính. Song, sự dở dang này có lẽ là thứ khiến Casablanca trở nên bất hủ.
Khi ra rạp, bộ phim thành công ngoài dự kiến của nhà sản xuất. Phim được đề cử tám giải Oscar, trong đó thắng giải “Phim xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” (Michael Curtiz) và “Kịch bản xuất sắc” (Julius J. Epstein, Philip G. Epstein và Howard Koch). Sự hâm mộ của khán giả dành cho phim lớn đến nỗi họ vây kín Humphrey Bogart khi ông bước xuống xe ở buổi lễ Oscar. Phải mất đến 12 cảnh sát để đưa tài tử thoát khỏi đám đông.
Những gì diễn ra sau đó đã là lịch sử khi Casablanca tiếp tục được yêu thích trong tám thập niên sau. Năm 1989, tác phẩm thuộc nhóm 25 phim được người Mỹ đưa vào bảo quản vì giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Casablanca cũng nhiều lần nằm trong danh sách các phim vĩ đại nhất mọi thời của các tạp chí hay giới phê bình. Viện phim Mỹ chọn đây là bộ phim có câu chuyện tình hay nhất mọi thời đại. Trên trang web về điện ảnh IMDb, khán giả chấm phim điểm 8.5/10, cao thứ 49 mọi thời.
Lời thoại và âm nhạc trong phim đã trở thành kinh điển trong văn hóa đại chúng. Trong 100 câu thoại đáng nhớ lịch sử điện ảnh do Viện Phim Mỹ lựa chọn, Casablanca chiếm đến sáu, trong đó nổi bật nhất là: “Nhìn em kìa, cô bé” (Rick nói với người yêu). Ngoài ra, ca khúc As time goes by cũng được người hâm mộ nhớ mãi. Bài hát do Herman Hupfeld sáng tác năm 1931, được dùng trong phim để nhắc nhớ về những kỷ niệm của hai nhân vật chính ở Paris (Pháp), nằm ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng 100 ca khúc nhạc phim do Viện phim Mỹ chọn. Sự hâm mộ dành cho bộ phim có lẽ sẽ mãi trường tồn chừng nào con người vẫn còn tình yêu, vẫn còn những cảm xúc cao đẹp dành cho nhau.
Ân Nguyễn / Theo: PLO