Tôi không còn nhớ mùi vị rượu cần như thế nào vì lần đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ, tôi biết uống thử là khoảng tháng 3 năm 1973 (?) trong Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiện tại Cần Thơ, tôi có vào thăm những gian hàng của các tỉnh Ban Mê Thuộc, Kon Tum,...họ có bày những hũ rượu cần cho người tham quan uống thử. Tôi chỉ biết là nó lạt lạt như cơm rượu, không có cay nồng như rượu đế của miền Nam.
Muốn làm rượu, người ta có thể dùng nếp, gạo, bắp, thốt nốt, trái cây,,..qua nhiều công đoạn nhưng phải ủ thêm một thời gian cho nó lên men rượu. Vậy mà hôm nay trong lúc xem tài liệu trong "Rau rừng Việt Nam" trong phân bộ tài liệu có mục "rau rừng độc đáo" có loại làm tôi ngạc nhiên. Hôm nay tôi kể cho các bạn một loại cây độc đáo, một loại cây tự nó có thể lên men và chất lỏng chảy ra đã là rượu rồi. (LKH)
CÂY RƯỢU TRỜI CHO
-Tên gọi khác: Cây Tà vạt, Cây rượu trời, Cây dừa núi, Cây Báng, Cây đoác, Quang lang, Bụng báng, Búng báng, Báng búng, Co pảng (dân tộc Cơ Tu - Quảng Nam).
-Tên tiếng Anh: Sugar Palm, Gomuti Sugar Palm, Arenga Palm, Areng palm, Black-fiber palm.
-Tên khoa học: Arenga pinnata (Wurmb) Merr.
-Tên đồng nghĩa:
Saguerus pinnatus Wurmb.
Arenga saccharifera Labill.
Saguerus pinnatus Wurmb.
Arenga saccharifera Labill.
Phân loại khoa học
Giới (regnum): Thực vật (Plantae)
Ngành (phylum): Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (class): Một lá mầm (Monocots)
Phân lớp (subclass): Thài lài (Commelinids)
Bộ (order): Cau dừa (Arecales)
Họ (familia): Cau dừa (Arecaceae)
Chi (genus): Báng (Arenga)
Loài (species): Arega pinnata
Ngành (phylum): Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (class): Một lá mầm (Monocots)
Phân lớp (subclass): Thài lài (Commelinids)
Bộ (order): Cau dừa (Arecales)
Họ (familia): Cau dừa (Arecaceae)
Chi (genus): Báng (Arenga)
Loài (species): Arega pinnata
Phân bố
Cây tự nấu rượu (cây báng, tà vạt), danh pháp khoa học Arenga pinnata, là giống cây lâu năm thuộc họ Cau dừa, có nguồn gốc khu vực nhiệt đới Châu Á, từ đông Ấn Độ về phía đông tới Malaysia, Indonesia, và Philippines.
Ở Việt Nam, cây báng mọc nhiều ở chân núi ẩm (Cao Bằng, Lạng Sơn, Trường Sơn, Trung Bộ, Tây Nguyên), loài cây này mọc hoang ở chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh. Được người dân tộc miền núi trồng để lấy rượu tự nhiên.
Loài “cây rượu” này hầu như có mặt ở khắp vùng rừng núi Quảng Nam.
(theo Rau rừng Việt Nam)
Đề hiều rõ hơn xin các bạn đọc tiếp:
TRÈO CÂY HỨNG....RƯỢU ĐÃI KHÁCH
Sau “mùa con ong đi lấy mật”, cứ độ tháng tư âm lịch, người Cơ Tu (Quảng Nam) lại hối hả vào rừng lấy rượu chảy ra từ những… thân cây tà vạt - còn gọi là dừa núi. Loài “cây rượu” này hầu như có mặt ở khắp vùng rừng núi Quảng Nam.
Rượu tà vạt là thứ rượu thiên nhiên đặc sản ở miền tây Quảng Nam. Cây tà vạt giống như cây dừa nên người Kinh đặt tên là “dừa núi”, hay còn gọi là cây Đoác; có tên khoa học là Arrenga sacchariferasp.
Tà vạt là loại cây thân to, nhiều đốt dày, lá thưa, rễ chùm và sống ở gần khe, hố để hút nước nuôi cây. Lá cây tà vạt dùng để lợp nhà, và thứ hấp dẫn nhất của cây là rượu tà vạt - chất dịch thơm ngọt từ buồng trái của cây tà vạt rồi cho lên men. Món đặc sản của đất trời này người Cơ Tu thường chỉ dùng đãi khách quý.
Đến nơi đây, hẳn du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy từ người già đến trẻ nhỏ; từ đàn ông đến đàn bà đều biết leo cây thoăn thoắt để lấy rượu về đãi khách.
Rượu tà vạt có vị ngọt, đắng nhẹ, cay cay làm tê tê đầu lưỡi, là món “khai vị” không thể thiếu trong các cuộc vui của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Người ở làng bảo rằng phải chờ đến tháng tư, khi ấy trời nắng nóng, lượng nước trong cây tà vạt bốc hơi nhiều, chỉ còn lại chất ngọt tự nhiên trong cây tiết ra, lúc ấy lấy làm rượu thì mới có loại rượu hảo hạng của núi rừng.
Cũng chẳng phải ai cũng biết chế biến rượu tà vạt, chỉ những người có kinh nghiệm, phải biết chọn những cây tà vạt to, khỏe, mập mạp sống gần khe suối, sau đó phát quang quanh gốc. Cây tà vạt thường có từ 5-6 buồng, nhưng chỉ chọn những buồng tà vạt quả to từ cỡ ngón tay cái trở lên, bởi những quả đó mới đạt nước và có chất lượng tốt nhất. Rồi cứ 3 ngày một lần, dùng cây gỗ nhỏ đập nhẹ xung quanh cuống của buồng trái độ một vài giờ. Sau 4 hoặc 5 lần đập, cắt ngang cuống buồng trái, dùng cọng cây môn nước giã dập và bịt ngay đầu mới cắt, bên ngoài bọc bằng lá rừng và buộc lại. Khi thấy mặt vết cắt nhỏ giọt nhanh, nước trong thì có thể lấy được.
Chất nước này lúc vừa chảy ra thì hơi trong, thơm và ngọt, hấp dẫn các loại côn trùng như kiến, ong… nên phải đậy kín. Để dung dịch này lên men, người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn (một loại cây chắc, nặng) đập cho mềm rồi bỏ vào hũ rượu. Tùy theo khẩu vị mà đưa vỏ cây chuồn vào hũ nhiều hay ít. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng, thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Khi rượu đã lên men thì nước có màu đục, trắng.
Thông thường một buồng tà vạt cho từ 10 đến 15 lít rượu. Mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, người ta đi lấy rượu. Cây tà vạt có thể cho rượu trong thời gian 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít. Tà vạt ra hoa, có trái liên tục nên rượu tà vạt có thể “sản xuất” quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất là tháng tư âm lịch.
Ngoài ra có thể rạch một lỗ trên thân cây, đặt ống vào đó để dẫn rượu chảy xuống can, chai. Đó là thứ rượu lấy từ thân cây.
Nhiều du khách khi đến với miền tây xứ Quảng, trong đó có không ít du khách nước ngoài, tỏ ra vô cùng thích thú với loại rượu đặc biệt này. Chính vì thế, trong nhiều tour du lịch bản làng, người dân bản địa nơi đây đã khéo léo giữ chân du khách bằng loại rượu đặc biệt này, mà nhiều già làng gọi đó là “rượu của Yang”. Và mỗi du khách khi đến đây cũng đều có những ấn tượng rất tốt đẹp bởi sự hiếu khách và thứ rượu đặc biệt của người Cơ Tu.
Bùi Hữu Cường
đăng trong Dân Trí (27/04/2011)
No comments:
Post a Comment