Saturday, January 14, 2017

NGƯỜI TIỀU ĂN TẾT

Khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh vào năm 1679 - 1680 thì Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thắng Tài bỏ nước chạy định cư tại Gia Định, sau đó là Mạc Cửu đến Hà Tiên.


Nhóm “di thần nhà Minh” ở Việt Nam này lập ra 5 bang: Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam, nhưng đông nhất là 2 bang Quảng và Tiều. Người Quảng phần lớn là thương gia, mở tiệm nước, nhà hàng ở các thị xã và thành phố lớn. Còn số đông người Tiều thì ngụ cư bất cứ nơi nào có thể kiếm ra tiền.
Người Tiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sống chan hòa với cộng đồng người Kinh và Khmer, chủ yếu mở chành lúa, bán hàng xén, trồng rẫy. Họ lấy vợ người Việt, người Khmer, hòa nhập cùng các lễ tục của cộng đồng nhưng vẫn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.
Mỗi năm, cứ vào dịp gió bấc thổi, trong ba tuần lễ đầu tháng Chạp là người Tiều bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Mỗi gia đình chọn một ngày thuận tiện để làm lễ tạ ơn thần, cầu an, cầu phước tại chùa hoặc tại nhà. Lễ vật không thể thiếu trong ngày này là bánh hồng đào. Bánh hồng đào còn có tên gọi bánh lá liễu hoặc bánh ba góc. Đây là loại bánh được cách điệu từ quả đào tiên theo quan niệm của người Trung Quốc vốn tượng trưng cho sự trường thọ.


Ngày Đông chí, họ nấu nồi chè xôi nước. Cúng xong, cả nhà xúm xít ngồi ăn, gọi là “ăn ỷ” “chịu tuổi”, mừng năm mới. Trong ngày này, các cháu bé còn thích thú được ăn món “câu lâu chí” làm bằng nếp xay nấu chín, quết thật nhuyễn, viên từng viên cỡ đầu ngón tay cái, thấm dầu ăn, sắp vào dĩa rồi rắc đậu phộng rang đâm sơ, chan nước đường thắng sền sệt. Cái thứ bánh vừa ngọt đường, ngọt tinh bột, béo giòn đậu phộng ấy cứ quện chân răng khi nhai.
Cũng được ăn duy nhất trong năm, ngày 24 tháng Chạp âm lịch (không phải vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch như người Kinh) đưa ông Táo về trời, họ làm bánh củ cải cúng. Bánh mặn hoặc chay đều ngon vì lạ miệng. Càng ăn càng thích vì mỗi năm cũng chỉ được ăn một lần vào mấy ngày này.


Không như người Kinh chỉ dán cặp liễn đối trước cửa nhà, Tết đến, người Tiều dán khá nhiều liễn bên trong và bên ngoài nhà. Màu đỏ của liễn làm ấm áp không gian cư ngụ. Chữ trên liễn thường là những câu như: “Ngũ phúc lâm môn” (Năm phước vào cửa), “Long mã tinh thần” (Tinh thần rồng ngựa), “Xuất nhập bình an” (Vô ra bình an), “Vạn sự như ý” (Muôn việc đều như mong muốn)...
Tất cả các câu liễn này để tới cuối năm mới thay câu mới. Ngoài liễn, từ hơn nửa thế kỷ trước, người Tiều còn treo tranh Tết, gọi là “niên họa” - một loại hình nghệ thuật truyền thống của người Trung Quốc. Theo dân gian, niên họa có tác dụng trừ tà, chiêu phúc cầu tài, đồng thời cũng thể hiện ước mơ, khát vọng, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của người xưa.
Theo tư liệu, niên họa bắt nguồn từ tranh Môn thần thời Nghiêu Thuấn cổ xưa. Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng niên họa khởi phát từ thời Đường và thịnh hành vào thời Tống. Hiện nay, bức niên họa xưa nhất được tìm thấy thuộc thời Tống có tên là “Tứ mỹ đồ”, vẽ bốn người đẹp chim sa cá lặn nổi tiếng Trung Quốc là: Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến, Ban Cơ và Lục Châu.


Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là ý nghĩa tượng trưng của một số hình tượng trong niên họa cát tường, là: gà, voi, dê, nhện, hổ, dơi, diều, hươu nai, hạc, cá, lựu, bầu, hoa cúc, hoa mẫu đơn, tre trúc, kỳ lân, hoa sen... Tất cả đều mang ý nghĩa đẹp đẽ, viên mãn trong cuộc đời con người.
Ngày 30 hoặc 29 Tết (nếu là tháng thiếu) thì người Tiều dọn dẹp nhà cửa, rửa quét sân nhà sạch sẽ. Làm như vậy, họ còn nhằm áp dụng tục kiêng cữ không quét nhà trong ba ngày Tết. Bởi, họ cho rằng từ 11 giờ đêm 30 Tết (hoặc 29 Tết, tháng thiếu) cho đến hết ngày mùng 3 Tết, nếu quét nhà là “hất” thần Tài ra khỏi cửa, không nên.


Trong ba ngày này, vạn bất đắc dĩ phải quét nhà thì họ quét vào trong nhà và vun rác thành đống trong góc, như một cách tích tụ tài lộc trong suốt cả năm (ngày thường họ cũng quét nhà từ ngoài vào trong rồi mới hốt).
Cũng cùng một ý như vậy, từ sáng mùng một Tết cho đến hết ngày mùng ba Tết, mọi người trong gia đình không được làm điều xấu, cự cãi nhau, đánh nhau hoặc nói những điều không tốt đẹp. Tập tục này nhằm giúp con người hoàn thiện mình trong những ngày đầu năm mới, nhưng thực ra là muốn họ đẹp hơn trong cuộc sống suốt 365 ngày sắp tới.
Đêm trừ tịch, người Tiều bày mâm trái cây cùng bánh trái cúng đón giao thừa. Trong số trái cây đó, nhất thiết phải có trái quýt. Trái cây này tiếng Tiều đọc giống như “cát”, mang ý nghĩa cát tường tức may mắn, bởi họ quan niệm năm mới phải “ngọt ngào” mới tốt đẹp.


Lại nữa, vì “Tài thần thích ngọt” nên dù cúng trà cũng phải trà đường. Dù cúng kẹo bánh gì, nhất thiết phải có thèo lèo. Còn trái cây phải có dưa hấu vì họ quan niệm ruột dưa màu đỏ sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc suốt năm. Riêng hột dưa mang ý nghĩa “bách tử thiên tôn” (trăm con ngàn cháu).
Đặc biệt, giàu nghèo gì, trong nhà họ cũng phải có ổ bánh tổ. Bánh tổ làm bằng bột gạo, nếp và đường, đổ theo khuôn. Theo Hán tự, bánh này có bộ chữ “bộ bộ cao thắng”, nghĩa là mong cho cuộc làm ăn năm này qua năm khác phát triển.
Tiếng Hán còn gọi bánh tổ là “niên cao”, nghĩa là năm nay cao hơn năm trước, càng ngày càng phát triển. Người Tiều ngày Tết còn hay cúng lẩu cá. Cá tiếng Hán phát âm giống như “dư”, hàm ý dư dả cả năm.


Cũng trong đêm thiêng liêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới, người Tiều đổ xô đến các chùa Ông Bổn, chùa Bà Thiên Hậu (còn gọi Bà Mã Châu) hoặc chùa Phật Bắc tông để cầu xin tài lộc và phúc đức trọn năm cho gia đình.
Sáng mùng một Tết cả nhà xúm xít quanh ông bà, cha mẹ để chúc Tết. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì”. Trong sáng sớm đầu năm này, đoàn hát rong vài ba người tay xách nách mang trống, kèn, chập chã, song lan đi dài theo các phố. Gia đình nào cũng hớn hở mời họ vào nhà.
Thế là tiếng đờn lời ca réo rắt vang lên thật rôm rả, vui tai, đúng như tên gọi của ban hát: “Xung hỉ” (vui vẻ ngày xuân). Tùy theo số tiền gia chủ lì xì mà họ hát bài dài hay ngắn, nhiều hay ít. Tiếc thay, không biết các ban hát này “hồn ở đâu bây giờ”?

Mùng hai Tết, như thông lệ mỗi tháng 2 lần (mùng hai, 16 âm lịch), họ cúng “mừng kha” (cô hồn). Ngày thường có gì cúng nấy (qua loa vài cái bánh in, bánh men...) nhưng ngày Tết nhà giàu thì cúng gà, vịt, còn nghèo thì cúng thèo lèo cứt chuột cho đậm đà phong vị ngày xuân. Cúng xong, họ vãi muối gạo khắp bốn hướng nhằm xua đuổi tà ma, mong nhà cửa được bình an, tốt đẹp...
Ăn Tết, trong khi người Quảng cữ thịt vịt vì sợ tiếng kêu “cạp cạp” của nó khiến quanh năm làm ăn không khá thì người Tiều lại thích làm món vịt ram như thứ đồ khô để ăn dần. Vịt lựa con mập, lớn, đem luộc rồi chặt từng miếng vừa ăn, ram trong chảo mỡ sôi. Khi mỡ rút vào thịt vịt thì nhấc xuống, rắc muối hột, xốc đều, để nguội, cho vô thố lớn. Nước luộc vịt được tận dụng nấu xôi ăn với vịt ram tưởng không gì khoái khẩu bằng.


Chiều 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng thiếu, cúng đón ông bà) cũng như mùng ba Tết (cúng tất, tiễn ông bà), họ nấu rất nhiều món, nào canh, cù lao, xào, luộc, nướng, kho, bày ê hề trên bàn thờ gia tiên.
Cúng xong, cả nhà xúm xít ăn. Ăn không hết, tất cả các món đó cho vô nồi bự, nêm “cứng” muối, để dành ăn nhiều ngày, gọi là “xào bần”. Đây là loại canh độc đáo vừa ngon vừa tiết kiệm, mỗi năm chỉ được ăn vào ngày Tết hoặc giỗ chạp.
Bài: Phù Sa Lộc
(theo mạng TNO)

No comments: