HẦU CHUYỆN CỤ MẠNH
Không phải cụ Nông Đức Mạnh đâu mà cụ Mạnh Tử.
Số là đọc Mạnh tử trong Tứ thư hay quá, đêm nằm tơ tưởng đến cụ, y như cụ hiện về, áo mủ cân đai nghiêm chỉnh lắm.
Bu: Thưa thầy lâu nay con ít vào đọc thầy, mong thầy đại xá cho.
Thầy Mạnh: Ta biết, người đời dở sách Tứ thư ra bao giờ cũng đọc xuôi Khổng tử trước, thứ đến Trung dung và Đại học. Ta nằm cuối sách nên thiên hạ dễ quên. Mấy hôm nay thấy con đọc ngược sách Tứ thư, ta vui lắm nên mới về đây.
Bu: Dạ, con đội ơn thầy và xin hỏi thầy vài việc hơi có tính nhạy cảm, chẳng hay thầy có giải thích cho không.
Thầy Mạnh: (cười hơ hơ) Nhạy cảm đối với người Dương gian thôi, còn ta, dân Địa phủ không có gì đáng gọi là nhạy cảm cả.
Bu: Dạ con nói thế là vì sợ. Đám thảo dân như con hể đụng chuyện thế thái nhân tình là sợ. Không khéo tai bay vạ gió như chơi.
Thầy Mạnh: Không sao, đã là Đại trượng phu thì uy vũ bất năng khuất, con cứ nói.
Bu: Thưa thầy, trong “Tận tâm chương cú hạ” thầy có viết: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Thầy Mạnh: Đúng, ta có viết thế, con hiểu câu ấy như thế nào.
Bu : Dạ, các học giả nước con mỗi người dịch một kiểu, thành ra đa thư loạn mục. Con hiểu nôm na: Dân số 1, xã tắc số 2, vua số 3.
Thầy Mạnh (cười hi hi): Được lắm, con hiểu thế là phải. Mà này, những từ tổng thống, tổng bí thư, ta nghe lạ lẫm quá, con cứ gọi vua cho dễ hiểu.
Bu: Vâng, vua xứ con có lẽ cũng nhận thức được “dân vi quý” nên đưa ra phương châm “Lấy dân làm gốc”.
Thầy Mạnh: (nghiêm nghị) Nói lấy dân là đứng trên dân. Người chủ trương lấy dân hay không lấy dân mới là số 1. Dân lui xuống số 2 rồi.
Bu: Thưa thầy, dân nước con được triều đình tôn vinh bằng tám từ nghe màu mè lắm.
Thầy mạnh: Tám từ thế nào con nói ta nghe coi.
Bu: Dạ, “dân biết , dân bàn , dân làm, dân kiểm tra”.
Thầy Mạnh: Vậy ta hỏi, làm dân như con có biết được những gì người dân cần phải biết không?
Thưa thầy, vừa có lại vừa… không ạ.
Thầy Mạnh (nhíu lông mày) Con nói rõ xem nào.
Bu: Chẳng hạn vừa rồi vua nước con sang thăm Hoa Kì, một nước vốn là cừu thù không đội trời chung với nước con. Thấy hai vua đi những đâu, bàn thảo với nhau những gì, thì phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo mạng, nói vanh vách cho dân biết. Nhưng hồi 3.9.1990 vua và tể tướng nước con sang thăm Tàu, là một nước anh em đồng chí môi hở răng lạnh. Nhưng triều thần hai bên họp nhau ở Thành Đô ra tuyên bố chung nói những gì, suốt hai mươi lăm năn nay dân nước con mù tịt, không hay biết gì cả.
Thầy Mạnh: (trầm ngâm) Cũng lạ. Ngồi với cừu thù thi công khai, ngồi với anh em lại tuyệt mật.
Bu: Thưa thầy, chiều 5.6.2015 dân nước con hăm hở ngồi trước máy truyền hình để nghe Quốc Hội báo cáo về vấn đề biển Đông đang bị nhà cầm quyền nước Tàu xâm lấn, nhưng hởi ôi, Quốc hội họp kín.
Thầy Mạnh: Họp kín tức là dân không biết. Đã không biết thì dân không bàn, không làm, không kiểm tra được. Hóa ra tám cái chữ con cho là màu mè kia chỉ là cái bánh vẽ thôi sao?
Bu: Dạ, vụ bánh vẽ này thì đến như ông quan văn họ Chế nước con còn phải ăn chớ nói chi đám dân đen ạ.
Thầy Mạnh: Ông quan văn ăn bánh vẽ làm sao con.
Bu: Dạ, con đọc bài thơ “Bánh vẽ” của ông ta cho thấy nghe luôn:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Thầy Mạnh: Cả một dân tộc xơi bánh vẽ. Ta cũng bó tay, không biết nói gì thêm nữa.
(Thầy vẩy tay và biến vào khoảng không, bu tui trơ khấc lại một mình... huhu !!)
Bulukhin Nguyễn (13/08/2015)
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment