“Tam quốc chí” trình bày bức tranh đầy rẫy những sự tạo phản, phân chia, chiến tranh tương tàn giữa các chư hầu từ thời vua Thiếu đế (Lưu Biện) và Hiến đế (Lưu Hiệp) thời hậu Hán đến Tam quốc phân tranh và kết thúc bằng nhà Tấn (280) (triều Tư Mã Viêm – tướng ngụy) có công thống nhất toàn cõi Trung Hoa cuối thế kỉ thứ ba.
Trong cảnh chiến tranh giữa ba triều Thục, Ngô, Ngụy làm nỗi bật lên những con người mà sự ham mê quyền lực, sự thách đố về trí tuệ cũng như các gương trung liệt nghĩa khí trở thành những bài học có giá trị cho người đời sau nghiền ngẫm, đánh giá.
Hoa Đà là một thần y chữa bệnh cứu người chứ không phải chữa bệnh vì mưu cầu lợi ích.
Ông đã chữa bệnh cho Vân Trường và Tào Tháo, hai nhân vật nổi tiếng thời đại tranh hùng xưng bá, mỗi người mỗi tính cách, đối nghịch nhau.
Chúng ta hãy xem Hoa Đà chữa bệnh cho Vân Trường và Tào Tháo như thế nào.
A. Với Vân Trường
Vân Trường trong khi vây đánh Phàn Thành, bị tên của lính Phàn Thành bắn bị thương nặng do tên có tẩm độc. Vân Trường cho người mời lương y để điều trị.
Một hôm có người đầu bịt khăn vuông, tay xách cái đẫy, xưng tên là Hoa Đà, tình nguyện đến chữa cho Vân Trường do ái mộ Vân Trường.
Sau khi xem vết thương xong, Hoa Đà nói:
- Vết thương đã bị chất độc ngấm thấu xương. Nếu không chữa trị cho sớm, cánh tay sẽ trờ thành vô dụng.
Quan Công hỏi:
- Bây giờ phải dùng thuốc gì để trị?
Hoa Đà nói:
- Phải chọn chỗ vắng vẻ, trồng một cây trụ cho chắc, để cột tướng quân vào đó, nhất là phải bịt mắt tướng quân lại để khỏi thấy tôi làm, như thế mới chữa trị được.
- Tại sao phải làm như vậy?
- Tôi phải lóc thịt, nạo xương cho hết chất độc. Nếu không làm thế, tướng quân sẽ không chịu nỗi.
Quan Công cười lớn:
- Có chi mà chịu không nổi.
Mặc cho Hoa Đà nói, Vân Trường cương quyết bảo hãy cứ mỗ, không sợ gì. Cuối cùng Hoa Đà phải nói:
- Nếu vậy ngài nên chú ý vào một việc gì để quên đi.
Quan Công bật cười, sai bày bàn cờ ra, rồi ngồi đối diện với Mã Lương, mắt chăm chú nhìn bàn cờ, tay trái đánh cờ, tay phải đưa cho Hoa Đà mỗ.
Hoa Đà tiến hành ca mỗ, Vân Trường mặt thản nhiên, không lộ vẻ đau đớn gì cả. Hoa Đà thất kinh nói với chư tướng:
- Tôi chưa bao giờ thấy một ai dũng cảm như thế. Thật lời đồn không sai.
Mỗ xong, Hoa Đà lấy chỉ khâu lại. Quan Công đứng dậy cười nói:
- Cánh tay bây giờ đã hết đau. Co giãn được như thường. Tiên sinh đúng là vị thần y đó.
Hoa Đà nói :
- Vết thương tuy hết đau, nhưng tướng công phải dưỡng sức, không nên giận dữ.
Quan Công đem một trăm lạng vàng ra tạ ơn, nhưng Hoa Đà từ chối và nói :
- Tôi nghe tướng công là người trung nghĩa nên đến chữa bệnh, mục đích không phải là để lấy vàng bạc, xin ngài chớ nhọc lòng.
Nói rồi từ giã ra đi.
B. Với Tào Tháo
Tào Tháo bị bệnh đau đầu, thuốc men mãi vẫn không khỏi, có người giới thiệu Hoa Đà. Tào Tháo y lời cho người tìm.
Cách vài hôm sau, Hoa Đà tới xem mạch rồi nói với Tào Tháo :
- Đại vương đau đây bởi chứng phong mà ra. Phong dồn lên óc nên mới đau thế này. Tôi sẽ cho Đại vương uống một thang thuốc tên là Ma phế, rồi dùng búa bửa óc ra, nạo cho hết chất độc mới lành được.
Tào Tháo nghe nói thất kinh :
- Ngươi muốn hại ta chăng ?
Hoa Đà cười :
- Đại vương không nghe Quan Công bị thương nơi cánh tay sao ? Tôi mỗ ra, lấy dao, nạo xương, lấy độc mà Quan Công vẫn không hề sợ sệt. Đại vương chỉ đau nhẹ một chút có gì mà phải sợ ?
Tào Tháo nói :
- Tay có thể mỗ được, chứ óc làm sao bửa ra được. Người này ắt là của Vân Trường đến đây hại ta đó.
Nói xong truyền đem giam vào ngục.
Mọi người ra sức can ngăn nhưng Tào Tháo không nghe. Giả Hủ nói :
- Một thầy thuốc giỏi như thế trên đời có một không hai. Đại vương chớ nên giết.
Tháo nói :
- Thằng ấy chỉ thừa cơ hại ta mà thôi.
Lúc ấy có một cai ngục họ Ngô, thường gọi là Ngô Áp ngục, thấy Hoa Đà động lòng thương, thường đem rượu thịt đến cho Hoa Đà ăn. Hoa Đà cảm nghĩa ấy cho nên một hôm nói :
- Đời ta chỉ biết cứu người, chưa bao giờ hại một ai, nay gặp kẻ có quyền uy mà nghi ngờ như vậy, chắc ta khó sống. Vậy ta có quyển sách gọi là « thần y thơ », ta tặng cho ngươi để thay ta cứu người.
Ngô Áp ngục mừng rỡ nói :
- Nếu có được bộ sách ấy, tôi sẽ bỏ nghề này để cứu nhân độ thế, truyền cái đức của Tiên sinh lại cho tôi.
Cách vài hôm sau Hoa Đà chết trong ngục. Ngô Áp ngục mua sắm quan tài, tẩm liệm Hoa Đà tử tế. Chôn cất xong Ngô Áp ngục trở về nhà. Mong đem bộ sách ra học để làm thầy thuốc, không ngờ khi về đến cổng thấy người vợ đem sách ra đốt. Ngô chạy vội đến để giằng lại nhưng chỉ còn vài tờ.
Ngô tức giận mắng vợ :
- Tại sao lại đốt sách quý ?
Người vợ nói :
- Dù có học được cái nghề thần diệu như Hoa Đà cũng chết trong ngục mà thôi. Vậy học mà làm gì ?
Ngô tiếc sách thở vắn than dài hoài. Vì vậy sách thánh nang không được truyền lại cho hậu thế.
Tào Tháo sau khi giết Hoa Đà bệnh mỗi ngày nặng thêm. Liền cho gọi hết các quan văn vỏ đến bên giường gửi gắm con cái, rồi sai người hầu cận lấy hết vật quý ra, tự tay phân phát cho các thị thiếp và dặn :
- Một mai ta chết rồi, các người ở Đồng tước đài ngày đêm dâng hương, ca hát thật đông, phải kiếm thêm vài con ca nhi thật đẹp, dâng cơm, dâng rượu.
Không quên dặn Tào Phi :
- Ta chết rồi, con nhớ làm 72 cái mả giống nhau, để người đời sau không biết mả nào là của ta mà quấy phá được.
C. Nhận xét :
1. Khí phách Quan Vân Trường đã thắng những đau đớn của thể xác. Sự đau đớn của thể xác là vô nghĩa so với danh dự con người.
Chỉ có danh dự con người khi bị đánh mất mới là đau khổ. Danh dự gắn liền với khí phách, với đạo hạnh của con người. Vân Trường là một dũng tướng, cũng trãi qua nhiều chiến trận, cũng sát hại nhiều người nhưng lương tâm lúc nào cũng bình yên, thanh thản vì hành động ấy của Vân Trường đều vì đạo nghĩa, đem cuộc sống của mình chiến đấu cho đạo nghĩa.
2. Tào Tháo lúc nào cũng nơm nớp , lo sợ người ta mưu hại mình, đa nghi đến nỗi giết chết kẻ đến chứa bệnh cho mình.
Như vậy lương tâm Tào Tháo chứa đầy những phản trắc, mưu đồ mà ngày thường Tào Tháo đã hành động. Cái đạo đức của con người là vị tha. Hướng tới người khác, hành thiện vì người khác. Tào Tháo là điển hình của thói vị kỉ, chỉ nghĩ đến mình và xem mọi người là phương tiện cho sự vun xén, thói hưởng thụ bất kể mưu mô thủ đoạn.
Tục ngữ có câu : « Con chim trước khi chết kêu tiếng thánh thót. Con người trước khi chết nói lời ngay thật »
Nhưng với Tào Tháo, cho đến lúc chết cũng còn tham vọng, vị kỉ, mơ màng đến gái đẹp, hầu non dâng cơm, dâng rượu, đến nổi sợ người đời phá mồ mã, phải tìm cách đề phòng.
Lòng tham của con người không đáy. Tào Tháo đã hưởng cao sang đến tuyệt đỉnh vương hầu mà tình thương không bằng một tên quân gác ngục.
3. Tên gác ngục họ Ngô, cuộc đời chỉ ước mong có được cuốn thánh nang của Hoa Đà để cứu nhân độ thế, để cứu cái đau khổ cho mọi người.
Như vậy đạo đức, lòng thương người, bản tính vị tha, ...những cái cao đẹp đó, không phải ở chỗ sang giàu, mà nó ở trong lương tâm của kẻ hướng thiện.
Vợ của chàng họ Ngô đốt sách quý, không cho chồng làm thầy thuốc, là thái độ bất mãn với cuộc sống, bất mãn với tình đời, phẩn uất với những kẻ bạc ác trong xã hội.
(Phỏng theo Luận cổ suy kim – Mộng Bình Sơn)
No comments:
Post a Comment